Hình phạt tịch thu tài sản được áp dụng khi phạm tội gì?

106

Theo Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tịch thu tài sản như sau: “Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống”.

– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

– Trường hợp trong cùng một điều luật có các khung hình phạt với các loại tội phạm khác nhau thì mặc dù điều luật đó quy định có hình phạt bổ sung này nhưng chỉ được áp dụng đối với khung hình phạt đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Ví dụ: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản  theo quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 là tội ít nghiêm trọng. Dù khoản 5 Điều 175 có quy định có hình phạt bổ sung là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản nhưng người phạm tội tại khoản 1 Điều 175 không bị áp dụng loại hình phạt này.

Tịch thu tài sản có thể được quy định riêng như đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia (Điều 122 Bộ luật Hình sự) hoặc được quy định là chế tài lựa chọn cùng với phạt tiền (khi là hình phạt bổ sung) như đối với một số tội xâm phạm sở hữu, trật tự quản lý kinh tế, tội mua bán người, tội phạm về ma túy…

Khi tuyên hình phạt tịch thu tài sản, tòa án có thể tuyên tước một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội. Tài sản bị tước phải thuộc sở hữu của người bị kết án, tài sản đó có thể là tài sản người bị kết án đang sử dụng hoặc là tài sản đã cho vay, mượn, thuê, gửi sửa chữa, gửi người khác giữ hoặc đang cầm cố thế chấp… Tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án có thể tồn tại dưới dạng hiện vật hoặc là tiền, kể cả tiền gửi ngân hàng, quỹ tín dụng hoặc trái phiếu, tín phiếu…

Theo Điều 45 Bộ luật Hình sự, trong trường hợp tịch thu toàn bộ tài sản, cơ quan thi hành án vẫn phải để lại cho người bị kết án và gia đình họ những phương tiện sinh hoạt tối thiểu. Đây là những tài sản tạo điều kiện sinh sống cho gia đình và bản thân người bị kết án sau thời gian chấp hành án.  Trường hợp, tài sản bị tịch thu là tài sản chung thì Tòa án cần xác định  phần sở hữu cụ thể hoặc tính phần tài sản của người bị kết án trên tổng giá trị của tài sản chung.

Cần phân biệt tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung với tịch thu vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm là biện pháp tư pháp (tại Điều 47 BLHS năm 2015).

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai