Công ty luật tp hcm: Cơ chế xử lý nợ xấu và quản lý tài sản

79

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Ảnh minh họa

Đề án xử lý nợ xấu nêu rõ, mục tiêu xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ. Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.

Đề án sẽ tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, bao gồm nợ xấu cấp tín dụng, nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ủy thác cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.

10 giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu gia tăng của tổ chức tín dụng

Để xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai, các tổ chức tín dụng chủ động triển khai 10 giải pháp: 1- Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; 2- Tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; 3- Tiếp tục cơ cấu lại nợ; 4- Tiếp tục hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; 5- Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; 6- Thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; 7- Hoán đổi nợ thành vốn; 8- Bán nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính; 9- Kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; 10- Hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Đối với khách hàng vay phải tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ và khả năng cạnh tranh; chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai các phương án cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; chủ động phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu; tham gia tích cực vào các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai…

Hỗ trợ thị trường, giảm lượng hàng tồn kho

Về cơ chế, chính sách, Đề án xử lý nợ xấu nêu rõ, các bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kích thích đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp như: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp đầu tư-kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở; doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng sắt, thép, xi măng, gạch, ngói; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giầy, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010 (theo chính sách thu tiền thuê đất trước ngày Nghị định số 121/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành). Trường hợp tiền thuê đất sau khi được giảm vẫn lớn hơn 2 lần so với tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì được giảm tiếp tiền thuê đất đến mức bằng 2 lần tiền thuê đất phải nộp của năm 2010. Sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn về thủ tục giảm tiền thuê đất theo hướng đơn giản, thuận tiện cho việc thực hiện.

Cho phép các chủ đầu tư dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ về nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư-kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư-kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2

Điều chỉnh nguồn cung thị trường bất động sản

Bên cạnh nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư, Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đưa ra nhóm giải pháp phát triển thị trường bất động sản, trong đó có giải pháp điều chỉnh nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Cụ thể, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.

Đối với các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chưa giải phóng mặt bằng và không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương thì dừng triển khai; chỉ xem xét cho phép tiếp tục triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư phục vụ nhu cầu nhà ở tái định cư, các công trình quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn của địa phương.

Đối với các dự án đã hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thì cho phép chủ đầu tư tổ chức sản xuất kinh doanh tạm thời, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép; đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, nhà ở cho cán bộ, công chức, công nhân, lực lượng vũ trang.

Cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua các đối tượng chính sách.

Bộ Xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp thông qua các biện pháp giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường…

Tiếp tục mở rộng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ưu tiên tập trung cho vay các dự án bất động sản sắp hoàn thành, các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, lao động ở khu công nghiệp và các đối tượng chính sách khác với lãi suất phù hợp và không tính tỷ lệ dư nợ này trong tổng dư nợ cho vay bất động sản bị khống chế.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại Nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước dành từ 20-40 nghìn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay đối với các đối tượng nêu trên.

Chỉ mua nợ xấu đủ điều kiện

Theo Đề án thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt thì Công ty Quản lý Tài sản được thành lập với tư cách công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Đây là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (500 tỷ đồng).

Công ty Quản lý Tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó và trả cho tổ chức tín dụng bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt.

Khi có nhu cầu về vốn, tổ chức tín dụng có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước quyết định mức cho vay tái cấp vốn cụ thể so với mệnh giá trái phiếu đặc biệt và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, căn cứ năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý Tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại đối với các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện như: Được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại; khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ…

Các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng được Công ty Quản lý Tài sản mua phải đáp ứng 5 điều kiện:

1- Các khoản nợ xấu (bằng VND hoặc ngoại tệ) của tổ chức tín dụng Việt Nam, bao gồm nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2- Các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm, trước hết tập trung xử lý các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là bất động sản.

3- Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.

4- Khách hàng vay còn tồn tại.

5- Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc Công ty Quản lý Tài sản mua các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.

Hoàng Diên (Chinh phu)

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai