Luật sư bào chữa cho người Trung Quốc

19

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam bị xử lý thế nào?

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam nếu không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, xử theo luật nào?

Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam như sau:

1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Theo quy định trên, người nước ngoài khi phạm tội trong lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử lý theo 1 trong 2 trường hợp:

– Trường hợp 1: Người phạm tội không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự.

Với trường hợp này, người nước ngoài phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Trường hợp 2: Người phạm tội thuộc đối tượng hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế.

Với trường hợp này, vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế có liên quan. Nếu điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Trục xuất – hình phạt đặc thù dành riêng cho người nước ngoài

Hình phạt được áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi phạm tội. Trong đó, trục xuất là hình phạt đặc thù nhất dành riêng cho người phạm tội là người nước ngoài.

Cụ thể, theo Điều 37 Bộ luật Hình sự, trục xuất là việc buộc người nước ngoài đã bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trục xuất có thể được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tùy từng trường hợp cụ thể.

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước xử lý

Theo quy định tại Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007:

Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Nếu quốc gia của công dân phạm tội có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.

Cụ thể, khoản 1 Điều 35 Luật tương trợ tư pháp quy định, cơ quan tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp:

a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;

b) Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;

d) Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;

đ) Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.

Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 35 Luật tương trợ tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng có thể từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Khó khăn trong xử lý người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam

Trong công tác xử lý người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, việc phát hiện tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của cơ quan tố tụng đối gặp phải rất nhiều vấn đề vướng mắc.

Việc xử lý người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam liên quan mật thiết đến vấn đề ngoại giao giữa các nước. Tuy nhiên, với một số quốc gia, Việt Nam hiện vẫn chưa ký kết hiệp định hợp tác, dẫn độ tội phạm, hoặc hiệp định tương trợ tư pháp.

Vì vậy, khi phát hiện công dân của nước họ phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, việc xử lý tội phạm thường sẽ khó xử lý và có thể không nhận được sự hỗ trợ cũng như thiện chí từ các quốc gia này.Bên cạnh đó, việc bất đồng về ngôn ngữ cũng là một trong những trở ngại lớn trong quá trình điều tra, thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa… đòi hỏi phải có người dịch thuật lại cho người phạm tội bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Công ty Luật Dragon hướng dẫn cho khách hàng là người nước ngoài trong việc mời Luật sư bào chữa như sau:

1. Người được quyền mời Luật sư bào chữa bao gồm:

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự 2016. thì có 3 đối tượng được quyền mời Luật sư bào chữa bao gồm:

a. Bản thân người được xem là có hành vi phạm tội trực tiếp mời Luật sư bào chữa cho mình.

b. Người đại diện của người được xem là có hành vi phạm tội mời Luật sư bào chữa.

c. Người thân thích của người được xem là có hành vi phạm tội mời Luật sư bào chữa.

2. Cơ quan thẩm quyền giải quyết yêu cầu mời Luật sư bào chữa:

a. Cơ quan điều tra công an

b. Cơ quan truy tố (Viện kiểm sát)

c. Cơ quan xét xử (Tòa án)

3. Thời gian giải quyết mời Luật sư bào chữa:

a. 12 giờ đối với người bị bắt, bị giam giữ kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu người bào chữa.

b. 24 giờ đối với người bị tạm giam kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu người bào chữa.

4. Thủ tục mời người bào chữa:

a. Bước 1: Can phạm, người đại diện, hoặc người thân thích của can phạm (Khách hàng) liên hệ với Luật sư – Công ty Luật để đặt vấn đề mời Luật sư bào chữa.

b. Bước 2: Giữa Công ty Luật và khách hàng thống nhất việc thuê Luật sư, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, tạm ứng chi phí theo thỏa thuận.

c. Bước 3: Công ty Luật cử Luật sư phụ trách bào chữa và liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký bào chữa theo quy định.

Hiệp định tương trợ tư pháp

HIỆP ĐỊNH

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ VÀ HÌNH SỰ GIỮA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi là hai Bên ký kết);

Nhằm mục đích tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau, bình đẳng và cùng có lợi;

Mong muốn thực hiện việc tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự;

Đã thoả thuận những điều dưới đây:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi

1. Theo quy định của Hiệp định này, hai bên ký kết thực hiện việc tương trợ tư pháp cho nhau về các vấn đề dân sự và hình sự sau đây:

1) Tống đạt giấy tờ;

2) Điều tra, thu thập chứng cứ;

3) Công nhận và thi hành quyết định của Toà án về các vấn đề dân sự và quyết định của Trọng tài;

4) Các việc tương trợ khác theo quy định của Hiệp định này.

2. Thuật ngữ “Các vấn đề dân sự” trong Hiệp định này được hiểu bao gồm các vấn đề thương mại, hôn nhân gia đình và lao động.

3. Thuật ngữ “Các cơ quan có thẩm quyền” trong Hiệp định này được hiểu là Toà án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự hoặc hình sự.

Điều 2. Bảo hộ pháp lý

1. Công dân của Bên ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của bên ký kết kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản như công dân của Bên ký kết kia và có quyền liên hệ và thực hiện các hành vi tố tụng trước Toà án và các cơ quan khác có thẩm quyền về dân sự và hình sự của Bên ký kết kia theo cùng các điều kiện mà Bên ký kết kia dành cho công dân nước mình.

2. Những quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với pháp nhân và các tổ chức khác có thể tham gia tố tụng tư pháp với tư cách đương sự được thành lập trên lãnh thổ của một trong hai Bên ký kết theo quy định của pháp luật nước đó.

Điều 3. Miễn, giảm án phí và trợ giúp pháp lý

1. Công dân của Bên ký kết này được miễn, giảm án phí và được trợ giúp pháp lý miễn phí trên lãnh thổ của Bên ký kết kia theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của Bên ký kết kia.

2. Nếu việc miễn, giảm án phí hoặc trợ giúp pháp lý miễn phí được quyết định căn cứ vào tình trạng tài chính của người làm đơn, thì giấy xác nhận tình trạng tài chính sẽ do các cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi người làm đơn không có nơi thường trú hoặc tạm trú ở cả hai Bên ký kết thì giấy xác nhận tình trạng tài chính có thể do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước người đó là công dân cấp.

3. Công dân của Bên ký kết này khi làm đơn xin miễn, giảm án phí hoặc xin trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định tại khoản 1 Điều này, có thể nộp đơn cho cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi người này thường trú hoặc tạm trú. Cơ quan có thẩm quyền này sẽ chuyển đơn kèm theo giấy xác nhận được cấp theo quy định tại khoản 2 Điều này sang cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia. Người làm đơn cũng có thể nộp đơn trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia.

Điều 4. Cách thức liên hệ

1. Khi yêu cầu và thực hiện tương trợ tư pháp, hai Bên ký kết sẽ liên hệ với nhau thông qua cơ quan trung ương của mình, trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác.

2. Cơ quan trung ương nói tại khoản 1 Điều này, về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ tư pháp và viện kiềm sát nhân dân tối cao Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; về phía Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Điều 5. Ngôn ngữ

Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp và các tài liệu kèm theo được lập trên cơ sở Hiệp định này, phải gửi kèm theo bản dịch có chứng thực một cách hợp thức ra ngôn ngữ chính thức của Bên ký kết được yêu cầu hoặc ra tiếng Anh.

Điều 6. Chi phí tương trợ tư pháp

1. Hai Bên ký kết sẽ thực hiện việc tương trợ tư pháp miễn phí cho nhau.

2. Nếu người làm chứng hoặc người giám định của Bên ký kết này có mặt trên lãnh thổ của Bên ký kết kia theo quy định tại Điều 13 và Điều 24 của Hiệp định này, thì mọi chi phí đi lại, ăn ở và các chi phí hợp lý khác cho người làm chứng hoặc người làm giám định đó sẽ được Bên ký kết yêu cầu thanh toán. Nếu có yêu cầu, Bên ký kết yêu cầu sẽ thanh toán trước cho người làm chứng hoặc người giám định toàn bộ hay một phần các chi phí kể trên.

3. Nếu việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp đòi hỏi khoản chi phí bất thường, hai Bên ký kết trao đổi ý kiến để quyết định điều kiện cho việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp đó.

Điều 7. Yêu cầu tương trợ tư pháp

1. Yêu cầu tương trợ tư pháp phải gửi bằng văn bản và bao gồm những nội dung sau:

1) Tên và địa chỉ của cơ quan yêu cầu;

2) Tên và địa chỉ của cơ quan được yêu cầu, nếu có thể;

3) Mô tả vụ việc, các vấn đề yêu cầu tương trợ và các thông tin cần thiết khác liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp;

4) Họ tên, giới tính, địa chỉ, quốc tịch, nghề nghiệp, ngày sinh và nơi sinh của những người có liên quan và tên gọi, địa chỉ của pháp nhân, nếu là pháp nhân;

5) Họ tên, địa chỉ của những người đại diện, nếu có, của những người có liên quan.

2. Nếu Bên ký kết được yêu cầu xét thấy những thông tin nêu trong yêu cầu chưa đầy đủ để giải quyết yêu cầu đó, thì Bên ký kết được yêu cầu có thể yêu cầu bổ sung thông tin.

3. Yêu cầu tương trợ tư pháp và các tài liệu kèm theo phải do cơ quan yêu cầu ký và đóng dấu.

Điều 8. Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp

1. Bên ký kết được yêu cầu sẽ thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp theo pháp luật của nước mình.

2. Bên ký kết được yêu cầu có thể yêu cầu tương trợ tư pháp theo cách mà Bên ký kết yêu cầu đề nghị, nếu không trái với pháp luật của nước mình.

Điều 9. Từ chối tương trợ tư pháp

Tương trợ tư pháp có thể bị từ chối nếu Bên ký kết được yêu cầu xét thấy việc thực hiện yêu cầu gây phương hại đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng hoặc những nguyên tắc cơ bản của pháp luật và những lợi ích cơ bản của nước mình. Bên ký kết được yêu cầu thông báo lý do từ chối cho Bên ký kết yêu cầu.

Điều 10. Chuyển giao đồ vật và tiền

Việc chuyển giao đồ vật và tiền theo quy định của Hiệp định này từ lãnh thổ của Bên ký kết này sang lãnh thổ của Bên ký kết kia phải phù hợp với quy định của pháp luật của Bên ký kết chuyển giao về việc chuyển giao đồ vật và tiền ra nước ngoài.

Chương II

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ

Điều 11. Tống đạt giấy tờ

1. Bên ký kết được yêu cầu sẽ tống đạt giấy tờ tư pháp và các giấy tờ ngoài tư pháp, theo yêu cầu.

2. Bên ký kết được yêu cầu, sau khi tống đạt giấy tờ sẽ gửi cho Bên ký kết yêu cầu giấy xác nhận tống đạt giấy tờ trong đó ghi rõ ngày, nơi và biện pháp tống đạt, có chữ ký và dấu của cơ quan tống đạt. Nếu việc tống đạt giấy tờ không thực hiện được thì Bên ký kết được yêu cầu phải thông báo lý do cho Bên ký kết yêu cầu.

Điều 12. Điều tra, thu thập chứng cứ

1. Theo yêu cầu, hai Bên ký kết sẽ tương trợ cho nhau trong việc điều tra, thu thập chứng cứ và thực hiện các hành vi tố tụng cần thiết để tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ.

2. Ngoài việc phải tuân theo quy định tại Điều 7 của Hiệp định này, yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ còn phải bao gồm các nội dung sau:

1) Các câu hỏi dùng để lấy lời khai của đương sự hoặc thông báo về những vụ việc cần lấy lời khai;

2) Giấy tờ hoặc tài sản cần được kiểm tra.

3. Bên ký kết được yêu cầu sẽ thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết yêu cầu kết quả thực hiện yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ, kèm theo các tài liệu thu được có tính chất chứng cứ.

Điều 13. Triệu tập người làm chứng và người giám định

1. Nếu xét thấy cần thiết phải có người làm chứng hoặc người giám định đến Cơ quan tư pháp của nước mình, Bên ký kết yêu cầu sẽ đề cập trong văn bản yêu cầu tống đạt giấy triệu tập các chi phí có thể thanh toán, điều kiện và thời hạn thanh toán cho những người đó.

2. Giấy triệu tập được gửi cho Bên ký kết được yêu cầu không chậm quá 60 ngày trước ngày người có liên quan được yêu cầu cần có mặt tại Cơ quan tư pháp của Bên ký kết yêu cầu.

3. Bên ký kết được yêu cầu tống đạt giấy triệu tập đến người có liên quan và thông báo cho Bên ký kết yêu cầu ý kiến của người được triệu tập.

Điều 14. Bảo hộ người làm chứng và người giám định

1. Nếu người làm chứng hoặc người giám định từ chối cung cấp chứng cứ hoặc từ chối giám định theo quy định tại Điều 13 của Hiệp định này, Bên ký kết yêu cầu không được áp dụng bất cứ hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế nào, cũng như không được đe doạ dùng hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế trong giấy triệu tập.

2. Người làm chứng hoặc người giám định có mặt ở Cơ quan tư pháp của Bên ký kết yêu cầu theo quy định của Hiệp định này, sẽ không bị truy tố hình sự, tạm giữ hoặc không bị bắt chấp hành bất cứ biện pháp hạn chế tự do thân thể nào trên lãnh thổ cuả Bên ký kết đó về các hành vi phạm tội hoặc bản án đã có trước khi rời khỏi lãnh thổ của Bên ký kết được yêu cầu. Người đó cũng không bị truy tố hình sự, bị tạm giữ hoặc không bị xử phạt vì những lời khai làm chứng hoặc kết luận với tư cách là người giám định.

3. Việc bảo hộ được thực hiện theo khoản 2 Điều này sẽ chấm dứt khi người làm chứng, người giám định, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày họ được cơ quan có thẩm quyền thông báo rằng sự có mặt của họ là không cần thiết nữa, có khả năng rời, nhưng vẫn tiếp tục ở lại, hoặc tình nguyện trở lại lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu sau khi đã rời đi. Không tính vào thời hạn đó thời gian mà người làm chứng hoặc người giám định không thể rời khỏi lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu vì những nguyên nhân không phụ thuộc vào họ.

Chương III

CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH

Điều 15. Phạm vi

1. Bên ký kết này sẽ công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ nước mình các quyết định sau đây được tuyên trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, theo những điều kiện quy định tại Hiệp định này:

1) Các quyết định của Toà án về các vấn đề dân sự;

2) Các quyết định của Toà án về việc bồi thường thiệt hại dân sự trong bản án hình sự;

3) Các quyết định của trọng tài.

2. “Các quyết định của Toà án” nói trong hiệp định này ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Bản án, quyết định của biên bản hoà giải của Toà án; Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bao gồm: phán quyết, tài định và biên bản hoà giải của Toà án.

Điều 16. Nộp đơn yêu cầu

1. Đơn yêu cầu công nhận và thi hành quyết định của Toà án có thể do các bên đương sự gửi trực tiếp cho Toà án có thẩm quyền để công nhận và thi hành quyết định hoặc do Toà án có thẩm quyền của Bên ký kết kia để công nhận và thi hành quyết định, theo cách thức được quy định tại Điều 4 của Hiệp định này.

2. Ngoài việc phải tuân theo các quy định tại Điều 7 của Hiệp định này, Đơn yêu cầu công nhận và thi hành quyết định của Toà án còn phải được gửi kèm theo:

1) Bản sao quyết định đầy đủ đã được chứng thực và những giấy tờ xác nhận quyết định đó đã có hiệu lực của pháp luật;

2) Trong trường hợp đã được tuyên vắng mặt, thì phải có tài liệu lý giải việc bên phải thi hành vắng mặt đã được triệu tập theo đúng quy định của pháp luật;

3) Tài liệu hoặc bản mô tả để xác nhận bên đương sự không có năng lực hành vi nhưng đã có đại diện hợp thức.

Điều 17. Từ chối công nhận và thi hành theo quy định tại Điều 9 của Hiệp định này, việc công nhận và thi hành các quyết định của Toà án nói tại Điều 15 của Hiệp định này có thể bị từ chối trong các trường hợp sau đây:

1. Nếu quyết định của Toà án chưa có hiệu lực thi hành hoặc không thể thi hành được theo quy định pháp luật của Bên ký kết ra quyết định.

2. Nếu quyết định được tuyên bởi Toà án không có thẩm quyền đối với vụ việc đó theo quy định tại Điều 18 của Hiệp định này.

3. Trong trường hợp quyết định được tuyên vắng mặt, nếu bên phải thi hành không được triệu tập theo đúng pháp luật hoặc bên không có năng lực hành vi không có đại diện hợp thức theo quy định của pháp luật của Bên ký kết ra quyết định.

4. Về cùng một vụ kiện giữa chính các bên đương sự mà trước đó đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án của Bên ký kết được yêu cầu, hoặc các bên đương sự đã khởi kiện vụ án này trước Toà án của Bên ký kết được yêu cầu, hoặc đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án nước thứ ba được toà án của Bên ký kết được yêu cầu công nhận và thi hành.

Điều 18. Thẩm quyền xét xử

1. Để thực hiện Hiệp định này, Toà án của một trong hai Bên ký kết ra quyết định sẽ được coi là có thẩm quyền đối với vụ việc, nếu:

1) Bị đơn có nơi thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của Bên ký kết đó tại thời điểm bắt đầu tiến hành trình tự tố tụng;

2) Bị đơn có cơ quan đại diện trên lãnh thổ của Bên ký kết đó tại thời điểm bắt đầu trình tự tố tụng;

3) Bị đơn đã chấp nhận một cách rõ ràng bằng văn bản về thẩm quyền của Toà án của bên ký kết đó;

4) Bị đơn tham gia tranh tụng mà không có ý kiến về thẩm quyền của Toà án;

5) Trong trường hợp tranh chấp về hợp đồng, mà hợp đồng đã được ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết đó hoặc đã hay sẽ được thực hiện ở đó hoặc đối tượng được tranh chấp hiện có trên lãnh thổ của Bên ký kết đó;

6) Trong trường hợp phát sinh trách nhiệm ngoài hợp đồng, hành vi gây thiệt hại hoặc hậu quả của hành vi này xảy ra trên lãnh thổ của bên ký kết đó;

7) Trong trường hợp liên quan đến quy chế nhân thân, đương sự có nơi thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của Bên ký kết đó;

8) Trong trường hợp liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng, người có nghĩa vụ có nơi thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của Bên ký kết đó;

9) Trong trường hợp thừa kế, người chết có nơi thường trú hoặc có phần lớn di sản trên lãnh thổ của bên ký kết đó tại thời điểm người này chết;

10) Bất động sản là đối tượng của vụ tranh chấp nằm trên lãnh thổ của Bên ký kết đó.

2. Các quy định tại khoản 1 Điều này không được xâm hại đến thẩm quyền xét xử riêng biệt được pháp luật của mỗi Bên ký kết quy định. Hai Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao các quy định liên quan đến thẩm quyền xét xử riêng biệt được pháp luật của nước mình quy định.

Điều 19. Trình tự công nhận và thi hành

1. Bên ký kết này sẽ áp dụng pháp luật của nước mình trong việc công nhận và thi hành quyết định của Toà án của Bên ký kết kia.

2. Toà án của Bên ký kết được yêu cầu chỉ cần xác định rằng các điều kiện quy định trong Hiệp định này đã được tuân thủ, mà không xem xét nội dung của quyết định đó.

Điều 20. Hiệu lực của việc công nhận và thi hành

Quyết định của Toà án của Bên ký kết này đã được Toà án của Bên ký kết kia công nhận và cho thi hành thì có hiệu lực pháp luật như quyết định của Toà án của Bên ký kết kia.

Điều 21. Công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài

Bên ký kết này sẽ công nhận và thi hành các quyết định của Trọng tài được tuyên trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài ký tại Niu- oóc ngày 10 tháng 6 năm 1958.

Chương IV

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ HÌNH SỰ

Điều 22. Tống đạt giấy tờ

1. Bên ký kết được yêu cầu thực hiện việc tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Bên ký kết yêu cầu, trừ những giấy tờ yêu cầu một người phải có mặt với tư cách là bị cáo.

2. Các quy định tại khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này cũng được áp dụng đối với việc tống đạt giấy tờ về hình sự.

Điều 23. Điều tra, thu thập chứng cứ

1. Hai Bên ký kết, theo yêu cầu, với mục đích điều tra, thu thập chứng cứ, sẽ lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại và bị can, tiến hành giám định, khám nghiệm tư pháp và tiến hành các hành vi tố tụng khác có liên quan đến việc điều tra thu thập chứng cứ.

2. Ngoài việc phải tuân theo những quy định tại Điều 7 của Hiệp định này, yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự còn bao gồm cả việc mô tả hành vi phạm tội và những quy định của pháp luật hình sự của Bên ký kết yêu cầu theo đó hành vi này được coi là tội phạm.

3. Bên ký kết được yêu cầu thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết yêu cầu kết quả điều tra, thu thập chứng cứ cùng với những tài liệu đã thu thập được có tính chất chứng cứ.

4. Bên ký kết yêu cầu phải giữ bí mật toàn bộ giấy tờ có tính chất chứng cứ do bên ký kết được yêu cầu cung cấp và chỉ sử dụng những tài liệu này cho mục đích đã yêu cầu, trừ trường hợp hai Bên ký kết có thoả thuận khác.

Điều 24. Triệu tập và bảo hộ người làm chứng, người giám định

1. Các quy định tại Điều 13 và điều 14 của hiệp định này cũng được áp dụng đối với các vấn đề hình sự.

2. Nếu Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết này xét thấy cần thiết phải lấy lời khai của người bị giam giữ trên lãnh thổ của Bên ký kết kia với tư cách là người làm chứng, cơ quan trung ương nói tại Điều 4 của Hiệp định này sẽ thoả thuận chuyển giao người đó sang lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu với điều kiện người đó vẫn bị giam giữ và sẽ được trả lại ngay sau khi lấy xong lời khai. Trong biên bản thoả thuận chuyển giao phải ghi rõ chi phí chuyển giao.

3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu có lý do không thể chuyển giao được người nói tại khoản 2 Điều này, Bên ký kết được yêu cầu có thể từ chối chuyển giao.

Điều 25. Chuyển giao tiền và tài sản do phạm tội mà có

1. Theo yêu cầu và phù hợp với pháp luật của nước mình, Bên ký kết được yêu cầu sẽ chuyển giao cho Bên ký kết yêu cầu tiền và tài sản do phạm tội trên lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu mà có, được tìm thấy trên lãnh thổ của Bên ký kết được yêu cầu. Việc chuyển giao này không được xâm phạm đến quyền hợp pháp của Bên ký kết được yêu cầu hoặc của Bên thứ ba đối với các khoản tiền và tài sản nói trên.

2. Bên ký kết được yêu cầu có thể tạm hoãn việc chuyển giao tiền và tài sản do phạm tội mà có nếu cần sử dụng chúng trong vụ án hình sự khác đang trong quá trình tố tụng ở nước mình.

Điều 26. Thông báo bản án hình sự

Bên ký kết này sẽ cung cấp cho Bên ký kết kia bản sao các bản án hình sự liên quan đến công dân của Bên ký kết kia.

Điều 27. Từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự

1. Ngoài việc từ chối tương trợ tư pháp theo quy định tại Điều 9 của Hiệp định này, Bên ký kết được yêu cầu có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự, nếu yêu cầu liên quan đến một hành vi không bị coi là tội phạm theo quy định của pháp luật của Bên ký kết được yêu cầu.

2. Bên ký kết được yêu cầu thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết yêu cầu lý do từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.

Chương V

CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 28. Trao đổi thông tin pháp luật

1. Hai Bên ký kết, theo yêu cầu, sẽ cung cấp cho nhau những thông tin về pháp luật hiện hành và thực tiễn thi hành pháp luật trên lãnh thổ nước mình.

2. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải nêu tên cơ quan yêu cầu, cũng như mục đích của việc yêu cầu.

Điều 29. Miễn hợp pháp hoá

Trong khi thực hiện Hiệp định này, các giấy tờ và bản dịch do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của hai Bên ký kết lập hoặc xác nhận, có chữ ký và đóng dấu chính thức không phải hợp pháp hoá dưới bất cứ hình thức nào.

Điều 30. Tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ đối với công dân của nước mình

Bên ký kết này có thể tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ đối với công dân của nước mình trên lãnh thổ cuả Bên ký kết kia thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan lãnh sự của mình đóng tại Bên ký kết kia. Việc tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ bằng cách này phải tuân thủ pháp luật của Bên ký kết kia và không được áp dụng bất cứ biện pháp cưỡng chế nào.

Điều 31. Giải quyết bất đồng

Những bất đồng có thể phát sinh trong việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua đường ngoại giao.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 32. Phê chuẩn và thời điểm bắt đầu có hiệu lực

Hiệp định này cần được phê chuẩn. Việc trao đổi văn kiện phê chuẩn sẽ được tiến hành tại Hà Nội. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày, Kể từ ngày trao đổi văn kiện phê chuẩn.

Điều 33. Sửa đổi và bổ sung

Bất cứ sửa đổi hoặc bổ sung nào của Hiệp định này cũng phải được hai Bên ký kết thoả thuận thông qua đường ngoại giao và phải hoàn tất các thủ tục do pháp luật của mỗi nước quy định.

Điều 34. Hiệu lực của Hiệp định

Hiệp định này có giá trị vô thời hạn và sẽ chấm dứt hiệu lực sau 6 tháng kể từ khi bất kỳ một Bên ký kết nào đề nghị chấm dứt hiệu lực của Hiệp định bằng văn bản qua đường ngoại giao.

Làm tại Bắc Kinh ngày 19 tháng 10 năm 1998, thành hai văn bản, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc, cả hai văn bản điều có giá trị pháp lý như nhau.

Để làm bằng, những người được uỷ quyền hợp thức đã ký tên dưới đây.

TM. CỘNG HÒA XHCN
VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Nguyễn Đình Lộc

TM. CỘNG HÒA NHÂN DÂN
TRUNG HOA
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

Đường Gia Triều

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai