Cần xem xét chế tài xử lý với người có hành vi xâm phạm quyền nhân thân

42

Vụ việc bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni) bị nhóm người lạ gí điện thoại quay phim, chửi bới với những lời lẽ hết sức thô tục, rồi bị tấn công đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên vụ việc kiểu như thế này xảy ra, mà thực tế nó khá phổ biến và ngày càng nghiêm trọng khiến chúng ta một lần nữa cần phải nhìn nhận lại các quy định pháp luật đã đủ sức răn đe chưa. Hay đã đến lúc cần phải có ngay một liều thuốc mới để đặc trị các hành vi vi phạm như trên.

Bộ luật Dân sự ghi nhận đầy đủ quyền nhân thân

PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: Pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân.

Công an đến hiện trường làm việc vụ bà Hàn Ni bị xô xát vào ngày 22-3. Ảnh: CTV

Cụ thể, đó là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, đời sống riêng tư, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, thân thể và danh dự, nhân phẩm, uy tín tại BLDS 2015.

Về nguyên tắc, việc sử dụng hình ảnh cá nhân hay thu thập thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của bất kỳ một ai thì đều phải được người đó đồng ý (trừ những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định).

“Như vậy, hành vi tự ý quay phim, chụp ảnh mà chưa có sự cho phép của cá nhân đó rõ ràng là vi phạm quyền đối với hình ảnh của người đó; chưa kể đến việc đưa các thước phim này lên mạng xã hội (MXH) vừa xâm phạm đến quyền riêng tư của cá nhân vừa có thể gây ảnh hưởng xấu đến danh dự và nhân phẩm của họ” – PGS-TS Hồng Nhung nói.

Bên cạnh đó, TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng thanh tra – pháp chế Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết thêm: Hiện việc ghi âm, ghi hình chỉ được hướng dẫn bằng một văn bản quy phạm pháp luật duy nhất trong lĩnh vực tố tụng hình sự, đó là Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP.

“Việc ghi âm, ghi hình ngoài khuôn khổ việc điều tra, truy tố, xét xử hình sự chưa được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể xem xét theo các quy định tại BLDS” – TS Phương Diệp nói.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Nói về chế tài xử lý vi phạm, PGS-TS Hồng Nhung cho rằng mặc dù quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân được pháp luật công nhận nhưng các chế tài nhằm bảo vệ quyền này trước nguy cơ bị xâm phạm còn khá hạn chế.

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội…): “Phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác…; b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;…”.

Điều này có nghĩa là nếu sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đó có thể bị xp VPHC 2-3 triệu đồng.

Theo PGS-TS Hồng Nhung, mức phạt này còn quá thấp, chưa đủ “sức nặng” để bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh của họ – một quyền cơ bản của con người và bất khả xâm phạm.

Nó cũng chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi xâm phạm, đặc biệt trong thời đại công nghệ kỹ thuật số. Chưa khi nào việc xâm phạm quyền nhân thân lại dễ dàng và phổ biến như hiện nay.

Trong khi đó, đối với hành vi vi phạm quyền nhân thân của cá nhân, BLHS 2015 có ghi nhận ba tội danh: Tội làm nhục người khác – Điều 155; tội vu khống – Điều 156; tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác – Điều 159.

Để xử lý hình sự theo những tội danh nêu trên thì đều phải thỏa mãn dấu hiệu là xúc phạm nghiêm trọng đến danh sự, nhân phẩm của người khác hoặc đối tượng tác động là thư tín, điện thoại… (hình thức chứa đựng các thông tin dữ liệu cá nhân). Mà việc xác định dấu hiệu xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm lại mang tính định tính, nên sẽ gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xác định tội danh trong quá trình tố tụng.

Chính vì vậy, cần sớm có sự sửa đổi, bổ sung các quy định kịp thời thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của MXH nhằm bảo vệ tốt nhất quyền nhân thân của cá nhân.

Bên cạnh đó, TS Phương Diệp cũng cho biết thêm là nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên môi trường mạng thì sẽ áp dụng quy định tại Nghị định 15/2020 quy định về XPVPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Đơn cử như cá nhân có hành vi “Sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên MXH nhưng chưa được sự đồng ý của cá nhân đó” sẽ bị phạt tiền 15-25 triệu đồng; riêng tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt gấp đôi so với cá nhân.

Theo bà Diệp, người có hình ảnh cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

“Nếu việc sử dụng sai trái hình ảnh cá nhân của người khác là nghiêm trọng, dẫn đến làm nhục người bị ghi âm, ghi hình và thỏa mãn các yếu tố cấu thành thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 BLHS về tội làm nhục người khác. Mức phạt tối đa có thể lên đến năm năm tù” – TS Phương Diệp nói.

Có thể xem xét tội gây rối trật tự công cộng

Đối với vụ việc nhà báo Hàn Ni bị gí máy quay vào mặt khi đang ăn và xảy ra xô xát, tôi cho rằng hành vi của nhóm người phá rối có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng, được quy định tại Điều 318 BLHS.

Mặt khách quan của tội phạm này đó là: Hành vi gây rối trật tự công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.

Hành vi gây rối trật tự công cộng được thực hiện công khai ở những nơi đông người, thể hiện ý thức coi thường kỷ cương xã hội, pháp luật của Nhà nước thông qua các hình thức thể hiện như có lời nói lăng mạ, thô tục xúc phạm người khác tại nơi công cộng hoặc bằng hành vi đuổi đánh nhau, đập phá đồ đạc, gây lộn xộn… ở nơi công cộng.

Các hành vi nêu trên có thể thực hiện ở những nơi không phải là nơi công cộng nhưng đã gây ảnh hưởng lớn đến trật tự chung thì cũng được coi là gây rối trật tự công cộng.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai