Quyết định hình phạt theo khoản 2 Điều 54 của BLHS

830

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích trường hợp “Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 54 của BLHS và những vướng mắc trong thực tế.

Tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: 2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.”

Với quy định nêu trên ta thấy, so với các BLHS trước đây, Điều 54 của BLHS năm 2015 đã bổ sung một quy phạm mở cho Tòa án và có lợi hơn cho người phạm tội và thể hiện sự tiến bộ trong quá trình lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Qua đó đã đảm bảo được tính khách quan và công bằng khi cá thể hóa hình phạt đối với từng bị cáo trong một vụ án; đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án đối với những trường hợp người phạm tội lần đầu là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, nhưng bị đưa ra xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với các đồng phạm khác. Những người này theo quy định của các BLHS trước đây dù họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, nhưng không thỏa mãn việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt; trong trường hợp này, tòa án có thể xem xét, vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc “hình phạt được áp dụng phải trong khung khung hình phạt liền kề nhẹ hơn khung hình phạt được áp dụng” mà không được thấp hơn hình phạt trong khung liền kề; như vậy là quá nghiêm khắc mà không thể hiện tối đa tính nhân văn của quyết định hình phạt.

Tuy nhiên, từ thực tiễn nghiên cứu, áp dụng cho thấy quy định tại khoản 2 Điều 54 của BLHS năm 2015 còn bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, gây ra nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.

1.Điều kiện áp dụng

Vấn đề đặt ra là việc áp dụng quy định tại khoản 2 là độc lập hay phải thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 54 của BLHS năm 2015 là phải “Có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ” ?

Vấn đề này trên thực tế vẫn tồn tại hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của BLHS là hai trường hợp riêng biệt nên việc áp dụng mỗi khoản là tách biệt và độc lập nhau. Do đó, việc áp dụng khoản 2 Điều 54 không phụ thuộc vào điều kiện quy định của khoản 1; có nghĩa không nhất thiết người phạm tội phải có đủ ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS mà họ chỉ cần có tối thiểu một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 và  thỏa mãn điều kiện “Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể” là Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung liền kề.

Ngoài các căn cứ cơ bản được quy định trong BLHS, ở đây nhà làm luật đang hướng tới đề cao coi trọng và nhấn mạnh hơn căn cứ về nhân thân và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi người phạm tội trong việc quyết định hình phạt. Mặc dù đây không phải là căn cứ để Tòa án áp dụng “thái quá, nhân đạo quá” đối với người phạm tội; nhưng việc hiểu và áp dụng như vậy mới thực sự đảm bảo tính nhân văn và khoan hồng “tối đa” và thể hiện quan điểm đúng đắn của nhà làm luật về ý nghĩa đích thực của quy định này. Hơn nữa, do khoản 2 không quy định phải “có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ” (như quy định tại khoản 3) nên trong trường hợp họ bị can, bị cáo chỉ cần thỏa mãn đầy đủ các điều kiện “Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể” là có căn cứ để Tòa án quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Mặt khác, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 54 của BLHS thì rõ ràng đây là 2 căn cứ độc lập mà không phụ thuộc; ràng buộc vào quy định “khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”. Vì để áp dụng khoản 2 Điều 54 mà người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 54 thì đây lại là một rào cản cho việc áp dụng và không đảm bảo “tối đa” tính nhân văn và khoan hồng trong quyết định hình phạt.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Với việc bổ sung quy định khoản 2 Điều 54 của BLHS là căn cứ nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng khi quyết định hình phạt của Tòa án. Đây trường hợp mở rộng và có mối liên hệ hữu cơ với quy định tại khoản 1 Điều 54 của BLHS, tháo gỡ được những khó khăn cho Tòa án và đảm bảo tính “tương xứng” của hình phạt so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này không được tùy tiện mà luôn phải đảm bảo nguyên tắc bắt buộc là có từ 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Hay nói cách khác, người phạm tội được áp dụng khoản 2 khi phải thỏa mãn đủ các điều kiện sau: (1) Người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS; (2) Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Bởi vì, chỉ riêng áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt áp dụng trong khung liền kề nhẹ hơn người phạm tội đã phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51; trong trường hợp này hình phạt họ được áp dụng còn dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn khung hình phạt được áp dụng hoặc có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn nằm ở khung thứ nhất hoặc thứ hai của khung hình phạt liền kề của khung hình phạt được áp dụng hoặc họ có thể bị xử phạt mức hình phạt tối thiểu của các loại hình phạt.

Do đó, trong trường hợp này, ngoài việc thỏa mãn điều kiện về phạm tội lần đầu, đồng phạm với vai trò giúp sức không đáng kể thì người phạm tội phải đảm bảo tuân thủ điều kiện bất di bất dịch (nguyên tắc quyết định hình phạt dưới khung) là có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51; có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc công bằng; tính lôgic và sự phù hợp trong quyết đinh hình phạt.

2. Vai trò không đáng kể

Vấn đề thứ hai là xác định “vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm” đối với người giúp sức.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của BLHS thì “Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”. Như vậy, BLHS mới chỉ có quy định khái niệm thế nào là người giúp sức. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn để xác định “vai trò không đáng kể” của người giúp sức trong vụ án đồng phạm. Trong khi đó, đây là căn cứ rất quan trọng để Tòa án quyết định việc có cho người phạm tội được hưởng “một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”.

Thực tế hiện nay việc nhận thức và đánh giá về tình tiết này thường dựa trên nội dung vụ án cụ thể và sự độc lập của Hội đồng xét xử mà không có hướng dẫn đưa ra từng tiêu chí cụ thể nào. Do đó, có thể xảy ra trường hợp các vụ án có tình tiết giống nhau nhưng lại được các Tòa án áp dụng khác nhau; trong đó có tòa cho bị cáo hưởng tình tiết này, có tòa lại không áp dụng.

Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi cho rằng, xuất phát từ mục đích, ý nghĩa của chế định quyết định hình phạt nói chung và quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nói riêng thì quy định này nhằm hướng tới hình phạt mà Tòa án áp dụng phải tương xứng và phù hợp với nhân thân; tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội do hành vi họ thực hiện trong mối quan hệ với các đồng phạm khác và có lợi nhất cho người phạm tội. Tuy nhiên, việc áp dụng có lợi cho người phạm tội theo khoản 2 Điều 54 của BLHS phải trên cơ sở quy định của pháp luật và phải đảm bảo tuân theo các nguyên tắc và thống nhất. Cụ thể:

– Phải tuân thủ nguyên tắc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; bởi lẽ quyết định hình phạt dưới khung áp dụng và trong khung liền kề nhẹ hơn đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật hình sự Việt Nam, do vậy đòi hỏi bị cáo phải đáp ứng được điều kiện “Có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS”;

– Vì là dưới khung nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, điều này có nghĩa cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng “thủng” 2-3 khung hình phạt hoặc có thể chuyển sang hình phạt khác (nếu thuộc khoản 3); đây là quy định mở, áp dụng có lợi cho người phạm tội và hướng tới bao vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân; song vì là pháp luật hình sự nên cần có hướng dẫn quy định chi tiết và cụ thể hơn về chế định này.

Đối với vấn đề xác định thế nào là “vai trò không đáng kể”, để đưa ra một định nghĩa đầy đủ về nội dung này là không dễ dàng. Do vậy, chỉ có thể dựa trên một số tiêu chí để xác định “vai trò không đáng kể” của người giúp sức trong vụ án đồng phạm một cách định tính như: Cần xem xét tính chất vụ án, hành vi khách quan của bị cáo, trên cơ sở đó đánh giá mức độ hành vi cụ thể của họ trong toàn bộ vụ án; xác định vai trò “mắt xích” của người giúp sức đó không quan trọng và thấp nhất trong tất cả các đồng phạm khác của vụ án; hành vi mà họ thực hiện không quyết liệt, không mong muốn hậu quả xảy ra hoặc đã hạn chế hậu quả xảy ra ở mức thấp nhất hoặc đã khắc phục hậu quả ở mức tối đa nhất…

**

Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 nói riêng và Điều 54 của BLHS năm 2015 nói chung là một điểm mới tiến bộ được kế thừa, sửa đổi, bổ sung từ quy định của các BLHS trước. Mặc dù đã có sự thay đổi nhưng trong thực tiễn thi hành khoản 2 Điều 54 vẫn bộc lộ một số vướng mắc, gây khó khăn và dẫn đến việc áp dụng không thống nhất đối với cơ quan, người tiến hành tố tụng. Do vậy, để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 54, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể hơn về một số nội dung còn tồn tại những ý kiến trái chiều và cách áp dụng khác nhau nêu trên.

DƯƠNG HỒNG ĐIỆP (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3) 

Luật sư bào chữa – Công ty luật Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai