Điều 193. Tội sản xuất trái phép chất ma túy. Bộ luật Hình sự năm 1999

1629

Điều 193. Tội sản xuất trái phép chất ma túy

1. Người nào sản xuất trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;

e) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;

g) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam;

h) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;

i) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản 2 Điều này;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;

c) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;

d) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;

đ) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít;

e) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản 3 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;

c) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên;

d) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;

đ) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản 4 Điều này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Văn bản hướng dẫn

Nghị quyết 02/HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 hướng dẫn áp dụng một số qui định của BLHS (Phần tội phạm) (sd 2010)

[MỤC II. TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ]

Điểm 2. Trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm về ma tuý trong một số trường hợp cụ thể

a. Người nào biết người khác đi mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma tuý để sử dụng và sau khi mua được chất ma tuý người đi mua bị bắt giữ, thì việc xác định trọng lượng chất ma tuý để xem xét trách nhiệm đối với từng người như sau:

– Người nhờ mua hộ chỉ phải chịu trách nhiệm về trọng lượng chất ma tuý mà họ nhờ mua hộ.

– Người đi mua phải chịu trách nhiệm về tổng trọng lượng chất ma tuý đã mua được (cho bản thân và mua hộ).

b. Người nào biết người khác mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà dùng phương tiện để chở họ cùng chất ma tuý và bị bắt giữ nếu xét thấy trọng lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì người đó là đồng phạm với người mua về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý.

c. Trong trường hợp nhiều người nghiện ma tuý cùng góp tiền mua chất ma tuý để sử dụng trái phép và bị bắt giữ nếu tổng trọng lượng chất ma tuý mua được đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì họ cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý; nếu trọng lượng chất ma tuý chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, thì đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.

d. Người nào nghiện ma tuý có chất ma tuý hoặc bỏ tiền mua chất ma tuý cho những người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng và bị bắt giữ nếu trọng lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý; nếu trọng lượng chất ma tuý chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, thì đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.

đ. Người nào nghiện ma tuý cho người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.

e. Người nào bán trái phép chất ma tuý cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để họ sử dụng trái phép chất ma tuý, thì ngoài tội mua bán trái phép chất ma tuý, người đó còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý.

g. Người nào nghiện ma tuý rủ người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc cùng đi mua chất ma tuý để cùng sử dụng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuỳ từng trường hợp mà họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý.

Nghị quyết 01/HĐTP ngày 15 tháng 3 năm 2001 hướng dẫn áp dụng điều 139, 193, 278, 279, 289 BLHS

[]

Điểm 3. Khi áp dụng khoản 4 Điều 193 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma tuý và khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý cần chú ý;

3.1. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với trọng lượng chất ma tuý như sau:

a. Xử phạt hai mươi năm tù nếu:

– Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ 5 kilôgam đến dưới mười kilôgam;

– Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;

– Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây coca có trọng lượng từ bảy mười lăm kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam (đối với Điều 194 Bộ luật Hình sự);

– Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam đến dưới một nghìn năm trăm kilôgam (đối với Điều 194 Bộ luật Hình sự):

– Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam đến dưới bốn trăm năm mươi kilôgam (đối với Điều 194 Bộ luật Hình sự);

– Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam đến dưới chín trăm gam;

– Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít đến dưới ha nghìn mililít;

– Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý thuộc điểm a này theo cách tính được hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 Mục 3 này.

b. Xử phạt tù chung thân nếu:

– Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi kilôgam;

– Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba trăm gam đến dưới sáu trăm gam;

– Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây coca có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam (đối với Điều 194 BLHS);

– Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ một nghìn năm trăm kilogam đến dưới bốn nghìn năm trăm kilôgam (đối với Điều 194 BLHS);

– Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ bốn trăm năm mươi kilôgam đến dưới một nghìn hai trăm kilôgam (đối với Điều 194 Bộ luật hình sự);

– Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ chín trăm gam đến dưới hai nghìn năm trăm gam;

– Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai nghìn mililít đến dưới năm nghìn mililít;

– Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý thuộc điểm b này theo cách tính được hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 Mục 3 này.

c. Xử phạt tử hình nếu:

– Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ hai mươi kilôgam trở lên;

– Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ sáu trăm gam trở lên;

– Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên (đối với Điều 194 Bộ luật Hình sự);

– Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ bốn nghìn năm trăm kilôgam trở lên (đối với Điều 194 BLHS);

– Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một nghìn hai trăm kilôgam trở lên (đối với Điều 194 Bộ luật Hình sự);

– Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai nghìn năm trăm gam trở lên;

– Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ năm nghìn mililít trở lên;

– Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý thuộc điểm c này theo cách tính được hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 Mục 3 này.

3.2. Tình tiết “có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 193 và điểm h khoản 4 Điều 194 BLHS được tính như sau:

a. Trường hợp thứ nhất.

Nếu các chất ma tuý đó đều được quy định trong cùng một điểm của khoản 4 Điều 193 hoặc của khoản 4 Điều 194, thì cộng trọng lượng các chất ma tuý đó lại với nhau và so sánh với trọng lượng được hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 Mục 3 này để xem xét người phạm tội phải bị xử phạt mức hình phạt nào.

Ví dụ 1: Một người sản xuất 9 kilôgam nhựa thuốc phiện và 17 kilôgam nhựa cần sa. Do nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa đều được quy định trong cùng điểm a Khoản 4 Điều 193, cho nên cần cộng trọng lượng nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa lại với nhau bằng 26 kilôgam (9 kg + 17 kg = 26 kg). Đối chiếu với trọng lượng được hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 Mục 3 này thì phải áp dụng điểm đ khoản 4 Điều 193 để xử phạt người phạm tội mức án tử hình.

Ví dụ 2: Một người mua bán 115 gam Hêrôin và 125 gam Côcain. Do Hêrôin và Côcain đều được quy định trong cùng điểm b khoản 4 Điều 194, cho nên cộng trọng lượng Hêrôin và Côcain lại với nhau bằng 240 gam (115 gam + 125 gam = 240 gam). Đối chiếu với trọng lượng được hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 Mục 3 này thì phải áp dụng điểm b khoản 4 Điều 194 để xử phạt người phạm tội mức án 20 năm tù.

b. Trường hợp thứ hai

Nếu các chất ma tuý đó được quy định tại các điểm khác nhau của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 193 hoặc tại các điểm khác nhau của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 194, thì cách tính tổng số lượng của các chất ma tuý này tương đương với số lượng của một trong các chất ma tuý quy định tại khoản 4 Điều 193 hoặc tại khoản 4 Điều 194 được tiến hành theo trình tự sau đây:

b.1. Lần lượt lấy làm chuẩn từng chất ma tuý trong số các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt. Tính trọng lượng (số lượng) của các chất ma tuý còn lại trong số các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tương ứng với bao nhiêu kilôgam (gam) hoặc mililít của chất ma tuý đã lấy theo tỷ lệ trọng lượng (số lượng) tối thiểu của các chất ma tuý còn lại với trọng lượng (số lượng) tối thiểu của chất ma tuý đã lấy làm chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 193 hoặc khoản 4 Điều 194 (xem ví dụ dưới đây).

b.2. Cộng trọng lượng (số lượng) của các chất ma tuý đã tính được tương đương với trọng lượng (số lượng thực có của chất ma tuý đã lấy làm chuẩn thì được tổng số lượng của các chất ma tuý người phạm tội đã sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt (tính tương đương với chất ma tuý đã lấy làm chuẩn) (xem ví dụ dưới đây).

b.3. So sánh các kết quả tính tổng số lượng của các chất ma tuý mà người phạm tội đã sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tương đương (theo từng chất ma tuý đã lấy làm chuẩn) với nhau và với hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 Mục 3 này. Nếu tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương theo chất ma tuý nào mà có lợi cho người phạm tội khi quyết định hình phạt, thì lấy tổng số lượng đó (xem ví dụ dưới đây).

Ví dụ: Một người mua bán 4 kilôgam thuốc phiện, 90 gam hêrôin và 150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn. Cách tính tổng số lượng của các chất ma tuý này như sau:

– Thứ nhất: lấy thuốc phiện làm chuẩn để tính 90 gam hêrôin và 150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với bao nhiêu kilôgam thuốc phiện (tính theo tỷ lệ trọng lượng tối thiểu của thuốc phiện và hêrôin, của thuốc phiện và chất ma tuý khác ở thể rắn quy định tại khoản 4 Điều 194); cụ thể là:

* Đối với Hêrôin:

100 gam Hêrôin tương đương với 5 kilôgam thuốc phiện.

90 gam Hêrôin tương đương với X kilôgam thuốc phiện.

X=90 gam x 5 kilôgam/100 gam=4,5 kilôgam thuốc phiện

* Đối với chất ma tuý khác ở thể rắn:

300 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với 5 kilôgam thuốc phiện.

50 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với Y kilôgam thuốc phiện.

Y=150 gam x 5 kilôgam/300 gam=2,5 kilôgam thuốc phiện

Cộng trọng lượng của Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn vừa tính được tương đương với trọng lượng thuốc phiện (X và Y) với trọng lượng thuốc phiện thực có là:

4,5 kilôgam + 2,5 kilôgam + 4 kilôgam = 11 kilôgam.

Như vậy, trong trường hợp này tổng số lượng của thuốc phiện, Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn (các chất ma tuý mà người phạm tội đã mua bán trái phép) tương đương với 11 kilôgam thuốc phiện (1).

– Thứ hai: lấy Hêrôin làm chuẩn để tính 4 kg thuốc phiện và 150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với bao nhiêu gam Hêrôin (tính theo tỷ lệ trọng lượng tối thiểu của Hêrôin và thuốc phiện, của Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn quy định tại khoản 4 Điều 194) cụ thể là:

* Đối với thuốc phiện:

5 kilôgam thuốc phiện tương đương với 100 gam Hêrôin

4 kilôgam thuốc phiện tương đương với X gam Hêrôin

X =4 kilôgam x 100 gam/5 kilôgam=80 gam hêrôin

* Đối với các chất ma tuý khác ở thể rắn:

300 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với 100 gam Hêrôin

150 gam chất ma tuý khác ở thể rắn tương đương với Y gam Hêrôin

Y=150 gam x 100 gam/300 gam=50 gam Hêrôin

Cộng trọng lượng của thuốc phiện và chất ma tuý khác ở thể rắn vừa tính được tương đương với trọng lượng Hêrôin (X và Y) với trọng lượng Hêrôin thực có là:

80 gam + 50 gam + 90 gam = 220 gam

Như vậy, trong trường hợp này tổng số lượng của thuốc phiện, Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn (các chất ma tuý mà người phạm tội đã mua bán trái phép) tương đương với 220 gam Hêrôin (2).

– Thứ ba: lấy chất ma tuý khác ở thể rắn làm chuẩn để tính 4 kg thuốc phiện và 90 gam Hêrôin tương đương với bao nhiêu gam chất ma tuý khác ở thể rắn (tính theo tỷ lệ trọng lượng tối thiểu của chất ma tuý khác ở thể rắn và thuốc phiện, của chất ma tuý khác ở thể rắn và Hêrôin quy định tại khoản 4 Điều 194); cụ thể là:

* Đối với thuốc phiện:

5 kilôgam thuốc phiện tương đương với 300 gam chất ma tuý khác ở thể rắn.

4 kilôgam thuốc phiện tương đương với X gam chất ma tuý khác ở thể rắn.

X=4 kilôgam x 300 gam/5 kilôgam=240 gam chất ma tuý khác ở thể rắn

* Đối với Hêrôin:

100 gam Hêrôin tương đương với 300 gam chất ma tuý khác ở thể rắn.

90 gam Hêrôin tương đương với Y gam chất ma tuý khác ở thể rắn.

Y=90 gam x 300 gam/100 gam==270 gam chất ma tuý khác ở thể rắn

Cộng trọng lượng của thuốc phiện và Hêrôin vừa tính được tương đương với trọng lượng chất ma tuý khác ở thể rắn (X và Y) với trọng lượng chất ma tuý khác ở thể rắn thực có là:

240 gam + 270 gam + 150 gam = 660 gam

Như vậy, trong trường hợp này tổng số lượng thuốc phiện, Hêrôin và chất ma tuý khác ở thể rắn (các chất ma tuý mà người phạm tội đã mua bán trái phép) tương đương với 660 gam chất ma tuý khác ở thể rắn (3).

– So sánh các kết quả xác định tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương (theo từng chất ma tuý đã lấy làm chuẩn), tức là so sánh các kết quả (1), (2), (3) với nhau và với hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 Mục 3 này cho thấy:

* Nếu lấy tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương với trọng lượng thuốc phiện (11kg) thì áp dụng điểm h khoản 4 Điều 194 để xử phạt người phạm tội tù chung thân (nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 3.3 và 3.4 Mục 3 này).

* Nếu lấy tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương với trọng lượng Hêrôin (220 gam) hoặc với trọng lượng chất ma tuý khác ở thể rắn (660 gam) thì áp dụng điểm h khoản 4 Điều 194 để xử phạt người phạm tội hai mươi năm tù (nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 3.3 và 3.4 Mục 3 này).

Kết quả so sánh trên đây cho thấy nếu lấy tổng số lượng của các chất ma tuý mà người phạm tội đã mua bán trái phép tương đương với trọng lượng Hêrôin hoặc chất ma tuý khác ở thể rắn thì đều có lợi hơn cho người phạm tội; do đó, trong ví dụ này có thể lấy tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương với trọng lượng Hêrôin hoặc tổng số lượng của các chất ma tuý tương đương với trọng lượng chất ma tuý khác ở thể rắn để xét xử đối với bị cáo.

3.3. Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 Mục 3 này như sau:

a. Xử phạt tù từ mười lăm năm đến dưới hai mươi năm nếu trọng lượng chất ma tuý thuộc điểm a tiểu mục 3.1 Mục 3 này (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);

b. Xử phạt hai mươi năm tù nếu trọng lượng chất ma tuý thuộc điểm b tiểu mục 3.1 Mục 3 này;

c. Xử phạt tù chung thân nếu trọng lượng chất ma tuý thuộc điểm c tiểu mục 3.1 Mục 3 này.

3.4. Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 Mục 3 này như sau:

a. Xử phạt tù chung thân nếu trọng lượng chất ma tuý thuộc điểm a tiểu mục 3.1 Mục 3 này (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);

b. Xử phạt tử hình nếu trọng lượng chất ma tuý thuộc điểm b tiểu mục 3.1 Mục 3 này.

3.5. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 3.1 và 3.4 Mục 3 này người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng nếu người phạm tội chỉ là người giúp sức, do nể nang tình cảm, bị cưỡng bức hoặc vì hám lợi bất thời… mà tàng trữ, vận chuyển chất ma tuý hộ thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Thông tư liên tịch số 17/BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn áp dụng một số qui định tại Chương XVIII CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TUÝ

[MỤC II. VỀ CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ]

Điểm 2. Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193)

2.1. “Sản xuất trái phép chất ma túy” là làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đối với các hành vi nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng chất ma túy đã có sẵn như pha chế thuốc phiện thành dung dịch để tiêm chích, nghiền hêrôin từ bánh thành bột để hít… thì không coi là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.

2.2. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 là trường hợp người phạm tội có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy từ năm lần trở lên không phân biệt đã bị xét xử hay chưa bị xét xử, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

b) Người phạm tội lấy hành vi sản xuất trái phép chất ma túy làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy làm nguồn sống chính.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 599 979

Website: www.vanphongluatsu.com.vn
Email : dragonlawfirm@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon

Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai