Điều 203 bộ Luật hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

6399

Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tham khảo Vụ án: 2 doanh nghiệp doanh thu ngàn tỉ, lãi vài trăm triệu

Kiểm toán Nhà nước xác định Công ty TNHH MTV Cao su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước đã “mua bán” hàng vạn tấn cao su không có thật, có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Kiểm toán Nhà nước vừa chuyển hồ sơ đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật về dấu hiệu mua bán hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH MTV Cao su Bảo Long (Công ty Bảo Long) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (Công ty Thành Phước), cùng có trụ sở tại H.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Trước đó, thông qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 của tỉnh Bình Phước, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 doanh nghiệp này.
Cụ thể, Công ty Bảo Long thành lập ngày 10.3.2014, thay đổi lần thứ nhất ngày 23.6.2016 với vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng, có ngành nghề kinh doanh là mua bán cao su, mủ cao su, dù doanh thu rất lớn nhưng nhưng lợi nhuận rất thấp hoặc lỗ. Trong đó, doanh thu năm 2018 là 1.668 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 5 tỉ đồng, năm 2019 doanh thu 2.447 tỉ đồng nhưng báo lỗ 156 triệu đồng.
Công ty Thành Phước có vốn điều lệ khoảng 10 tỉ đồng nhưng doanh thu lớn và tăng mạnh trong 2 năm 2018 và 2019 với tổng cộng gần 2.400 tỉ đồng. Tuy nhiên công ty này không sở hữu phương tiện vận chuyển; chỉ có kho hàng khoảng 1.000 m2, nhưng chủ yếu để chứa hàng xuất bán bị trả lại do không đạt chất lượng. Mặt khác, doanh thu doanh nghiệp này rất lớn nhưng lợi nhuận rất thấp, năm 2019 doanh thu gần 2.015 tỉ đồng nhưng lãi chỉ khoảng 219 triệu đồng.

Dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn

Trong 2 năm 2018, 2019, Công ty Bảo Long đã mua bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su, nhưng không có kho hàng, phương tiện vận chuyển; hàng hóa chủ yếu được ký gửi và thuê kho nhưng chi phí ký gửi, thuê kho hàng tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Năm 2019, Công ty Bảo Long thuê 2 xe để vận chuyển nhưng lượng xăng dầu phát sinh lớn hơn nhiều mức tiêu thụ hợp lý cho 2 xe; tồn kho cuối năm thấp không phù hợp với quy mô kinh doanh; không phát sinh chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh mua bán cao su, như thuê container, phí bao bì, đóng gói, thuê cần cẩu, xe nâng hàng để bốc xếp hàng hóa khi nhận hàng hoặc xuất bán…
“Đây là những dấu hiệu cho thấy ngoài một số hợp đồng mua bán cao su có thật, thì phần lớn hoạt động mua bán cao su có khả năng là không có thật, tức có dấu hiệu của hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp”, báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, đồng thời chỉ thêm nhiều dấu hiệu khác vi phạm quy định tại Điều 203 bộ Luật hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước của Công ty Bảo Long.
Theo đó, năm 2019, Công ty Bảo Long ký hợp đồng mua mủ cao su của Công ty Thành Minh Khang với tổng giá trị khoảng 800 tỉ đồng, tương ứng khoảng 25.000 tấn mủ cao su và ký hợp đồng bán lại cho Công ty TNHH Vạn Lợi với địa chỉ giao hàng tại Cảng Cát Lái – TP. HCM. Tuy nhiên, hợp đồng giữa Công ty Bảo Long và Công ty Thành Minh Khang quy định địa chỉ giao hàng tại kho của Công ty Bảo Long tại Phú Giáo – Bình Dương, trong khi theo sổ sách thì Công ty Bảo Long không có kho hàng tại Phú Giáo – Bình Dương. Như vậy, khoảng 25.000 tấn mủ cao su được vận chuyển từ TP.HCM lên Phú Giáo – Bình Dương sau đó lại chuyển xuống Cảng Cát Lái – TP.HCM.
Hơn nữa, theo hợp đồng mua bán giữa hai bên thì chi phí bốc xếp hàng mỗi bên chịu một đầu nhưng theo sổ sách thì Công ty Bảo Long lại không phát sinh chi phí bốc xếp đối với lượng hàng hóa này, là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng việc mua bán cao su theo các hợp đồng nêu trên là không có thật và Công ty Bảo Long sử dụng các hóa đơn mua hàng của Công ty Thành Minh Khang để khấu trừ thuế.
Đối với Công ty Thành Phước, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Công ty này khi xuất bán mủ cao su không xuất hóa đơn cho từng chuyến xe mà xuất hóa đơn chung theo giá trị của từng hợp đồng mua bán; các xe khi xuất hàng cũng không có phiếu cân hoặc phiếu xuất kho để xác định trọng lượng hàng hóa của từng chuyến xe và trách nhiệm của lái xe về khối lượng hàng hóa vận chuyển, không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng; trọng lượng hàng hóa trên các hóa đơn luôn là số chẵn theo đơn vị chục, trăm tấn là không phù hợp với thông lệ vận chuyển, kinh doanh mặt hàng mủ cao su.
Ngoài ra công ty còn ký hợp đồng với 2 đơn vị vận chuyển những đơn giá vận chuyển cố định 300.000 đồng/tấn không gắn với cự ly vận chuyển là không phù hợp với hoạt động vận chuyển hàng hóa. Do đó đây là bằng chứng cho thấy việc mua bán cao su nhiều khả năng là không có thật, là dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.
Theo Thanh nien
Luật sư bào chữa – Công ty luật Dragon Hà Nội

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai