Bản án 23/2018/HSST ngày 09/05/2018 về tội mua bán người và mua bán trẻ em

123

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 23/2018/HSST NGÀY 09/05/2018 VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI VÀ MUA BÁN TRẺ EM

Ngày 09/5/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 02/2018/ TLST-HS ngày 24/01/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 23/2018/QĐXXST-HS ngày 30/3/2018 đối với bị cáo:

LÙ THỊ S sinh ngày 23 tháng 9 năm 1993 tại huyện XM, tỉnh Hà Giang. Nơi cư trú: Thôn Thèn V, xã Pà Vầy S, huyện XM, tỉnh Hà Giang; trình độ học vấn: Lớp 6/12; nghề nghiệp: Làm nương, ruộng; Dân tộc: Nùng; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lù Văn Th sinh năm 1964 và bà Ly Thị V sinh năm 1971; chồng Hầu Seo S sinh năm 1988, có 2 con, lớn sinh năm 2011, nhỏ sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị bắt giam từ ngày 16/6/2017, hiện đang bị tạm giam tại trại giam thuộc Công an tỉnh Hà Giang. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo: Ông Vương Lỷ, Luật sư Văn phòng Luật sư Minh Giang thuộc đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang, có mặt.

Bị hại:

1/ Lù Thị Ph sinh ngày 08/3/1996. N¬i cư trú: thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện XM, tỉnh Hà Giang, có mặt.

2/ Sùng Thị S (Sùng Thị Ch) sinh năm 1994; Nơi cư trú: thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện XM, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1/ Ông Lù Sào D sinh năm 1957; Nơi cư trú: thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện XM, tỉnh Hà Giang, có mặt.

2/ Ông Sùng Văn Kinh sinh năm 1972; Nơi cư trú: thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện XM, tỉnh Hà Giang, có mặt.

3/ Ông Hầu Seo Sà sinh năm 1988. Nơi cư trú: thôn Thèn V, xã Pà Vầy S, huyện XM, tỉnh Hà Giang, có mặt.

Người làm chứng: Lù Thị V, Lù Thị T, Hò Văn Ngh. vắng mặt;  Cháng Thị Chỉnh có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng đầu tháng 8/2011 Lù Thị S, sinh năm: 1993, trú tại thôn Thèn V, xã Pà Vầy S, huyện Xín M, Hà Giang, đi chợ cửa khẩu mốc 5, thuộc xã Xín M, huyện Xín M, Hà Giang, có gặp vợ chồng bà Cứ Thị D và ông Sú S, trú tại Thào Chả Ván– Tu Lung –Mã Quan – Trung Quốc (bà Dợ là dì ruột của chồng Seo), qua nói chuyện, bà D có bàn bạc với Se là về nhà xem có người phụ nữ nào muốn sang Trung Quốc lấy chồng thì đưa sang cho bà D, mỗi người phụ nữ bà D sẽ trả cho S 1000 NDT (Một nghìn nhân dân tệ tiền Trung Quốc), S đồng ý và nói với bà D là có hai người phụ nữ đang có ý định bỏ nhà đi Sơn La làm thuê, bà D nói với S là về lừa hai người phụ nữ đó đi Sơn La qua đường Trung Quốc nhanh và gần hơn rồi đưa sang cho bà D, S đồng ý. Sau khi về nhà khoảng 2 đến 3 ngày sau, Seo đến thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện Xín M để làm ruộng thì gặp Lù Thị Ph, sinh ngày 08 tháng 3 năm 1996 và Sùng Thị S (tức Ch), sinh năm 1994, S nói với Ph và S là sắp tới sẽ đi Sơn La chơi và hỏi Ph và S có muốn đi cùng không, Ph và S đồng ý đi nhưng do chưa có tiền nên chưa đi được và hẹn S khi nào có đủ tiền sẽ gọi điện cho S.

Khoảng 2 đến 3 ngày sau, Lù Thị Ph gọi điện thoại cho S hỏi hôm nào đi Sơn La được, S hẹn đến thứ 6 ngày 12/8/2011 thì đi, và hẹn gặp nhau ở ngã ba đường quốc lộ rẽ vào xã Chế L, huyện Xín M. Hôm sau S tiếp tục gọi điện cho Ph và hẹn gặp ở đầu cầu Cốc P, đầu đường rẽ đi Pà Vầy S, Phui có nói với S là ngày thường thì không đi được và hẹn S là đến thứ 7 ngày 13/8/2011 là ngày chợ xã Nấm D sẽ đi sớm, quá trình nói chuyện điện thoại với S, Phui có mở loa ngoài cho Sùng Thị S và Cháng Thị Ch, sinh năm: 1994 (cùng xã Nấm D, Xín M, Hà Giang) cùng nghe.

Đến sáng 13/8/2011 Lù Thị Ph đi chợ xã Nấm D, trên đường đi có gặp Sùng Thị S và cùng nhau đi thẳng ra đầu cầu Cốc P đợi S; đến khoảng 11 giờ cùng ngày S bế con, mang theo túi quần áo và 01 điện thoại bàn (loại điện thoại không dây) ra đến thị trấn Cốc P gặp S và Ph rồi cùng nhau đi theo đường tắt đi xã Thèn Ph, Xín M, Hà Giang. Quá trình đi S chủ động gọi điện thoại cho Cư Thị D hỏi D đón như thế nào, đón ở đâu, D nói với S là cứ đi đến ngã ba UBND xã Thèn Ph  thì điện cho D để D gọi xe ôm đến đón.

Khoảng 13 giờ cùng ngày thì S cùng Ph và S đến ngã ba UBND xã Th Phàng và đợi khoảng 20 phút thì có 02 xe máy (loại xe win) do hai người đàn ông (không rõ tên, tuổi, địa chỉ) điều khiển xe Mô tô đến đón, S cùng con ngồi lên 01 xe, còn S và Ph lên 01 xe đi thẳng đến chợ cửa khẩu Mốc 5, xã Xín M, huyện Xín M và đi đến điểm hẹn tại một quán sửa máy nổ ở chợ, một lúc sau D đến đón S, Ph và S đi chơi chợ Mốc 5 và đi theo đường mòn tiểu ngạch qua biên giới Việt Nam đến nhà D, trú tại Thào Chả V – Tu L – Mã Quan – Trung Quốc (cách cửa khẩu M 5 xã Xín M, huyện Xín M, tỉnh Hà Giang khoảng 10 Km).

Ngày 15/8/2011 Hầu Seo S (là chồng Seo) gọi điện thoại cho bà D hỏi S có đến đó không, vì khi S đã mang theo quần áo và con gái đi, không nói cho ông S biết là đi đâu, bà D trả lời S đang ở nhà bà D, S đã yêu cầu bà D bảo S về nhà nếu không sẽ đến bắt S về, bà D đã nói cho S biết và bảo S về nhà, sáng 16/8/2011 bà D đã thuê xe ôm đưa S về nhà trước, khi về D có đưa cho Seo 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng) để chi tiêu trên đường về nhà. Sau đó bà D đã đưa Ph và S vào sâu trong nội địa Trung Quốc rồi nghỉ trọ tại một nhà nghỉ không rõ địa chỉ.

Sáng ngày 17/8/2011 bà Cứ Thị D đã thuê xe ô tô đưa Ph và S tiếp tục đi sâu vào trong nội địa Trung Quốc, khi xe ô tô đến cây xăng thuộc Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thì dừng bơm xăng, trong lúc bơm xăng thì gặp xe ô tô chở anh Thào Văn Ng cùng với một số người ở xã Chế L, Xín M, tỉnh Hà Giang đi làm thuê bên Trung Quốc cũng dừng xe để bơm xăng, lúc này anh Thào Văn Ng nhìn thấy Lù Thị Ph và Sùng Thị S đang ngồi trên xe ô tô cùng bà Cứ Thị D đưa đi đâu không rõ, do nghi ngờ Ph và S bị lừa đưa đi bán nên anh Ng có gọi Ph và S lại nói chuyện và biết Ph và S bị lừa đem bán, anh Nguyễn bảo Ph và S chuyển sang đi cùng xe ô tô chở anh Ng và mọi người đi làm thuê, Ph và S đồng ý chuyển sang xe ô tô chở đoàn đi làm thuê thì bà D có kéo Ph và S xuống xe nhưng không được, khi xe ô tô chở đoàn đi làm thuê chuyển bánh, thì xe ô tô của bà D có đuổi theo một đoạn, nhưng do thấy công nhân trên xe đông, nên xe ô tô chở bà D không đuổi theo nữa.

Đến ngày 25/8/2011 anh Thào Văn Ng và anh Hò Văn Ng, cư trú tại thôn Cốc Đ, xã Chế L huyện Xín M, tỉnh Hà Giang, đã đưa Ph và S về cửa khẩu M 5, xã Xín M, huyện Xín M, tỉnh Hà Giang và điện cho người nhà của Ph, S đến đón, đồng thời gia đình đã đưa Ph và S đến cơ quan chức năng trình báo và đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tính đến ngày 13/8/2011 bị cáo Lù Thị S đưa các bị hại sang Trung quốc bán, bị hại Lù Thị Phmới được 15 tuổi 5 tháng 05 ngày; Sùng Thị S được 16 tuổi 11 tháng 20 ngày.

Quá trình điều tra, do bị cáo Lù Thị S đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên cơ quan Công an áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Seo, khoảng giữa tháng 9/2011 bị cáo Lù Thị S đã không chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, tự ý trốn khỏi địa phương. Đến ngày 16/6/2017 bị cáo Lù Thị S đã bị bắt theo quyết định truy nã số 12/PC45 ngày 24/7/2012 của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang.

Cáo trạng số 02 /KSĐT ngày 23/01/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnhHà Giang đã truy tố bị cáo Lù Thị S về các tội:

– Mua bán người, theo điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự 1999

– Mua bán trẻ em, theo điểm e khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự 1999.

Tại phiên tòa, sau khi phân tích đánh giá các chứng cứ, Kiểm sát viên đại diện Viên kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị Hội đồng xét xử:

– Tuyên bố: Bị cáo Lù Thị S phạm tội Mua bán người và tội Mua bán trẻ em

– Về hình phạt: Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 119; điểm e khoản 2 Điều 120, điểm b,p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 50; Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, vận dụng khoản 3 Điều 7; điểm d khoản 2 Điều 150 và điểm đ khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự 2015. Xử phạt bị cáo Lù Thị S từ 8 (tám) đến 9 (chín) năm tù về tội Mua bán trẻ em; từ 3 đến 4 năm tù về tội Mua bán người. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội buộc bị cáo phải chấp hành từ 11(Mười một) đến 13 (Mười ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam 16/6/2017.

– Về dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự, Điều 584;585 và Điều 592 Bộ luật dân sự buộc bị cáo Lù Thị S bồi thường tiền công đi tìm cho các gia đình bị hại và bồi thường danh dự nhân phẩm cho các bị hại, theo số tiền các gia đình bị hại và bị hại đã yêu cầu.

Trong quá trình Điều tra Hầu Seo S là chồng của bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho mỗi người bị hại 2.000.000đ, đề nghị Hội đồng xét xử khấu trừ cho bị cáo.

– Về án phí, áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, buộc bị cáo Lù Thị S phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự có giá ngạch theo quy định.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày:

Về tội danh: Nhất trí với ý kiến của đại diện Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo về tội Mua bán người và tội Mua bán trẻ em theo điểm đ khoản 2 Điều 119; điểm e khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự 1999; vận dụng điểm d khoản 2 Điều 150 và điểm đ khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự 2015 để xét xử theo hướng có lợi cho bị cáo

Về hình phạt: Bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa nhận thức pháp luật còn hạn chế, khi phạm tội bị cáo mới được 17 tuổi 10 tháng20 ngày là người chưa thành niên do bị rủ rê lôi kéo phạm tội, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải, gia đình bị cáo đặc biệt khó khăn, con của bị cáo còn nhỏ, các bị hại đã trở về với gia đình ngay nên hậu quả xảy ra không lớn, chồng của bị cáo là Hầu Seo S đã tự nguyện bồi thường cho mỗi người bị hại là 2.000.000đ. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng điểm b,p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự 1999 để xử bị cáo mức hình phạt thấp nhất để bị cáo sớm được trở về tiếp tục lao động sản xuất khắc phục khó khăn cho gia đình, chăm sóc, nuôi dạy các con trở thành người có ích cho gia đình và giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào khả năng kinh tế thì gia đình bị cáo đặc biệt khó khăn, bị cáo không có công ăn việc làm ổn định các con của bị cáo còn nhỏ, hơn nữa người bị hại cũng có lỗi vì muốn bỏ nhà đi để lấy chồng, các bị hại đã trở về với gia đình nên hành vi phạm tội của bị cáo gây thiệt hại không lớn. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về tiền bồi thường danh dự nhân phẩm cho các bị hại và tiền công đi tìm người bị hại theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Lù Thị S trình bày:  bị cáo bị rủ rê lôi kéo nên đã nhất thời phạm tội, vì khi phạm tội tuổi đời của bị cáo còn trẻ nhận thức pháp luật còn hạn chế, gia đình bị cáo đặc biệt khó khăn nên bị cáo không ý thức được hành vi trái pháp luật của mình, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm bồi thường dân sự cho người bị hại như Luật sư đã bào chữa cho bị cáo.

Bị hại Lù Thị Ph trình bày: Vì tin tưởng bị cáo Seo có quan hệ anh em trong họ nên đã cùng Seo đi đến nhà chồng của Seo ở tỉnh Sơn La chơi một thời gian để không phải lấy chồng do bố mẹ ép buộc, lợi dụng hoàn cảnh của tôi, S đã lừa đưa tôi và S sang Trung Quốc cho bà D để bà D mang chúng tôi đi bán như một thứ hàng hóa để lấy tiền, việc tôi được giải cứu trở về với gia đình là ngoài ý muốn của S. Vì vậy, Đề nghị Hội đồng xét xử, xử phạt bị cáo mức án theo quy định của pháp luật.

Về dân sự đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo Lù Thị S phải bồi thường cho tôi tiền danh dự, nhân phẩm bị xâm hại theo qui định của pháp luật.

Ông Lù Sào D trình bày: Khi biết con gái là Lù Thị Ph bị lừa đưa đi Trung Quốc, gia đình tôi đã tổ chức thuê người đi tìm Phui, tổng chi phí là 25.000.000đ, đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình tôi.

Ông Hầu Seo S trình bày: Khi phạm tội bị cáo S tuổi đời còn trẻ nhận thức pháp luật còn hạn chế, gia đình tôi hiện đang rất khó khăn các con còn nhỏ, tôi đã tự nguyện thay vợ để bồi thường cho mỗi người bị hại 2.000.000đ, hiện tại tôi không có công ăn việc làm, không có ai thay vợ tôi chăm sóc, nuôi các con, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để vợ tôi sớm trở về cùng tôi lao động sản xuất khắc phục khó khăn cho gia đình và nuôi dạy các con trưởng thành.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và không có khiếu nại tố cáo nên đều hợp pháp.

[2]. Người làm chứng, bị hại và có quyền lợi nghĩa vụ có người liên quan vắng mặt tại phiên tòa. Hội đồng xét xử thảo luận xét thấy bị hại S và những người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan, người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai Căn cứ vào Điều 292; 293 của BLTTHS quyết định tiến hành xét xử vắng mặt.

[3]. Tại phiên tòa bị cáo Lù Thị S khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi liên quan, người làm chứng; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa như: Biên bản đối chất giữa bị cáo S và người bị hại Lù Thị Ph, Sùng Thị S, tài liệu chứng minh độ tuổi của bị cáo, các bị hại, đã có đủ căn cứ kết luận:

Khoảng đầu tháng 8/2011 bị cáo Lù Thị S đi chợ cửa khẩu m 5, xã Xín M, huyện Xín M, Hà Giang, có gặp vợ chồng Sú S và Cứ Thị D, trú tại Thào Chả Ván – Tu Lung – Mã Quan – Trung Quốc (bà D là dì ruột của chồng bị cáo S) khi gặp nhau bà D và S có bàn bạc về việc lừa phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc cho bà D đem bán, mỗi người phụ nữ bà D sẽ trả cho S 1000 NDT, S đồng ý.  S đã chủ động gặp Lù Thị Ph, SN 1996 và Sùng Thị S, SN 1994, cùng trú tại thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện xín M, rủ đi chơi tỉnh Sơn La và lừa là đi qua đường Trung Quốc gần và dễ đi hơn nên Ph và Săm đồng ý.

Sáng ngày 13/8/2011 Lù Thị S đã đưa Lù Thị Ph và Sùng Thị S đi qua đường tiểu ngạch thuộc chợ cửa khẩu M 5, xã Xín M, huyện Xín M, tỉnh Hà Giang, sang Trung Quốc cho bà D, sau đó bà D đưa Ph và S vào sâu trong nội địa Trung Quốc để bán, thì được anh Thào Văn Ng và một số người ở Chế L, Xín M, Hà Giang đang làm thuê ở Trung Quốc giải cứu đưa về Việt Nam.

Bị cáo Lù Thị S là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo nhận thức rõ hành vi đưa người sang Trung Quốc bán là vi phạm pháp luật nhưng vì mục đích lợi nhuận muốn có tiền tiêu sài, bị cáo đã cố ý lừa dối Lù Thị Ph, sinh năm 1996 và Sùng Thị S, sinh năm 1994 để đưa sang Trung Quốc cho bà D bán lấy tiền, Trong quá trình bà D đưa các bị hại đi bán thì được giải cứu trở về Việt Nam là ngoài ý muốn của bị cáo. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (ngày 13/8/2011) bị hại Lù Thị Ph được 15 tuổi 5 tháng 5 ngày; bị hại Sùng Thị S được 16 tuổi 11 tháng 20 ngày. Do vậy, hành vi của bị cáo có có đủ yếu tố cấu thành tội Mua bán người và tội Mua bán trẻ em, theo điểm đ khoản 2 Điều 119, điểm e khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự 1999. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố bị cáo về hành vi phạm tội nêu trên là có căn cứ đúng người, đúng tội.

Hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị hại và quyền quản lý, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đối với bị hại Lù Thị Ph, gây mất trật tự trị an tại địa phương, do đó cần xử buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, có như vậy mới có tác dụng cải tạo giáo dục bị cáo, đồng thời góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em đang diễn ra rất phức tạp trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên khung hình phạt về tội Mua bán người, Mua bán trẻ em quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 và điểm e khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999 có mức hình phạt cao hơn so với khung hình phạt về tội Mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 150 và điểm đ khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự  năm 2015, nên khi xem xét, đánh giá tính chất mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo Lù Thị S, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị Quyết số: 41/2017/QH14 của Quốc Hội; khoản 3, Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, vận dụng tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 150 và điểm đ khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự  năm 2015 để quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Xét về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy lời bào chữa cho bị cáo của luật sư tại phiên tòa là có căn cứ. Vì bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa nhận thức pháp luật còn hạn chế, khi phạm tội bị cáo mới được 17 tuổi 10 tháng 20 ngày là người chưa thành niên do bị rủ rê lôi kéo phạm tội, thời điểm phạm tội bị cáo đang nuôi con nhỏ nên được cơ quan Điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn và sợ không có người chăm sóc con nhỏ nên bị cáo đã bỏ trốn sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền để trang trải cuộc sống gia đình, sau một thời gian trở về nhà thì bị bắt lại, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải, gia đình bị cáo đặc biệt khó khăn, con của bị cáo còn nhỏ, các bị hại đã trở về với gia đình ngay nên hậu quả xảy ra không lớn, chồng của bị cáo là Hầu Seo S đã tự nguyện bồi thường cho mỗi người bị hại là 2.000.000đ. Hơn nữa theo Điều 74 BLHS 1999 và Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên Hội đồng xét xử áp dụng điểm b,p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự 1999 để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo phạm hai tội Mua bán người và tội Mua bán trẻ em nên áp dụng khoản 2 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội buộc bị cáo phải thi hành .

Đối với hành vi xuất cảnh trái phép của bị cáo Lù Thị S, xét thấy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan Điều tra đã ra quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức: Cảnh cáo là thỏa đáng, Hội đồng xét xử không xem xét.

Trong vụ án còn có vợ chồng Cứ Thị D, Sú S (là người có quốc tịch Trung Quốc) Cơ quan điều tra đã tách ra để phối hợp với Công an Trung Quốc lập hồ sơ quản lý và điều tra xác minh làm rõ, nếu có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của Cứ Thị  D và Sú S sẽ xử lý sau. Nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét trong cùng vụ án này.

[4]. Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa bị hại, người có quyền lợi liên quan yêu cầu bị cáo Lù Thị S phải bồi thường các khoản tiền như sau:

– Bị hại Lù Thị Ph tiền danh dự, nhân phẩm bị xâm hại theo qui định của pháp luật.

– Ông Lù Sào D, (bố đẻ của Lù Thị Phui) tiền công đi tìm bị hại Lù Thị Ph là 25 triệu đồng.

Trong quá trình điều tra. Bị hai Sùng thị S có đề nghị buộc bị cáo Seo phải bồi thường tiền danh dự, nhân phẩm bị xâm hại là 10.000.000đ.

– Ông Sùng Văn K (bố đẻ của Sùng Thị S) tiền công đi tìm bị hại Sùng Thị S là 35 triệu đồng.

Trong quá trình Điều tra Hầu Seo S (là chồng của bị cáo S) đã tự nguyện bồi thường cho mỗi người bị hại 2.000.000đ, đề nghị Hội đồng xét xử khấu trừ cho bị cáo.

Tại phiên tòa bị cáo S không nhất với yêu cầu của các bị hại và người có quyền lợi liên quan, đề nghị Hội đồng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử, xét thấy cần chấp nhận một phần yêu cầu của Bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan những chi phí thực tế,  căn cứ vào quy định tại Điều 585 và Điều 592 của BLDS, buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho các bị hại và người có quyền lợi liên quan các khoản tiền như sau:

– Bồi thường tiên công đi tìm bị hại cho ông Lò Seo D số tiền 5 triệu đồng và ông Sùng Văn K số tiền 5 triệu đồng và khấu trừ số tiền ông Hầu Seo S đã bồi thường cho ông Diu 2.000.000đ và ông Kinh 2.000.000đ. Bị cáo còn phải chịu bồi thường cho ông D và ông K mỗi người là 3.000.000đ (ba triệu đồng).

– Bồi thường tiền danh dự nhân phẩm cho bị haị Lò thị Phvà Sùng Thị Smỗi người với tiền là 6.500.000đ

[5]. Về án phí, do bị cáo bị kết tội và phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại, nên bị cáo phải chịu án phí theo quy định tại Điều 136 của BLTTHS năm 2015 và Điều 23 và Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

– Tuyên bố bị cáo Lù Thị S phạm hai tội: Tội Mua bán người và tội Mua bán trẻ em.

– Về hình phạt: Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 119; điểm e khoản 2 Điều 120, điểm b,p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 50; Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, vận dụng khoản 3 Điều 7; Điều 91; điểm d khoản 2 Điều 150 và điểm đ khoản 2 Điều 151; Điều 101 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Lù Thị S 04 (Bốn) năm tù về tội Mua bán người; 07 (Bảy) năm tù về tội Mua bán trẻ em. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội buộc bị cáo phải chấp hành 11 (Mười một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam 16/6/2017

– Về dân sự: Áp dụng Điều 42 của BLHS năm 1999, Điều 585 và Điều 592 BLDS buộc bị cáo Lù Thị S phải bồi thường như sau:

– Bồi thường tiền chi phí đi tìm bị hại, cho ông Lò Seo D, SN 1957; trú tại Thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện Xín M tỉnh Hà Giang số tiền 05 (Năm) triệu đồng và ông Sùng Văn K SN 1972; trú tại Thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện Xín M tỉnh Hà Giang số tiền 05 (Năm) triệu đồng và được khấu trừ số tiền ông Hầu Seo S đã bồi thường cho ông D 2.000.000đ  (Hai  triệu  đồng) và ông  K 2.000.000đ (Hai triệu đồng). Bị cáo S còn phải bồi thường cho ông Lù Seo D số tiền 3.000.000đ (Ba triệu đồng) và ông Sùng Văn K số tiền là 3.000.000đ (Ba triệu đồng).

– Bồi thường tiền danh dự nhân phẩm cho bị haị Lò thị Ph SN 1996 và Sùng Thị S (Tức: Ch) SN 1994, cùng trú taị: Thôn Nấm L, xã Nấm D, huyện Xín M tỉnh Hà Giang,  mỗi người với tiền là 6.500.000đ (Sáu triệu năm trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự.

– Về án phí: Áp dụng Điều 136 của BLTTHS năm 2015, Điều 23 và Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, buộc bị cáo LùThị Seo phải chịu 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 950.000 ( Chín trăm năm mươi nghìn) đồng án phí dân sự có giá ngạch.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Báo cho bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Báo cho bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Luật sư bào chữa công ty luật Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai