Quốc hội vừa thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), trong đó có quy định thay thế thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Xung quanh quy định này có hai luồng dư luận đan xen: vừa mừng, vừa lo.
Từ nay luật sư, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý chỉ cần đăng ký bào chữa thay vì phải đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Điều 78 Bộ luật này quy định: trong mọi trường hợp, người bào chữa (luật sư, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý) phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký, người bào chữa xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, hoặc của người thân thích của người bị buộc tội.
Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ, cơ quan tố tụng phải kiểm tra và vào sổ đăng ký người bào chữa (trường hợp từ chối việc đăng ký thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản). Sau đó cơ quan tố tụng phải gửi ngay văn bản thông báo cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ. Văn bản này có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng, trừ khi có sự thay đổi người bào chữa.
Quy định vừa nêu chưa đáp ứng yêu cầu thiết thực của người bào chữa: khi nhận đủ giấy tờ do người bào chữa nộp, cán bộ cơ quan tố tụng không vào sổ đăng ký người bào chữa thì tính sao? Người nào có trách nhiệm giải quyết yêu cầu đăng ký bào chữa của người bào chữa, cán bộ cơ quan tố tụng không thực hiện đăng ký người bào chữa có bị xử lý kỷ luật không, kỷ luật như thế nào? Hiện chưa có văn bản pháp lý quy định việc xử lý cán bộ tiến hành tố tụng không thực hiện yêu cầu đăng ký bào chữa của luật sư, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý.
Nhất thiết phải xử lý thích đáng cán bộ tiến hành tố tụng không thực hiện việc vào sổ đăng ký bào chữa. Đồng thời, người tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa phải cấp biên nhận cho người bào chữa, bào chữa viên, trợ giúp viên khi họ nộp thẻ luật sư, đơn nhờ luật sư bào chữa. Nếu không có quy định chế tài cụ thể trách nhiệm vào sổ thì quy định như khoản 2 Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Quy định tiến bộ là cần thiết nhưng biện pháp thực hiện là hết sức quan trọng.
Giới luật sư tin tưởng rồi đây sẽ hết chuyện bị can “từ chối luật sư”? Khoản 2 Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự (mới) quy định: trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối.
Một số luật sư (Luật sư Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thế Phong – Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Long An…) nhận định: quy định trên cũng là một bước tiến nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình tham gia tố tụng của người bào chữa mà trước đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kiến nghị vì rất nhiều trường hợp các luật sư đã bị cơ quan điều tra từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa với lý do bị can (bị tạm giam) từ chối luật sư, trong khi luật sư lại không được vào cơ quan giam giữ để trực tiếp tìm hiểu ý chí của bị can… Điều tréo ngoe là cũng chính những bị can từng từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra ấy, đến khi vụ án chuyển sang giai đoạn truy tố hoặc xét xử thì lại sẵn sàng mời luật sư này bảo vệ mình.
Tính khả thi của quy định vừa đề cập chưa cao đối với hoạt động hành nghề của luật sư. Ngay cả khi luật sư cùng đi với cán bộ điều tra vào nơi giam giữ hỏi bị can có nhờ luật sư bào chữa hay không thì bị can cũng không đủ can đảm nói mình nhờ luật sư. Đến khi giai đoạn điều tra vụ án được kết thúc, chuyển sang truy tố, xét xử, luật sư tình cờ gặp lại bị can, bị cáo thì được họ tiết lộ: trước khi điều tra viên cùng luật sư vào nơi giam giữ bị can thì điều tra viên đã gặp và dặn dò bị can khi gặp luật sư bị can phải từ chối không nhờ luật sư, nếu không nghe theo lời dặn của cán bộ điều tra thì sau này đừng có trách sẽ bị “xử đẹp”! Để bị can bày tỏ nguyện vọng nhờ luật sư bào chữa từ giai đoạn điều tra, phải phân định quyền năng của điều tra viên, tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi: chỉ cần cán bộ quản giáo nơi giam giữ bị can đi với người bào chữa đến chỗ giam giữ, tiếp xúc bị can để người này trình bày có nhờ hay không nhờ luật sư bào chữa.
Một trong những nguyên nhân khiến cán bộ tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng không mặn mà thay đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng tăng quyền cho người bào chữa, hạn chế quyền của cán bộ, cơ quan tố tụng vì tâm lý bảo thủ: đang được hưởng quyền mà bị giảm bớt thì cảm thấy bị mất mát, hụt hẫng; người được tăng quyền thì mong muốn sớm được thực thi. Cũng có thể năng lực nghiệp vụ một số cán bộ tiến hành tố tụng “chưa tới”; nếu bị hạn chế quyền năng của họ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới việc chu toàn nhiệm vụ được phân công.
Tới nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 được sửa đổi bổ sung 03 lần (năm 1990, 1992, 2000) và ban hành mới 02 lần (năm 2003 và năm 2015) vẫn duy trì quy định: Nếu điều tra viên đồng ý thì luật sư được hỏi người bị tạm giữ, bị can … Thực tiễn trong hoạt động hành nghề, người bào chữa chưa bao giờ được hỏi bị can vì điều tra viên không chấp nhận. Nhà nước pháp quyền không thể quy định pháp luật “hữu danh, vô thực”.
Quyền con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, mọi cơ quan, tổ chức phải nghiêm chỉnh thực hiện. Tránh để xảy ra oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, gây oan sai cho người vô tội, điển hình là công dân Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… Bài học oan sai đắt giá được rút ra: cán bộ tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng thao thức, dằn vặt, thấm thía không thể vội quên, tránh tái diễn.
Luật sư giỏi tranh tụng (Hình Sự)- 1900 599 979
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai