Tội giết người theo quy định tại điều 93 Bộ Luật Hình Sự

5834

Điều 93. Tội giết người bộ luật hình sự năm 1999

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Nghị quyết Số: 04-HĐTPTANDTC/NQ – CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE, NHÂN PHẨM, DANH DỰ CON NGƯỜI

1) Tội giết người (Điều 101)

a) Một số tình tiết thể hiện tính nguy hiểm cao của tội phạm (ở khoản 1)

+ Giết người vì động cơ đê hèn (điểm a) như giết người vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc (ví dụ: giết người để cướp vợ hoặc chồng nạn nhân; giết tình nhân đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết người đã cho vay, giúp đỡ khắc phục khó khăn, hoạn nạn nhằm trốn nợ v.v…).

+ Giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác: động cơ “để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác” là tình tiết định khung của tội giết người quy định ở Điều 101, khoản 1, điểm a. Còn “tội phạm khác” có thể là tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (theo Điều 8 khái niệm tội phạm) cần được xử lý theo một tội danh riêng.

Nếu “tội phạm khác” cần xét xử, thì xét xử về hai tội (tội giết người và “tội phạm khác”), quyết định hình phạt đối với từng tội phạm (tuần tự theo thời gian thực hiện) rồi tổng hợp thành hình phạt chung, như hiếp dâm xong rồi giết nạn nhân để che giấu tội phạm thì bị xử lý về tội hiếp dâm (Điều 122) và tội giết người (Điều 101, khoản 1, điểm a).

Nếu “tội phạm khác” có tính chất, mức độ nguy hiểm hạn chế (như: tội phạm chưa đạt, hậu quả chưa xảy ra hoặc không đáng kể…), mà xét thấy không cần thiết phải xử lý về hình sự thì có thể không xét xử về tội phạm đó, nhưng phải phân tích trong bản án.

+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác là tình tiết định khung của tội giết người theo Điều 101, khoản 1, điểm e. “Liền trước đó” hoặc “ngay sau đó” là vừa kết thúc tội phạm trước đã thực hiện ngay tội phạm sau. Người phạm tội có tính nguy hiểm cao (trong một thời gian rất ngắn phạm hai tội nghiêm trọng) phải bị xử lý về hai tội (tội giết người theo Điều 101, khoản 1, điểm e và tội nghiêm trọng khác). Hình phạt được quyết định đối với mỗi tội phạm và tổng hợp thành hình phạt chung.

+ Việc định tội đối với một số trường hợp vừa có hành vi chiếm đoạt tài sản, vừa có hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe người khác. Đối với hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản (tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc tài sản của công dân) hoặc gây chết người (tức là cố ý về hành vi và vô ý về hậu quả), thì xử lý về “tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa” (theo điều 129, khoản 2, điểm c) hoặc về “tội cướp tài sản của công dân” (theo Điều 151, khoản 2, điểm c). Thí dụ: hành vi đột nhập vào nhà một công dân, đánh, trói, gây thương tích nặng cho chủ nhà nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân, thì xử lý theo Điều 151, khoản 2, điểm c. Hành vi đột nhập vào khu vực kho của một xí nghiệm, đánh, trói, nhét giẻ vào miệng thủ kho nhằm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và làm cho thủ kho bị chết vì ngạt thở, thì bị xử lý theo Điều 129, khoản 2, điểm c (gây thương tích nặng, gây tổn thất nặng cho sức khỏe hoặc gây chết người).

Đối với hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản mà giết người chủ sở hữu hay người quản lý tài sản, giết người chống cự lại, hoặc bắn trả người đuổi bắt, thì xử lý về “tội giết người” và “tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa” hoặc “tội cướp tài sản của công dân”.

+ Thực hiện tội giết người một cách man rợ (điểm b) như kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội (như: móc mắt, xẻo thịt, moi gan, chặt người ra từng khúc…).

+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm e). Công vụ là một công việc mà cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội giao cho một người thực hiện.

Người thực hiện một công việc vì nghĩa vụ công dân (như bắt giữ kẻ phạm tội đang chạy trốn) tuy không phải là người thi hành công vụ, nhưng nếu do công việc đó mà họ bị giết, thì họ có thể được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội như đối với người thi hành công vụ và hành vi của kẻ giết người đó cũng bị xử lý theo Điều 101, khoản 1, điểm e.

Kẻ giết người có thể thực hiện tội phạm khi nạn nhân sắp thi hành công vụ hoặc đang thi hành công vụ để cản trở họ thi hành công vụ, hoặc giết người đã thi hành công vụ để trả thù hoặc để đe dọa người khác.

b) Một số tình tiết định khung hình phạt nhẹ:

+ Giết người trong tình trạng bị kích động mạnh – do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó. Đây là khung hình phạt giảm nhẹ (khoản 3).

– Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động  đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng (theo Điều 13) hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (theo Điều 102).

Trong trường hợp cá biệt hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm nhưng là tội phạm ít nghiêm trọng (như tội làm nhục người khác, tội vu khống) thì cũng được coi là giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh và được xử lý theo Điều 101, khoản 3. Thí dụ: hai anh em đồng hao ở chung nhà bố mẹ vợ, người anh thường xuyên làm nhục thô bạo và trắng trợn vu khống người em, đến thời điểm nào đó lại lăng nhục người em nên người anh bị em giết.

Đối với trường hợp người dùng chất say (uống rượu) hoặc chất kích thích mạnh khác mà bị say, nhân có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng của nạn nhân mà thực hiện hành vi giết người, thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh. Phải tùy theo hoàn cảnh, tính chất và mức độ sai trái của hành vi do nạn nhân thực hiện cũng như các tình tiết khác của vụ án, mà xử lý theo điều 101 về tội giết người.

– Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên: mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.

+ Giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết (khoản 4). Đây là một tội phạm có cấu thành giảm nhẹ đặc biệt, cần được vận dụng thận trọng và chặt chẽ.

Con mới đẻ là đứa trẻ mới sinh ra trong bảy ngày trở lại.

– Chủ thể của tội phạm này chỉ là người mẹ sinh ra đứa trẻ. Người mẹ này chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu (như: khiếp sợ trước dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú, hoặc trước dư lận khắc nghiệt của nhà chồng cho đẻ con gái là tai họa v.v…) hoặc bị hoàn cảnh khác quan đặc biệt chi phối (như: đứa trẻ sinh ra có dị dạng…). Người xúi giục bị cáo về tội giết con mới đẻ bị xử lý là đồng phạm tội này.

Người không phải là mẹ của đứa trẻ mới đẻ mà giết đứa trẻ đó, thì bị xử lý vệ tội giết người (theo điều 101, khoản 1 hoặc 2).

+ Hành vi giết người vì mê tín (như cho người khác có ma chài…) không được quy định cụ thể ở Điều 101. Theo thực tiễn xét xử, có thể vận dụng như sau: nếu người thực hiện hành vi giết người thực sự mê tín, lạc hậu, thì xử lý theo Điều 101 khoản 2 và điều 38 khoản 1 điểm g (phạm tội do trình độ lạc hậu); nếu người phạm tội do lợi dụng mê tín để giết người vì động cơ đê hèn, thì xử lý theo Điều 101, khoản 1 điểm a.

2. Tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 103).

Điều luật quy định tội phạm của người thi hành công vụ mà làm chết người, gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe người khác, do sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép (theo Nghị định số 94/HĐBT ngày 2-7-1984).

– Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, thực hiện chức năng, nghiệp vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nghiệp vụ (như: tuần tra, canh gác…) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội.

Vũ khí quy định ở điều luật là súng đạn các loại (súng quân dụng súng thể thao quốc phòng) được giao cho người có quyền sử dụng.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, nếu công dân vì lợi ích chung của xã hội mà sử dụng một thứ công cụ nào đó (như: dao, gậy, đòn gánh…) để giúp sức người thi hành công vụ ngăn chặn hoặc đuổi bắt người phạm tội, do đó, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì cũng được coi là phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (theo Điều 103).

Nếu họ thực hiện hành vi nói trên do hống hách, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác mà sử dụng vũ khí một cách bừa, ẩu hoặc do tư thù cá nhân, thì tùy tình hình của sự việc mà xử lý “theo Điều 101 về tội giết người” trong trường hợp thông thường (nếu gây chết người) hoặc về “tội cố ý gây thương tích theo Điều 109” (nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác), đồng thời có xem xét hoàn cảnh và động cơ phạm tội để cân nhắc tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trong khung của điều luật được áp dụng.

Nạn nhân của hành vi phạm tội này là những người mà người thi hành công vụ sử dụng vũ khí nhằm bắt giữ hoặc ngăn chặn hành vi phạm pháp (như: người đang đánh bạc chạy trốn khi thấy công an đến bắt) hoặc là công dân bình thường bị người thi hành công vụ xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe (như người đi ngang đường bị người thi hành công vụ bắn lạc đạc).

3. Tội vô ý làm chết người (Điều 104). Hành vi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng của người khác do vi phạm một quy định hành chính cụ thể (các Điều 186, 187, 188…)

– Hành vi do cẩu thả hoặc quá tự tin mà làm chết người, thì nói chung bị xử lý về tội vô ý làm chết người (Điều 194, khoản 1) như: người đi săn ban đêm do lầm lẫn mà bắn chết người.

– Hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắt nghề nghiệp (như: công nhânmắc đường dây dẫn điện do làm việc không cẩn thận gây chết người qua đường) hoặc vi phạm quy tắc hành chính (như: chặt cây công cộng trái quy định của cơ quan có thẩm quyền, làm gẫy cành cây, đứt dây dẫn điện, gây chết người qua đường…) thì bị xử lý theo quy định của Điều 104, khoản 2.

– Hành vi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác do vi phạm một quy định hành chính cụ thể mà điều luật quy định riêng (như các Điều 186, 187, 188, 190, v.v…) thì bị xử lý theo điều luật tương ứng. Thí dụ: lái xe phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn chết người bị xử lý theo Điều 186 về tội phạm quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Tội bức tử (Điều 105)

– Chủ thể của tội phạm này là người mà nạn nhân bị lệ thuộc (như: lệ thuộc về kinh tế, bị ràng buộc về quan hệ hôn nhân, huyết thống, nujôi dưỡng, quan hệ công tác, thầy trò, hoặc quan hệ tôn giáo, tín ngưỡng…).

– Mặt khách quan của tội phạm là: đối xử tàn ác (tức là đối xử có tính độc ác, tàn bạo, như: đánh đập gây đau khổ về thể chất, nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị lệ thuộc); thường xuyên ức hiếp (đối xử bất công, bất bình đẳng); ngược đãi (đối xử tồi tệ); làm nhục (xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự…).

Hành vi đối xử tàn ác dù mới xảy ra một lần cũng có thể làm cho nạn nhân tự sát; còn hành vi ức hiếp, ngược đãi, làm nhục phải diễn ra nhiều lần, thường xuyên, làm cho nạn nhân bị dày vò về tư tưởng, tình cảm, thấy bế tắc mà tự sát.

Dù nạn nhân tự sát không chết, bị cáo vẫn bị xử lý về tội bức tử.

Trong thực tế, có trường hợp tâm tư của người tự sát khá phức tạp như: vừa đau ốm, vừa thất tình lại bị cha đánh chửi, rồi tự sát. Vì vậy, phải xác định thật rõ mối quan hệ nhânm quả giữa hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục với hành vi tự sát thì mới xác định được có tội bức tử hay không.

– Về mặt chủ quan: tội phạm được thực hiện do cố ý, chủ thể nhận thức rõ hành vi của mình có thể làm cho nạn nhân tự sát, không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (cố ý gián tiếp) và cũng có thể do cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả.

5. Tội cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 107). Nguy hiểm đến tính mạng (sắp chết) hoặc có thể chết (như: sắp chết đuối; bị thương tích nặng do tai nạn giao thông gây ra…), tuy có điều kiện mà không cứu giúp (tức là có khả năng cứu giúp và sự cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác) mà cố ý bỏ mặc, dẫn đến chết người.

– Theo khoản 2, người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm (như: cùng đi tắm ở sông, người biết bơi đùa nghịch làm người không biết bơi bị chới với sắp chình mà không cứu vớt) hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp, có nghĩa vụ phải cứu giúp (như thủy thủ tàu đang đi trên sông, trên biển đối với người đang vật vờ trên mặt nước, bác sĩ đối với bệnh nhân đang cần cấp cứu…).

Đối với trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây ra tai nạn rồi bỏ chạy, cố ý không cứu giúp người bị nạn để trốn tránh trách nhiệm thì xử lý theo Điều 186, khoản 2, điểm b (tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng).

6. Tội đe dọa giết người (Điều 108) phải có hai dấu hiệu bắt buộc có hành vi đe dọa giết người; có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

– Phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật (như: nói trực tiếp côngkhai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao đe dọa), và phải xem xét “căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ…”, một cách khách quan, toàn diện như: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm diễn biến, nguyên nhân sâu xa (nếu có) và trực tiếp của sự việc, mối tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ v.v…). Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ v.v…). Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa sẽ được thực hiện, thì đó là trường hợp lo lắng có căn cứ.

Nếu cùng với hành vi đe dọa, còn có hành vi chuẩn bị giết người bị đe dọa (như mài dao, lau súng đạn…) thì xử lý các hành vi đó về tội giết người (ở giai đoạn chuẩn bị) theo Điều 15 khoản 1 và Điều 101 khoản 2. Nếu sau khi đe dọa đã giết người bị đe dọa, thì xử lý về tội giết người.

Nếu đe dọa giết người để chống người thi hành công vụ, thì xử lý về tội chống người thi hành công vụ (Điều 205) mà không áp dụng điều 108.

7. Phân biệt giữa thương tích với thương tích nặng, giữa tổn hại cho sức khỏe với tổn hại nặng cho sức khỏe (tại các Điều 109, 110 và 103 khoản 2).

– Trước hết, cần xem xét nhiều mặt để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như: phương tiện, công cụ được sử dụng để gây thương tích, bộ phận của cơ thể bị trực tiếp xâm phạm, thương tích ban đầu, kết quả cứu chữa…

Sự phân biệt mức độ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe cần phải dựa vào kết luận của giám định pháp y và khi cần thiết, dựa vào cả kết luận của bác sĩ điều trị. Những kết luận đó cho biết mức độ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe khi sự việc mới xẩy ra và khi đã điều trị xong. Đó là căn cứ giúp cho việc định tội và quyết định hình phạt, cũng như cho việc quyết định mức bồi thường thiệt hại.

Xét riêng về thương tích, thì dựa vào những kết luận nói trên của cơ quan chuyên môn, tham khảo luật hình của một số nước xã hội chủ nghĩa, qua thực tế xét xử của ta, có thể xác định:

– Tỷ lệ thương tích từ 10% trở xuống, không ây cố tật, là thương tích nhẹ, chưa đến mức cần thiết phải xử lý về hình sự người gây thương tích đó.

– Tỷ lệ thương tích từ 11 đến 30% là thương tích cần thiết phải xử lý về hình sự đối với người gây ra (theo Điều 109 khoản 1);

– Tỷ lệ thương tích từ 31 đến 60% là thương tích nặng hoặc tổn hại nặng đến sức khỏe (theo Điều 109 khoản 2);

– Tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên là thương tích rất nặng hoặc tổn hại rất nặng đến sức khỏe (theo điều 109 khoản 3).

Trong trường hợp gây thương tích có tính nguy hiểm cao (như: đánh, chém làm lún xương sọ não, đâm thủng ruột…) nhưng nạn nhân được cứu chữa kịp thời nên không chết, không bị tổn hại nặng đến sức khỏe, hoặc không bị cố tật, thì vẫn bị xử lý theo Điều 109 khoản 2. Đặc biệt là trường hợp hành vi đó có tính chất côn đồ, hung hãn thì cần trừng trị nghiêm khắc.

Luật sư giỏi tranh tụng

Luật sư Nguyễn Minh Long –  Công ty Luật Dragon

Điện thoại 098 301 9109

Liên hệ Công ty luật uy tín: http://www.vanphongluatsu.com.vn/luat-su-bao-chua/

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai