Bổn phận và trách nhiệm của luật sư với khách hàng

1390

Luật sư tại tp hcm  – Bổn phận và trách nhiệm của luật sư với khách hàng

I. Mục đích

Giúp luật sư hiểu được  bản chất mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng, thấy được bổn phận trách nhiệm của luật sư trong hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng để từ đó củng cố lòng tin của khách hàng vào luật sư, góp phần xây dựng hình ảnh cao đẹp của người luật sư trong xã hội.

II. Yêu cầu

– Nắm được các quy định cụ thể về những nghĩa vụ đạo đức và ứng xử của luật sư  trong quan hệ với khách hàng;

– Có khả năng giải quyết các tình huống cụ thể phát sinh trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng  theo quy định của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Phát hiện những tình huống mới trong thực tiễn hành nghề khi quan hệ với khách hàng mà chưa được quy định trong Quy tắc, chủ động sáng tạo trong việc chọn thái độ ứng xử và đề xuất kiến nghị với Liên đoàn để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

III. Hướng dẫn học tập

1. Bản chất mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng

– Trong tổng thể các mối quan hệ giữa luật sư với các chủ thể khác nhau trong hành nghề luật sư, quan hệ luật sư – khách hàng là mối quan hệ nền tảng làm phát sinh các quan hệ khác;

– Về pháp lý, quan hệ luật sư – khách hàng là một loại quan hệ dân sự, cụ thể là quan hệ hợp  đồng dịch vụ chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Trong quan hệ này, các quyền và nghĩa vụ của luật sư với khách hàng được thiết lập trên cơ sở tự nguyện của hai bên. Tuy nhiên, vì là loại quan hệ dịch vụ  pháp lý nên còn chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật về luật sư.

– Danh dự, uy tín, trạng thái tích cực hay tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư gắn liền với quá trình thực hiện mối quan hệ này. Do vậy, tính chất đạo đức trong hành vi ứng xử của luật sư có thể nói là bản chất của mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng, là một trong những yếu tố (như kỹ năng hành nghề) góp phần quyết định sự thành công trong  nghề nghiệp của luật sư.

2. Các quy tắc cụ thể (từ Quy tắc 6 đến Quy tắc 14)

2.1. Quy tắc 6. Nhận vụ việc của khách hàng

– Nhận vụ việc của khách hàng là điều kiện làm phát sinh mối quan hệ luật sư  – khách hàng, giúp luật sư tạo ấn tượng tốt đẹp ban đầuvới khách hàng.

–  Quy tắc này quy định nghĩa vụ và  thái độ ứng xử về mặt đạo đức của luật sư khi nhận vụ việc của khách hàng, trong đó nghĩa vụ 6.4 cũng đồng thời là nghĩa vụ pháp lý được quy định trong Luật luật sư.

– Cần phân tích sâu  quy định 6.2 để luật sư thấy được bổn phận của mình trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng.

2.2. Quy tắc 7. Thù lao

–  Cần phân tích sâu ý nghĩa đạo đức của luật sư  trong việc đưa ra mức thù lao để thỏa thuận với khách hàng theo quy định của pháp luật.

+ Lấy thù lao không căn cứ vào quy định của Luật luật sư;

+ Hậu quả của việc đưa ra mức thù lao quá cao khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng.

2.3. Quy tắc 8. Thực hiện vụ việc của khách hàng

– Quy tắc này quy định  bổn phận của luật sư trong quá trình thực hiện vụ việc của khách hàng.

– Tập trung phân tích nghĩa vụ 8.3, giải thích rõ các trường hợp “bất khả kháng”, các quy định của pháp luật và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để giúp luật sư nắm vững quy định này.

2.4. Quy tắc 9. Từ chối nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng

– Quy tắc này quy định quyền từ chối của luật sư trong hai giai đoạn : Nhận vụ việc  và từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng.

– Quy tắc 9.1 quy định cụ thể 06 trường hợp luật sư được quyền từ chối nhận vụ việc của khách hàng. Cần phân tích sâu các quy định tại Quy tắc 9.1.2; 9.1.3 và 9.1.6 để làm rõ ý nghĩa đạo đức nghề nghiệp luật sư trong mối quan hệ với khách hàng khi luật sư tiếp nhận hay không tiếp nhận vụ việc của khách hàng.

– Khi quyết định từ chối tiếp nhận vụ việc, luật sư cần giải thích rõ lý do cho khách hàng biết. Giải thích ý nghĩa đạo đức nghề nghiệp trong trường hợp này.

– Quy tắc 9.2 quy định 08 trường hợp luật sư có quyền từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc đã nhận của khách hàng. Tập trung phân tích  sâu các quy định tại Quy tắc 9.2.1; 9.2.5 kèm theo lấy ví dụ cụ thể để chứng minh.

– Giải thích rõ quy định tại Quy tắc 9.2.7 để giúp luật sư hiểu được các trường hợp từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc khi phát hiện ra các trường hợp buộc luật sư phải từ chối được quy định trong Quy tắc 9.1.

2.5. Quy tắc 10. Đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý

– Quy tắc này quy định về nghĩa vụ của luật sư khi quyết định chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý đã cung cấp cho khách hàng.

– Tập trung phân tích sâu Quy tắc 10.2 để làm rõ ý nghĩa đạo đức nghề nghiệp của luật sư trong quan hệ với khách hàng khi buộc phải chấm dứt việc thực hiện dịch vụ.

2.6. Quy tắc 11. Giải quyết xung đột về lợi ích

– Phân tích sâu định nghĩa  “Xung đột về lợi ích” trong Quy tắc 11.1 :

+ Giải thích “sự đối lập về quyền lợi vật chất hay tinh thần”;

+ Giải thích  về sự đối lập “đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra”.

+ Giải thích  về chủ thể của các lợi ích bị xung đột;

+ Cho ví dụ về “những vụ việc khác có liên quan đến vụ việc đó”

– Quy tắc 11.2 quy định thái độ ứng xử của luật sư trong 04 trường hợp cụ thể về xung đột lợi ích.

– Quy tắc 11.2.4 là một quy định mở. Có thể gợi ý cho học viên đưa ra các trường hợp khác có xung đột về lợi ích do pháp luật đã quy định hoặc chưa quy định để làm rõ thêm.

2.7. Quy tắc 12. Giữ bí mật thông tin

–  Giải thích khái niệm “Bí mật thông tin”:

+ Là những bí mật nghề nghiệp có liên quan đến vụ việc luật sư đảm nhận;

+ Bao gồm các bí mật điều tra, bí mật về quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản, tình hình tài chính, bí quyết kinh doanh, bí mật về đời tư hoặc những thông tin khác của khách hàng được xác định laq2 bí mật.

– Quy tắc này quy định  bổn phận và trách nhiệm đạo đức (cũng đồng thời là trách nhiệm pháp lý) của luật sư.

– Học viên có thể sẽ đưa ra câu hỏi về trách nhiệm của luật sư khi  được biết thông tin khách hàng đã phạm một tội khác hay chuẩn bị phạm một tội mới. Trong trường hợp này thì thái độ ứng xử của luật sư như thế nào.

– Làm rõ vấn đề này cần  so sánh với trách nhiệm của luật sư trong việc thực hiện nghĩa vụ của công dân về tố giác tội phạm trên cơ sở phạm trù đạo đức nghề nghiệp luật sư để giúp luật sư chọn lựa thái độ ứng xử cho phù hợp.

2.8. Quy tắc 13. Tiếp nhận khiếu nại của khách hàng

– Phân tích ý nghĩa đạo đức luật sư trong trường hợp bị khách hàng khiếu nại để làm rõ thái độ ứng xử của luật sư.

+ Tìm hiểu yêu cầu và những căn cứ khiếu nại của khách hàng;

+ Xác định vị thế bình đẳng giữa luật sư và người khiếu nại xuất phát từ quan hệ hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý, không phải là một quan hệ hành chính.

+ Thái độ ứng xử có đạo đức của luật sư biểu lộ sự tôn trọng của luật sư đối với quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

2.9. Quy tắc 14. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng

– Quy tắc này chính là các quy phạm cấm đoán có ý nghĩa bắt buộc đối với luật sư;

– Là những nghĩa vụ đạo đức của luật sư trong quan hệ với khách hàng. Nội dung những điều cấm này được Quy tắc quy định rõ, tuy nhiên cần tập trung phân tích sâu tất cả 14  điều cấm đối với luật sư để học viên nắm được để thực hiện trong thực tiễn hành nghề.

IV. Hướng dẫn tự nghiên cứu

1. Tại sao nói “quan hệ luật sư – khách hàng là nền tảng phát sinh các quan hệ khác của luật sư” ?

2.  Anh (chị) có đồng ý với nhận định sau đây : “ Thù lao là một vấn đề thể hiện đạo đức nghề nghiệp luật sư trong quan hệ luật sư – khách hàng” không ? Vì sao ?

3.  Anh (chị) có ý kiến gì về trường hợp một luật sư không am hiểu sâu sắc về vấn đề sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình tiếp nhận yêu cầu của khách hàng trong một vụ án tranh chấp về sở hữu trí tuệ ? Hậu quả của việc này thế nào?

4.  Định nghĩa về “Xung đột lợi ích” trong Quy tắc 11, theo anh (chị) đã đầy đủ chưa? Hãy thử đưa ra một định nghĩa về “Xung đột lợi ích” theo quan điểm của anh (chị) !

5.  Anh (chị) có bổ sung gì về Quy tắc 12. giữ bí mật thông tin ?

6. Ngoài 14 trường hợp cấm luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng tại Quy tắc 14, theo anh (chị) có còn trường hợp nào cần bổ sung ? Cơ sở của việc bổ sung theo ý kiến anh (chị) là gì ?

7. Trong trường hợp thực tế phát sinh những trường hợp khác mà Quy tắc này chưa quy định thì anh (chị) chọn thái độ ứng xử thế nào? Cho ví dụ!

8. Bài tập : Khi tiếp khách hàng B, luật sư A giới thiệu về học hàm, học vị, chức vụ trong tổ chức  xã hội nghề nghiệp luật sư của mình, về những mối quan hệ rất rộng của luật sư với những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, về  những vụ án lớn mà luật sư đã tham gia và đạt kết quả rất tốt đẹp. Không những thế, luật sư A còn hỏi khách hàng về tên thẩm phán thụ lý vụ án và thông báo cho khách hàng biết luật sư có mối quan hệ rất thân thiết với thẩm phán này và động viên khách hàng yên tâm nếu khách hàng chấp nhận mời luật sư làm người bào chữa (bảo vệ quyền lợi) trong vụ án.

Anh (chị) có nhận xét gì về thái độ đó của luật sư A? Trong trường hợp này, luật sư A có vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư không ? Nếu có thì vi phạm những quy tắc nào ?

Luật sư Nguyễn Minh Tâm

Ủy viên Ban thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai