Điều 136 Bộ luật Hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

225

Chi tiết Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

  1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm:

-Chủ thể của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên.

-Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác.

-Khách thể của tội phạm:

Tội phạm xâm phạm đến quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người.

-Mặt khách quan của tội phạm:

+ Hành vi khách quan của tội phạm này giống với hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134).

Hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác vượt quá giới hạn của chế định phòng vệ chính đáng trong khí bắt giữ người phạm tội, gây ra thiệt hại rõ ràng là quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

+ Hậu quả: Điều luật quy định tỷ lệ thương tật cho nạn nhân phải từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người là dấu hiệu bắt buộc ủa cấu thành tội phạm.

Văn bản hướng dẫn:

– Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về phòng vệ chính đáng:

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

  1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

  1. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

– Chỉ thị số 07/TANDTC-CT ngày 22/12/1983 của Tòa án nhân dân tối cao Về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ.

 

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai