“Oan sai” là khái niệm không mới với hoạt động tố tụng. “Bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai” cũng là thuật ngữ quen thuộc trong nhà nước pháp quyền, biểu hiện của công bằng xã hội, cơ sở bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Hiện nay, bồi thường oan sai không phải là sự áp đặt hoặc sao chép máy móc tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác mà phải được thực hiện theo thông lệ hay trên cơ sở những định chế toàn diện – hệ thống, vừa đầy đủ nguyên tắc của việc bồi thường, vừa đảm bảo tuân theo một trình tự thủ tục chặt chẽ nhất định.
1. Oan, sai và quyền được bồi thường oan sai trong tố tụng
Theo Từ điển tiếng Việt, “oan” là “bị qui cho tội mà bản thân không phạm, phải chịu sự trừng phạt mà bản thân không đáng phải chịu”. Còn “sai” được hiểu là “không đúng, không phù hợp với lẽ phải”1. Trong tố tụng hình sự, một người được coi là “oan” khi bản thân họ không phạm tội nhưng các cơ quan tư pháp xác định họ phạm tội và thực hiện các biện pháp tố tụng gây tổn hại về mặt vật chất, tinh thần với họ. Còn “sai” trong tố tụng thường thể hiện qua nhiều cấp độ. Người được coi là bị truy tố xét xử sai khi cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án thiếu khách quan mà hậu quả cuối cùng là người bị truy tố xét xử sai phải gánh chịu những tổn hại nhất định. Việc tiên lượng đánh giá bồi thường thiệt hại do hành vi sai trái của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra vì vậy cần có sự cân nhắc. Tuy nhiên, điều ai cũng biết là oan, sai không phải là hiện tượng cá biệt. Mọi quốc gia, mọi nơi trên thế giới này, đâu cũng có oan, sai – cho dù nền tư pháp của một nước yếu kém hay phát triển. Bởi theo như đánh giá của giới chuyên môn thì “không một thiết chế nào của con người có thể miễn dịch hoàn toàn với sai lầm. Vì rằng sai lầm nằm trong bản tính con người” 2.
Thật vậy, cho dù câu nói “Thế gian chẳng ít thì nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai” của người xưa vẫn còn đó với ngụ ý vẻ như ở đời thật khó có chỗ cho hai chữ “oan, sai”. Thế nhưng“oan, sai” vẫn song hành trên “con đường tố tụng”. Và để bù đắp thiệt hại oan, sai, Điều 9 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, khoản 6 Điều 14 Công ước Dân sự chính trị nêu rõ: “Các nạn nhân trong những vụ bắt giữ và giam cầm trái phép có quyền được Chính phủ bồi thường thiệt hại”. Xuất phát từ cơ sở kinh tế, đặc điểm xã hội và từ những cách tiếp cận khác nhau, nhiều quốc gia cũng đưa ra các thể chế bảo vệ quyền được bồi thường phát sinh trong hoạt động tố tụng. Ở một số nước theo hệ thống thông luật như Anh, Mỹ, dù việc bồi thường oan, sai không được pháp điển hoá bằng văn bản cụ thể song vẫn được thực hiện trên cơ sở án lệ hay từ cam kết của cơ quan có thẩm quyền (Ví dụ: căn cứ vào cam kết của Bộ trưởng Bộ nội vụ trước Hạ viện Anh từ năm 1985, người bị giam giữ oan, sai ở Anh hiện vẫn có thể kiện đòi bồi thường). Mới đây, tháng 5/2005, báo VnExpress lại đưa tin một công dân Trung Quốc vừa đệ đơn đòi cơ quan chức năng phải chính thức xin lỗi và bồi thường cho 11 năm ngồi tù của mình. Theo luật định, người từng chịu oan ức này có thể được khôi phục tinh thần và được bù đắp vật chất khoảng 256.000 NDT. Tại Nhật Bản, bồi thường thiệt hại do oan, sai được xét trên cả hai yếu tố: vật chất lẫn tinh thần. Tòa án khi quyết định mức bồi thường phải “xem xét tính chất và thời gian người được bồi thường thiệt hại bị giam giữ; những thiệt hại về tài sản, về lợi ích kinh tế; những tổn thương về thể chất và tinh thần” (khoản 4 Điều 4 Luật Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự Nhật Bản).
Cách đây gần 6 thế kỷ, nguyên tắc điều tra xét xử tránh gây oan, sai đã được quy định trong pháp luật nước ta. Điều 667 Bộ luật Hồng Đức nêu rõ: “Khi lấy khẩu cung người phạm tội, quan tra án phải xem xét kỹ tìm ra sự thật, để cho kẻ phạm phải nhận tội, không được hỏi quá rộng đến cả người ngoài để tìm chứng cứ bậy”. Còn “quan xét án… tìm việc khác để buộc tội người thì xử là cố ý bắt tội người” (Điều 670). Cũng theo Bộ luật Hồng Đức, “Những quan ty làm việc có điều lầm lỗi, sự tình đã rõ ràng mà không chịu phục tình tạ lỗi, lại còn dối trá che đậy, xét tội nhẹ thì thì xử biếm hay tội đồ, nặng thì xử lưu” (Điều 237). Kế thừa và phát huy tư tưởng văn minh đó, pháp luật hiện đại tiếp tục xây dựng những nguyên tắc tiến bộ nhằm bảo đảm quyền được bồi thường do hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra. Điều 72 Hiến pháp 1992 ghi nhận: “Người bị bắt, bị giam giữ, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự”. Trong tố tụng hình sự, quyền được bồi thường cho người bị truy tố, xét xử oan cũng được ghi nhận bằng nguyên tắc độc lập. Theo đó, “người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi” (Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự). Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng nêu rõ: cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và có quyền yêu cầu người đã gây thiệt hại hoàn trả khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường.Đặc biệt, Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH ngày 17/03/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (gọi tắt là Nghị quyết 388) và Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP-BTC ngày 25/03/2004 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành một số qui định của Nghị quyết 388 (gọi tắt là Thông tư 01) ra đời đánh dấu thêm bước tiến mới trong lý luận bồi thường thiệt hại. Đối tượng được bồi thường, tiêu chí xác định thiệt hại và mức bồi thường, kinh phí, cơ quan có trách nhiệm bồi thường và đặc biệt là nguyên tắc và trình tự thủ tục bồi thường được qui định cụ thể theo hướng bảo đảm quyền con người, thể hiện ngày một đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước trước công dân.
2. Nguyên tắc, thủ tục bồi thường thiệt hại
2.1 Nguyên tắc bồi thường
Nghiên cứu án lệ và văn bản pháp luật các nước có thể thấy giới hạn thiệt hại bồi thường do hoạt động tố tụng gây ra đa phần được xác định gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Gần đây, do tính bất hợp lý của nguyên tắc “miễn trừ quốc gia” – nguyên tắc có nội dung xác định nhà nước không phải là bị đơn trong vụ kiện yêu cầu bồi thường do hành vi của nhân viên mình gây ra khi thi hành công vụ – ngày càng ít được vận dụng. Thay vào đó, “Thuyết trách nhiệm đại diện” được nhiều nước lưu tâm. Theo đó nhân viên nhà nước khi thực hiện chức phận của mình mà gây tổn hại thì phải chịu trách nhiệm bồi hoàn. Tuy nhiên, nhà nước được coi là chủ thể “đại diện” đứng ra chi trả bồi thường sau đó yêu cầu người trực tiếp gây tổn hại hoàn trả. Mục đích của qui định này nhằm ngăn chặn tình trạng lạm quyền, nâng cao trách nhiệm, phát huy tính tích cực chủ động của cá nhân đồng thời bảo đảm cho việc giải quyết bồi thường kịp thời, nhanh chóng.
Ở nước ta, bồi thường thiệt hại cho người bị oan cũng xuất phát từ nguyên tắc và ý nghĩa đó. Theo Điều 3 Nghị quyết 388 và khoản 1 mục 3 Thông tư liên tịch 01 thì bồi thường thiệt hại do hoạt động tố tụng gây ra phải đảm bảo các tiêu chí :
– Kịp thời, công khai, đúng pháp luật;
– Tạo điều kiện thuận lợi để người bị oan, thân nhân người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền được bồi thường của mình;
– Việc bồi thường trước hết phải được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị oan, thân nhân người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ. Khi thương lượng không thành, người bị oan có quyền khởi kiện ra tòa để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự;
– Cơ quan tố tụng nào gây oan thì cơ quan đó có trách nhiệm chủ động giải quyết bồi thường. Kinh phí bồi thường trích từ ngân sách nhà nước và người trực tiếp gây thiệt hại phải có nghĩa vụ hoàn trả;
– Bảo đảm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo luật định, bao gồm cả thiệt hại vật chất lẫn thiệt hại tinh thần. Về tinh thần, người bị oan được khôi phục danh dự, được xin lỗi cải chính công khai. Khi nhân thân bị xâm hại như tự do bị hạn chế, sức khỏe bị tổn hại thì được bồi thường bằng tiền theo mức lương tối thiểu (1 ngày tù bằng 3 ngày lương; người bị oan chết: người thân của họ được bồi thường 360 tháng lương; oan khác: 1 ngày oan bằng 1 ngày lương). Với thiệt hại vật chất thì xác định theo từng trường hợp như khi người bị oan chết, khi người bị oan bị tổn hại sức khỏe, khi tài sản người bị oan bị xâm hại hoặc khi thu nhập thực tế của họ bị mất.
2.2 Trình tự, thủ tục bồi thường
Mỗi một quốc gia trên thế giới có một cách giải quyết bồi thường oan, sai song đa phần trình tự thủ tục bồi thường được xác định theo hướng giản đơn, thời hiệu ngắn. Luật pháp Đức qui định trong thời hạn 6 tháng khi có quyết định hoặc bản án của Tòa, người bị hại có quyền gửi đơn đến Bộ Xã hội yêu cầu giải quyết bồi thường. Và để bảo đảm công bằng, khách quan, luật pháp nhiều nước trao thẩm quyền giải quyết bồi thường do hoạt động tố tụng gây ra cho một cơ quan độc lập.
Ở Bỉ và Tây Ban Nha, cơ quan giải quyết bồi thường thuộc về Bộ tư pháp. Tại Pháp, vấn đề này được tiến hành theo trình tự đặc biệt và thuộc thẩm quyền của Phòng hình sự Tòa phá án. Riêng tại Thụy Điển, Văn phòng bồi thường thiệt hại với gần 10 luật sư, một số cán bộ quản lý và cán bộ giúp việc được thành lập để thực hiện chuyên trách của mình3.
Ở nước ta, cùng với Hiến pháp, các Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản pháp luật hiện hành đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản xác định trình tự thủ tục khôi phục danh dự và thủ tục bồi thường thiệt hại do hoạt động tố tụng gây ra. Phương thức, kinh phí bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường cũng được qui định cụ thể. Nghị định 47/CP ngày 03/05/1997 quy định rõ khi người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu, trong thời hạn 15 ngày, thủ trưởng có thẩm quyền lập Hội đồng xem xét đánh giá và kiến nghị mức bồi thường gửi Thủ trưởng cơ quan tố tụng quyết định. Việc giải quyết bồi thường phải được tiến hành trong thời hạn 45 ngày kể từ khi nhận được đơn yêu cầu. Điều 14, 15, 16 Nghị định cũng nêu rõ người tiến hành tố tụng gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả phí bồi thường cho Nhà nước kể từ ngày có quyết định hoàn trả hoặc trừ dần vào lương với mức không quá 30% và không dưới 10% tổng thu nhập lương và phụ cấp hàng tháng.
Kể từ khi có Nghị quyết 388 và Thông tư liên tịch 01 hướng dẫn thi hành đến nay, trình tự thủ tục giải quyết bồi thường cho người bị oan từng bước được đơn giản hoá, nhiều vụ việc được giải quyết kịp thời, giảm phiền hà cho dân. Theo qui định hiện hành thì kể từ ngày nhận được bản án hoặc quyết định có hiệu lực xác định một người bị oan, trong thời một tháng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành xin lỗi và cải chính công khai trên báo chí (3 số liên tiếp, trừ trường hợp người bị oan yêu cầu không đăng báo, khoản 1 mục V Thông tư 01). Việc bồi thường thiệt hại vật chất trước hết phải được thông qua thương lượng giữa các bên. Và để được bồi thường, người bị oan phải làm đơn yêu cầu, phải trình “các chứng từ hợp lệ về các chi phí hợp lệ, về thu nhập” để cơ quan tố tụng lấy đó làm cơ sở giải quyết bồi thường.
3. Vướng mắc trong quá trình áp dụng và hướng tháo gỡ
Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực và sự chuyển biến khả quan của việc áp dụng các nguyên tắc, thủ tục bồi thường cho người bị oan trong thực tiễn. Những lời xin lỗi đã đến với dân, những giá trị vật chất được đền bù… bù đắp phần nào những tổn thất mà nhiều người bao năm gánh chịu.
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là lý luận cũng như thực tiễn bồi thường thiệt hại do hoạt động tố tụng gây ra đã đang bộc lộ nhiều bất cập. Từ khi có Nghị quyết 388 về bồi thường cho người bị oan và Thông tư 01 hướng dẫn thi hành đến nay, việc giải quyết bồi hoàn chủ yếu mới dừng ở việc công khai xin lỗi khôi phục danh dự, còn bồi thường vật chất vẫn gặp nhiều khó khăn. Thương thuyết bồi thường hiện còn nhiều trở lực. Chất lượng, tốc độ bồi thường hạn chế. Báo cáo của ngành tư pháp tại phiên họp thứ 6 Quốc hội khóa XI cho thấy chỉ riêng năm 2004, Công an đã đình chỉ điều tra 950 vụ với 1.262 bị can (có 125 bị can không phạm tội). Cơ quan công tố đình chỉ điều tra 665 vụ với 1.394 bị can (có 108 bị can không phạm tội). Riêng ngành Tòa án từ 01/10/2003 đến 31/8/2004 đã có tới 8.500 bản án hoặc quyết định bị sửa, hơn 2.000 bản án, quyết định bị huỷ. Song điều nghịch lý là tính đến cuối năm 2004, Tòa án các cấp mới nhận được 28 đơn yêu cầu bồi thường, hòa giải thành 9 trường hợp, bồi thường 631 triệu đồng. Còn với Viện kiểm sát, trả lời phỏng vấn báo giới nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ngành mới đây, Viện trưởng Viện KSNDTC Hà Mạnh Trí cho biết tính đến nay (cuối tháng 7/2005), Viện kiểm sát các cấp mới nhận 53 đơn yêu cầu bồi thường, xử lý dứt điểm được 33 trường hợp. Rõ ràng là với thực trạng oan, sai chưa có điểm dừng như hiện nay thì những con số trên cho thấy việc khôi phục thiệt thòi cho người bị oan mới đạt ở mức rất khiêm tốn. Đó là chưa kể có không ít trường hợp bị truy tố xét xử sai không được bồi thường vì vấn đề chưa được dự liệu bằng qui phạm cụ thể. Nhiều vụ tiếp tục kéo dài do thương lượng bất thành và các bên lại phải tốn thêm thời gian sức lực cho vụ kiện .
Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng? Câu giải đáp trước tiên nằm ở khâu lý luận bồi thường oan, sai. Điều dễ nhận thấy là hiện nay, qui định về nguyên tắc và trình tự thủ tục bồi thường chưa giải quyết hết các đặc thù từng trường hợp oan, sai. Đến nay, Nghị quyết 388 chỉ mới là cơ sở để giải quyết các trường hợp oan, còn những đối tượng bị truy tố xét xử sai hiện vẫn còn “bỏ ngõ”, chưa có văn bản nào cụ thể hóa. Hay như nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả được đặt ra từ lâu nhưng chưa thấy Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện. Các chi phí thực tế bồi thường cho người bị oan chưa bao quát, chưa dự liệu đầy đủ (ví dụ phí thăm nuôi người bị oan trong thời gian họ bị tạm giam, tạm giữ; phí thuê luật sư bảo vệ quyền lợi…) gây thiệt thòi cho người bị oan. Bên cạnh đó, tính khách quan trong quá trình bồi thường chưa được đảm bảo do cơ quan giải quyết lại chính là một “mắt xích” trong hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng. Lại có tình trạng cán bộ, cơ quan tố tụng do lo lắng phải bồi thường nên không thẳng thắn thừa nhận sửa sai, cứng nhắc khi thực hiện bồi thường. Sự thiếu hụt nhân lực cũng như sự hạn chế về chất cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý vụ việc5… Tất cả tạo trở lực cho ngành tư pháp và đặt ra những vấn đề nan giải cho việc bồi thường oan, sai.
Trong điều kiện hiện nay, để hoàn thiện chế định bồi thường, nhất là nguyên tắc thủ tục bồi thường oan, sai cả về lý luận cũng như thực tiễn, thiết nghĩ cần làm tốt các nội dung sau:
– Về nghĩa vụ hoàn trả: Bổ sung và qui định rõ theo hướng cán bộ trực tiếp gây oan, sai sẽ bị xử lý hành chính, hình sự và phải có nghĩa vụ bồi hoàn công quĩ cho Nhà nước tùy tính chất, mức độ sai phạm. Thực ra nguyên tắc này được quy định tại chương 2 Nghị định 47/CP và tại mục 5, Điều 16, 17 Nghị quyết 388. Tuy nhiên vấn đề này chưa được Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện đề cập tới. Và trên thực tế, trách nhiệm bồi hoàn hiện vẫn bộc lộ nhiều trì trệ, nếu không nói là nhiều nơi còn buông lỏng. Xác định rạch ròi trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ hoặc một phần tài sản và các trách nhiệm khác nếu cótùy thuộc vào mức độ lỗi của người trực tiếp gây tổn hại vừa có ý nghĩa đề cao trách nhiệm cá nhân, vừa góp phần ngăn ngừa oan, sai trong tố tụng.
– Về cơ quan giải quyết bồi thường: Xúc tiến thành lập cơ quan chuyên môn giải quyết bồi thường thiệt hại. Kinh nghiệm một số nước như Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha cho thấy việc thương thuyết bồi thường do hoạt động tố tụng gây ra thường do một cơ quan chuyên môn đảm trách. Các cơ quan này vừa quản lý nguồn quỹ bồi thường oan, sai lại vừa có trách nhiệm giải quyết bồi thường xảy ra trong thực tế. Ở nước ta, việc giao cho cơ quan đã gây oan, sai đứng ra thương thuyết bồi thường, trao thẩm quyền giải quyết khiếu kiện bồi thường cho Tòa án như hiện nay – thiết nghĩ – sẽ làm cho nguyên tắc khách quan, minh bạch trong bồi thường “lệch hướng” và phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều vụ bồi thường thiệt hại kéo dài? Bởi vậy, như quan điểm một số nhà chuyên môn6, chúng tôi cho rằng việc lập cơ quan độc lập với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử để giải quyết bồi thường cho người bị oan trong điều kiện hiện nay là cần thiết (Riêng cơ quan tố tụng nào gây oan, sai vẫn phải tiến hành thủ tục xin lỗi cải chính và nên chăng hình thành một quỹ bồi thường tại Bộ Tài chính, các Sở Tài chính và giao trách nhiệm thương thuyết, giải quyết bồi thường cho các bộ phận chuyên môn ở những cơ quan này?) vì đây là cơ sở bảo đảm tính công minh, vừa là tiêu chuẩn quyết định hiệu quả giải quyết vụ việc một cách khách quan, hiệu quả.
– Về chứng cứ bồi thường: Cần qui định theo hướng giản đơn, thuận tiện và thực tiễn phải được đánh giá toàn diện, khách quan, có tình có lý, tránh gây thêm thiệt thòi cho người bị hại. Nên chăng không cứng nhắc qui định “Các chứng từ hợp lệ và các khoản chi phí hợp lệ, về thu nhập của người bị oan trước khi bị tạm giam, tạm giữ hoặc chấp hành hình phạt tù” là điều kiện thủ tục “cần phải có” ( theo khoản c, mục 2, phần V Thông tư 01) trong mọi trường hợp giải quyết bồi thường vì rằng trong nhiều trường hợp, thiệt hại thực tế là có thật song do nhiều yếu tố khách quan, người bị oan đã không tìm được chứng cứ theo yêu cầu. Bởi khi đã vướng vào vòng lao lý, chẳng mấy ai còn đủ sáng suốt để biết, để có động thái thu thập, truy tìm, lưu giữ chứng cứ rồi một ngày nào đó lại đưa ra bảo vệ quyền lợi cho chính mình 7. Nên xác định chứng cứ bồi thường theo hướng trên chính là tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan trong thực tiễn.
– Đồng thời cần sớm ban hành Luật bồi thường nhà nước theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh oan, sai. Theo đó – cùng với những trường hợp bị oan – các trường hợp bị truy tố xét xử sai phải được cụ thể hóa bằng các qui phạm. Nguyên tắc, thủ tục bồi thường cũng cần được luật hóa theo hướng giản đơn, tạo thuận lợi cho người bị hại. Bổ sung những thiệt hại thực tế nhằm bảo đảm hơn nữa nguyên tắc bồi thường toàn bộ, kịp thời và nhanh chóng. Trong điều kiện hiện nay, để xây dựng đạo Luật Bồi thường có khả năng đi vào cuộc sống, cần tổng kết thực tiễn và nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới. Vì rằng kinh nghiệm cho thấy giải quyết bồi thường oan sai tại nhiều quốc gia đa phần được thực hiện trên cơ sở đạo luật (chẳng hạn Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự 1959 của Nhật Bản, Luật Nhà nước bồi thường 1995 của Trung Quốc, Luật về bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam oan của Pháp…) và đó chính là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm có hiệu quả quyền được bồi thường oan, sai.
– Cuối cùng, phải nhanh chóng rà soát, chấn chỉnh và nâng cao năng lực phẩm chất cho cán bộ tư pháp; hiện đại hóa, bảo đảm điều kiện vật chất kết hợp với việc xác định rạch ròi trách nhiệm cá nhân trong mỗi ngành nhằm hạn chế oan, sai đồng thời đẩy nhanh hiệu quả thương thuyết và giải quyết bồi thường.
4. Kết luận
Oan, sai là điều ít ai muốn nhưng cũng là điều khó loại bỏ hoàn toàn. Vấn đề là làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất trình trạng oan, sai và làm thế nào để sửa sai cho hiệu quả, bảo đảm quyền được bồi thường của người bị hại và cảnh tỉnh những sai lầm tương tự trong tương lai.
Chỉ thị 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Việc bồi thường thiệt hại cần được thực hiện đúng trình tự thủ tục đối với những trường hợp cụ thể”. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày
2/1/2000 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh: “Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp oan sai trong tố tụng. Nghiên cứu xây dựng quỹ bồi thường thiệt hại về tư pháp”.
Đã đến lúc cần xem xét lại cả lý luận cũng như thực tiễn chế định bồi thường, xem lại nguyên tắc, thủ tục bồi thường oan, sai nhằm bảo đảm quyền được bồi thường cho người bị hại một cách thỏa đáng. Đó là mục đích của tiến trình cải cách tư pháp và cũng chính là đòi hỏi tất yếu của một xã hội công bằng mà chúng ta đang phấn đấu để đạt được.
Chú thích:
1 Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb TP. Hồ Chí Minh năm 2005, tr. 683 và tr. 772
2 Nguyễn Sĩ Dũng, Công lý gắn với pháp quyền, Tuổi Trẻ ngày 27/7/1994;
4 Ông Hoàng Minh Tiến đòi VKSND Hà Nội bồi thường 2.2 tỷ cho 1.309 ngày bị hàm oan. Sau nhiều lần thương lượng bất thành, ông Tiến đành khởi kiện ra tòa. Mới đây, tháng 6/2005, Toà án Quận Hai Bà Trưng đưa ra xét xử và tuyên vẫn giữ nguyên mức bồi thường 27.3 triệu khiến ông Tiến bức xúc cho biết sẽ tiếp tục kháng án lên trên; Vụ hai vợ chồng doanh nghiệp ở Kiên Giang tiếp tục khởi kiện Toà án Tỉnh đòi bồi thường gần 10 tỷ cho 6 năm bị kếtán oan do hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường.
5 Sẽ không ngạc nhiên khi biết tính đến cuối năm 2003, cả nước mới có 3.543 thẩm phán, thiếu 1.210 người so với chỉ tiêu. Riêng TPHCM đến thời điểm này thiếu 89 thẩm phán. Nếu trung bình một thẩm phán xử 5 vụ/ tháng thì đến năm 2010 cơ quan xét xử còn thiếu 7.000 người. Cũng theo báo cáo của các ngành chức năng, tính đến năm 2000, chỉ có 48% cán bộ tư pháp có trình độ cử nhân. Riêng cán bộ cơ quan điều tra số thạo việc mới đạt 30 – 40%, 11% có trình độ sơ học hoặc chưa qua đào tạo;
6 Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3.6.2005, ông Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng Viện KSNNDTC cho việc xét xử bồi thường oan sai cần giao cho một cơ quan chuyên trách độc lập với các cơ quan tiến hành tố tụng. Còn theo Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Ngô Quang Liễn, việc để Tòa án đứng ra xét xử bồi thường thiệt hại là chưa khách quan, thậm chí dư luận còn cho rằng cách giải quyết này sẽ thiên về bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước, cá nhân và tổ chức gây ra oan sai.
7 Theo yêu cầu của Tòa án, vợ chồng ông Bùi Văn Mãnh ở Tiền Giang dù rất nỗ lực vẫn không tìm ra chứng cứ chứng minh thu nhập bị mất trong thời gian gian tù đày. Tuổi trẻ CN ngày 9/1/2005 có bài: “Bồi thường oan sai – con đường nhọc nhằn” đề cập những giọt nước mắt của một nông dân 84 tuổi ở Tiền Giang – ông Nguyễn Công Ơi khi hành trình 14 năm đòi công bằng của ông kết thúc không mấy tốt đẹp vì ông không đưa ra được y bạ, đơn thuốc chứng từ chứng minh bệnh tật hay nguồn thu nhập bị mất… để Viện kiểm sát lấy đó làm cơ sở bồi thường.
LÊ THỊ MẬN – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai