Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của bộ luật hình sự

197
Tên văn bản : Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của bộ luật hình sự
Loại văn bản : Nghị Quyết HĐTP TANDTC
Số hiệu : 04/HĐTP
Ngày ban hành : 29/11/1986
Cơ quan ban hành : Toà án nhân dân tối cao

NGHỊ QUYẾT SỐ 04/HĐTP NGÀY 29-11-1986
CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG PHẦN CÁC TỘI PHẠM CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
 
Căn cứ Điều 24 Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao họp trong các ngày 28 và 29-11-1986 với sự tham gia của đồng chí đại diện Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng chí đại diện Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ra Nghị quyết hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng thống nhất một số quy định sau đây trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
Chương 1:
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA
Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại mục A có dấu hiệu bắt buộc chung “nhằm chống chính quyền nhân dân”, tương ứng với dấu hiệu “nhằm mục đích phản cách mạng” của các tội phản cách mạng được quy định tại các văn bản pháp luật trước đây.
Các tội khác xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại mục B không có dấu hiệu bắt buộc chung như ở mục A, nhưng cũng rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
1. Tội phản bội Tổ quốc (Điều 72).
Chủ thể của tội phạm này là công dân Việt Nam, tức là người có quốc tịch Việt Nam.
Hành vi “câu kết với nước ngoài” được thể hiện như: bàn bạc với người nước ngoài về mưu đồ chính trị và về các mặt khác (như: kế hoạch, tổ chức, hình thức hoạt động…); nhận sự giúp đỡ của nước ngoài (như: tiền của, vũ khí hoặc mọi lợi ích vật chất khác…) hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay cho nước ngoài.
Hành vi câu kết với nước ngoài có mục đích là nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cuối cùng là nhằm làm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước, lật đổ chính quyền nhân dân.
Ba dấu hiệu nói trên (công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài và mục đích của tội phạm) gắn liền với nhau và là những căn cứ để phân biệt với một số tội phạm như: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp, tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân như:
Công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị xử lý về tội “phản bội tổ quốc” (Điều 72). Về mặt khách quan, tội “phản bội Tổ quốc” đã bao gồm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, có trường hợp còn hoạt động gián điệp hoặc trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, người phạm tội phản bội Tổ Quốc không bị xử lý thêm về các tội đó.
Công dân Việt Nam thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, có bàn bạc với nhau, tìm cách liên hệ với nước ngoài, nhằm được nước ngoài giúp đỡ, nhưng thực tế chưa liên hệ được với nước ngoài, chưa coi là câu kết với nước ngoài, thì bị xử lý về “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 73).
Công dân Việt Nam được nước ngoài tổ chức, huấn luyện, gây cơ sở để hoạt động tình báo (điều tra, thu thập tin tức bí mật của Nhà nước, bí mật về quân sự v.v… cung cấp cho nước ngoài), phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài, hoặc thu thập cung cấp tin tức, tài liệu không thuộc bí mất Nhà nước để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị xử lý về “tội gián điệp” (Điều 74).
Công dân Việt Nam trốn đi nước ngoài với mưu đồ dựa vào nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, nhưng trên đường đi đã bị bắt (tức là chưa đến mức “câu kết với nước ngoài”), thì bị xử lý về “tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (Điều 75).
2. Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội (Điều 79)
– Cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là kho tàng, xí nghiệp, máy móc, thiết bị, vật tư, sản phẩm, trụ sở cơ quan, hoặc các tài sản xã hội chủ nghĩa khác v.v… về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công trình văn hóa, nghệ thuật.
– Hành vi “phá hoại” thể hiện dưới nhiều hình thức như: đốt phá, gây nổ hoặc mọi thủ đoạn khác làm cho những cơ sở nói trên mất hoàn toàn hoặc mất một phần giá trị sử dụng nhằm chống chính quyền nhân dân.
– Đối tượng của tội phạm này (cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội) và đối tượng của tội phạm quy định ở Điều 94 (các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia) trong chừng mực nào đó có thể giống nhau, nên phải căn cứ vào mặt chủ quan: nếu hành vi đó nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì thuộc về “tội quy định ở Điều 79”; nếu không có mục đích trên, thì thuộc về “tội quy định ở Điều 94”.
Ngoài ra, cần chú ý là trong trường hợp phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 73), tội gián điệp (Điều 74), tội bạo loạn (Điều 75) mà có hành vi phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thì không xử lý thêm về tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội (Điều 79), mà xử lý về một trong các tội tương ứng nói trên; hành vi phá hoại được coi là một biểu hiện của tội phạm để xác định tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội và vận dung khung hình phạt quy định trong điều luật.
3. Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 94)
– Hành vi “phá hủy” quy định ở điều luật này có nội dung giống với hành vi “phá hoại” (ở Điều 79), nhưng khác ở chỗ tội phạm không có dấu hiệu “nhằm chống chính quyền nhân dân”, mà chỉ vì vụ lợi hoặc bất mãn cá nhân.
– Đối tượng của tội phạm này là công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, hệ thống tải điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa hoặc – kỹ thuật, văn hóa và xã hội, tức là tài sản xã hội chủ nghĩa có giá trị sử dụng đặc biệt quan trọng, không đơn thuần tính tiệt hại về mặt giá trị vật chất.
Hành vi nói trên xâm phạm các tài sản xã hội chủ nghĩa khác, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị xử lý về “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa” (Điều 138).
“Tài sản xã hội chủ nghĩa có giá trị sử dụng đặc biệt quan trọng” ở điều 94 do tính chất, tính năng, tác dụng và vị trí quan trọng của nó về mặt chính trị, kinh tế – xã hội, nên khác với “tài sản có giá trị lớn” ở các điều luật thuộc Chương IV (các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa).
– Đối tượng của tội phạm quy định ở Điều 94 có vị trí rất quan trọng về mặt chính trị và kinh tế – xã hội. Vì vậy, không nên phân biệt đường dây điện thoại với đường dây truyền thành, đường dây cao thế với đường dây hạ thế trong hệ thống tải điện… để phân biệt các tội phạm khác nhau.
Nói chung, mọi hành vi cắt trộm đường dây thông tin – liên lạc (điện thoại hoặc truyền thanh), đường dây tải điện đang vận hành hoặc đang mắc dở dang để chuẩn bị vận hành mà không có mục đích chống chính quyền nhân dân, đều cấu thành tội phạm quy định ở Điều 94. Có thể xem xét vị trí quan trọng cụ thể của từng loại đường dây ở từng nơi, từng lúc, kết hợp với tình tiết về nhân thân người phạm tội mà lượng hình cho sát hợp. Đối với trường hợp phạm tội tập trung nhiều tình tiết giảm nhẹ, có thể căn cứ khoản 3 Điều 38 và Điều 44 để vận dụng đường lối xử lý cho thích hợp.
Đối với trường hợp cắt trộm đường dây có mức độ nguy hiểm hạn chế (như: người phạm tội biết rõ là đường dây không sử dụng nữa, đường dây điện thoại vào nhà tư nhân, đường dây dẫn điện phục vụ sinh hoạt của một số gia đình, đường dây truyền thanh của xã ở thời điểm không có nhu cầu khẩn trương…) thì xử lý về “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa” (Điều 138). Đối với trường hợp chiếm đoạt thiết bị phục vụ đường đây để trong kho hay ở công trường, thì xử lý theo Điều 133 về “tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” (nếu có lợi dụng chức vụ, quyền hạn) hoặc theo Điều 132 về “tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa” (nếu không có lợi dụng chức vụ, quyền hạn).
 + Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định ở khoản 2 điểm b thể hiện như công trình hoặc phương tiện có giá trị đặc biệt quan trọng, đặc biệt lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội của đất nước, bị phá hủy, gây thiệt hại lớn về vật chất hoặc gây ảnh hưởng chính trị rất xấu (như: phá hủy hệ thống đường dây thông tin – liên lạc quan trọng đang được sử dụng trong chiến dịch quân sự, chiến dịch phòng, chống bão lụt hoặc ở thời điểm có những nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách…).
+ Hành vi “phá hủy công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải” (Điều 94) giống với hành vi: “đào, phá các công trình giao thông…” (Điều 187 tội cản trở giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng) ở chỗ cả hai tội đều không có mục đích chống chính quyền nhân dân.
Nhưng hai tội này khác nhau ở chỗ: Đối với tội phá hủy… (Điều 94), hành vi được thực hiện do cố ý và hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc (như hành vi đóng đinh dài ở chỗ tiếp giáp hai đoạn đường ray nhưng xe lửa không trật bánh hoặc đổ). Đối với tội cản trợ giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 187), đối tượng của tội phạm có tính chất quan trọng thấp hơn đối tượng của tội phạm “phá hủy…” hành vi là do cố ý, bị cáo không muốn hậu quả xảy ra nhưng hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc (như: cắt ngang đường giao thông quốc lộ để thoát nước nhưng không có biện pháp báo hiệu, phòng ngừa cần thiết, gây nên tai nạn làm xe chở hành khác bị lật đổ, nhiều người chết và bị thương).
Chương 2:
CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE, NHÂN PHẨM,
DANH DỰ CON NGƯỜI
1) Tội giết người (Điều 101)
a) Một số tình tiết thể hiện tính nguy hiểm cao của tội phạm (ở khoản 1)
+ Giết người vì động cơ đê hèn (điểm a) như giết người vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc (ví dụ: giết người để cướp vợ hoặc chồng nạn nhân; giết tình nhân đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết người đã cho vay, giúp đỡ khắc phục khó khăn, hoạn nạn nhằm trốn nợ v.v…).
+ Giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác: động cơ “để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác” là tình tiết định khung của tội giết người quy định ở Điều 101, khoản 1, điểm a. Còn “tội phạm khác” có thể là tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (theo Điều 8 khái niệm tội phạm) cần được xử lý theo một tội danh riêng.
Nếu “tội phạm khác” cần xét xử, thì xét xử về hai tội (tội giết người và “tội phạm khác”), quyết định hình phạt đối với từng tội phạm (tuần tự theo thời gian thực hiện) rồi tổng hợp thành hình phạt chung, như hiếp dâm xong rồi giết nạn nhân để che giấu tội phạm thì bị xử lý về tội hiếp dâm (Điều 122) và tội giết người (Điều 101, khoản 1, điểm a).
Nếu “tội phạm khác” có tính chất, mức độ nguy hiểm hạn chế (như: tội phạm chưa đạt, hậu quả chưa xảy ra hoặc không đáng kể…), mà xét thấy không cần thiết phải xử lý về hình sự thì có thể không xét xử về tội phạm đó, nhưng phải phân tích trong bản án.
+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác là tình tiết định khung của tội giết người theo Điều 101, khoản 1, điểm e. “Liền trước đó” hoặc “ngay sau đó” là vừa kết thúc tội phạm trước đã thực hiện ngay tội phạm sau. Người phạm tội có tính nguy hiểm cao (trong một thời gian rất ngắn phạm hai tội nghiêm trọng) phải bị xử lý về hai tội (tội giết người theo Điều 101, khoản 1, điểm e và tội nghiêm trọng khác). Hình phạt được quyết định đối với mỗi tội phạm và tổng hợp thành hình phạt chung.
+ Việc định tội đối với một số trường hợp vừa có hành vi chiếm đoạt tài sản, vừa có hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe người khác. Đối với hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản (tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc tài sản của công dân) có gây thương tích nặng, gây tổn hại nặng cho sức khỏe (tức là cố ý về hành vi và vô ý về hậu quả) hoặc gây chết người (tức là cố ý về hành vi và hậu quả), thì xử lý về “tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa” (theo điều 129, khoản 2, điểm c) hoặc về “tội cướp tài sản của công dân” (theo Điều 151, khoản 2, điểm c). Thí dụ: hành vi đột nhập vào nhà một công dân, đánh, trói, gây thương tích nặng cho chủ nhà nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân, thì xử lý theo Điều 151, khoản 2, điểm c. Hành vi đột nhập vào khu vực kho của một xí nghiệp, đánh, trói, nhét giẻ vào miệng thủ kho nhằm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và làm cho thủ kho bị chết vì ngạt thở, thì bị xử lý theo Điều 129, khoản 2, điểm c (gây thương tích nặng, gây tổn hại nặng cho sức khỏe hoặc gây chết người).
Đối với hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản mà giết người chủ sở hữu hay người quản lý tài sản, giết người chống cự lại, hoặc bắn trả người đuổi bắt, thì xử lý về “tội giết người” và “tội trộm cướp tài sản xã hội chủ nghĩa” hoặc “tội cướp tài sản của công dân”.
+ Thực hiện tội giết người một cách man rợ (điểm b) như kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội (như: móc mắt, xẻo thịt, moi gan, chặt người ra từng khúc…).
+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm c). Công vụ là một công việc mà cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội giao cho một người thực hiện.
Người thực hiện một công việc vì nghĩa vụ công dân (như bắt giữ kẻ phạm tội đang chạy trốn) tuy không phải là người thi hành công vụ, nhưng nếu do công việc đó mà họ bị giết, thì họ có thể được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội như đối với người thi hành công vụ và hành vi của kẻ giết người đó cũng bị xử lý theo Điều 101, khoản 1, điểm c.
Kẻ giết người có thể thực hiện tội phạm khi nạn nhân sắp thi hành công vụ hoặc đang thi hành công vụ để cản trở họ thi hành công vụ, hoặc giết người đã thi hành công vụ để trả thù họ hoặc để đe dọa người khác.
b) Một số tình tiết định khung hình phạt nhẹ:
+ Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh – do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó. Đây là khung hình phạt giảm nhẹ (khoản 3).
– Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động  đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là tội phạm. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem xét là trường hợp phòng vệ chính đáng (theo Điều 13) hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (theo Điều 102).
Trong trường hợp cá biệt hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm nhưng là tội phạm ít nghiêm trọng (như tội làm nhục người khác, tội vu khống) thì cũng được coi là giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh và được xử lý theo Điều 101, khoản 3. Thí dụ: hai anh em đồng hao ở chung nhà bố mẹ vợ, người anh thường xuyên làm nhục thô bạo và trắng trợn vu khống người em, đến thời điểm nào đó lại lăng nhục người em nên người anh bị em giết.
Đối với trường hợp người dùng chất say (uống rượu) hoặc chất kích thích mạnh khác mà bị say, nhân có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng của nạn nhân mà thực hiện hành vi giết người, thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh. Phải tùy theo hoàn cảnh, tính chất và mức độ sai trái của hành vi do nạn nhân thực hiện cũng như những tình tiết khác của vụ án, mà xử lý theo điều 101 về tội giết người.
– Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên: mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.
+ Giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết (khoản 4). Đây là một tội phạm có cấu thành giảm nhẹ đặc biệt, cần được vận dụng một cách thận trọng và chặt chẽ.
Con mới đẻ là đứa trẻ mới sinh ra trong bảy ngày trở lại.
– Chủ thể của tội phạm này chỉ là người mẹ đã sinh ra đứa trẻ. Người mẹ này chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu (như: khiếp sợ trước dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú, hoặc trước dư luận khắc nghiệt của nhà chồng cho đẻ con gái là tai họa v.v…) hoặc bị hoàn cảnh khác quan đặc biệt chi phối (như: đứa trẻ sinh ra có dị dạng…). Người xúi giục bị cáo về tội giết con mới đẻ bị xử lý là đồng phạm tội này.
Người không phải là mẹ của đứa trẻ mới đẻ mà giết đứa trẻ đó, thì bị xử lý về tội giết người (theo điều 101, khoản 1 hoặc 2).
+ Hành vi giết người vì mê tín (như cho người khác là có ma chài…) không được quy định cụ thể ở Điều 101. Theo thực tiễn xét xử, có thể vận dụng như sau: nếu người thực hiện hành vi giết người thực sự mê tín, lạc hậu, thì xử lý theo Điều 101 khoản 2 và điều 38 khoản 1 điểm g (phạm tội do trình độ lạc hậu); nếu người phạm tội lợi dụng mê tín để giết người vì động cơ đê hèn, thì xử lý theo Điều 101, khoản 1 điểm a.
2. Tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 103).
Điều luật quy định tội phạm của người trong khi thi hành công vụ mà làm chết người, gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác, do sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép (theo Nghị định số 94/HĐBT ngày 2-7-1984).
– Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, thực hiện chức năng, nghiệp vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nghiệp vụ (như: tuần tra, canh gác…) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội.
Vũ khí quy định ở điều luật là súng đạn các loại (súng quân dụng súng thể thao quốc phòng) được giao cho người có quyền sử dụng.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, nếu công dân vì lợi ích chung của xã hội mà đã sử dụng một thứ công cụ gì đó (như: dao, gậy, đòn gánh…) để giúp sức người thi hành công vụ ngăn chặn hoặc đuổi bắt người phạm tội, do đó, xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác thì cũng được coi là phạm tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (theo Điều 103).
Nếu họ thực hiện hành vi nói trên do hống hách, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác mà sử dụng vũ khí một cách bừa, ẩu hoặc do tư thù cá nhân, thì tùy tình hình của sự việc mà xử lý “theo Điều 101 về tội giết người” trong trường hợp thông thường (nếu gây chết người) hoặc về “tội cố ý gây thương tích theo Điều 109” (nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác), đồng thời có xem xét hoàn cảnh và động cơ phạm tội để cân nhắc tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trong khung của điều luật được áp dụng.
Nạn nhân của hành vi phạm tội này là những người mà người thi hành công vụ sử dụng vũ khí nhằm bắt giữ hoặc ngăn chặn hành vi phạm pháp (như: người đang đánh bạc chạy trốn khi thấy công an đến bắt) hoặc là công dân bình thường bị người thi hành công vụ xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe (như người đi ngang đường bị người thi hành công vụ bắn lạc đạc).
3. Tội vô ý làm chết người (Điều 104). Hành vi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng của người khác do vi phạm một quy định hành chính cụ thể (các điều 186, 187, 188…)
– Hành vi do cẩu thả hoặc quá tự tin mà làm chết người, thì nói chung bị xử lý về tội vô ý làm chết người (Điều 104, khoản 1) như: người đi săn ban đêm do lầm lẫn mà bắn chết người.
– Hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắt nghề nghiệp (như: công nhân mắc đường dây dẫn điện do làm việc không cẩn thận gây chết người qua đường) hoặc vi phạm quy tắc hành chính (như: chặt cây công cộng trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền, làm gẫy cành cây, đứt dây dẫn điện, gây chết người qua đường…) thì bị xử lý theo quy định của Điều 104, khoản 2.
– Hành vi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác do vi phạm một quy định hành chính cụ thể mà điều luật quy định riêng (như các Điều 186, 187, 188, 190, v.v…) thì bị xử lý theo điều luật tương ứng. Thí dụ: lái xe phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn chết người bị xử lý theo Điều 186 về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng.
4. Tội bức tử (Điều 105)
– Chủ thể của tội phạm này là người mà nạn nhân bị lệ thuộc (như: lệ thuộc về kinh tế, bị ràng buộc về quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, quan hệ công tác, thầy trò, hoặc quan hệ tôn giáo, tín ngưỡng…).
– Mặt khách quan của tội phạm là: đối xử tàn ác (tức là đối xử có tính độc ác, tàn bạo, như: đánh đập gây đau khổ về thể chất, nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị lệ thuộc); thường xuyên ức hiếp (đối xử bất công, bất bình đẳng); ngược đãi (đối xử tồi tệ); làm nhục (xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự…).
Hành vi đối xử tàn ác dù mới xảy ra một lần cũng có thể làm cho nạn nhân tự sát; còn hành vi ức hiếp, ngược đãi, làm nhục phải diễn ra nhiều lần, thường xuyên, làm cho nạn nhân bị dày vò về tư tưởng, tình cảm, thấy bế tắc mà tự sát.
Dù nạn nhân tự sát không chết, bị cáo vẫn bị xử lý về tội bức tử.
Trong thực tế, có trường hợp tâm tư của người tự sát khá phức tạp như: vừa đau ốm, vừa thất tình lại bị cha đánh chửi, rồi tự sát. Vì vậy, phải xác định thật rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục với hành vi tự sát thì mới xác định được có tội bức tử hay không.
– Về mặt chủ quan: tội phạm được thực hiện do cố ý, chủ thể nhận thức rõ hành vi của mình có thể làm cho nạn nhân tự sát, không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (cố ý gián tiếp) và cũng có thể do cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả.
5. Tội cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 107). Theo khoản 1 đây là hành vi phạm tội của người thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (sắp chết) hoặc có thể chết (như: sắp chết đuối; bị thương tích nặng do tai nạn giao thông gây ra…), tuy có điều kiện mà không cứu giúp (tức là có khả năng cứu giúp và sự cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác) mà cố ý bỏ mặc, dẫn đến chết người.
– Theo khoản 2, người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm (như: cùng đi tắm ở sông, người biết bơi đùa nghịch làm cho người không biết bơi bị chới với sắp chìm mà không cứu vớt) hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp, có nghĩa vụ phải cứu giúp (như thủy thủ tàu đang đi trên sông, trên biển đối với người đang vật vờ trên mặt nước, bác sĩ đối với bệnh nhân đang cần cấp cứu…).
Đối với trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây ra tai nạn rồi bỏ chạy, cố ý không cứu giúp người bị nạn để trốn tránh trách nhiệm thì xử lý theo Điều 186, khoản 2, điểm b (tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng).
6. Tội đe dọa giết người (Điều 108) phải có hai dấu hiệu bắt buộc có hành vi đe dọa giết người; có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
– Phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật (như: nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao đe dọa), và phải xem xét “căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ…”, một cách khách quan, toàn diện như: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm diễn biến, nguyên nhân sâu xa (nếu có) và trực tiếp của sự việc, mối tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ v.v…). Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa sẽ được thực hiện, thì đó là trường hợp lo lắng có căn cứ.
Nếu cùng với hành vi đe dọa, còn có hành vi chuẩn bị giết người bị đe dọa (như mài dao, lau súng đạn…) thì xử lý các hành vi đó về tội giết người (ở giai đoạn chuẩn bị) theo Điều 15 khoản 1 và Điều 101 khoản 2. Nếu sau khi đe dọa đã giết người bị đe dọa, thì xử lý về tội giết người.
Nếu đe dọa giết người để chống người thi hành công vụ, thì xử lý về tội chống người thi hành công vụ (Điều 205) mà không áp dụng điều 108.
7. Phân biệt giữa thương tích với thương tích nặng, giữa tổn hại cho sức khỏe với tổn hại nặng cho sức khỏe (tại các điều 109, 110 và 103 khoản 2).
– Trước hết, cần xem xét nhiều mặt để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như: phương tiện, công cụ được sử dụng để gây thương tích, bộ phận của cơ thể bị trực tiếp xâm phạm, thương tích ban đầu, kết quả cứu chữa…
Sự phân biệt mức độ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cần phải dựa vào kết luận của giám định pháp y và khi cần thiết, dựa vào cả kết luận của bác sĩ điều trị. Những kết luận đó cho biết mức độ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe khi sự việc mới xẩy ra và khi đã điều trị xong. Đó là căn cứ giúp cho việc định tội và quyết định hình phạt, cũng như cho việc quyết định mức bồi thường thiệt hại.
Xét riêng về thương tích, thì dựa vào những kết luận nói trên của cơ quan chuyên môn, tham khảo luật hình của một số nước xã hội chủ nghĩa, qua thực tế xét xử của ta, có thể xác định:
– Tỷ lệ thương tích từ 10% trở xuống, không gây cố tật là thương tích nhẹ, chưa đến mức cần thiết phải xử lý về hình sự người gây thương tích đó.
– Tỷ lệ thương tích từ 11 đến 30% là thương tích cần thiết phải xử lý về hình sự đối với người gây ra (theo Điều 109 khoản 1);
– Tỷ lệ thương tích từ 31 đến 60% là thương tích nặng hoặc tổn hại nặng đến sức khỏe (theo Điều 109 khoản 2);
– Tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên là thương tích rất nặng hoặc tổn hại rất nặng đến sức khỏe (theo điều 109 khoản 3).
Trong trường hợp gây thương tích có tính nguy hiểm cao (như: đánh, chém làm lún xương sọ não, đâm thủng ruột…) nhưng nạn nhân được cứu chữa kịp thời nên không chết, không bị tổn hại nặng đến sức khỏe, hoặc không bị cố tật, thì vẫn bị xử lý theo Điều 109 khoản 2. Đặc biệt là trường hợp hành vi đó có tính chất côn đồ, hung hãn thì cần trừng trị nghiêm khắc.
Chương 3:
CÁC TỘI XÂM PHẠM NHỮNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ
CỦA CÔNG DÂN
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 119)
– Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân
– Về mặt khách quan, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là những trường hợp như: hành vi của người không có thẩm quyền về vấn đề này mà bắt, giữ hoặc giam người không phải là phạm pháp quả tang; hành vi của cán bộ Công an, Kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền về vấn đề này mà bắt, giữ hoặc giam người khi không có căn cứ xác đáng để nghi ngờ người đó phạm tội; hành vi bắt, giữ hoặc giam người không có quyết định hợp pháp của Viện kiểm sát hoặc Tòa án từ cấp huyện, quận trở lên (đối với bị can) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành (đối với người bị tập trung cải tạo).
– Về chủ thể, cần phân biệt: công dân bình thường bị xử lý theo khoản 1; người có chức vụ, quyền hạn (nhưng không có thẩm quyền trong việc bắt, giữ hoặc giam người, hoặc tuy có thẩm quyền trong việc bắt, giữ hoặc giam người nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái pháp luật), thì bị xử lý theo khoản 2.
Cả hai loại chủ thể nói trên mà phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý theo khoản 3. Hậu quả nghiêm trọng thể hiện như: thiệt hại đối với người bị bắt giam, hoặc gia đình họ (thí dụ: người bị bắt, giam sau đó uất ức mà tự sát; do bị giam lâu mà mắc bệnh tật, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe hoặc gia đình họ bị chia ly…) hoặc ảnh hưởng xấu về chính trị (thí dụ: do bắt, giam trái pháp luật mà làm cho dư luận quần chúng công phẫn, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước…).
– Cùng với hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tùy trường hợp có thể xử lý thêm về tội khác (nếu có) (như: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 109), dùng nhục hình (Điều 234).
– Trong trường hợp bắt cóc người nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi bắt cóc cũng xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhưng được coi là một thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của công dân, do đó, bị xử lý theo Điều 152 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân) mà không xử lý theo Điều 119.
Chương 5:
CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ CÁC TỘI PHẠM ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
1. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 144).
– Chủ thể của tội phạm này là “người đang có vợ, có chồng” tức là người đang có một quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc hôn nhân thực tế (hôn nhân có đủ điều kiện như luật hôn nhân và gia đình quy định, nhưng còn thiếu điều kiện đăng ký kết hôn).
Người chưa có chồng hoặc chưa có vợ mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có vợ, có chồng, là đồng phạm với người vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Người có ác ý “tranh chồng, cướp vợ”, phá hoại hanh phúc gia đình của người khác cần bị xử lý nghiêm khắc.
– Về mặt khách quan của tội phạm, kết hôn nói ở điều luật là lấy vợ, lấy chồng bằng giấy tờ gian dối, do đó, được Ủy ban nhân dân công nhận; “chung sống như vợ chồng” là ăn, ở với nhau công khai hoặc lén lút và coi nhau là vợ chồng một cách trái pháp luật.
– Đối với các trường hợp lấy vợ lẽ hoặc chung sống tay ba trở lên, về nguyên tắc, nếu diễn ra ở các tỉnh phía Bắc từ sau ngày ban hành Luật hôn nhân và gia đình (13-1-1960), và ở các tỉnh phía Nam từ sau ngày 25-3-1977 (thi hành pháp luật thống nhất trong cả nước theo Quyết định 76/CP của Hội đồng Chính phủ), thì đó là trái pháp luật. Tuy nhiên, khi vận dụng, cần chú ý là tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có quan hệ đến tình cảm gia đình, giữa vợ và chồng giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, cần xem xét thận trọng và toàn diện, có chiếu cố đến tình hình khi sự việc xảy ra, tình trạng đất nước đang có chiến tranh hoặc còn bị chia cắt; chú ý đến phong tục, tập quán, trình độ của quần chúng ở từng miền, từng khu vực; tinh thần đấu tranh của quần chúng đối với hành vi vi phạm; hậu quả đối với hạnh phúc gia đình, đối với xã hội v.v… để quyết định biện pháp xử lý về dân sự (tiêu hôn), hình sự hoặc biện pháp phối hợp với đoàn thể đấu tranh, giáo dục.
Cần xử lý thích đáng trường hợp vi phạm chế độ một vợ một chồng đã được giáo dục, giải thích mà vẫn cố ý vi phạm, đang bị dư luận xã hội phê phán hoặc đã bị buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng, mà vẫn duy trì quan hệ đó.
2. Tội ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ cha mẹ, vợ chồng, con cái (Điều 147).
Ngược đãi nghiêm trọng thường biểu hiện bằng việc đối xử tồi tệ, như: thường xuyên mắng chửi, xỉ vả, để đói rách, để ở nơi khổ cực, mặc dù có điều kiện khá hơn, gây đau khổ về tinh thần.
Hành hạ thường được biểu hiện bằng việc đối xử tàn ác như: đánh đập, bắt làm việc nặng nhọc quá sức, gây đau khổ về thể chất, nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe.
Sự phân biệt giữa “ngược đãi nghiêm trọng” với “hành hạ” chỉ là tương đối, vì trong thực tế có trường hợp hai mặt đó khó phân biệt rõ ràng hoặc quyện vào nhau. Do đó, tùy trường hợp cụ thể của hành vi phạm tội và mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân mà định tội là “tội ngược đãi nghiêm trọng…” hay “tội hành hạ…” hoặc định một tội chung là hành hạ và ngược đãi…
3. Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em (Điều 149)
Tội phạm này xâm phạm quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái và sự phát triển lành mạnh của trẻ em về các mặt tư tưởng tình cảm thể chất.
Tội phạm thể hiện như:
– Bắt trộm trẻ em là hành vi vì tư lợi mà lén lút chiếm đoạt hoặc lừa gạt, dụ dỗ đứa trẻ trong lúc vắng mặt người nuôi dưỡng, chăm sóc để chiếm đoạt, đem bán hoặc nuôi làm con nuôi, hoặc vì tư thù mà bắt trộm nhằm phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.
– Mua bán trẻ em là mua hoặc bán trẻ em vì tư lợi, dù là mua của kẻ đã bắt trộm hoặc mua của chính người có con đem bán. Hành vi mua trẻ em khi biết rõ là đứa trẻ bị bắt trộm để về làm con nuôi, cũng bị xử lý về tội mua bán trẻ em. Tuy nhiên cần phân biệt với trường hợp bố mẹ vì đông con hoặc vì khó khăn đặc biệt mà phải bán con mình (dưới hình thức cho làm con nuôi và nhận một số tiền giúp đỡ) cũng như trường hợp vì hiếm con mà mua của chính người có con đem bán để về nuôi thì không coi là phạm tội.
– Đánh tráo trẻ em là hành vi lén lút đổi trẻ em này lấy trẻ em khác, thường xảy ra đối với trẻ sơ sinh (như: đánh tráo em gái lấy em trai, em dị dạng lấy em lành lặn…) thường xảy ra ở nơi có nhiều sản phụ (nhà hộ sinh, bệnh viện). Người thực hành tội phạm thông thường là người có trách nhiệm (nhân viên y tế), có đủ điều kiện thực việc đánh tráo. Người có hành vi mua chuộc người đó (thường là sản phụ) là đồng phạm. Họ còn có thể bị xử lý thêm về tội đưa hối lộ, hoặc tội nhận hối lộ (nếu có).
Chương 7:
CÁC TỘI PHẠM VỀ KINH TẾ
1) Tội cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 174) có các dấu hiệu đặc trưng như:
– Chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn; người không có chức vụ, quyền hạn có thể là đồng phạm.
– Có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế do Nhà nước quy định: chủ thể biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật mà vẫn dùng chức vụ, quyền hạn để thực hiện.
Những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế phải do Hội đồng trưởng quy định. Nếu là quy định của các Bộ, các ngành hoặc của chính quyền địa phương thì phải đúng thẩm quyền, không được trái với quy định hiện hành của Hội đồng Bộ trưởng hoặc phải được Hội đồng Bộ trưởng ủy quyền.
Những quy định có tính chất chủ động, sáng tạo của địa phương và cơ sở phải phù hợp với pháp luật chung của Nhà nước và với những quy định về quản lý kinh tế của Hội đồng Bộ trưởng.
– Đã gây hậu quả nghiêm trọng, thể hiện bằng thiệt hại vật chất có thể tính toán được hậu quả về chính trị, làm hư hỏng cán bộ, lũng đoạn tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, đến việc bảo đảm đời sống của nhân dân (hậu quả này khó có thể tính toán cụ thể một cách chính xác). Nếu chưa có hậu quả nghiêm trọng thì dấu hiệu “đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm” là bắt buộc. Đối với tội phạm này, xử lý hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền xử lý người cố ý làm trái như: phê bình, khiển trách, hạ tầng công tác…, hoặc kết luận bằng văn bản về hành vi cố ý làm trái, yêu cầu đình chỉ, khắc phục hậu quả…
– Có mục đích vụ lợi tức là thu vén cho lợi ích có tính chất cục bộ, địa phương chủ nghĩa, hoặc lợi ích cá nhân trái phép, gây hại cho lợi ích chung, rộng lớn theo quy định của Nhà nước. Vụ lợi khác với tư lợi ở chỗ tư lợi thường chỉ thu hẹp trong phạm vi lợi ích cá nhân.
2. Tội lưu hành sản phẩm kém phẩm chất (Điều 177) là cho lưu hành nhiều lần hoặc với số lượng lớn những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn chất lượng đã định do đó gây hậu quả nghiêm trọng.
– Cho lưu hành nhiều lần là quyết định đem bán từ hai, ba lần trở lên. Nếu chỉ lưu hành một lần thì phải có số lượng lớn mới coi là phạm tội. Số lượng lớn sản phẩm được xác định tùy theo giá trị của từng đơn vị sản phẩm tạo nên hậu quả nghiêm trọng, như: vài chục xe đạp có khung hở mối hàn hoặc có nhiều bộ phận không thể lắp ráp chắc chắn được; vài trăm ruột phích chỉ giữ được nhiệt độ trong một vài giờ; vài nghìn chiếc khóa chờn chốt, khóa xong vẫn kéo ra được v.v…
Ngoài những thí dụ trên đây, khi gặp những trường hợp khó khăn, cần tham khảo ý kiến của ngành quản lý mặt hàng cụ thể.
Sản phẩm kém phẩm chất là sản phẩm không đúng tiêu chuẩn chất lượng đã định mà người có trách nhiệm sản xuất hoặc phân phối, lưu thông đã biết rõ.
Nếu lưu hành sản phẩm kém phẩm chất nhưng đã ghi rõ chất lượng và định giá thấp hơn giá chính phẩm và được phép của cơ quan có thẩm quyền thì không cấu thành tội phạm.
Có trường hợp hành vi lưu hành sản phẩm kém phẩm chất, gây hậu quả nghiêm trọng lại cấu thành tội phạm khác như: lưu hành thuốc tân dược quá thời hạn sử dụng, đã biến chất, gây hậu quả nghiêm trọng, cấu thành tội phạm quy định ở Điều 196 (tội vi phạm các quy định về chữa bệnh, chế thuốc, bán thuốc gây hậu quả nghiêm trọng); lưu hành thực phẩm mất phẩm chất gây hậu quả nghiêm trọng, cấu thành tội phạm quy định ở Điều 197 (tội vi phạm các quy định về vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng).
– Hậu quả nghiêm trọng của tội phạm này thường là thiệt hại vật chất; trước hết, là đối với người tiêu dùng (dùng sản phẩm chóng hỏng, không dùng được nữa hoặc phải tốn phí vào việc sửa chữa mới dùng được…); mặt khác, là thiệt hại đối với người sản xuất (sản phẩm kém phẩm chất đem lưu hành được hoàn lại để sửa chữa hoặc phải hủy bỏ không đủ tiêu chuẩn đem lưu hành…) và đối với người phân phối lưu thông (nhận lại sản phẩm kém phẩm chất đã lưu hành để hủy bỏ hoặc phải hạ giá…). Cá biệt có trường hợp người tiêu dùng do dùng sản phẩm kém phẩm chất mà bị tai nạn, thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe (như: thiết vị, máy móc xe cơ giới không đảm bảo chất lượng, không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên khi sử dụng gây ra tai nạn). Ngoài ra còn có hậu quả là người tiêu dùng giảm hoặc không còn tín nhiệm đối với nhãn hiệu sản phẩm.
– Chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ trong các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã, các tổ hợp hoặc các cơ sở sản xuất tư nhân được phép sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là người có trách nhiệm trong chỉ đạo sản xuất (thường là giám đốc, chủ nhiệm…), kiểm tra chất lượng sản phẩm (gọi tắt là cán bộ K.C.S), phân phối lưu thông (thường là phó giám đốc, phó chủ nhiệm phụ trách kinh doanh, cửa hàng trưởng, quầy trưởng…).
3. Tội sử dụng hoặc phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 182).
Điều luật quy định hai tội phạm: tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng và tội phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
+ Tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng có các dấu hiệu:
– Chủ thể là người có hợp đồng sử dụng với cơ quan thẩm quyền hoặc bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.
– Có hành vi sử dụng điện trái với quy định về việc sử dụng điện của cơ quan có thẩm quyền, trái với quy định của hợp đồng như: sử dụng điện phục vụ sinh hoạt vào sản xuất, kinh doanh trái phép, lấy điện không qua đồng hồ đo đếm điện, dùng các thủ đoạn làm cho đồng hồ đo đếm điện không quay, quay chậm quay ngược lại.
– Gây hậu quả nghiêm trọng như: gây thất thu về điện phí từ 3.000Kw/h trở lên, gây sự cố làm hư hỏng máy móc, thiết bị điện thiệt hại tương đương với điện phí từ 3.000Kw/h trở lên (tính theo truy nộp tiền điện cộng với tiền nộp phạt hoặc tính theo chế độ phạt lũy tiến); làm mất điện gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt bình thường của nhiều gia đình trong khu vực.
Hành vi sử dụng điện trái phép chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hành chính (như truy nộp tiền điện lấy trộm cộng với tiền nộp phạt hoặc tính theo chế độ phạt lũy tiến; ngừng cung cấp điện có thời hạn, hủy bỏ hợp đồng cung cấp điện, tịch thu những tang vật đã sử dụng vào việc trộm cắp điện…); nếu đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị xử lý về hình sự.
+ Tội phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng có các dấu hiệu:
– Chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn có quyền quyết định việc phân phối và cũng có thể là cán bộ, công nhân kỹ thuật trực tiếp xử lý đường dây trên mạng điện.
– Có hành vi phân phối điện trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng như: đối với người tiêu dùng bình thường, thì phân phối ưu tiên; đối với đối tượng đáng được ưu tiên (cơ sở sản xuất…) thì gây khó khăn, phân phối điện thất thường, không đúng như hợp đồng đã thỏa thuận, mà không có lý do chính đáng.
– Gây hậu quả nghiêm trọng như: gây sự cố làm hư hỏng máy móc, thiết bị điện gây hậu thiệt hại tương đương với mức xử lý hành chính nói trên đối với trường hợp lấy trộm từ 3.000Kw/h điện trở lên; kế hoạch sản xuất của các cơ sở bị đảo lộn, sút kém, sản phẩm bị hư hỏng, kém phẩm chất, kế hoạch phân phối điện thêm khó khăn, căng thẳng; ảnh hưởng xấu đến kế hoạch sản xuất, đến việc đảm bảo sinh hoạt của nhân dân.
Hành vi phân phối điện trái phép chưa gây hậu quả nghiêm trọng như trên thì bị xử lý hành chính; nếu đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị xử lý về hình sự.
Hành vi nhận hối lộ để phân phối điện trái pháp gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý thêm về tội nhận hối lộ (Điều 226 khoản 1 đoạn 2).
+ Theo quy định của điều luật, khoản 2 có thể bao gồm các trường hợp: sử dụng điện vào việc kinh doanh trái phép gây hậu quả nghiêm trọng; sử dụng điện vào việc kinh doanh trái phép tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm; sử dụng hoặc phân phối điện trái phép trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.
Sử dụng điện vào việc kinh doanh trái phép thể hiện như: lén lút chạy máy sản xuất nước đá, làm dép nhựa hoặc đắp lốp xe…, nhằm thu lợi bất chính. “Sử dụng điện hoặc phân phối điện trái phép trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác” thể hiện như: gây thiệt hại về máy móc, thiết bị điện, về điện phí gấp 3 lần hậu quả nghiêm trọng nói trên; gây cháy nhà, làm người khác bị thương, gây chết người… trường hợp phạm tội làm chết người thì xử lý thêm về tội vô ý làm chết người (Điều 104 khoản 2 đoạn 2).
Sử dụng hoặc phân phối điện trái phép vào việc sản xuất thuốc nổ để làm pháo hoặc chế tạo chất nổ khác thì xử lý thêm về tội chế tạo chất nổ (Điều 96).
Chương 8:
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG VÀ TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
1. Tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 186).
– Tội vi phạm này xâm phạm an toàn giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.
– Người điều khiển phương tiện giao thông vận tải là những người có quan hệ trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn cho quá trình vận chuyển và sự hoạt động của các loại phương tiện sử dụng như: người lái các phương tiện cơ giới, người điều khiển phương tiện vận tải thô sơ, người chỉ huy trực tiếp, người điều khiển hệ thống tín hiệu ở sân bay, nhà ga, ở bến cảng, cầu, phà v.v…
Qua thực tiễn xét xử thì hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định ở khoản 3 của điều luật này có thể là: về tính mạng, sức khỏe, từ 2 người chết hoặc 3 người bị thương nặng trở lên (hay từ 1 người chết và 2 người bị thương nặng trở lên). Thiệt hại về tài sản  có thể là 100.000 đồng trở lên.
– Tình tiết “khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời” (khoản 4) được xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tất yếu sẽ xảy ra, nếu không được ngăn chặn kịp thời (như: trưởng ga B đã nhận cho đoàn tàu từ A về, lại ra lệnh cho đoàn tàu khác từ B tiến về A, hai đoàn tàu tất yếu sẽ đâm vào nhau gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Trên tinh thần đó, tình tiết này cũng được quy định tại khoản 3 của Điều 190 (tội vi phạm các quy định về an toàn lao động, về bảo hộ lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây hậu quả nghiêm trọng), tại Điều 192 (tội vi phạm các quy định về quản lý vũ khí, phương tiện kỹ thuật, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ) và Điều 194 (tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng).
2. Tội vi phạm các quy định về quản lý vũ khí, phương tiện kỹ thuật, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ (Điều 192).
Tội phạm này có các dấu hiệu:
– Có hành vi vi phạm các quy định về đặt kho, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ.
Những quy định hiện đang được áp dụng là Pháp lệnh ngày 27-9-1961 quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy; Nghị định số 175/CP ngày 11-12-1964 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao quốc phòng; Nghị định số 33/CP ngày 24-2-1973 của Hội đồng Chính phủ về việc tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ; Nghị định số 94/HĐBT ngày 2-7-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về việc tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ; Nghị định số 94/HĐBT ngày 2-7-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định bổ sung hai Nghị định nói trên.
– Gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác như: làm 1 người chết hoặc 2 người bị thương nặng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản dưới 100.000 đồng.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định ở khoản 2 là những trường hợp như: 2 người chết hoặc 3 người bị thương nặng trở lên (hay 1 người chết và 2 người bị thương nặng trở lên) hoặc thiệt hại về tài sản từ 100.000 đồng trở lên.
– Chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn về việc thực hiện những quy định nói trên phạm tội do thiếu trách nhiệm.
Cần lưu ý phân biệt các tội phạm quy định ở Điều 192, Điều 95 (tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), Điều 96 (tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, Điều 268 (tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí) và Điều 193 (tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng).
Chủ thể của tội phạm quy định ở Điều 192 là người có chức vụ, quyền hạn trong việc đặt kho, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật, chất nổ chất cháy, chất độc, chất phóng xạ); chủ thể của tội phạm quy định ở các Điều 95 và 96 là bất kỳ ai, không có chức vụ, quyền hạn về các vấn đề trên; còn chủ thể của tội phạm quy định ở Điều 268 là quân nhân được giao sử dụng vũ khí, chất nổ.
– Tội phạm quy định ở các Điều 192 và 268 có dấu hiệu bắt buộc là có hậu quả, còn tội phạm quy định ở các Điều 95 và 96 không có dấu hiệu bắt buộc đó.
– Về mặt khách quan, tội phạm quy định ở Điều 192 là “vi phạm các quy định về đặt kho, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí…” (nhiều loại vũ khí…); tội phạm quy định ở điều 193 ”… để người khác sử dụng vũ khí…” (một vũ khí cụ thể mà chủ thể được giao để sử dụng), nhưng do thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Tội vi phạm các quy định về chữa bệnh, chế thuốc gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 196).
Tội phạm này vi phạm các quy định của Nhà nước về chữa bệnh, chế thuốc, bán thuốc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác. Nếu vi phạm mà chưa gây thiệt hại nói trên thì không bị xử lý về hình sự theo tội phạm này.
Tội phạm thể hiện như:
a) Về khám bệnh, chữa bệnh: bất kỳ ai không được phép mà khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của Nhà nước hoặc người có chuyên môn được phép khám bệnh, chữa bệnh, nhưng làm trái với chức năng, nhiệm vụ (như được khám, chữa về chuyên khoa này, lại tự ý khám, chữa về chuyên khoa khác…) hoặc làm trái quy tắc nghề nghiệp (như không thử phản ứng trước lúc tiêm thuốc phải thử phản ứng, không theo dõi trực tiếp người được truyền huyết thanh, mổ xong để quên dụng cụ trong người bệnh nhân) gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe bệnh nhân.
Bộ luật hình sự không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi phá thai trái phép. Hành vi phá thai trái phép (như phá thai ở ngoài cơ sở y tế) cần được xử lý hành chính. Nếu hành vi đó gây chết người, thì bị xử lý về tội vô ý làm chết người theo Điều 104; nếu gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác thì bị xử lý theo Điều 110.
b) Về sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc;
– Người không được phép mà sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác, thì bị xử lý theo Điều 196.
Nếu chưa gây thiệt hại nói trên, thì hành vi đó chỉ bị xử lý về hành chính mà không xử lý về tội kinh doanh trái phép (Điều 168).
Hành vi mua vét các loại thuốc nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về “tội đầu cơ” (Điều 165); nếu là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh do Nhà nước không thống nhất quản lý, thì áp dụng khoản 1; nếu là thuốc do Nhà nước thống nhất quản lý thì tùy theo tính chất nghiêm trọng của tội phạm (như loại thuốc, số lượng thuốc…) mà áp dụng khoản 2 hoặc 3.
Hành vi sản xuất thuốc giả bị xử lý về “tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả” (Điều 167) và tùy theo trường hợp mà áp dụng khoản 2 hoặc 3.
– Người được phép sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc hoặc bán thuốc mà làm không đúng quy định (như sản xuất không đúng quy cách, phẩm chất; pha chế không đúng công thức quy cách; cấp phát không đúng chủng loại, liều lượng; bán thuốc mất phẩm chất, đã quá thời hạn sử dụng theo quy định…) gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác, thì bị xử lý theo Điều 196.
Hành vi của nhân viên cửa hàng dược phẩm lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút thuốc thật, thuốc tốt đem ra ngoài bán giá cao và thay thế bằng thuốc giả, thì bị xử lý về “tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” (Điều 133) và “tội buôn bán hàng giả” (Điều 167);
– Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (quy định ở khoản 2) là những trường hợp như: làm chết từ 2 người trở lên hoặc gây thương tích nặng, gây cố tật hoặc làm cho bệnh tình thêm trầm trọng khó chữa đối với 3 người trở lên (hay 1 người chết và 2 người bị thương nặng trở lên).
4. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 201).
Tội phạm này có nội dung rộng hơn nội dung của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản xã hội chủ nghĩa (hoặc tài sản của công dân) bị chiếm đoạt quy định tại hai Pháp lệnh ban hành ngày 21-10-1970.
“Tài sản do phạm tội mà có” nói trong Điều 201 không chỉ bao gồm tài sản xã hội chủ nghĩa hay tài sản của công dân bị chiếm đoạt, mà còn có tài sản do phạm tội ngoài hình thức chiếm đoạt mà có (như tài sản do hối lộ, đầu cơ, buôn lậu v.v…)
Đối với trường hợp cha mẹ phạm tội (như đầu cơ, buôn lậu…) có thu lợi bất chính, con cái đã thành niên biết rõ nguồn gốc của tài sản đó mà vẫn nhận của cho, hoặc cất giấu tài sản đó thì ngoài việc cha mẹ bị xử lý về hình sự và áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu tang vật, con cái nói trên về nguyên tắc cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, đối với trường hợp này thì chỉ nên xử lý về hình sự trường hợp con chứa chấp, tiêu thụ tài sản có giá trị lớn hoặc nhiều lần với số lượng lớn mà biết rõ là do cha mẹ phạm tội mà có.
5. Tội chống người thi hành công vụ (Điều 205) thể hiện như:
– Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ như đánh, trói… nhưng chưa gây chết người, thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc đe dọa sẽ đánh, trói… người đó.
– Dùng mọi thủ đoạn cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện những hành vi trái pháp luật như: dùng số đông người lấy danh nghĩa thương binh cưỡng ép cán bộ quản lý thị trường cho đem hàng hóa đầu cơ đang bị tạm giữ, cưỡng ép cán bộ kiểm lâm cho chở gỗ khai thác trái phép đang bị tạm giữ…
Hậu quả nghiêm trọng (quy định ở khoản 2) có thể là: người thi hành công vụ không hoàn thành được nhiệm vụ; việc chấp hành pháp luật ở địa phương hoặc khu vực trở nên lỏng lẻo; kẻ xấu lợi dụng cơ hội reo rắc dư luận gây ảnh hưởng xấu.
Nếu người phạm tội giết người thi hành công vụ, thì họ bị xử lý về tội giết người theo Điều 101 khoản 1 điểm c; nếu họ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người thi hành công vụ, thì tùy tình tiết của vụ án, họ bị xử lý theo Điều 109 khoản 2 điểm b (gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe) hoặc theo Điều 109 khoản 3 (gây cố tật nặng hoặc dẫn đến chết người).
Chương 9:
CÁC PHẠM TỘI VỀ CHỨC VỤ
1) Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220) có những dấu hiệu:
– Chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn, vì thiếu trách nhiệm, tức là do vô ý – mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao; gây hậu quả nghiêm trọng không thuộc trường hợp quy định ở Điều 139 (tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa), Điều 193 (Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng) và Điều 237 (tội thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn).
Một số tội phạm cũng có dấu hiệu nói trên nhưng được quy định ở các điều luật khác như:
– Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, hoặc vi phạm quy tắc hành chính (Điều 104 khoản 2);
– Tội vố ý gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc vi phạm quy tắc hành chính (Điều 110 khoản 2);
– Và các tội phạm quy định ở điều 186, 190, 191, 192, 221, 251, 263, 265, 267, 268 và 270.
Vậy tội phạm quy định ở Điều 220 là một tội phạm chung do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện một cách vô ý, không thuộc trường hợp quy định ở các điều luật khác và gây hậu quả nghiêm trọng, thường là không thuộc về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản. Thí dụ: do lơ là, cẩu thả trong công việc, một người huy động nhân công gây lãng phí lớn về sức lao động; do nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ không cẩn thẩn, một kiểm sát viên truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, một thẩm phán ra quyết định trái pháp luật (nếu hành vi của kiểm sát viên, thẩm phán là do cố ý thì bị xử lý theo Điều 231 hoặc Điều 232).
2) Tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 222); tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 223).
Hiện nay mới có Nghị quyết số 69/CP ngày 14-6-1962 của Hội đồng Chính phủ quy định những vấn đề thuộc phạm vi “bí mật của Nhà nước”, còn “bí mật công tác” và “bí mật công tác quân sự” thì chưa được văn bản pháp luật nào chỉ rõ nội dung. Nhưng trong thực tế, có thể hiểu “bí mật công tác” hoặc “bí mật công tác quân sự” là loại bí mật có mức độ quan trọng thấp hơn bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, nếu để tiết lộ cũng có hại cho cách mạng.
Trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án, nói chung mọi tài liệu, chứng cứ chưa được phép công bố đều thuộc bí mật công tác, vì nếu tiết lộ sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử, thi hành án.
Hậu quả nghiêm trọng được quy định ở khoản 2 Điều 222 thể hiện như: gây khó khăn cho công tác, gây ảnh hưởng rất xấu cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội có bí mật công tác bị tiết lộ, có tài liệu bí mật công tác bị chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy; tạo điều kiện cho kẻ xấu khoét sâu nhược điểm của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội…
Chương 10:
CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP
1) Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 231)
Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội được thể hiện ở các hành vi tố tụng hình sự như: khởi tố bị can, quy trách nhiệm hình sự của một người trong báo cáo kết thúc điều tra hoặc truy tố một người về một tội phạm mà người đó trên thực tế không thực hiện hoặc họ có vi phạm pháp luật mà rõ ràng chỉ đáng xử lý về hành chính. Hành vi tố tụng nói trên được thể hiện bằng quyết định khởi tố, báo cáo kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố hoặc cáo trạng.
Đối với những trường hợp người thực hiện hành vi tuy có nguy hiểm, nhưng có tình tiết mà Bộ luật hình sự không coi là phạm tội (như: tình trạng không có năng lực trách nhiệm theo Điều 12, hành động phòng vệ chính đáng theo Điều 13, hành động trong tình thế cấp thiết theo Điều 14…), việc điều tra, thu thập chứng cứ có trường hợp gặp trở ngại, khó chứng minh rõ ràng ý thức của người thực hiện hành vi, việc tổ chức giám định y khoa có khi phải tiến hành nhiều lần, do đó, việc đánh giá vụ án khó bảo đảm chính xác ngay được. Trong các trường hợp đó, nếu người bị truy cứu trách nhiệm hình sự được kết luận là không có tội, thì không xử lý kiểm sát viên hoặc điều tra viên về tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.
Hành vi được thực hiện do cố ý tức là biết rõ là sai mà vẫn làm. Động cơ cá nhân (nếu có) có ý nghĩa về lượng hình. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tống đạt quyết định khởi tố hoặc cáo trạng.
Nếu do thiếu trách nhiệm (cẩu thả hoặc quá tự tin) mà truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị xử lý theo Điều 220; nếu không có hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hành chính.
– Chủ thể của tội phạm này là kiểm sát viên, điều tra viên, tức là người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân có tội.
Kiểm sát viên, điều tra viên tuy hoạt động theo chế độ tập trung thống nhất lãnh đạo trong toàn ngành, theo chế độ thủ trưởng, nhưng vẫn có trách nhiệm cá nhân. Vì vậy, kiểm sát viên, điều tra viên thi hành lệnh của cấp trên, ký quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, mặc dù trước khi thực hiện hành vi đó đã báo cáo rõ ý kiến của mình, vẫn bị xử lý theo Điều 231. Cấp trên ra lệnh truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, cũng bị xử lý theo Điều 231 (nếu là cố ý) hoặc theo Điều 220 (nếu là vô ý và gây hậu quả nghiêm trọng).
– Hậu quả nghiêm trọng quy định ở Điều 231 khoản 2 điểm b thể hiện như: người không có tội bị giam giữ lâu ngày bị kết án tù oan, tự sát, bị tan nát gia đình, bị kệt quệ về kinh tế.
2) Tội ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật (Điều 232)
– Đó là hành vi ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và lao động trong các giai đoạn tố tụng về sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, thi hành án. Tính chất trái pháp luật được thể hiện ở nội dung bản án, hoặc quyết định (như: kết án người rõ ràng không có tội; tuyên không có tội đối với người rõ ràng có tội, truất quyền thừa kế, quyền sở hữu của công dân không có căn cứ hợp pháp; đình chỉ tố tụng không có căn cứ v.v…) Bản án hoặc quyết định có thể sai toàn bộ hoặc sai một phần mà phần sai này rõ ràng là trái pháp luật.
– Hành vi đó là cố ý, tức là biết rõ là sai mà vẫn làm. Động cơ cá nhân (nếu có) chỉ có ý nghĩa về lượng hình. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm tuyên án hoặc tống đạt quyết định trái pháp nói trên.
– Nếu do thiếu trách nhiệm (cẩu thả hoặc quá tự tin) mà ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị xử lý theo Điều 220; nếu không có hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị xử lý hành chính.
– Chủ thể của tội phạm này là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, tức là người có thẩm quyền ra bản án hoặc quyết định đối với bị cáo hoặc đương sự.
Theo nguyên tắc, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán, do đó, mỗi thành viên trong Hội đồng xét xử đều có trách nhiệm hình sự khi cố ý ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật. Nhưng qua thực tiễn, cần xem xét sự việc cụ thể và thái độ của từng thành viên trong Hội đồng xét xử khi biểu quyết để xác định trách nhiệm cụ thể của từng người (như: đối với một bản án hoặc quyết định được cố ý ra trái pháp luật được biểu quyết theo đa số, một thành viên của Hội đồng xét xử đã biểu quyết ngược lại, thì không thể bị xử lý về tội này).
Theo nguyên tắc “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” Hội đồng xét xử trong mọi trường hợp đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc xét xử vụ án. Khi cần thiết hoặc khi Tòa án cấp dưới hỏi, Tòa án cấp trên có thể cho những ý kiếnchỉ đạo, hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật, nhưng không đề ra mức xử lý cụ thể, và không có tính chất ra mệnh lệnh. Do đó, nếu các thành viên của Hội đồng xét xử, theo sự hướng dẫn của cấp trên, ra bản án hoặc quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật vẫn bị xử lý theo Điều 232. Cấp trên hướng dẫn Hội đồng xét xử ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật có thể bị xử lý hành chính; nếu cho ý kiến có tính chất cố ý ép buộc Hội đồng xét xử ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật thì cũng bị xử lý về tội ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật (Điều 232).
– Hậu quả nghiêm trọng quy định ở Điều 232, khoản 2 thể hiện như: kẻ phạm tội nghiêm trọng đã trốn sau khi bản án tha sai; người bị kết án oan đã bị giam lâu ngày, tự sát, bị tan nát gia đình, bị kiệt quệ về kinh tế.
3) Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật (Điều 233) có những dấu hiệu như:
– Chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, có quyền lực đối với nhân viên tư pháp; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình như: ra chỉ thị, mênh lệnh cho nhân viên tư pháp hoặc gián tiếp làm cho nhân viên tư pháp phải phục tùng ý muốn chủ quan của mình, nếu không theo sẽ gặp khó khăn cho bản thân hoặc trong công tác (như bị thi hành kỷ luật, mất thành tích, không được đề bạt hoặc mất quyền lợi khác…), mặc dù họ đã được nhân viên tư pháp trình bày rõ việc làm đó là trái pháp luật.
Nếu người có chức vụ, quyền hạn chỉ “nhờ vả” (không có tính chất ép buộc) nhân viên tư pháp mà người này lại tự nguyện làm thì sự “nhờ vả” đó không cấu thành tội phạm này.
– Phải có sự ép buộc làm trái pháp luật một cách nghiêm trọng như: ép buộc bắt giam người chỉ vi phạm nhỏ, tạm tha người đang cần phải tạm giữa hoặc tha người phạm tội không thể tha được, ép buộc truy tố người không có tội hoặc phạt nặng người phạm tội ít nghiêm trọng; ép buộc nhanh chóng xử ly hôn không trải qua điều tra, lập hồ sơ đầy đủ và tiến hành hòa giải… Sự ép buộc đó là đối với nhân viên tư pháp (như điều tra viên, kiềm sát viên, thẩm pháp, hội thẩm nhân dân, thư ký Tòa án, giám định viên…) tức là những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tố tụng.
– Người ép buộc thực hiện hành vi một cách cố ý tức là biết sai mà vẫn làm. Động cơ cá nhân (nếu có) chỉ có ý nghĩa về lượng hình.
Nếu do nghe báo cáo không chính xác mà quyết định cụ thể, không biết đó là sai, thì không cấu thành tội phạm này. Nếu do thiếu trách nhiệm mà ép buộc, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý theo Điều 220 (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).
Nhân viên tư pháp biết rõ là bị ép buộc làm trái pháp luật mà vẫn làm, thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự (tùy theo hành vi cụ thể mà xử lý theo Điều 232 hoặc Điều 220).
4) Tội dùng nhục hình (Điều 234)
– Dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp là tra tấn, đánh đập người bị điều tra, xét hỏi hoặc bị giam giữ, cũng như dùng những thủ đoạn tàn ác gây đau đớn về thể xác, gây tổn hại về sức khoẻ (như bắt nhịn đói, nhịn khát, ăn cơm nhạt, không cho ngủ…)
– Tội phạm thực hiện do cố ý; người dùng nhục hình biết rõ là trái pháp luật, nhưng vẫn thực hiện do động cơ cá nhân hoặc động cơ không đúng về lợi ích công tác. Động cơ phạm tội không có ý nghĩa đối với việc định tội. Động cơ không đúng, về lợi ích công tác có thể được xem xét khi lượng hình.
– Chủ thể của tội phạm là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, nhân viên trại giam, trại cải tạo và cũng có thể là công an xã, phường trong khi hoạt động tư pháp (bắt giữ người khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền)
Nhân viên công an xã, phường, hải quan, thuế vụ, kiểm lâm dùng nhục hình trong khi xử lý về hành chính đối với người phạm pháp, người bị tình nghi thì bị xử lý theo Điều 221 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc lạm quyền trong khi hành công vụ.
– Hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 2 thể hiện như: người bị nhục hình bị suy kiệt, uất ức mà tự sát, gây ảnh hưởng chính trị không tốt.
Nếu nạn nhân bị chết hoặc bị gây thương tích, thì tùy tình tiết của vụ án, cần xử lý thêm về tội vô ý làm chết người (Điều 104), tội cố ý gây thương tích… (Điều 109) hoặc tội giết người (Điều 101).
5) Tội bức cung (Điều 235)
– Bức cung là dùng thủ đoạn trái pháp luật trong khi tiến hành điều tra làm cho người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc giải quyết vụ án.
Thủ đoạn trái pháp luật có thể là: dọa dùng nhục hình, dọa giam họ hoặc giam người thân của họ; không cho họ khai để tự bào chữa; ép buộc họ khai theo ý muốn của điều tra viên.
Hậu quả nghiêm trọng quy định trong điều luật có thể là: do bị bức cung, người bị thẩm vấn khai không đúng sự thật, dẫn đến việc bắt giữ, truy tố, xét xử sai, oan. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định ở khoản 2 của điều luật thể hiện như: người bị bức cung do bị suy kiệt, do uất ức mà tự sát, do bị bắt giữ, truy tố, xét xử sai, oan mà kinh tế gia đình bị kiệt quệ, gia đình bị tan nát; gây ảnh hưởng chính trị không tốt đối với tính công minh của pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Người bị thẩm vấn ở đây có thể là người bị tình nghi phạm tội, bị can, người làm chứng người bị hại.
Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Người bức cung thực hiện hành vi do cố ý, biết sai mà vẫn làm, do động cơ cá nhân hoặc động cơ sai trái vì lợi ích công tác. Động cơ không có ý nghĩa về mặt định tội.
Chủ thể của tội phạm có thể là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hoặc công an xã, phường trong khi hoạt động tư pháp (như: bắt, giữ người khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền…).
Nhân viên công an xã, phường, hải quan, thuế vụ, kiểm lâm bức cung trong khi xử lý về hành chính người phạm pháp, người bị tình nghi thì bị xử lý theo Điều 221 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
6) Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 236)
– Tội phạm được thể hiện như: thêm, bớt, sửa đổi, hủy hoặc cố ý làm hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án, tức là thực hiện một cách cố ý (thí dụ: làm thay đổi lời khai của người làm chứng, rút bớt giấy chứng thương, thay đổi vật chứng làm cho người có tội thành không có tội hay ngược lại, hoặc làm cho tội nặng thành tội nhẹ hay ngược lại).
Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiện một trong các hành vi trên đây làm cho hồ sơ không còn phù hợp sự thật khách quan của vụ án, không đòi hỏi phải có hậu quả xẩy ra.
– Chủ thể của tội phạm là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, nhân viên tư pháp khác (như thư ký Tòa án, nhân viên văn thư của các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án có nhận, giao hồ sơ vụ án…), luật sư, bào chữa viên, nói chung là những người do nhiệm vụ có quan hệ đến hồ sơ vụ án.
Hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 2 thể hiện như: người có tội được miễn tố, được tuyên không phạm tội nhờ đó mà trốn tránh được trách nhiệm, người phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng được xử lý về tội ít nghiêm trọng hoặc về trường hợp ít nghiêm trọng người không có tội bị bắt, giam oan, bị truy tố, xét xử oan gây công phẫn trong dư luận xã hội.
7) Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn tha trái pháp luật người bị giam (Điều 238). Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn giam người trái pháp luật (Điều 239).
+ Chủ thể của hai tội này là:
a) – Người có thẩm quyền trong việc giam, tha (như: kiểm sát viên, thẩm phán);
b) – Người có chức vụ, quyền hạn có quan hệ đến người bị giam, nhưng không có thẩm quyền quyết định việc giam hoặc tha (như: nhân viên trại giam có nhiệm vụ thi hành quyết định giam hoặc quyết định tha).
+ Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn tha trái pháp luật người bị giam và lạm dụng chức vụ, quyền hạn giam người trái pháp luật được thể hiện như:
– Hành vi của chủ thể nói ở điểm a là ra lệnh tha không có lý do chính đáng, hợp pháp người đã có lệnh giam hoặc đã có án tù giam; không ra lệnh tha người đã hết hạn giam.
– Hành vi của chủ thể nói ở điểm b là tự mình tha người đang bị giam khi không có quyết định của Viện kiểm sát hay của Tòa án; không chấp hành lệnh tha người hết hạn tạm giam hoặc người hết hạn tù giam hoặc quyết định tạm hoãn, miễn hoặc giảm việc chấp hành hình phạt của Tòa án.
+ Theo Điều 238, tội phạm bị xử lý theo khoản 1 trong trường hợp không có hoặc có hậu quả nghiêm trọng; bị xử lý theo khoản 2 trong trường hợp phạm tội ra lệnh tha hoặc tha trái pháp luật người bị giam về một tội nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: người được tha trái pháp luật ra ngoài xã hội lại phạm tội nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong quần chúng…
Theo Điều 239, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng được xử lý theo khoản 2 như: người đang bị giam đã có lệnh tha hoặc người hết hạn giam do không được tha mà uất ức dẫn tới tự sát, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội…
+ Hành vi tha, giam trái pháp luật nói trên được thực hiện do cố ý. Nếu hành vi được thực hiện do tùy tiện, thiếu trách nhiệm (tức là do vô ý) thì bị xử lý theo Điều 220 (nếu có hậu quả nghiêm trọng) hoặc bị xử lý hành chính (nếu không có hậu quả nghiêm trọng).
+ Hành vi giam người trái pháp luật (người không có tội hoặc người không đáng bị giam) bị xử lý về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 119).
8) Tội không chấp hành án, tội cản trở việc thi hành án (Điều 240)
+ Tội không chấp hành án là tội của người mặc dù áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn cố ý không chấp hành án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ở đây là án và quyết định về dân sự, hôn nhân gia đình, lao động; án hình sự về cải tạo không giam giữ, quản chế, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản.
Đối với án hình sự về phạt tù, người được tại ngoại trốn thì bị truy nã và cưỡng chế chấp hành án; người bị giam trốn thì tùy từng trường hợp; bị xử lý theo Điều 84 (tội chống phá trại giam) hoặc theo Điều 245 (Tội trốn khỏi nơi giam).
Cố ý không chấp hành mặc dù bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết là những trường hợp như: bị cưỡng bức dọn đồ đạc để trả nhà chiếm giữ trái phép mà kêu gào, xô đẩy, giằng co, gây huyên náo để chống lại; bị niêm phong, kê biên tài sản, phát mại tài sản hoặc khấu trừ lương (để buộc phải bồi thường thiệt hại, phải trả nợ hoặc thi hành việc trợ cấp nuôi con…) mà cũng có những hành vi như trên và có khi còn có những lời nói gây ảnh hưởng xấu cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội; người đang chấp hành án cải tạo không giam giữ đã được giải thích, giáo dục, răn đe vẫn không chịu nộp phần khấu trừ thu nhập do quyết định của bán án hoặc vẫn lẩn trốn sự giám sát, giáo dục của cơ quan hoặc tổ chức xã hội được giao trách nhiệm.
+ Tội cản trở việc thi hành án là tội của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn xúi giục hoặc tạo điều kiện cho người phải chấp hành án không chấp hành án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án (thí dụ: không bắt người bị kết án tù đang tại ngoại đi chấp hành hình phạt; không khấu trừ tiền lương của bị đơn theo đúng chính sách pháp luật; không cho người có trách nhiệm thuộc quyền của mình thực hiện quyền lực của Nhà nước trong việc thi hành án…).
Bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nếu còn bị khiếu nại mà chưa có quyết định khác của cấp có thẩm quyền thì vẫn phải được nghiêm chỉnh chấp hành. Người cản trở việc thi hành bản án hoặc quyết định đó vẫn bị xử lý theo Điều 240.
+ Chủ thể của tội không chấp hành án là người có nghĩa vụ chấp hành bản án hoặc quyết định và cũng có thể là người có quyền lợi quan hệ với người có nghĩa vụ chấp hành án; chủ thể của tội cản trở việc thi hành án là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm thi hành án (chấp hành viên hoặc người có nghĩa vụ thực hiện quyền lực của Nhà nước trong việc thi hành án… hoặc người có chức vụ, quyền hạn, nhưng không có nghĩa vụ về việc thi hành án (như cán bộ cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội…).
+ Hai tội phạm đều được thực hiện do cố ý.
9) Tội cung cấp tài liệu sai sự thật, tội khai báo gian dối (Điều 241)
Tội phạm thể hiện ở những hành vi như: hành vi của giám định viên cố ý kết luận gian dối, sai trái với thực tế khách quan; hành vi của người phiên dịch bằng chữ viết hay lời nói, cố ý dịch gian dối, sai với lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc những tài liệu trong hồ sơ vụ án; hành vi của người làm chứng cố ý khai hoặc cung cấp tài liệu mà mình biết rõ sai sự thật.
Những hành vi trên do thiếu trách nhiệm tức vô ý (đối với giám định viên, người phiên dịch), nếu có hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý theo Điều 220. Nếu do trí nhớ kém (đối với người làm chứng), thì không bị xử lý về hình sự.
10) Tội từ chối khai báo, tội từ chối kết luận giám định (Điều 242) thể hiện ở những hành vi như:
– Hành vi của người làm chứng, người bị hại cố ý từ chối hoặc trốn tránh khai báo (như: có giấy mời mà không đến hoặc đến nhưng không khai…) mà không có lý do chính đáng, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Theo thực tiễn xét xử, người làm chứng có quan hệ thân thích với bị can, bị cáo (như bố mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột) từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc về trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, vẫn bị xử lý theo Điều 242, nếu họ từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo về các trường hợp phạm tội khác, thì chiếu cố đến quan hệ gia đình nên không xử lý về mặt hình sự.
Cũng theo thực tiễn xét xử, đối với người làm chứng hoặc người bị hại vì bàng quan với vụ án, vì sợ phiền phức mất công việc hoặc sợ bị can, bị cáo trả thù mà từ chối hoặc trốn tránh khai báo, thì cần giáo dục mà không nên truy trách nhiệm hình sự.
Bị can, bị cáo từ chối hoặc trốn tránh khai báo không bị xử lý theo Điều 242 vì cơ quan Nhà nước có nhiệm vụ điều tra, chứng minh về tội phạm của họ.
– Hành vi của giám định viên cố ý từ chối hoặc trốn tránh việc kết luận giám định về việc đã được trưng cầu mà không có lý do chính đáng (như: không có trở ngại về sức khỏe, công tác) hoặc từ chối việc kết luận giám định vì có quan hệ thân thiết với bị can, bị cáo nhưng không báo cáo rõ trước với cơ quan đã trưng cầu giám định, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thì bị xử lý theo Điều 242.
11) Tội vi phạm niêm phong, kê biên tài sản (Điều 244).
Tội phạm thể hiện ở những hành vi như: phá hủy niêm phong (xé, bóc, làm rách giấy niêm phong, làm đứt cặp chỉ…) tiêu dùng (tiêu dùng lương thực bị kê biên…), chuyển nhượng (chuyển thành sở hữu của người khác); đánh tráo (thay thế tài sản khác vào tài sản bị kê biên); cất giấu (đem tài sản bị kê biên đi giấu ở nơi khác); hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên làm cho tài sản bị kê biên mất hẳn giá trị sử dụng.
Những hành vi nói trên do người chủ tài sản bị niêm phong, kê biên (hoặc người đại diện của họ được giao giữ) thực hiện một cách cố ý. Người có chức vụ, quyền hạn được giao giữ tài sản bị niêm phong, kê biên (do cơ quan Nhà nước quản lý nên được coi là tài sản xã hội chủ nghĩa) mà thực hiện hành vi phá hủy niêm phong thì cũng bị xử lý theo Điều 244; nếu tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấy hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên, thì xử lý về “tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa” tương ứng với hình thức của hành vi đã thực hiện.
12) Tội trốn khỏi nơi giam (Điều 245).
Tội phạm này thể hiện ở hành vi của người đang bị giam (tức là đang có lệnh tạm giam hoặc đang chấp hành án tù) hoặc đang bị dẫn giải (do phạm pháp quả tang, do có lệnh tạm giam hoặc do chuyển trại…) mà bỏ trốn (tức là thoát khỏi sự quản lý của trại giam, trại cải tạo, hoặc của người dẫn giải). Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Hành vi nói trên được thực hiện nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị xử lý theo Điều 84 về tội chống phá trại giam.
Hành vi trốn của người bị giữ, người bị tình nghi phạm tội (chưa có quyết định tạm giam) hoặc của người đang bị tập trung cải tạo (bị xử lý bằng một quyết định hành chính) không bị xử lý theo Điều 245, mà được xem xét khi xử lý tội phạm của họ (nếu có, đối với người bị tình nghi) hoặc khi xét về kết quả cải tạo của họ (đối với người bị tập trung cải tạo).
13) Tội che giấu tội phạm (Điều 246). Tội không tố giác tội phạm (Điều 247).
Hai tội này đều gây khó khăn cho việc phát hiện điều tra và xử lý người phạm tội, được thực hiện do cố ý, nhưng có chỗ khác nhau.
Tội che giấu tội phạm thể hiện ở hành vi không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, cũng như các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, tức là đã bằng hành động tích cực nhằm che giấu một trong những tội phạm được liệt kê tại Điều 246 khoản 1. Hành vi che giấu tội phạm mà có hứa hẹn trước được coi là đồng phạm về một tội phạm cụ thể.
Tội không tố giác tội phạm thể hiện ở hành vi biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác (tức là bằng không hành động), một trong những tội được liệt kê tại Điều 247 khoản 1.
Chủ thể của hai tội phạm đều là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự; riêng đối với tội che giấu tội phạm, có thể là người lợi dụng chức vụ quyền hạn (Điều 246 khoản 2).
Chương 11:
CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM
CỦA QUÂN NHÂN
1. Tội chống mệnh lệnh (Điều 250). Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh (Điều 251)
+ Hai tội phạm đều xâm phạm việc chấp hành mệnh lệnh, giữ vững kỷ luật của quân đội và gây ảnh hưởng xấu đến sức chiến đấu, sức mạnh của lực lượng vũ trang. Tội chống mệnh lệnh có mức độ nguy hiểm hơn tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh.
Mệnh lệnh là mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc của cấp trên có thẩm quyền. Phải xem xét một cách toàn diện như: nội dung và tầm quan trọng của mệnh lệnh, cấp ra mệnh lệnh, thời gian, không gian của sự việc, hậu quả (nếu có) để đánh giá mức độ và tính nguy hiểm của hành vi chống mệnh lệnh hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh; nội dung của mệnh lệnh càng quan trọng, yêu cầu của mệnh lệnh càng khẩn trương, cấp ra mệnh lệnh càng cao, phạm vi chấp hành mệnh lệnh càng rộng, thì hậu quả và tính chất của tội phạm càng nghiêm trọng.
+ Tội chống mệnh lệnh là hành vi cố ý không chấp hành hoặc chấp hành ngược lại mệnh lệnh; tội phạm không đòi hỏi phải có hậu quả, nhưng nếu có hậu quả nghiêm trọng, thì xử lý theo khoản 2; nếu có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì xử lý theo khoản 3.
Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh là hành vi chấp hành mệnh lệnh một cách lơ là, chậm trễ, tùy tiện, thể hiện ý thức thiếu trách nhiệm, cố ý về hành vi, nhưng vô ý gây hậu quả nghiêm trọng. Tội phạm này đòi hỏi phải có hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý theo khoản 1; nếu có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử lý theo khoản 2.
+ Hậu quả nghiêm trọng (được quy định ở Điều 250 khoản 2 điểm 1 và Điều 251 khoản 1) thể hiện như: đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu; bộ đội thương vong nhiều.
+ Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (quy định ở điều 250, khoản 3 và điều 251, khoản 2) thể hiện như: đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, bộ đội bị thương vong nhiều, bị thiệt hại lớn về vũ khí, phương tiện chiến đấu.
2. Tội đầu hàng địch (Điều 256).
+ Tội phạm này thể hiện ở hành vi của quân nhân trong chiến đấu với quân địch mà tự nguyện hạ vũ khí để cho địch bắt làm tù binh hoặc chạy sang hàng ngũ địch, không thuộc trường hợp quy định ở Điều 72 (tội phản bội Tổ quốc) và Điều 85 (tội trốn đi nước ngoài hoặc tội trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân).
Quân nhân chạy sang hàng ngũ địch trước hoặc sau trận đánh (như đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu; đang bảo vệ chốt, chờ lệnh nổ súng hoặc xuất kích… sau khi kết thúc giao chiến với địch…) nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 72 và Điều 85, cũng bị xử lý về tội đầu hàng địch.
Quân nhân trong chiến đấu bị địch bắt trong tình thế không có khả năng chống trả địch (như do bị thương hoặc bất ngờ bị địch bắt…), không bị coi là phạm tội.
+ Hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 2 điểm d thể hiện như: bộ đội bị thương vong, một số mất tinh thần chiến đấu, đơn vị bị tan rã…
3. Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho dịch khi bị bắt làm tù binh (Điều 257)
+ Tội phạm này thể hiện ở hành vi của quân nhân khi bị bắt làm tù binh đã khai báo bí mật quân sự cho địch hoặc tự nguyên làm việc cho địch.
Khai báo bí mật quân sự cho địch có thể do bị địch cưỡng bức,dụ dỗ hoặc do tự nguyện. Khai báo bí mật quân sự hoặc bí mật công tác quân sự, có lợi cho địch. Bí mật càng quan trọng thì tội phạm càng nghiêm trọng.
Tự nguyên làm việc cho địch có thể là tự nguyện ngay từ đầu hoặc là lúc đầu bị địch cưỡng ép, dụ dỗ sau lại tự nguyện làm việc cho địch (như làm việc trong các cơ quan quân sự của địch, cung cấp tin tức cho địch về những người trong trại tù binh).
Nếu tự nguyện làm việc cho địch nhằm chống chính quyền nhân dân, thì tùy theo hành vi cụ thể mà xử lý về tội tương ứng như: nhận làm tay sai cho địch, cùng với quân địch xâm nhập lãnh thổ, thì bị xử lý về “tội xâm phạm an ninh lãnh thổ”; cá biệt khi có đủ dấu hiệu thì bị xử lí về “tội phản bộ Tổ quốc”; giả tạo trốn trại tù binh để trở về quân ngũ làm nội gián cho địch, thì bị xử lý về “tội gián điệp”.
Nếu nhận làm những công việc bình thường như: cuốc đất, làm vườn, y tá, nấu bếp, tạp vụ, đại diện tù binh để tiện giao dịch, chăm sóc anh em, thì không cấu thành tội phạm.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 2 điểm b thể hiện như: khai báo mọi mặt tình hình của đơn vị trong đó có kế hoạch bố phòng, kế hoạch tác chiến, do đó, đơn vị bị nhiều thương vong, bị thiệt hại lớn về vũ khí, phương tiện chiến đấu…
4. Tội bỏ vị trí chiến đấu (Điều 258)
+ Tội phạm thể hiện ở hành vi của quân nhân bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu.
Bỏ vị trí chiến đấu là tự ý rời khỏi vị trí của người quân nhân đang chiến đấu với kẻ địch hoặc đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu (như: rời bỏ chốt tiền tiêu) nhưng không có ý thức rời bỏ hàng ngũ quân đội.
Không làm nhiệm vụ chiến đấu là tuy có mặt ở vị trí chiến đấu nhưng không thực hiện nhiệm vụ (như nấp dưới chiến hào không dám bắn trả quân địch).
Nếu bỏ vị trí chiến đấu sau đó lại rời bỏ hàng ngũ quân đội thì phạm hai tội: bỏ vị trí chiến đấu và đào ngũ.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 2 điểm d thể hiện như: chốt tiền tiêu bị tiêu diệt, kẻ địch lấn chiếm gây ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần chiến đấu của đơn vị…
5. Tội đào ngũ (Điều 259)
Tội phạm thể hiện ở hành vi của quân nhân rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ, cụ thể là tự ý đi khỏi đơn vị, trốn về nhà hoặc trốn đi nơi khác, có ý thức bỏ hẳn đơn vị.
Quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào hoặc Campuchia mà trốn ở lại nước đó, nếu không nhằm chống chính quyền nhân dân là phạm tội đào ngũ và tội ở lại nước ngoài trái phép (Điều 89). Quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào hoặc Campuchia mà trốn sang nước ngoài khác, nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân là phạm tội đào ngũ và tội xuất cảnh trái phép.
6. Tội trốn tránh nhiệm vụ (Điều 260)
+ Tội phạm thể hiện ở hành vi của quân nhân tự gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của mình hoặc dùng các thủ đoạn gian dối khác nhằm trốn tránh nhiệm vụ.
Tự gây thương tích có thể là tự mình hoặc nhờ người khác gây thương tích cho mình (như: bắn vào tay, vào chân, chặt đốt ngón tay bóp cò…) bằng bất kỳ phương tiện gì làm mất khả năng chiến đấu vĩnh viễn hoặc tạm thời.
Tự gây tổn hại đến sức khỏe của mình có thể như uống hóa chất làm cho dạ dày bị loét, ăn cháo loãng dài ngày hoặc không ăn uống để cho sức khỏe bị giảm sút…
Dùng hình thức gian dối khác như: giả vờ ốm đau, bệnh tật, giả vờ lạc ngũ, nhập vào đơn vị khác…
Những hành vi trên nhằm không phải đi chiến đấu, không phải làm một nhiệm vụ cụ thể nào đó ở trong quân đội hoặc để được nhận một nhiệm vụ cụ thể khác.
Người phạm tội tr�n tránh nhiệm vụ cũng không có ý thức rời bỏ hàng ngũ quân đội như người phạm tội bỏ vị trí chiến đấu, nhưng có chỗ khác nhau: người trốn tránh nhiệm vụ chỉ thực hiện hành vi phạm tội bằng hành động. Còn người phạm tội bỏ vị trí chiến đấu có thể thực hiện hành vi phạm tội không bằng hành động (có mặt ở vị trí chiến đấu nhưng không thực hiện nhiệm vụ)
+ Gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 2 điểm d thể hiện như: gây ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu của đơn vị…
7. Tội vắng mặt trái phép (Điều 261)
+ Tội phạm được thể hiện ở hành vi của quân nhân không được cấp chỉ huy cho phép mà đi khỏi đơn vị có tính chất tạm thời và với ý thức sẽ quay trở lại đơn vị, không đến đơn vị đúng kỳ hạn như được cử đi công tác, được đi phép, ra bệnh viện mà tự ý về nhà, đi tranh thủ việc riêng, không đến đơn vị đúng hạn định mà không được cấp chỉ huy cho phép hoặc không có lý do chính đáng.
+ Đã bị thi hành kỷ luật tự phê bình, khiển trách, cảnh cáo… mà còn vi phạm; đó là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm
+ Người phạm tội vắng mặt trái phép không có ý thức rời bỏ hàng ngũ quân đội, mà chỉ là tạm thời vắng mặt ở đơn vị, thể hiện ý thức tự do vô kỷ luật đến mức độ bị xử lý về hình sự.
Cần quan tâm vừa bảo đảm giữ vững kỷ luật của quân đội, vừa xem xét cụ thể thời gian, hoàn cảnh của sự việc, yêu cầu của chiến đấu hoặc nhiệm vụ trước mắt để xử lý thỏa đáng, tránh máy móc.
8. Tội vi phạm quy định về sử dụng vũ khí (Điều 268)
Tội phạm được thể hiện ở hành vi của quân nhân được giao vũ khí, chất nổ để sử dụng, nhưng sử dụng không đúng quy định, nên đã vô ý gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản (như: bắn muông thú, hoặc dùng chất nổ đánh bắt cá làm chết người hoặc gây thương tích, làm cháy nhà…)
Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định ở khoản 2 được thể hiện như: gây chết từ 2 người trở lên hoặc làm bị thương nặng từ 3 người trở lên (hay 1 người chết và 2 người bị thương nặng) hoặc làm cháy nhiều nhà…
Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn được giao sử dụng vũ khí, chất nổ, thực hiện tội phạm do vô ý và gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội quy định ở Điều 95 và Điều 96 không có chức vụ, quyền hạn thực hiện tội phạm do vô ý và bị coi là tội phạm dù chưa gây hậu quả.
9. Tội quấy nhiễu nhân dân (Điều 273).
Tội phạm này xâm phạm tình đoàn kết quân dân, tình thương yêu, chăm sóc, xây dựng của nhân dân đối với quân đội.
Tội phạm thể hiện ở hành vi của quân nhân quấy nhiễu gây thiệ thại cho nhân dân, làm mất đoàn kết quân dân như: xin dân không cho cứ lấy, mượn đồ dùng làm hư hỏng không chịu sửa chữa trước khi trả, mua chịu, trả nợ dây dưa, chọc ghẹo phụ nữ… Hành vi thường xảy ra nhiều lần và liên tiếp.
Thiệt hại gây cho nhân dân là không đáng kể, nhưng gây nhiều phiền hà cho nhân dân, làm cho nhân dân xa lánh, phẫn nộ, sợ sệt… Nếu gây thiệt hại đáng kể về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản thì phải xử lý về tội phạm tương ứng. Cần xem xét thận trọng, xác định rõ hậu quả là làm mất đoàn kết quân dân để xác định tội phạm và xử lý cho thỏa đáng.
Hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 2 điểm d thể hiện như: nhân dân địa phương không hợp tác với quân đội, hoặc yêu cầu đơn vị chuyển đi nơi khác…
Chương 12:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG CỦA PHẦN CÁC TỘI PHẠM
1. Việc vận dụng điều luật quy định nhiều tội phạm
Thông thường một điều luật quy định một tội phạm; nhưng cũng có trường hợp một điều luật quy định nhiều tội phạm. Việc quy định đó theo quy ước tương đối hợp lý là do tội phạm đó gần gũi nhau, có nguyên tắc, đường lối xử lý giống nhau và trong một số trường hợp, có thể thống nhất làm một.
Việc vận dụng một điều luật quy định nhiều tội phạm, tùy theo trường hợp, có thể được thực hiện theo một trong các cách sau đây:
a) Đối với hành vi cấu thành một tội phạm nào trong điều luật quy định nhiều tội phạm, thì xử lý theo tên của tội phạm đó mà không viện dẫn toàn bộ tên tội của điều luật. Thí dụ: Điều 95 quy định năm tội, có trường hợp Tòa án xử lý một bị cáo chỉ phạm một tội, tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
b) Đối với những hành vi cấu thành nhiều tội phạm được quy định trong một điều luật, nếu các hành vi đó có quan hệ chặt chẽ với nhau, thì xử lý theo tên tội với đầy đủ các hành vi đã thực hiện và được quy định tại điều luật. Thí dụ: theo Điều 95, có trường hợp Tòa án xử lý một bị cáo về tội chế tạo, tàng trữ vũ khí quân dụng (do bị cáo chế tạo xong rồi tàng trữ).
Nếu các hành vi đó tuy có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng hành vi nọ là điều kiện để thực hiện hành vi kia thì xử lý theo tên tội chủ yếu. Thí dụ: đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép một vũ khí quân dụng, thì xử lý về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 95 đồng thời có phân tích tính chất nghiêm trọng của hành vi sử dụng vũ khí quân dụng trái phép sau khi chế tạo và tàng trữ (khác với hành vi chỉ thuần túy sử dụng).
c) Đối với những hành vi khác nhau cấu thành nhiều tội phạm trong một điều luật, thì xử lý theo tên của từng tội phạm mà điều luật đã quy định, định hình phạt đối với mỗi tội phạm và tổng hợp hình phạt theo các Điều 41, 42, 43. Thí dụ: đối với người bị bắt giữ vì có hành vi mua hai khẩu súng thuộc loại vũ khí quân dụng, khi khám nhà lại bị phát hiện còn tàng trữ 5 quả lựu đạn, thì bị xử lý về hai tội là: mua trái phép vũ khí quân dụng, tàng trữ vũ khí quân dụng (Theo Điều 95).
Nói chung, trong thực tiễn, không nên vận dụng mở rộng cách nói ở điểm c, mà nên hạn chế, thu hẹp vào những trường hợp thật cần thiết như: các hành vi phạm tội đều là trường hợp nghiêm trọng, thời điểm thực hiện các tội phạm cách xa nhau hoặc các hành vi phạm tội không thuộc trường hợp tội kéo dài, tội liên tục.
2. Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Theo Điều 58 của Bộ luật hình sự, người đã đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi, phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tức là hầu hết các tội xâm phạm an ninh quốc gia; người đã đủ 16 tuổi trở lên  phải chịu trách nhiệm, hình sự về mọi tội phạm.
Nói chung, đối với người tuy đã đủ điều kiện về tuổi như đã nói trên, cần xem xét hoàn cảnh phạm tội và nhận thức của họ đối với tội phạm. Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, nếu do bị mua chuộc, dụ dỗ, nhận thức chính trị không có hoặc rất non kém thì không áp dụng hình phạt, mà nên áp dụng biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa (như đưa vào trường giáo dưỡng theo Điều 62). Chỉ cần áp dụng hình phạt đối với trường hợp người phạm tội đã có nhận thức chính trị và đã gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Các tình tiết: vật phạm pháp (hoặc hàng phạm pháp) có số lượng lớn hoặc giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn; chiếm đoạt (hoặc hủy hoại, làm hư hỏng) tài sản có giá trị lớn.
Nhiều điều luật quy định các tình tiết vật (hoặc hàng) phạm pháp có số lượng lớn hoặc giá trị lớn thu lợi bất chính lớn, chiếm đoạt, hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản có giá trị lớn nhưng không xác định cụ thể mức độ lớn về số lượng hoặc về giá trị tài sản.
Vì vậy, việc xác định như thế nào là lớn hoặc rất lớn cần căn cứ vào yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và từng loại tội phạm nói riêng; vào thực tiễn xét xử để xem xét toàn diện như: loại vật tư, hàng hóa (chú trọng loại vật tư, hàng hóa chiến lược như lương thực, xăng dầu, phân bón, thiết bị quý hiếm… vật tư, hàng hóa nhập khẩu; vật tư, hàng hóa Nhà nước thống nhất quản lý hoặc cấm lưu thông…), thời điểm và nơi xảy ra sự việc, tính chất của hành vi phạm tội (như: thu lợi bất chính, chiếm đoạt hoặc vô ý gây thiệt hại…).
Trong thực tiễn xét xử hiện nay có thể nêu ra một vài trường hợp như sau: “coi là lớn” số tiền khoảng từ 50.000 đến 100.000 đồng lương thực quy ra thóc khoảng 5 tấn, vật (hoặc hàng) phạm pháp như: xăng dầu, phân bón khoảng 2 đến 3 tấn, vật tư quý, hiếm hay các hàng hóa khác có giá trị tương đương với khoảng 5 tấn lương thực quy ra thóc, thuốc phiện khoảng 10 kg “Coi là rất lớn” khi giá trị khoảng gấp ba lần các mức nói trên.
Nói chung cần xem xét toàn diện những căn cứ nói trên mà không nên chỉ đơn thuần tính toán về số lượng.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai