Cần ban hành Luật Bảo vệ người tham gia tố tụng

136

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án. Như vậy, với dấu hiệu này thì người tố giác tội phạm, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự đều có nghĩa vụ chung của người làm chứng, đó là khai báo những tình tiết liên quan đến vụ án. Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tin báo tố giác tội phạm và lời khai của người làm chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, ước tính hàng năm có khoảng trên dưới 20% vụ án được phát hiện nhờ tin báo tố giác của người dân và phần lớn các vụ án đều có người làm chứng (có những người biết việc phạm tội).

Những người làm chứng phối hợp, cộng tác giúp các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp thông tin góp phần giải quyết vụ án hình sự được khách quan, đúng đắn. Việc báo tin tố giác tội phạm và khai báo là căn cứ chứng minh, xử lý tội phạm. Vì vậy, những người tố giác, khai báo có nguy cơ bị những kẻ phạm tội và đồng bọn của chúng trả thù bằng việc thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe và các lợi ích vật chất, tinh thần khác. Trong số những người tham gia thực hiện nghĩa vụ của người làm chứng thì người tố giác tội phạm và người làm chứng không có lợi ích liên quan đến vụ án sẽ là đối tượng có nguy cơ trả bị thù cao hơn so với những người tham gia tố tụng khác. Do đó, ngoài việc được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự… với tư cách là một quyền cơ bản của công dân bình thường thì việc bảo vệ người làm chứng là hết sức quan trọng và cần thiết để phát huy vai trò của họ trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Với lý do đó mà hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống, điều tra, xử lý tội phạm đều có quy định về việc bảo vệ người làm chứng.

Tại Điều 7 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự quy định: “Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều tra… phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác tội phạm”. Trong Luật An ninh quốc gia cũng như Luật Phòng, chống ma túy đều quy định các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, cơ quan chuyên trách về phòng chống ma túy có trách nhiệm: Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án về ma túy. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng có quy định: “Người đứng đầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo về tham nhũng phải… áp dụng đồng thời biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo”. Như vậy, hầu hết các luật chuyên ngành về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực đều có quy định về việc bảo vệ người tố giác tội phạm và người làm chứng. Ngoài ra BLTTHS đã ghi nhận một nguyên tắc chung, đó là: “Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Theo đó, người tham gia tố tụng có quyền “Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng”.

Vấn đề đặt ra là, tại sao hiện đã có nhiều văn bản pháp luật có quy định về việc bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng nhưng tình trạng xâm phạm tính mạng, sức khỏe của những người này còn xảy ra nhiều. Đơn cử, vụ anh Nguyễn Tăng Tiên, người tham gia tố giác và bắt những kẻ trộm cắp tài sản đã bị trả thù gây thương tích nặng vừa xảy ra tại tỉnh Bình Dương. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều người chứng kiến hoặc có tài liệu, chứng cứ về tội phạm, nhưng không dám thực hiện nghĩa vụ tố giác tội phạm; người làm chứng thì tìm cách lẩn tránh việc tham gia khai báo, đặc biệt là tại các phiên tòa. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tố giác tội phạm và người làm chứng nên người dân chưa tin tưởng vào khả năng bảo vệ của các cơ quan chức năng.

Mặc dù trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có các quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm và người làm chứng, tuy nhiên các quy định đó lại nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật. Các quy định về bảo vệ người làm chứng tại các văn bản pháp luật thì chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung về trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ người làm chứng, mà chưa có các quy định cụ thể về căn cứ áp dụng, trình tự, thủ tục (yêu cầu bảo vệ, thụ lý đơn, thời hạn phải thực hiện,…), thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cũng như chi phí cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người làm chứng… Với hành lang pháp lý như vậy, rất khó để quy trách nhiệm đối với những người liên quan để xảy ra tình trạng trả thù người tố giác tội phạm và người làm chứng.

Để phát huy sức mạnh của toàn dân vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, rất cần ban hành một đạo luật riêng về việc bảo vệ người làm chứng, người tố giác tội phạm.

Phạm Thái

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai