Đăng ký bào chữa và Giấy chứng nhận bào chữa khác gì nhau?

82
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 ra đời đã tháo gỡ nhiều bất cập, vướng mắc so với Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Tuy nhiên, khi nghiên cứu quy định về “Thủ tục đăng ký người bào chữa” thấy có nhiều bất cập và vướng mắc cụ thể:…

 Thủ tục đăng ký bào chữa

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 ra đời đã tháo gỡ nhiều bất cập, vướng mắc so với Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Tuy nhiên, khi nghiên cứu quy định về “Thủ tục đăng ký người bào chữa” thấy có nhiều bất cập và vướng mắc cụ thể:
 
Điều 78. Thủ tục đăng ký bào chữa quy định:
1. Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.
2. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
d) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật này thì người bào chữa xuất trình các giấy tờ:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân;
b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
c) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;
b) Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa.
6. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:
a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;
b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.
7. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi phát hiện người bào chữa thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;
b) Vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa.
Như vậy, theo điểm a, khoản 2 và khoản 4 Điều 78 này thì khi đăng ký bào chữa, Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội cho cơ quan có thẩm quyền, trong thời hạn  24 giờ cơ quan có thẩm quyền phải vào sổ đăng ký và thông báo cho Luật sư.
Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa theo quy định của Khoản 3, Điều 75 BLTTHS 2015. Với các quy định như trên, trường hợp thuận lợi, trong 24 giờ cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiếp nhận thủ tục điều kiện bào chữa, sau đó vào nhà tạm giữ, trại tạm giam gặp hỏi người bị buộc tội và quy định điều kiện bào chữa, thông báo cho người bào chữa.
Tuy nhiên, đối với trường hợp các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương thụ lý giải quyết, cơ quan tiến hành tố tụng ở miền bắc, nhưng người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam ở Trại tạm giam phía Nam thì việc gặp hỏi để lấy ý kiến người bị buộc tội về sự đồng ý hay không đồng ý nhờ Luật sư bào chữa, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng vào sổ đăng ký và thông báo cho người đăng ký bào chữa trong thời hạn 24 giờ là không thể thực hiện.
Do đó, để đảm bảo thời hạn luật định thì sau khi Luật sư đăng ký bào chữa, cơ quan tiến hành tố tụng sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ thì vào sổ đăng ký và thông báo cho người bào chữa, rồi hỏi ý kiến của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, nếu người bị buộc tội đồng ý nhờ Luật sư bào chữa thì để nguyên. Nếu người buộc tội không đồng ý nhờ Luật sư bào chữa thì Cơ quan tiến hành tố tụng lại phải ra Quyết định hủy bỏ việc đăng ký bào chữa đối với Luật sư đã đăng ký bào chữa đồng thời ra thông báo cho Luật sư bào chữa biết.
Vì vậy, để đảm bảo Luật TTHS năm 2015 được thi hành trong thực tế không có sự vướng mắc, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để có văn bản hướng dẫn về vấn đề này, vừa bảo đảm đúng quy định pháp luật, vừa thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật.
Người bào chữa là người được người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ, những người khác được người bị tạm giữ, bị can, bị cáo ủy quyền mời hay được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Đoàn Luật sư phân công văn phòng luật sư cử hoặc đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhằm làm sáng tỏ những tình tiết gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và giúp đỡ họ về mặt pháp lý để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Để tạo điều kiện cho người bào chữa tham gia tố tụng, khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do”.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy quy định trên đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; một số trường hợp có vướng mắc, khó khăn, thì không phải do quy định của pháp luật mà là do quá trình tổ chức thực hiện, cần được rút kinh nghiệm.

Vì vậy, chúng tôi không đồng tình với quy định tại khoản 3 Điều 123 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi): “Trong thời hạn 6 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị bắt, 12 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ, 24 giờ đối với trường hợp bào chữa cho bị can, bị cáo, kể từ khi nhận được đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cấp Giấy đăng ký người bào chữa; nếu từ chối cấp Giấy đăng ký người bào chữa thì phải có văn bản nêu rõ lý do”, bởi lẽ với thời hạn trên, cơ quan tiến hành tố tụng không có đủ thời gian để xác minh những thông tin liên quan đến người được cấp Giấy đăng ký bào chữa, nhất là những trường hợp không được bào chữa theo quy định tại Khoản 3 Điều 67 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Chẳng hạn với thời hạn 06 giờ, cơ quan chức năng không thể xác minh người đề nghị cấp Giấy đăng ký bào chữa có phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đang áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hay không…

Do vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 theo hướng: “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải xem xét, cấp Giấy đăng ký người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa, nếu từ chối thì phải nêu rõ lý do”./.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai