TT – Lần đầu tiên, khoản 3 điều 32 của dự thảo sửa đổi hiến pháp quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”.
Đây là một quy định mới mang tính chất tiến bộ, thể hiện quan điểm đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng, đồng thời đặt vị thế quan trọng của người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội trong mối quan hệ biện chứng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử.
Mời luật sư tham gia từ đầu
Cần cụ thể chính sách về giáo dục trong hiến pháp Đây là phát biểu của ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, do Ban Văn hóa xã hội – HĐND TP tổ chức chiều 1-2. Cụ thể điều 42 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thay cho điều 59 của Hiến pháp 1992 chỉ quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Trong khi, điều 59 của Hiến pháp 1992 quy định cụ thể về việc bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí; công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức; học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng… Vì thế, theo ông Chương, nên giữ nguyên và bổ sung một số điểm vào điều 42 thay thế cho điều 59, chứ không nên cắt gọn. “Quy định như vậy không phản ánh đầy đủ quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục” – ông Nguyễn Hoài Chương nói. VIỄN SỰ |
Về nội hàm theo nghĩa rộng, quyền được tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý của luật sư không nên chỉ giới hạn khi có quyết định bắt người tạm giữ hoặc khi quyết định khởi tố vụ án hình sự, mà ngay cả khi người bị tình nghi phạm tội bị triệu tập mời lên cơ quan công an do có đơn tố cáo hoặc có thông tin tố giác tội phạm, họ được quyền mời luật sư tham gia tư vấn, trợ giúp về pháp lý ngay từ đầu.
Thực trạng hiện nay cho thấy cơ quan điều tra các cấp thường từ chối sự có mặt của luật sư trong các hoạt động “tiền tố tụng” rất phổ biến, gây ra sự lo lắng và quan ngại cho những người bị triệu tập, bị câu lưu nhưng có đơn “tự nguyện hợp tác với cơ quan điều tra”, bị thu giữ hộ chiếu, hạn chế đi lại… Lý do thường được đưa ra là vụ án chưa khởi tố, người bị tình nghi chưa có tư cách là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên không chấp nhận cho luật sư tham gia. Vì vậy, dự thảo điều luật này xin được bổ sung: “Người bị tình nghi phạm tội, bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”.
Mặt khác, về mặt kỹ thuật lập quy, chúng tôi đề nghị đưa dự thảo tại khoản 7 điều 108 quy định “quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp” từ chương VIII liên quan tổ chức tòa án, viện kiểm sát, nhập về điều 32 chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói trên. Bởi lẽ, sở dĩ bốn bản hiến pháp từ 1946, 1959, 1980 và 1992 quy định quyền bào chữa của công dân nằm trong chương về tổ chức tòa án xuất phát từ quan niệm và thực tế lịch sử hoạt động nghề nghiệp luật sư gắn rất chặt với hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử ở tòa án.
Điều này giải thích trước đây tổ chức luật sư thường được thành lập trong phạm vi thẩm quyền tài phán của tòa án nhân dân tối cao hoặc tòa án địa phương theo mô hình: tòa án địa phương/đoàn luật sư địa phương/luật sư địa phương.
Việc giới hạn hoạt động nghề nghiệp luật sư thuộc phạm vi “bổ trợ tư pháp”, thực chất và chủ yếu trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự, vô hình trung đã làm giảm nhẹ ý nghĩa và các giá trị xã hội mà nghề nghiệp này đóng góp vào quá trình phát triển dân chủ nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng.
Theo chúng tôi, việc điều chỉnh vị trí điều luật quy định về quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa từ chương VIII sang chương II nói trên là hoàn toàn hợp lý, đưa quyền này trở thành quyền hiến định trọng yếu đúng nghĩa, gắn chặt với bản chất hoạt động nghề nghiệp và chức năng xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của công dân.
Nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước ta, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để có thể thực hiện được chức năng xét xử, bên cạnh nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự đã được ghi nhận trong dự thảo, khoản 5 điều 108 dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) lần đầu tiên quy định: “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”.
Dự thảo hiến pháp khi ghi nhận nguyên tắc tranh tụng đã đề cao quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng và sự bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ án. Đó cũng là cơ sở nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của từng chủ thể thực hiện chức năng của mình, đáp ứng những đòi hỏi mới của quá trình cải cách tư pháp hình sự.
Từ thực tiễn tố tụng hình sự, chúng tôi nhận thấy rất nhiều trường hợp luật sư không được tạo điều kiện thuận lợi tham gia nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi phạm tội, nhất là trong giai đoạn điều tra. Nhiều quan điểm, đề xuất chứng cứ và kết quả tranh tụng của luật sư tại phiên tòa không được ghi nhận trong bản án hoặc bác bỏ nhưng không nêu rõ căn cứ pháp lý, dẫn đến nhiều quyết định của hội đồng xét xử thiếu tính thuyết phục, thậm chí bị coi là đã được ấn định từ trước.
Chúng tôi đề nghị cần bổ sung phần dự thảo tại khoản 5 điều 108 như sau: “Nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo. Phán quyết của tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Nội dung bổ sung này nhằm thể chế hóa chủ trương đã được đề cập trong nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị nhằm mở rộng và tăng cường hơn nữa môi trường dân chủ, tính công khai, công bằng của quá trình giải quyết vụ án hình sự; thiết lập các cơ chế để bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người trong tố tụng hình sự, mở ra các khả năng và điều kiện tốt nhất để bảo đảm thực hiện quyền bào chữa một cách bình đẳng nhằm giải quyết vụ án được khách quan, vô tư và đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
TS.LS PHAN TRUNG HOÀI
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai