Một số vấn đề về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

59

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự qui định thời gian tạm giữ là “03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú”. Trong khi đó, khoản 1 Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự lại qui định “Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ…”. Và khoản 4 Điều 110 BLTTHS quy định “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.”

Theo các quy định trên thì thời gian tạm giữ 03 ngày tính từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hay tính từ khi Cơ quan điều tra ra văn bản Quyết định tạm giữ thì trước đây chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra vẫn chưa thực hiện thống nhất và thực tế mỗi cơ quan, mỗi vụ đều áp dụng khác nhau. Tuy nhiên, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành công văn số 2000/CSĐT (C44) ngày 12/6/2018 đã hướng dẫn cụ thể chi tiết những quy định này. Theo đó, khi Cơ quan điều tra tiếp nhận người bị giữ, người bị bắt từ cá nhân, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì thời hạn tạm giữ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp Cơ quan điều tra (CQĐT) trực tiếp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và thực hiện việc áp giải người đó về trụ sở của mình thì thời hạn tạm giữ được tính từ khi áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đó về đến trụ sở CQĐT. Đối với người phạm tội đầu thú, tự thú thì thời hạn tạm giữ bắt đầu kể từ khi CQĐT ra quyết định tạm giữ.

Thời hạn 12 giờ theo khoản 4 Điều 110 và khoản 1 Điều 114 nằm trong thời hạn 03 ngày tạm giữ theo quy định tại khoản 1 Điều 118 BLTTHS.

Công văn cũng quy định về việc lập biên bản trong trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Theo đó, trong các trường hợp khẩn cấp, thi hành lệnh hoặc quyết định bắt người trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản. Do vậy, sau khi Viện kiểm sát cùng cấp đã phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Điều tra viên phải tiến hành lập biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại cơ sở giam giữ. Người chứng kiến việc lập biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là cán bộ của cơ sở giam giữ.

Về quy định đóng dấu bút lục của CQĐT: Công văn quy định cụ thể trường hợp CQĐT đóng dấu bút lục như sau:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS thì “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày”. Theo khoản 2, 3 mục II Công văn số 2000/CSĐT (C44) ngày 12/6/2018 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thì “Các biên bản, tài liệu điều tra của Cơ quan điều tra chuyển cho Viện kiểm sát đều phải được đóng bút lục của Cơ quan điều tra vào góc trên, bên phải của tài liệu (nhưng chưa đánh số bút lục) và gửi kèm theo bảng kê các tài liệu). Trong thời hạn 03 ngày, sau khi Viện kiểm sát đóng bút lục, sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát, Cơ quan điều tra nhận bản giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó khi được Viện kiểm sát chuyển lại”. “Việc giao, nhận tài liệu, biên bản điều tra được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật hình sự, cần chú ý ghi nhận rõ tính nguyên trạng của các tài liệu, biên bản khi giao, nhận”.

Hiện nay, liên ngành tư pháp Trung ương chưa có thông tư liên liện tịch cũng như Bộ công an cũng chưa có thông tư hướng riêng dẫn chi tiết về những vấn đề này nên hiện tại Văn bản hướng dẫn số 2000/CSĐT (C44) ngày 12/6/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an là văn bản hướng dẫn duy nhất để CQĐT các cấp vận dụng áp dụng khi thực hiện các thao tác nghiệp vụ điều tra, nhất là quy định về trình tự, thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp và cách tính thời hạn tạm giữ theo quy định của BLTTHS. Do đó, các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự phải nắm rõ những quy định trên để thực hiện tốt vai trò kiểm sát của mình đối với hoạt động điều tra của CQĐT./.

Nguyễn Văn Khánh – VKSND huyện Ba Tri

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai