Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

137

Qua nghiên cứu bài viết “Ba đối tượng phạm tội gì?” của tác giả Trần Thanh Sơn, Tòa án quân sự Quân khu 7 đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 27/8/2021, tác giả cho rằng đủ điều kiện để khởi tố những đối tượng này về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Dưới khía cạnh nghiên cứu lý luận, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được xác định là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi đối tượng thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không có ý nghĩa trong việc định tội. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm vẫn có một số quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi bắt cóc, không phụ thuộc vào việc đã bắt cóc được người khác làm con tin hay chưa và chứng minh được hành vi bắt cóc đó nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành.

Quan điểm thứ hai cho rằng, khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi bắt cóc và đe dọa, có yêu sách về tài sản, không phụ thuộc vào việc họ có chiếm đoạt được tài sản hay không thì tội phạm đã hoàn thành.

Quan điểm thứ ba cho rằng, khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin và hành vi đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì tội phạm đã hoàn thành.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba. Điều này sẽ phù hợp về mặt kỹ thuật lập pháp vì khi đó hành vi của người phạm tội đã thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm. Khi người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi bắt cóc nhưng chưa bắt cóc được người khác làm con tin thì hành vi đó chưa thỏa mãn dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội phạm “Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản…” (khoản 1 Điều 169) nên tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chưa hoàn thành. Còn việc đối tượng đã thực hiện hành vi đưa ra yêu sách về tài sản, đe dọa đòi tiền chuộc hay chưa, điều đó không phải dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm, mà nó thuộc về vấn đề chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự.

Hành vi khách quan của tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” gồm hai hành vi là hành vi bắt cóc người khác làm con tin và hành vi chiếm đoạt tài sản. Thiệt hại do những hành vi này gây ra cho quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu là hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đó là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Hành vi bắt cóc là tiền đề, cơ sở và là thủ đoạn quyết định đến việc đối tượng có thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản và những thiệt hại do hành vi bắt cóc gây ra cho con tin cũng nhằm hướng đến việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nói tóm lại là hai hành vi này có mối quan hệ với nhau, giống như điều kiện cần và điều kiện đủ để cấu thành tội này, điều kiện cần làm bắt cóc con tin, điều kiện đủ là nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do đó, những thiệt hại nào xuất hiện trong quá trình thực hiện hành vi bắt cóc gây ra cho con tin mà không hướng đến việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì không phải là hậu quả của tội phạm và hành vi gây thiệt hại đó cũng không phải là hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, nếu người phạm tội không đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản nên đã có hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe của con tin thì hành vi này sẽ bị truy cứu theo cấu thành tội phạm độc lập. Điều này thể hiện đúng bản chất của hành vi phạm tội, nó giống như một hành vi trả thù nạn nhân khi không chiếm đoạt được tài sản. Trường hợp trong tình huống đưa ra khi không chiếm đoạt được tài sản, các đối tượng đã thả S ra, thuê xe ôm chở S về nhà. Điều này chỉ có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đối tượng.

Tóm lại, tác giả đồng ý với quan điểm của tác giả Trần Thanh Sơn, các đối tượng có thể bị khởi tố về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, vì S chưa đủ 16 tuổi nên phải áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi”. Đối với các quan điểm trong bài viết của tác giả Trần Thanh Sơn tác giả có ý kiến như sau:

Về quan điểm thứ nhất cho rằng có thể miễn trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, tác giả không đồng tình bởi như đã nói ở trên, đây là tội danh có cấu thành hình thức, những hành vi của các đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội này.

Về quan điểm thứ hai phân tích rằng “Khi thực hiện hành vi bắt cóc S, các đối tượng không biết S là trẻ em vì thể trạng S đã lớn, nhìn bên ngoài không biết S chưa đủ 16 tuổi. Mặt khác, các đối tượng không hiểu biết quy định pháp luật về việc đề cao việc bảo vệ trẻ em tức là chế tài pháp luật hình sự sẽ nghiêm khắc hơn, họ cũng không nhận thức được tính nguy hiểm mà hành vi của họ đang thực hiện đối với trẻ em cao hơn. Đến khi xét xử thì người bị hại đã hơn 16 tuổi nên có thể áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo ý thức chủ quan là “không biết” thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng. Hậu quả của vụ án được hạn chế đáng kể, gia đình bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo”. Tác giả cho rằng phân tích như vậy là không phù hợp, không thể lấy ý thức chủ quan của các đối tượng là biết hay không biết S đã đủ hay chưa đủ 16 tuổi để xem xét không áp dụng tình tiết “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” được, về mặt tâm lý tội phạm sẽ không có đối tượng nào nhận rằng đã biết S dưới 16 tuổi.

Về quan điểm thứ tư cho rằng cần lấy số tiền 600 triệu mà các đối tượng có ý định chiếm đoạt để làm tình tiết định khung tăng nặng “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”, tác giả không nhất trí với quan điểm này, bởi các đối tượng chưa chiếm đoạt được số tiền có ý định chiếm đoạt, nếu lấy ý định chưa hoàn thành làm căn cứ để áp dụng tình tiết tăng nặng đó là không phù hợp, bất lợi cho các đối tượng.

Trên đây là ý kiến của tác giả xin được trao đổi cùng bạn đọc./.

Th.s NGUYỄN ANH CHUNG (Tòa án quân sự Quân khu 5) 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai