Hòa giải là gì

113

Luật sư Công ty luật Dragon – Hoà giải là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thoả, hoà giải là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất đối với các quan hệ dân sự, nhất là các quan hệ về hôn nhân – gia đình, nuôi dưỡng con cái, cha mẹ, thừa kế.

Theo quy định tại điều 5, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự quy định “trong quá trình giải quyết vụ án, toà án tiến hành hoà giải để giúp các đương sự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án, trừ trường hợp không hoà giải được hoặc pháp lệnh quy định không được hoà giải”. Điều 43 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì việc không được hoà giải bao gồm:
–    Huỷ  việc kết hôn trái pháp luật.
–    Đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản nhà nước
–    Những việc phát sinh từ giao dịch dân sự trái  pháp luật
–    Những việc được quy định tại khoản 4, 5, 6 của Điều 10 Pháp lệnh.
Theo đó, hoà giải là một trong những nguyên tắc quan trọng đặc trưng và riêng biệt của tố tụng dân sự, thể hiện quyền tự định đoạt của các đương sự và trách nhiệm  của Toà án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của  đương sự. Trong đó, luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, và trách nhiệm của Toà án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, hoặc là người đại diện do đương sự uỷ quyền có vai trò hết sức quan trọng trong giai  đoạn này là giải thích pháp luật, chính sách của nhà nước kết hợp với việc giải quyết những vướng mắc trong tâm tư, tình cảm của đương sự. Để từ đó giúp các đương sự hiểu, thương lượng thoả thuận với nhau nhằm giải quyết những mâu thuẫn của vụ án.
Tuy nhiên hoà giải trước hết phải là sự thoả thuận của các đương sự, luật sư chỉ đóng vai trò là người tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý giúp các đương sự  thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án. Vì vậy, luật sư phải là người am hiểu pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước, tâm tư tình cảm và phong tục tập quán… Do vậy luật sư phải có những kỹ năng cần thiết khi tham gia vào quá trình hoà giải vụ án dân sự như trước phiên toà sơ thẩm. Điều 44, 47 Pháp lệnh thủ tục giải quyết  các vụ án dân sự, tại phiên toà sơ thẩm tại điều 52 cấp phúc thẩm, tại điều 65 Pháp lệnh thủ tục giải quyết  các vụ án dân sự vì đây là một thủ tục tố tụng đặc biệt, để bất cứ một thời điểm nào nếu có khả năng hoà giải thì toà án đều tiến hành hoà giải. Tuy vậy, khi hoà giải phải đảm bảo được các nguyên tắc sau: hoà giải được áp dụng hầu hết cho vụ án dân sự; việc hoà giải phải tôn trọng việc tự định đoạt của các đương sự; người bảo vệ quyền lợi cho đương sự được có mặt tham gia hoà giải… Hơn nữa, việc hoà giải nhằm giúp các đương sự thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án trên tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, chính sách, do vậy hoà giải phải có sự tự nguyện của các đương sự, không có sự gò bó, cưỡng ép giữa các bên; nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật và đạo đức xã hội: Việc hoà giải phải vừa kiên trì vừa phải tích cực. Đặc biệt nếu hoà giải thành, thì không phải mở phiên toà giảm được thời gian, tiết kiệm tiền của và giữ được mối quan hệ tình cảm của các đương sự; đồng thời việc hoà giải thành còn nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục nếp sống và tuân thủ pháp luật trong nhân dân, góp phần nâng cao uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng cũng như uy tín của luật sư.
Phạm vi hoà giải:
Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng thì khi tham gia hoà giải luật sư phải chuẩn bị các tài liệu chứng cứ có lợi cho thân chủ trước khi hoà giải. Hơn nữa, hoà giải là một nguyên tắc tố tụng được áp dụng với việc giải quyết hầu hết các vụ án dân sự, thì bên cạnh đó luật sư cũng phải nắm bắt được những tranh chấp mà pháp luật quy định không được hoà giải quy định tại điều 43 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự như huỷ việc kết hôn trái pháp luật, đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của nhà nước, những việc phát sinh từ giao dịch dân sự trái pháp luật như đánh bạc, cá độ…. hay các khoản 4, 5, 6 quy định điều 10 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự như xác nhận công dân mất tích hoặc đã chết, khiếu nại hộ tịch, khiếu nại danh sách cử tri và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài những việc mà pháp luật quy định không được hoà giải thì còn có những việc mà do trở ngại khách quan, hoặc do ý chí chủ quan của một bên đương sự dẫn đến việc không hoà giải được như bị đơn được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng; một bên đương sự đang ở nước ngoài học tập, công tác, lao động hoặc sinh sống ở nước ngoài: một bên đang bị giam giữ hoặc gặp trở ngại khách quan khác như bị tai nạn nên không thể có mặt khi hoà giải được (theo hướng dẫn của NQ số 03/HĐTP ngày 19-10-1990).
Đối với những vụ án do Viện  Kiểm sát khởi tố, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung thì luật sư cũng phải biết được nếu phải hoà giải thì sẽ hoà giải giữa nguyên đơn với bị đơn hoặc giưã người đại diện của họ.
Dựa trên cơ sở đó, luật sư phải phân tích, thuyết phục và căn cứ vào chuẩn mực do pháp luật quy định trong từng lĩnh vực cụ thể về đất đai, về hôn nhân gia đình, về dân sự, để giải thích cho thân chủ của mình hiểu được và họ có thể thoả thuận được với nhau để giải quyết tranh chấp một cách thấu tình đạt lý, giữ được tình cảm của đôi bên.
Chuẩn bị tham gia hoà giải:
Dù với tư cách là luật sư hay người đại diện cho thân chủ là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ kiện thì khi tham gia vào quá trình hoà giải, chúng ta ngoài việc chúng ta phải dựa trên những căn cứ pháp lý, còn phải tính đến các yếu tố tâm lý xã hội, truyền thống đạo đức đồng thời vẫn phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, xem xét các tài liệu chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu của khách hàng, có lợi cũng như bất lợi, thông báo cho khách hàng về tình trạng pháp lý của họ để phân tích, thuyết phục dựa trên các quy phạm pháp luật cần áp dụng để giải quyết; cũng như thoả thuận trước với thân chủ về các yêu cầu cần đạt được trong hoà giải và những vấn đề cần nhượng bộ cho phía bên kiadựa trên căn cứ pháp lý cũng như các tài liệu có sẵn trong hồ sơ. Để chuẩn bị, xây dựng kế hoạch hoà giải, lên các phương án hoà giải và tiếp xúc trao đổi kỹ lưỡng với thân chủ về mọi khía cạnh của vụ án, đồng thời thông qua việc nghiên cứu hồ sơ để biết được phía đối phương xem họ mong muốn gì? Để đưa ra phương án hoà giải có lợi nhất cho  thân chủ của mình, thì luật sư phải cân nhắc trước sau, phân tích những điểm có lợi , những ưu điểm của thân chủ để rút ra kết luận để hoà giải đạt được hiệu quả nhất.
Các giai đoạn hoà giải:
Đối với những vụ án phải hoà giải thì ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình giải quyết vụ án, nếu thấy có khả năng hoà giải thì toà án đều tuến hành hoà giải. Do vậy, luật sư cũng có quyền đề xuất hoà giải ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng, nhằm giúp cho thân chủ giảm bớt thời gian, tiền của trong vòng kiện tụng của toà án.
Việc hoà giải trước khi mỏ phiên toà là mang tính bắt buộc. Theo Điều 43, Điều 44 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sau khi hoàn tất hồ sơ mà không có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Toà án tiến hành hoà giải giữa các đương sự với nhau. Khi các đương sự thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án thì Toà án lập biên bản hoà giải thành. Bản sao biên bản này được gửi ngay đến VKS, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung. Nếu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà có đương sự thay đổi ý kiến, VKS tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung phản đối sự thoả thuận đó, thì Toà án lập biên bản hoà giải không thành và đưa vụ án ra xét xử: Nếu trong thời hạn đó không có sự thay đổi ý kiến hoặc phản đối thì Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị như một bản án được thi hành ngay.
Tại phiên toà sơ thẩm, nếu có khả năng hoà giải thành thì HĐXX sẽ tiến hành hoà giải, quy định tại Điều 52 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, nhưng ở giai đoạn này hoà giải không còn là thủ tục bắt buộc nữa nhưng luật sư vẫn có quyền đề xuất hoà giải được là tốt cho thân chủ. Tại giai đoạn phúc thẩm, toà án vẫn triệu tập các bên lên để hoà giải quy định tại Điều 65 Pháp lệnh thủ tục các vụ án dân sự.
Như vậy, dù ở giai đoạn nào của quá trình tố tụng thì luật sư cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp  các đương sự thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án như giải thích pháp luật, phân tích điểm bất lợi, có lợi, phân tích điều hơn lẽ phải, yếu tố tâm lý tình cảm để thân chủ tự quyết định hoà giải hay không?
Khi các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, theo jkhoản 2 Điều 44 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực ngay sau khi tuyên. Vì quyết định này dựa trên sự hoà giải tự nguyện của các đương sự theo một thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định, nó sẽ được thi hành ngay. Nhưng nếu có sai lầm sẽ bị kháng nghị để xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, hoặc tái phẩm nếu phát hiện tình tiết mới.
KẾT LUẬN
Vai trò của luật sư với việc giải quyết tranh chấp bằng toà án và trọng tài được nhà nước thừa nhận và đã được khẳng định bằng thực tế hoạt động. Nhưng vai trò của luật sư đối với giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải cho dến nay vẫn hoán toàn mới mẻ, hầu như chúng ta chưa có “sân chơi” cho lĩnh vực này. Việc luật sư giúp các bên tìm ra một giải pháp tích cực và ôn hoà trong việc giải quyết tranh chấp là điều đáng khuyến khích. Chúng ta nên nhìn nhận đúng vai trò của luật sư trong các hoạt động này, để cho các luật sư được hoạt động tốt trong môi trường này thì không những chúng ta đanhd giá đúng nghề luật sư  mà còn tạo ra nhiều hiệu quả xã hội, tiết kiệm thời gian và kinh phí cho các bên tranh chấp vì không phải ra toà.
Văn phòng luật sư Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai