Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

657

Chi tiết Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

  1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
  2. a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
  3. b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
  4. c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
  5. d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

  1. e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  2. g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  3. h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
  4. i) Có tính chất côn đồ;
  5. k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
  6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
  7. a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
  8. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
  9. c) Phạm tội 02 lần trở lên;
  10. d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
  2. a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
  3. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
  4. c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
  5. d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
  6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
  7. a) Làm chết người;
  8. b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  9. c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
  10. d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
  2. a) Làm chết 02 người trở lên;
  3. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
  4. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm:

– Chủ thể của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đã đạt độ tuổi theo luật định

-Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người vi phạm biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ nhưng vẫn có ý muốn hậu quả xảy ra.

-Khách thể của tội phạm:

Tội phạm xâm phạm đến quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người.

-Mặt khách quan của tội phạm:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có các dấu hiệu khách quan sau:

+ Hành vi:

“Gây thương tích cho người khác” là dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể con người làm cho con người có những thương tích nhất định (để lại dấu vết). Việc dùng sức mạnh vật chất có thể dùng chân tay hoặc các công cụ, phương tiện hỗ trợ như dao, súng, gậy…làm cho người bị hại mất đi một hay nhiều bộ phận trên cơ thể.

“Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” là dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của con người làm cho sức khỏe của nạn nhân yếu đi, không còn nguyên vẹn như trước mặc dù không để lại dấu vết trên thân thể.

Hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu gây thiệt hại cho sức khỏe cả mình để trốn tránh một nghĩa vụ phải làm thì tùy trường hợp có thể xem xét trách nhiệm hình sự theo tội khác

+ Hậu quả:

Được xác định ở mức độ gây ra tổn thương cơ thể cho nạn nhân từ 11% trở lên đến 30%. Nếu mức tổn thương cơ thể từ 31% trở lên thì được coi là tình tiết định khung tăng nặng.

Điều luật quy định cụ thể trường hợp tỷ lệ % tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến k khoản 1 thì người có hành vi này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội phạm này có cấu thành vật chất, cho nên cần xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Văn bản hướng dẫn:

– Hướng dẫn điểm a khoản 1 “dùng vũ khí, vật liệu nổ”

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Điều 3. Giải thích từ ngữ

  1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
  2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
  3. a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
  4. b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
  5. c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
  6. d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
  7. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
  8. Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
  9. Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
  10. a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;
  11. b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
  12. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
  13. Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:
  14. a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;
  15. b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.
  16. Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
  17. Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.

– Hướng dẫn điểm a khoản 1 “hung khí nguy hiểm”:

Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

  1. Về một số tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 104 của BLHS

3.1. Tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS

“Dung hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ví dụ: Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì dao nhọn là phương tiện nguy hiểm và đã được A sử dụng gây thương tích cho B thì thuộc trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm”.

– Hướng dẫn điểm d khoản 1 “phạm tội đối với thầy cô giáo của mình”

Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

3.3. Tình tiết “đối với thầy giáo, cô giáo của mình” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 104 của BLHS

  1. Chỉ áp dụng tình tiết “đối với thầy giáo, cô giáo của mình” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 104 của BLHS khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a.1. Nạn nhân phải là thầy giáo, cô giáo tức là người đã hoặc đang làm công tác giảng dạy theo biên chế hoặc theo hợp đồng tại cơ quan, tổ chức có chức năng giáo dục, đào tạo, dạy nghề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

a.2. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân là vì lý do thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, dạy nghề của họ đối với bị cáo, không phân biệt nhiệm vụ đó đã được thực hiện hay đang được thực hiện và không kể thời gian dài hay ngắn;

a.3. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%.

  1. Chỉ áp dụng tình tiết “đối với thầy giáo, cô giáo của mình” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 104 của BLHS khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

b.1. Các điều kiện được hướng dẫn tại các điểm a.1 và a.2 tiểu mục 3.3 này;

c.2. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11% đến 30%.

  1. Chỉ áp dụng tình tiết “đối với thầy giáo, cô giáo của mình” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 3 Điều 104 của BLHS khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

c.1. Các điều kiện được hướng dẫn tại các điểm a.1 và a.2 tiểu mục 3.3 này;

c.2. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 31% đến 60%.

– Hướng dẫn điểm c khoản 2 “Phạm tội 02 lần trở lên”:

Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

3.2 Tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS

  1. “Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS được hiểu là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người từ hai lần trở lên hoặc của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) và trong các lần đó chưa có lần nào bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” để xét xử bị cáo theo khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 của BLHS được thực hiện theo hướng dẫn tại các điểm b, c và d tiểu mục 3.2 này.
  2. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 104 của BLHS trong các trường hợp sau đây:

b.1. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người từ hai lần trở lên mà mỗi lần tỷ lệ thương tật dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả lần từ 11% trở lên.

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một lần tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 11% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 104 của BLHS.

b.2. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) mà mỗi lần tỷ lệ thương tật dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả các lần từ 11% trở lên.

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một người một lần tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 11% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 104 của BLHS.

  1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 104 của BLHS trong các trường hợp sau đây:

c.1. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người từ hai lần trở lên mà có ít nhất hai lần tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một lần tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 31% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 của BLHS.

c.2. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) mà trong đó có ít nhất hai người và mỗi người một lần tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một người một lần tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 31% thì bị cáo cũng chị bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 củ BLHS.

  1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 của BLHS.

d.1. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người từ hai lần trở lên mà có ít nhất hai lần tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một lần tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 61% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 3 Điều 104 của BLHS.

d.2. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) mà trong đó có ít nhất hai người và mỗi người một lần tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một người một lần tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 61% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 3 Điều 104 của BLHS.

– Hướng dẫn khoản 6 “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

+ Nghị quyết 04 -HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự

  1. Phân biệt giữa thương tích với thương tích nặng, giữa tổn hại cho sức khỏe với tổn hại nặng cho sức khỏe (tại các điều 109, 110 và 103 khoản 2).

– Trước hết, cần xem xét nhiều mặt để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như: phương tiện, công cụ được sử dụng để gây thương tích, bộ phận của cơ thể bị trực tiếp xâm phạm, thương tích ban đầu, kết quả cứu chữa…

Sự phân biệt mức độ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cần phải dựa vào kết luận của giám định pháp y và khi cần thiết, dựa vào cả kết luận của bác sĩ điều trị. Những kết luận đó cho biết mức độ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe khi sự việc mới xẩy ra và khi đã điều trị xong. Đó là căn cứ giúp cho việc định tội và quyết định hình phạt, cũng như cho việc quyết định mức bồi thường thiệt hại.

Xét riêng về thương tích, thì dựa vào những kết luận nói trên của cơ quan chuyên môn, tham khảo luật hình của một số nước xã hội chủ nghĩa, qua thực tế xét xử của ta, có thể xác định:

– Tỷ lệ thương tích từ 10% trở xuống, không gây cố tật là thương tích nhẹ, chưa đến mức cần thiết phải xử lý về hình sự người gây thương tích đó.

– Tỷ lệ thương tích từ 11 đến 30% là thương tích cần thiết phải xử lý về hình sự đối với người gây ra (theo Điều 109 khoản 1);

– Tỷ lệ thương tích từ 31 đến 60% là thương tích nặng hoặc tổn hại nặng đến sức khỏe (theo Điều 109 khoản 2);

– Tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên là thương tích rất nặng hoặc tổn hại rất nặng đến sức khỏe (theo điều 109 khoản 3).

Trong trường hợp gây thương tích có tính nguy hiểm cao (như: đánh, chém làm lún xương sọ não, đâm thủng ruột…) nhưng nạn nhân được cứu chữa kịp thời nên không chết, không bị tổn hại nặng đến sức khỏe, hoặc không bị cố tật, thì vẫn bị xử lý theo Điều 109 khoản 2. Đặc biệt là trường hợp hành vi đó có tính chất côn đồ, hung hãn thì cần trừng trị nghiêm khắc.

+ Công văn số 03-TATC ngày 22/10/1987 của Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn Điều 109 Bộ luật Hình sự

Sau khi có hướng dẫn áp dụng tại Nghị quyết 04 – HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986, thực tiễn cho thấy còn có một số vấn đề chưa hợp lý, do đó Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thêm tại Công văn số 03-TATC ngày 22/10/1987, như sau:

Nếu nạn nhân được giám định xác định tỷ lệ phần trăm thương tật (còn gọi là tỷ lệ phần trăm mất sức lao động), hoặc nếu nạn nhân thực sự có bị thương tích hay bị tổn hại đến sức khoẻ mà nếu có giám định thì cũng chỉ được xác định tỷ lệ phần trăm thương tật từ 10% trở xuống, thì kẻ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp sau đây:

  1. 1. Dùng hung khí nguy hiểm (như dao, súng, v.v.) hoặc dùng thủ đoạn có thể gây nguy hại cho nhiều người. Đây là các trường hợp, việc nạn nhân chỉ thương tích nhẹ là ngoài ý muốn của kẻ phạm tội (thí dụ: kẻ phạm tội dùng dao nhọn đâm nạn nhân, nhưng nạn nhân tránh được nên chỉ bị thương tích nhẹ…).
  2. Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân.
  3. Phạm tội đối với nhiều người cùng một lúc.
  4. Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người.
  5. Phạm tội đối với người chưa thành niên (trừ các trường hợp ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ con cái theo quy định của Điều 147 Bộ luật hình sự), người già, phụ nữ đang có thai, người ở tình trạng không thể tự vệ được.
  6. Phạm tội có tổ chức; phạm tội có đông người tham gia (trừ các trường hợp bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định của Điều 198 Bộ luật hình sự).
  7. Phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù, đang bị tạm giam về việc phạm tội, đang bị tập trung cải tạo.
  8. Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.
  9. Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Trong các trường hợp 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 kẻ phạm tội bị xử phạt theo khoản 1 Điều 109 Bộ Luật Hình sự.

Trong các trường hợp 8, 9 kẻ phạm tội bị xử phạt theo khoản 2 Điều 109 Bộ Luật Hình sự. Kẻ dùng vũ lực chống người thi hành công vụ mà không gây thương tích hoặc không gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân hay gây thương tích không đáng kể, gây tổn hại không đáng kể cho sức khoẻ của nạn nhân, thì bị xử phạt theo Điều 205 Bộ Luật Hình sự về tội chống người thi hành công vụ.

B- Nghị quyết số 04-NQ/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nêu rằng: “Sự phân biệt mức độ thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cần phải dựa vào kết luận của giám định pháp y và khi cần thiết, dựa cả vào kết luận của bác sĩ điều trị”. Việc giám định để xác định tỷ lệ phần trăm thương tật của nạn nhân là rất cần thiết đối với việc giải quyết các vụ án về gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Nhưng hiện nay chúng ta chưa có điều kiện tiến hành giám định thương tật trong mọi trường hợp, ở mọi nơi. Cho nên, tạm thời không nhất thiết phải có kết luận của giám định pháp y trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Do bị gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ mà nạn nhân đã bị thương tật như đã được liệt kê ở 4 điểm Thông tư Liên bộ số 32-TTLB ngày 27-11-1985 của Bộ Y tế- Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn thương tật 4 hạng (mới) và hướng dẫn cách chuyển đổi từ các hạng thương tật cũ, cách khám giám định thương tật theo các hạng thương tật mới (văn bản này có ở tất cả các cơ quan y tế địa phương, đã được in trong tập san Toà án nhân dân số 6). Thí dụ: Một người bị đâm vào bụng, khi được cấp cứu, đã bị cắt bỏ lá lách. Đối chiếu với Thông tư nói trên thì nạn nhân được xác định tỷ lệ phần trăm thương tật là 30% đến 50%. Đối với trường hợp này không cần phải giám định cũng có thể truy tố, xét xử kẻ phạm tội theo khoản 3 Điều 109 Bộ luật hình sự, vì việc cắt bỏ lá lách, một bộ phận quan trọng của cơ thể, được coi là bị cố tật nặng. Một thí dụ khác: Một người bị làm điếc một tai. Đối chiếu với Thông tư nói trên thì nạn nhân được xác định tỷ lệ phần trăm thương tật là từ 21% đến 25%. Đối với trường hợp này không cần phải giám định cũng có thể truy tố, xét xử kẻ phạm tội theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật hình sự.
  2. b) Thương tích của nạn nhân thuộc loại thương tích nặng (nghĩa là loại thương tích mà nếu không được cứu chữa kịp thời thì nạn nhân sẽ bị thiệt mạng hoặc bị tổn hại nặng đến sức khoẻ), do được cứu chữa kịp thời nên nạn nhân không bị tổn hại nặng đến sức khoẻ, thí dụ: một người bị dao găm đâm thủng bụng, tuy không bị thương các cơ quan nội tạng, nhưng phải mổ bụng để vét máu trong ổ bụng; sau khi được cấp cứu và điều trị thì sức khoẻ không bị tổn hại đáng kể. Đối với trường hợp này, không cần phải giám định cũng có thể truy tố, xét xử kẻ phạm tội theo khoản 2 Điều 109 Bộ Luật Hình sự.

Trong các trường hợp này chứng nhận của cơ quan y tế và các tài liệu khác xác nhận về thương tích ban đầu của nạn nhân và tình hình thực tế về sức khoẻ của nạn nhân sau khi bị gây thương tích, bị gây tổn hại đến sức khoẻ là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự của kẻ phạm tội.

  1. c) Nạn nhân bị gây cố tật nặng, mặc dù sức khoẻ không bị tổn hại đáng kể (thí dụ: nạn nhân bị làm hỏng nặng diện mạo nhưng sức khoẻ không bị giảm sút đáng kể).
  2. d) Phạm tội thuộc các trường hợp đã được nêu ở mục A.

Trên đây là hai vấn đề hướng dẫn sử dụng bổ sung để kịp thời giải quyết tốt các vụ án về cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Toà án các cấp cần lưu ý thông báo công văn này cho các cơ quan công an và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để các cơ quan bạn phối hợp áp dụng.

 

 

 

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai