Công ty luật Dragon – Ở Mỹ, do việc kiểm soát thu nhập cán bộ, công chức khá chặt chẽ nên tham nhũng khó có cơ hội nảy sinh. Vì thế, câu chuyện về mấy quan chức thị trấn dưới đây đã được coi là khá động trời. Cũng vì thế, dù là chuyện của một thị trấn nhưng Cơ quan Điều tra liên bang (FBI) phải vào cuộc.
Đổi phiếu bầu cử lấy… tiền
Theo các công tố viên liên bang, các quan chức ở thị trấn nhỏ Cudahy đã tham gia vụ tham nhũng trắng trợn và lan rộng. Tháng 6-2012 vừa qua, ba quan chức thị trấn bị bắt vì tội nhận hối lộ và tống tiền gồm: Thị trưởng David Silva, viên chức tư pháp Angel Perales và ủy viên Hội đồng thị trấn Osvaldo Conde.
Ông Joseph Akrotirianakis, trợ lý đại diện chính phủ tại tòa án, cho biết vụ tham nhũng nói trên liên quan đến chuyện gian lận lá phiếu trong cuộc bầu cử ở địa phương này.
Cudahy là một thị trấn 23.000 dân, chủ yếu là người lao động chân tay. Cáo buộc gian lận bầu cử có liên quan đến cuộc chạy đua vào hội đồng thị trấn các năm 2007, 2009. Hồ sơ của cơ quan điều tra cho thấy rằng một cựu quan chức thị trấn Cudahy chỉ được xác định là “G.P”, đề nghị viên chức tư pháp Perales và những người khác tranh thủ những người không phải dân địa phương Cudahy đăng ký bỏ phiếu tại thị trấn.
Theo các nhân viên điều tra liên bang, các quan chức thị trấn Cudahy giả mạo phiếu bỏ trước (dành cho cử tri không thể đi bầu vào ngày chính thức vì lý do chính đáng). Viên chức tư pháp Perales trả lời các nhân viên điều tra rằng khi số phiếu bỏ trước được đưa tới trụ sở thị trấn, ông và “G.P” đã mở phong bì đựng phiếu bầu để xác định cử tri chọn ai. Nếu cử tri bầu cho người đương nhiệm, phiếu bầu của họ được niêm phong lại và được kiểm. Trái lại, nếu cử tri bầu cho người khác, những phiếu đó bị vứt đi. Vì thế, những người ứng cử không phải là quan chức đương nhiệm của thị trấn gần như bị thất bại trong hai cuộc bầu cử (năm 2007 và 2009).
Hồ sơ tòa án cho thấy các quan chức thị trấn Cudahy gian lận bầu cử không chỉ để có lợi cho người đương nhiệm. Họ bị cáo buộc lấy phiếu bầu cử “đổi” tiền hối lộ.
Không những “đổi” phiếu bầu, các quan chức thị trấn Cudahy còn bị cáo buộc nhận hối lộ để “ưu tiên”, ký giấy tờ và các hình thức giúp đỡ khác như mua đất giá rẻ, chạy dự án… Các cán bộ này đã nhận tiền đút lót hàng trăm ngàn USD.
Tất nhiên, ở Mỹ không chỉ có một vài vụ tham nhũng lẻ tẻ như vụ trên đây. Theo thống kê của ĐH Illinois tại Chicago vừa được công bố, ước tính tham nhũng đã làm thất thoát ngân sách nước Mỹ khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Trong đó, hai bang có số vụ tham nhũng lớn nhất là New York (2.522 vụ) và California (2.345 vụ, tính từ năm 1976). Có điều dân Mỹ tin rằng con số các vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý so với số vụ “chưa bị lộ” gần như là tương đương.
Kiểm soát thu nhập ở Mỹ
Sau vụ Watergate và các vụ bê bối khác làm suy giảm niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền, Quốc hội Mỹ đã ban hành Luật Đạo đức chính quyền (năm 1978, gọi tắt là Luật Đạo đức). Luật này yêu cầu công chức cấp cao trong chính quyền phải khai một cách chi tiết tình hình tài chính của mình.
Luật Đạo đức yêu cầu việc kê khai thông tin về tài chính phải thực hiện hằng năm, đối tượng kê khai gồm tổng thống, phó tổng thống, nghị sĩ, thẩm phán liên bang, ứng viên tổng thống, các quan chức và viên chức khác có thu nhập cao hơn so với mức lương mà họ đang nhận từ nhà nước. Ví dụ năm 2006, trong bản khai của bộ trưởng Giao thông vận tải có các nội dung về bản chất, nguồn gốc và số lượng thu nhập, quà tặng và tiền bồi hoàn, tài sản và tiền nợ phải trả, các giao dịch về bất động sản và chứng khoán.
Trong một số trường hợp đặc biệt, luật này yêu cầu quan chức kê khai phải đầy đủ để có thể đánh giá được trong phạm vi bảy năm. Ngày nay, nhiều bản kê khai tài chính của quan chức ở Mỹ có thể được tìm thấy trên Internet. Chẳng hạn, bất kỳ công dân Mỹ nào cũng có thể biết được tài sản hiện có của Tổng thống Obama khoảng 2,6-8,3 triệu USD. Tất nhiên, họ biết rõ nguồn gốc của số tiền này từ đâu mà ra. Ngoài ra, nhờ có hệ thống kiểm soát chặt chẽ, dân chúng hoàn toàn biết được bản kê khai của quan chức chính quyền chính xác đến đâu. Khi phát hiện tài sản của quan chức có dấu hiệu bất minh, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc ngay. Ngoài việc đối diện với án tù, các quan chức còn bị buộc phải sung công số tài sản bất minh ấy.
Ủng hộ pháp luật về công khai tài chính, các tòa án của Mỹ cho rằng việc quan chức công khai thông tin đầy đủ, toàn diện về tài chính là điều cần thiết để chống tham nhũng và nâng cao niềm tin của dân chúng đối với chính phủ.
Công khai cho bàn dân thiên hạ biết
Ngoài Mỹ ra, hiện có nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện việc công bố một số hoặc toàn bộ thông tin về thu nhập và tài sản của quan chức. Một số quốc gia công khai thông tin trên Internet, một số quốc gia khác đăng bản kê khai trên tạp chí chính thống (chẳng hạn tạp chí chống tham nhũng) hoặc công báo. Số khác thì niêm yết bản khai ở một nơi xác định, cho phép công chúng xem và sao chép.
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới ở 32 quốc gia tại Mỹ Latinh cho thấy ở tám quốc gia, việc kê khai tài sản của các quan chức cấp cao phải được công khai: Argentina, Belize, Bolivia, Brazil, Chile, Jamaica, Mexico, Nicaragua và Paraguay. Ở Bahamas, bản khai được tóm tắt và đăng trên công báo. Tại Ecuador, tờ khai phải được công bố hoặc được công chứng. Ở các nước như Belize, Brazil, Chile…, bản khai tài sản phải gồm có thông tin về tài sản của vợ/chồng, con cái và những người phụ thuộc tài chính khác.
Ở Nhật Bản, quan chức cấp cao phải báo cáo về những quà tặng vượt quá 5.000 yen, giao dịch chứng khoán và thu nhập vượt quá 1 triệu yen (9.430 USD). Một số phần trong bản kê khai được đem cho dân chúng xem.
Singapore: Không có “vùng cấm trong chống tham nhũng”
Cơ quan Điều tra tham nhũng Singapore (CPIB) được chính quyền thuộc địa thành lập từ năm 1952, là cơ quan duy nhất có quyền điều tra các vụ việc tham nhũng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng. Nếu cơ quan nào phát hiện ra các trường hợp tham nhũng, họ sẽ chuyển sang cho CPIB tiến hành điều tra. “Đặc biệt, nếu thủ tướng bị tình nghi tham nhũng, cơ quan chúng tôi sẽ xin đặc quyền của tổng thống để tiến hành cuộc điều tra. Quyền lực này cho phép xóa bỏ mọi trở ngại có thể có do thủ tướng dựng lên. Điều này đã được Hiến pháp quy định” – ông Soh Kee Hean, nguyên Giám đốc CPIB, nói.
Ông Soh Kee Hean khẳng định ở Singapore không có khái niệm “vùng cấm” trong điều tra chống tham nhũng.
Theo ông Soh Kee Hean, mỗi năm CPIB tiến hành điều tra khoảng 300 vụ liên quan đến tham nhũng. Cơ quan này cũng từng “sờ gáy” đến cấp bộ trưởng và đã từng có chuyện bộ trưởng (Bộ Môi trường và Phát triển Quốc gia) bị kết án 4-5 năm tù vì tham nhũng.
Ngoài việc CPIB được trao quyền hành độc lập và khá lớn, hình phạt dành cho tội phạm tham nhũng trong luật hình sự Singapore khá nghiêm khắc, mức phạt thấp nhất là bảy năm tù giam. Đồng thời, quan tham phải hoàn lại đầy đủ số tiền mà họ tham nhũng, nếu không trả đủ tiền thì họ sẽ bị tăng hình phạt. Công chức, viên chức bị tòa kết án tội tham nhũng sẽ bị mất việc và nếu người vi phạm là người về hưu thì người vi phạm bị cắt lương hưu và các quyền lợi khác.
Ở Singapore, báo chí và truyền thông luôn được khuyến khích đưa tin về tham nhũng, hối lộ và đưa cả hình ảnh của những kẻ tham nhũng. CPIB sẵn sàng cung cấp thông tin khi báo chí cần. Theo ông Soh Kee Hean, việc công bố hình ảnh của những kẻ tham nhũng có tác dụng răn đe rất lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng.
(Theo TPO)
ĐẶNG NGỌC HÙNG
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai