Một số lưu ý khi kiểm sát việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự ở giai đoạn thi hành án

149
Trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân có nhiều nội dung khác nhau cần phải đưa ra thi hành, trong đó có việc Tòa tuyên về việc xử lý vật chứng. Như vậy, việc xử lý vật chứng là một khâu quan trọng trong công tác thi hành án dân sự (THADS), nhằm bảo đảm các Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành trong thực tế một cách toàn diện, nghiêm minh và đúng pháp luật.

Kiểm sát xử lý vật chứng trong công tác thi hành án dân sự là hoạt động thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm cho công tác xử lý vật chứng của Cơ quan THADS và của Chấp hành viên được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Hoạt động kiểm sát việc xử lý vật chứng bắt đầu từ giai đoạn chuyển giao, tiếp nhận vật chứng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cho Cơ quan THADS (theo quy định tại Điều 122 và Điều 123 Luật THADS năm 2014; Điều 11 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS; Điều 11 Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS).

Khi tiến hành kiểm sát việc xử lý vật chứng, cần chú ý kiểm sát về thành phần, thủ tục giao nhận; nhất là với các trường hợp vật chứng bị niêm phong. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ không thể di chuyển về kho vật chứng cơ quan THADS nhận chuyển giao từ CQĐT tại nơi đang bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ và đề nghị CQĐT chuyển giao các loại tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc giao bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ. Cơ quan THADS tiếp tục giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp vật chứng, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng, tài sản tạm giữ trông giữ, bảo quản. Trường hợp các cá nhân, tổ chức nêu trên không tiếp tục nhận trông giữ, bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ thì Thủ trưởng Cơ quan THADS thuê tổ chức, cá nhân khác trông giữ, bảo quản. Việc bàn giao vật chứng, ngoài bên giao vật chứng, thủ kho cơ quan thi hành án dân sự, còn phải có sự tham gia của kế toán, Thủ trưởng Cơ quan THADS hoặc người được Thủ trưởng Cơ quan THADS uỷ quyền, thủ kho, kế toán, bên nhận bàn giao phải tiến hành kiểm tra vật chứng, tình trạng, chủng loại đó đúng như quyết định chuyển giao vật chứng hay không;  Việc bàn giao được lập thành  04 biên bản, trong biên bản phải ghi rõ vật chứng trong vụ án nào, thời điểm thụ lý, đang ở giai đoạn giải quyết nào? (Điều 122 Luật THADS, Điều 11 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016). Thủ kho chỉ được nhập, xuất vật chứng, tài sản khi có lệnh của Thủ trưởng Cơ quan THADS hoặc của người được Thủ trưởng Cơ quan THADS ủy quyền. Lệnh nhập, xuất kho phải theo mẫu thống nhất hướng dẫn tại Phụ lục VI của Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016. Khi nhập hoặc xuất kho, thủ kho có trách nhiệm kiểm tra lệnh nhập, xuất và các giấy tờ cần thiết của người đến giao, nhận vật chứng, tài sản. Việc nhập, xuất vật chứng, tài sản phải có phiếu nhập, xuất kho theo quy định của pháp luật.

Sau khi tiếp nhận vật chứng đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, Cơ quan thi hành án phải tiếp quản vào sổ theo các biểu mẫu của thi hành án và tiến hành bảo quản vật chứng (theo điều Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016, Điều 12 Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017). Kiểm sát việc bảo quản vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ (theo Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 sửa đổi một số Điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ, Thông tư 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017).

Việc bảo quản, kiểm kê vật chứng, tài sản tạm giữ; trích xuất vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT-BTP. Vật chứng, tài sản tạm giữ là loại mau hỏng hoặc có thể bị trích xuất hoặc thuộc vụ việc đã có bản án, quyết định của Tòa án phải được bảo quản, sắp xếp ở vị trí thuận lợi, dễ dàng cho việc xử lý. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân khác, nơi có vật chứng, tài sản tạm giữ bảo quản theo quy định, định kỳ hàng tháng, Cơ quan THADS có trách nhiệm kiểm tra việc bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ. Việc kiểm tra vật chứng, tài sản phải được lập biên bản, ghi rõ giờ, ngày, tháng năm kiểm tra; tên, số lượng và tình trạng của từng loại vật chứng, tài sản, có chữ ký của kế toán, thủ kho và Thủ trưởng Cơ quan THADS và người được giao bảo quản.

Việc xử lý vật chứng tại Cơ quan THADS được thực hiện qua 03 hình thức: Xử lý vật chứng bị tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước; tiêu hủy vật chứng; trả lại cho đương sự. Cụ thể:

Xử lý vật chứng bị tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước: Viện kiểm sát thực hiện công tác kiểm sát xử lý vật chứng bị tuyên tịch thu, sung công quy nhà nước được quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Điều 124 Luật THADS, Điều 32 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, Điều 13 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp. Đối với việc xử lý vật chứng bị tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước thì trong thời gian 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Cơ quan THADS phải thông báo bằng văn bản và ấn định cho cơ quan tài chính huyện có trách nhiệm tiếp nhận vật chứng trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông báo để tiếp nhận và tiến hành giao vật chứng cho cơ quan tài chính huyện. Hết thời hạn nêu trên mà không tiếp nhận vật chứng, tài sản thì cơ quan tài chính phải thanh toán các khoản chi phí cho việc bảo quản tài sản và phải chịu mọi rủi ro kể từ thời điểm chậm tiếp nhận. Việc chuyển giao vật chứng phải có sự tham gia của Thủ trưởng Cơ quan THADS hoặc người được Thủ trưởng Cơ quan THADS uỷ quyền, kế toán, thủ kho và đại diện cơ quan tài chính. Việc giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ phải được lập biên bản, mô tả cụ thể thực trạng vật chứng, tài sản tạm giữ, có chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên giao, chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên nhận, nếu có. Khi chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ phải kèm theo quyết định thi hành án, bản án, quyết định hoặc bản sao bản án, quyết định do cơ quan THADS sao y bản chính. Cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản bị tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước là cơ quan tài chính nhưng trong trường hợp cơ quan tài chính có thẩm quyền có văn bản ủy quyền thực hiện xử lý tài sản bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước thì cơ quan THADS cùng cấp đang tổ chức thi hành án xử lý làm thủ tục sung quỹ nhà nước sau khi đã trừ các chi phí xử lý theo quy định của pháp luật xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

Xử lý vật chứng bằng hình thức tiêu hủy: Kiểm sát việc tiêu hủy vật chứng, tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật THADS 2014; Điều 33 Nghị định 62/2015/NĐ- CP ngày 18/7/2015, Điều 13 Thông tư  số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp. Vật chứng, tài sản được tiêu hủy trong các trường hợp sau: Vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định; tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng và không còn giá trị sử dụng được quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật THADS; tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp cưỡng chế trả nhà, giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất nhưng bị hư hỏng và không còn giá trị sử dụng mà đương sự không nhận hoặc không xác định được địa chỉ. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng Cơ quan THADS phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu huỷ theo bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật quy định phải tiêu huỷ ngay. Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản gồm Chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng khi cần thiết. VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản phải thực hiện việc tiêu hủy vật chứng, tài sản. Việc tiêu hủy vật chứng, tài sản phải được lập biên bản, ghi rõ hiện trạng của vật chứng, tài sản tiêu hủy, họ tên, chữ ký của các thành viên Hội đồng tiêu hủy; biên bản phải gửi cho VKS, cơ quan tài chính cùng cấp và lưu hồ sơ thi hành án. Việc tiêu hủy các loại vật chứng, tài sản được thực hiện bằng các hình thức đốt cháy, đập vỡ hoặc hình thức phù hợp khác. Trường hợp tiêu hủy các loại hóa chất độc hại hoặc các vật chứng, tài sản khác mà cần thiết phải có các trang thiết bị chuyên dùng hoặc chuyên gia thì Chấp hành viên ký hợp đồng với chuyên gia, cơ quan bảo đảm điều kiện tiêu hủy vật chứng, tài sản để thực hiện việc tiêu hủy đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến môi trường tại nơi tiêu hủy. Kinh phí tiêu hủy vật chứng, tài sản do ngân sách nhà nước chi trả.

Xử lý vật chứng, tài sản trả lại cho đương sự: VKS kiểm sát việc xử lý vật chứng trả lại cho đương sự được quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND, Điều 126 Luật THADS. Cơ quan THADS ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự. Sau khi có quyết định thi hành án chủ động về việc trả lại tiền, tài sản cho đương sự, Chấp hành viên phải thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận, chấp hành viên tiếp tục ra thông báo lần 2. Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước. Đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng Cơ quan THADS phải ra quyết định tiêu huỷ và tổ chức tiêu huỷ tài sản theo quy định tại Điều 125 của Luật này. Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định.

                                                                                    Nguyễn Kiên Cường

(vienkiemsat.haiduong.gov.vn)
========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai