Điều 145: Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Bộ luật Hình sự năm 1999

312

Điều 145, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản :

1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị  từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến  hai năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại  cho tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

PHÂN TÍCH CÁC TỘI DANH LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ ĐỘ SỞ HỮU

Các tội xâm phạm sở hữu được quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS năm 1999), gồm 13 điều luật (từ Điều 133 đến Điều 145) với 14 tội danh (Điều 143 là tội phạm ghép, gồm 2 tội danh: tội hủy hoại tài sản và tội làm hư hỏng tài sản). So với BLHS năm 1985, quy định về các tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 1999 có thay đổi lớn, đó là không phân biệt giữa các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa và các tội xâm phạm sở hữu của công dân (nhập chương quy định về các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa và chương quy định về các tội xâm phạm sở hữu của công dân thành một chương chung quy định về các tội xâm phạm sở hữu).

Sự thay đổi này xuất phát từ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, được bảo hộ như nhau.

Theo quy định của BLHS năm 1999, các tội xâm phạm sở hữu có một số đặc điểm cơ bản sau đây:

Một là, khách thể của các tội xâm phạm sở hữu là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân. Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005 quyền sở hữu tài sản được hợp thành bởi 3 quyền năng, đó là quyền chiếm hữu, sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Tuy nhiên BLHS năm 1999 quy định hành vi phạm tội về sở hữu có thể xâm phạm cả ba quyền năng thuộc quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu như tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… nhưng cũng có tội phạm chỉ xâm hại một trong các quyền năng thuộc quyền sở hữu như tội chiếm giữ trái phép tài sản, tội sử dụng trái phép tài sản…

Hai là, đối tượng tác động của các tội phạm xâm phạm sở hữu là tài sản. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tuy nhiên, theo quy định trong các điều luật của BLHS năm 1999 về các tội phạm xâm phạm sở hữu và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm này cho thấy, phần lớn đối tượng tác động của tội phạm là các loại tài sản hữu hình, đó là vật, tiền, các giấy tờ có giá, còn tài sản thuộc loại vô hình (quyền tài sản) là đối tượng tác động của ít loại hành vi phạm tội này.

Ba là, đa số các tội xâm phạm sở hữu là các tội có tính chất chiếm đoạt. Trong số 13 tội phạm về sở hữu thì có 8 tội có tính chất chiếm đoạt đó là các tội: cướp tài sản (Điều 133), bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134), cưỡng đoạt tài sản (Điều 135), cướp giật tài sản (Điều 136), công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137), trộm cắp tài sản (Điều 138), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140). Còn lại có 5 tội phạm không có tính chất chiếm đoạt, đó là các tội: chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141), sử dụng trái phép tài sản (Điều 142), hủy hoại hoặc làm hư hỏng hư hỏng tài sản (Điều 143), thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước (Điều 144), vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 145).

Bốn là, đa số các tội xâm phạm sở hữu được thực hiện với lỗi cố ý (11/13 tội với lỗi cố ý), chỉ có 2 tội: thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 144), tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 145) là thực hiện với lỗi vô ý.

Năm là, hậu quả của các tội xâm phạm sở hữu gây ra trước hết là thiệt hại về tài sản. Ngoài ra, đối với một số tội phạm, ngoài gây thiệt hại về tài sản, còn có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Sáu là, về chủ thể của tội phạm, trong số 13 tội phạm xâm phạm sở hữu chỉ có một tội phạm có chủ thể đặc biệt, đó là tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước quy định tại Điều 144  (Chủ thể của tội phạm này là người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của nhà nước), còn lại các tội phạm khác có chủ thể của tội phạm là chủ thể thường.

Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội xâm phạm sở hữu thời gian qua cho thấy, sau khi được sửa đổi, bổ sung năm 2009, một số bất cập, vướng mắc trong các quy định của BLHS năm 1999 nói chung, các quy định về các tội xâm phạm sở hữu nói riêng đã được khắc phục, tạo thuận lợi và góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn cũng là sự kiểm chứng cho khá nhiều tồn tại trong các quy định của BLHS năm 1999 về các tội xâm phạm sở hữu cần được nhận diện:

Một là, có 5 tội phạm trong Chương này, điều luật chỉ nêu tội danh, không quy định cụ thể cấu thành tội phạm, đặc biệt là không mô tả hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm nên đã dẫn đến nhiều trường hợp hiểu và thực hiện không thống nhất. Đó là: tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134), tội cướp giật tài sản (Điều 136), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137), tội trộm cắp tài sản (Điều 138) và tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác (Điều 143). Ví dụ như tội cướp giật tài sản: do điều luật không mô tả hành vi khách quan nên nhiều trường hợp có sự nhầm lẫn trong việc định tội giữa tội này với tội cướp tài sản, nhất là vụ án có dấu hiệu “hành hung để tẩu thoát”. Hoặc như tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác (Điều 143), do Điều luật chỉ quy định chung chung là người nào cố ý huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác, không mô tả cụ thể hành vi huỷ hoại, hành vi làm hư hỏng tài sản nên đã dẫn đến nhiều trường hợp không thống nhất trong việc phân biệt giữa hành vi huỷ hoại và hành vi làm hư hỏng tài sản; tình trạng của tài sản bị đối tượng phạm tội xâm hại đến mức nào thì coi là làm hư hỏng, đến mức nào được coi là huỷ hoại; Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc định tội danh không đúng, không đảm bảo được tính có căn cứ của hình phạt được tuyên, xét xử không đúng người đúng tội, không đúng pháp luật, là một nguyên nhân của tình trạng oan, sai đang tồn tại.

Hai là, hành hành vi thuộc mặt khách quan của một số tội phạm chưa được phân biệt rõ ràng, ví dụ như hành vi đe dọa dùng vũ lực trong tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 với hành vi đe dọa dùng vũ lực của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135. Hoặc hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 với hành vi lừa dối khách hàng quy định tại quy định tại Điều 162 thuộc chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Với cách quy định như trong các điều luật này nhiều trường hợp nhầm lẫn, khó phân biệt trong việc định tội, giải quyết vụ án. Hoặc quy định về dấu hiệu “hành vi khác”, “thủ đoạn khác” tại các điều 133 (tội cướp tài sản), 135 (tội cưỡng đoạt tài sản) là chưa rõ ràng dẫn đến thiếu thống nhất trong nhận thức và thực hiện pháp luật.

Ba là, đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140), việc quy định hành vi “ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” (điểm a khoản 1) là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dường như không chính xác, vì đây có thể là một cách thức lừa đảo cụ thể trong trường hợp có thủ đoạn gian dối. Việc “bỏ trốn” theo quy định nêu trên có thể là hệ quả của các hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản trước đó và cũng có thể là sự vắng mặt hợp pháp theo quy định của Hiến pháp và Luật Cư trú, để đi nơi khác làm ăn, kiếm tiền trả nợ hoặc nhiều lý do cá nhân khác của người đã vay hoặc mượn tài sản nhưng chưa thể hiện rõ mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, nếu khởi tố người nhận được tài sản theo Điều 140 BLHS năm 1999 là đã hình sự hóa một quan hệ dân sự, vì hành vi này chỉ là vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế mà thôi.  Tương tự như vậy, quy đinh hành vi “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” (điểm b khoản 1) là lạm dụng tín nhiêm chiếm đoạt tài sản là không rõ ràng. Trong trường hợp này, nếu mục đích sử dụng bất hợp pháp tài sản có trước thì hành vi phải xác định là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu mục đích sử dụng bất hợp pháp tài sản có sau, dường như đây không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản,  bởi không có sự cố ý chiếm đoạt mà chỉ cố ý sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản. Mặt khác, hiện nay có trường hợp vay mượn tiền tài sản với số lượng hoặc giá trị lớn sau đó sử dụng vào việc ăn chơi, tiêu xài hoang phí… dẫn đến không có khả năng trả nợ lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, vì việc ăn chơi tiêu xài như vậy không được coi là hành vi bất hợp pháp.

Về chính sách hình sự, không có nhiều sự khác biệt trong chính sách hình sự giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139). Điều này thể hiện ở việc loại trừ khởi điểm định lượng của tài sản để xác định ranh giới hình sự hay hành chính ở khoản 1 của từng điều luật, không có sự khác biệt nào lớn trong quy định ở các khoản tiếp theo của từng điều luật, cho dù trên thực tế hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn.

Bốn là, về các tình tiết định khung tăng nặng: Trong một số điều luật của Chương “Các tội xâm phạm sở hữu” có quy định về tình tiết định khung tăng nặng: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, cách quy định này không đã tạo nên những khó khăn đáng kể trong việc thực hiện luật.

Từ thực trạng trong việc áp dụng BLHS năm 1999 như trên, để phù hợp với tình hình thực tiễn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xin kiến nghị một số nội dung sửa đổi, bổ sung các tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 1999 như sau:

Một là, mô tả hành vi thuộc mặt khách quan của tất cả các tội phạm.

Để bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu và thực hiện pháp luật, cần phải bổ sung quy định mô tả hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm thuộc các tội: tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134), tội cướp giật tài sản (Điều 136), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137), tội trộm cắp tài sản (Điều 138), tội cố ý huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác (Điều 143). Theo đó, bắt cóc nhằm chiếm chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn để bắt giữ người khác trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản; cướp giật tài sản là hành vi giật tài sản của người khác một cách công khai và tẩu thoát nhanh chóng; công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai; trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút.

Hai là, để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất, đúng đắn, xét xử   đúng người đúng tội, giảm thiểu các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật, cần cân nhắc nghiên cứu gộp ba tội: cướp tài sản (Điều 133), cưỡng đoạt tài sản (Điều 135) và cướp giật tài sản (Điều 136) thành một tội để dễ phân biệt hành vi khách quan; hoặc nếu không gộp ba tội danh này cần quy định chi tiết hơn nữa hành vi thuộc mặt khách quan của các tội phạm này.

Ba là, đề nghị mở rộng quy định của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 139 BLHS năm 1999. Theo đó, tội phạm này sẽ bao gồm cả một số hành vi chiếm đoạt tài sản hiện quy định trong tội lạm dụng tín nhiệm tài sản như đã phân tích, đề cập ở trên và hành vi lừa dối khách hàng tại Điều 162 BLHS năm 1999. Sau khi đã có sự điều chỉnh như vậy, có thể bỏ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 BLHS năm 1999 cho phù hợp với bản chất thực tế của hành vi này do chỉ còn là các quan hệ dân sự, thương mại vay, mượn, thuê tài sản… Việc xử lý giải quyết các vụ việc lúc đó được thực hiện thông qua quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Quan hệ pháp luật hình sự chỉ đặt ra bằng việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án quy định tại Điều 304 BLHS năm 1999  khi bên có nghĩa vụ cố ý không thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong trường hợp chưa bỏ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra khỏi Bộ luật hình sự, cần nghiên cứu có quy định phù hợp và khả thi hơn.

Bốn là, định lượng cụ thể về các tình tiết định khung tăng nặng: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” trong các điều luật để việc thực hiện pháp luật được thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Năm là, chuyển tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước (Điều 144) sang Chương XVI (các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế). Vì  bản chất của tội phạm này là thông qua các hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tài sản nhà nước của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý làm thiệt hại đến tài sản của nhà nước, đồng thời nó còn xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, ở một góc độ nào đó nó làm ảnh hưởng sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước. Cho nên việc chuyển tội này sang chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế sẽ phù hợp hơn.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 599 979

Website: www.vanphongluatsu.com.vn
Email : dragonlawfirm@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon

Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai