Tiêu thụ tài sản trộm cắp có bị xử lý?

35

Độc giả Trần Thanh hỏi
Tôi có anh trai làm cầm đồ, thường xuyên mua bán xe không rõ nguồn gốc và không có giấy tờ xe được đưa từ nơi khác đến với giá rẻ. Qua tìm hiểu thì anh tôi có được biết đó là xe ăn cắp nhưng vẫn mua và bán lại. Vài hôm trước, anh tôi bị bắt và điều tra liên quan đến một vài tài sản trong một vụ trộm cắp. Liệu anh tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?

Luật sư tư vấn luật hình sự – Văn phòng luật sư Dragon trả lời

Đối với các tội phạm trộm cắp tài sản, họ thường tìm cách tiêu thụ tài sản mà mình trộm cắp được như: bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp tài sản. Đối với những người: mua, nhận thuê tài sản…biết tài sản do trộm cắp mà vẫn nhận tiêu thụ thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, giá trị tài sản mà người vi phạm phải chịu 2 loại chế tài là hành chính hoặc hình sự.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 09/TTLT Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Ngân hàng nhà nước Việt Nam – VKSND Tối cao – TAND Tối cao, tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi trên.

Với những hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác vi phạm pháp luật mà có nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm (giá trị tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm…) thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng.

Với hành vi vi phạm pháp luật này thì người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trong trường hợp anh bạn biết rõ tài sản có nguồn gốc bất minh do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, tuy không hứa hẹn trước nhưng vẫn cố tình chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, thì anh bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015. Hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tối đa 15 năm.

Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân, điều kiện để các tội phạm thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản thêm quyết tâm, có ý chí để thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản.

Tham khảo điều luật:

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;

c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.

4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ luật hình sự 2015

Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai