Điều 151 Bộ luật Hình sự quy định về Tội mua bán người

1864

Chi tiết Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi

  1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
  2. a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
  3. b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
  4. c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
  5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
  6. a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  7. b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
  8. c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
  9. d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

  1. e) Phạm tội 02 lần trở lên;
  2. g) Vì động cơ đê hèn;
  3. h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
  5. a) Có tổ chức;
  6. b) Có tính chất chuyên nghiệp;
  7. c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  8. d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

  1. e) Đối với 06 người trở lên;
  2. g) Tái phạm nguy hiểm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Văn bản hướng dẫn:

– Hướng dẫn về “Tội mua bán người dưới 16 tuổi”

+ Nghị quyết số: 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

  1. Mua bán người dưới 16 tuổi là thực hiện một trong các hành vi sau đây:
  2. a) Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
  3. b) Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
  4. c) Chuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
  5. d) Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

đ) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người theo hướng dẫn tại điểm a và điểm c khoản này.

  1. Thủ đoạn khácquy định tại khoản 1 Điều 150 của Bộ luật Hình sự là các thủ đoạn như: bắt cóc; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; đầu độc nạn nhân; lợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng tình thế bị lệ thuộc; lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân (ví dụ: lợi dụng tình trạng nạn nhân có người thân bị bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa trị ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng) để thực hiện một trong các hành vi hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.
  2. Để bóc lột tình dục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân nhằm chuyển giao cho người khác để thực hiện các hoạt động bóc lột tình dục (như tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục…) hoặc tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình.
  3. Để cưỡng bức lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ.
  4. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân để chuyển giao nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.

Bộ phận cơ thể là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của con người.

Ví dụ: Nguyễn Văn A đã chuyển giao Nguyễn Thị C cho Nguyễn Văn B để B lấy giác mạc của C (trên thực tế B chưa có hành vi lấy giác mạc của C).

  1. Vì mục đích vô nhân đạo khácquy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác.

 

+ Nghị quyết 04 -HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự

Khoản 3 Chương 4: Các tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình và các tội phạm đối với người chưa thành niên

  1. Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em (Điều 149)

Tội phạm này xâm phạm quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái và sự phát triển lành mạnh của trẻ em về các mặt tư tưởng tình cảm thể chất.

Tội phạm thể hiện như:

Bắt trộm trẻ em là hành vi vì tư lợi mà lén lút chiếm đoạt hoặc lừa gạt, dụ dỗ đứa trẻ trong lúc vắng mặt người nuôi dưỡng, chăm sóc để chiếm đoạt, đem bán hoặc nuôi làm con nuôi, hoặc vì tư thù mà bắt trộm nhằm phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.

Mua bán trẻ em là mua hoặc bán trẻ em vì tư lợi, dù là mua của kẻ đã bắt trộm hoặc mua của chính người có con đem bán. Hành vi mua trẻ em khi biết rõ là đứa trẻ bị bắt trộm để về làm con nuôi, cũng bị xử lý về tội mua bán trẻ em. Tuy nhiên cần phân biệt với trường hợp bố mẹ vì đông con hoặc vì khó khăn đặc biệt mà phải bán con mình (dưới hình thức cho làm con nuôi và nhận một số tiền giúp đỡ) cũng như trường hợp vì hiếm con mà mua của chính người có con đem bán để về nuôi thì không coi là phạm tội.

Đánh tráo trẻ em là hành vi lén lút đổi trẻ em này lấy trẻ em khác, thường xảy ra đối với trẻ sơ sinh (như: đánh tráo em gái lấy em trai, em dị dạng lấy em lành lặn…) thường xảy ra ở nơi có nhiều sản phụ (nhà hộ sinh, bệnh viện). Người thực hành tội phạm thông thường là người có trách nhiệm (nhân viên y tế), có đủ điều kiện thực việc đánh tráo. Người có hành vi mua chuộc người đó (thường là sản phụ) là đồng phạm. Họ còn có thể bị xử lý thêm về tội đưa hối lộ, hoặc tội nhận hối lộ (nếu có).

 

+ Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013  hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Chương 2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Hình sự

Điều 4. Xác định hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

  1. “Mua bán trẻ em”là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:
  2. a) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;
  3. b) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào;
  4. c) Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán;
  5. d) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác.
  6. “Đánh tráo trẻ em” là hành vi thay thế trẻ em này bằng trẻ em khác ngoài ý muốn của cha mẹ, người nuôi dưỡng hoặc người quản lý hợp pháp của một hoặc cả hai đứa trẻ.
  7. “Chiếm đoạt trẻ em” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó.
  8. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

 

Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể

  1. Trường hợp người bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi chiếm đoạt trẻ em quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật hình sự.

 

– Hướng dẫn khoản 1 Điều 151

Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013  hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Chương 2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Hình sự

Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể

  1. Trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật
  2. a) Trường hợp người môi giới biết việc nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động đối với trẻ em hoặc vì mục đích trái pháp luật khác nhưng đã sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi để chuyển giao trẻ em cho người đó nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
  3. b) Trường hợp người môi giới nuôi con nuôi biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là sau khi nhận đứa trẻ sẽ bán đứa trẻ đó cho người khác thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
  4. c) Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép (không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi) hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
  5. d) Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép (không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi) hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc có mục đích trái pháp luật khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em. Tùy từng trường hợp cụ thể, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi (Điều 283) hoặc tội danh khác theo quy định của Bộ luật hình sự.

đ) Trường hợp một người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã giới thiệu người đó với người muốn cho con của chính họ đi làm con nuôi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện nuôi dưỡng đứa trẻ, mong muốn đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn và đã nhận một khoản tiền, đồng thời người môi giới cũng được nhận một khoản tiền cho việc môi giới, thì người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.

  1. Trường hợp người bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi chiếm đoạt trẻ em quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật hình sự.

 

Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội

  1. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo Điều 120 của Bộ luật hình sự và chỉ phải chịu một hình phạt.

Ví dụ: một người đánh tráo trẻ em rồi chiếm đoạt đứa trẻ bị đánh tráo đó và bán cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh là mua bán, đánh tráo và chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120 của Bộ luật hình sự và phải chịu một hình phạt.

 

– Hướng dẫn điểm c khoản 2 Điều 151 “Phạm tội đối với từ 02 người đến 05 người”

Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013  hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Chương 2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Hình sự

Điều 5. Về một số tình tiết định khung hình phạt

  1. “Đối với nhiều trẻ em” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt từ 02 trẻ em trở lên (mua bán từ 2 trẻ em trở lên; đánh tráo từ 02 trẻ em trở lên; chiếm đoạt từ 02 trẻ em trở lên) trong cùng một lần phạm tội hoặc trong các lần phạm tội khác nhau.

 

– Hướng dẫn điểm g khoản 2 “Vì động cơ đê hèn”

Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013  hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Chương 2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Hình sự

Điều 5. Về một số tình tiết định khung hình phạt

  1. “Vì động cơ đê hèn”quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp phạm tội với động cơ đê tiện, thấp hèn, ích kỷ, thể hiện sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát. Người phạm tội nhằm mục đích trả thù, hoặc để khống chế nạn nhân và gia đình, người thân của nạn nhân phục vụ cho mưu đồ của mình.

 

– Hướng dẫn điểm b khoản 3 Điều 151 “Có tính chất chuyên nghiệp”

Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013  hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Chương 2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Hình sự

Điều 5. Về một số tình tiết định khung hình phạt

  1. “Có tính chất chuyên nghiệp”quy định tại điểm b khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp người phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em từ 05 lần trở lên, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự (05 lần mua bán trẻ em trở lên, 05 lần đánh tráo trẻ em trở lên hoặc 05 lần chiếm đoạt trẻ em trở lên), nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích và người phạm tội lấy các lần mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em làm nguồn sống chính.

Đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “đối với nhiều trẻ em”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “có tính chất chuyên nghiệp”.

 

– Hướng dẫn điểm d khoản 3 Điều 151 “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”

Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013  hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Chương 2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Hình sự

Điều 5. Về một số tình tiết định khung hình phạt

  1. “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em nhằm lấy một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của trẻ em đó.
========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai