Luật sư bào chữa vụ “vứt con mới đẻ”

52

Giả sử bạn là luật sư bào chữa cho người vứt con mới đẻ ra phía sau nhà trọ, bạn sẽ dùng những lý lẽ gì để bào chữa cho thân chủ tại phiên tòa?

Ngày 9/12, công an quận 9 (TP.HCM) cho biết không khởi tố vụ án hình sự đối với Bùi Thị Lan (19 tuổi, ngụ Quảng Trị, tạm trú phường Phước Long B, quận 9), đối tượng bỏ rơi con mới đẻ phía sau khu nhà trọ khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9.

Tuy nhiên, công an quận 9 đề nghị công an phường Phước Long B cần có biện pháp quản lý giáo dục đối với Lan trước đoàn thể, chi hội về hành vi nhẫn tâm của người mẹ trẻ này.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 16/11, bà Nguyễn Thị Bé (61 tuổi), chủ nhà trọ nơi Lan thuê đi ra phía sau nhà để hái lá cốt thì phát hiện một bịch nilon động đậy. Bà Bé mở bịch nilon ra xem thử thì phát hiện bên trong có một bé gái sơ sinh liền đưa đến trạm Y tế phường Phước Long B rồi ra công an trình báo. Qua điều tra, công an xác định, Lan chính là mẹ của đứa bé mới sinh.

Tại cơ quan điều tra, Lan khai nhận: Khoảng tháng 9/2009, Lan đi thăm bạn ở Biên Hòa và quen biết với anh H.D.N. (27 tuổi), bộ đội đóng quân tại sân bay Biên Hòa – Đồng Nai.

Quá trình tìm hiểu, cả hai yêu nhau. Tháng 12/2009, anh N. xuất ngũ, Lan cũng chuyển về khu vực phường Phước Long B thuê nhà ở. Trong thời gian này, Lan và anh N. nhiều lần quan hệ với nhau, anh N cũng đưa Lan về nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM giới thiệu với gia đình.

Khoảng tháng 3/2010, Lan đi khám và phát hiện mình mang thai đã 11 tuần tuổi. Lan báo cho anh N biết, sau đó cả hai bàn bạc sẽ nói cho hai bên gia đình biết rồi cùng giải quyết.

Tuy nhiên, Lan nhất định đòi phá thai nhưng anh N. không đồng ý. Sau đó, Lan và anh N. giận nhau không nói chuyện với nhau cũng như không thông báo cho gia đình hai bên biết. Trong thời gian mang thai, Lan vẫn đi làm bình thường. Để che giấu việc mình mang thai, Lan luôn mặc áo khoác ngoài, ít tiếp xúc với người xung quanh.

Đến khoảng 4h ngày 16/11, Lan đang ở trong phòng trọ thì thấy đau bụng. Lan vào toilet sinh ra một bé gái. Vì lo sợ nên Lan đã bỏ bé gái vào bịch nilon cột gút lại và đem ra phía sau nhà, cách phòng trọ 2m để rồi vào phòng dọn dẹp toilet và đi ngủ đến sáng dậy đi làm bình thường.

Ngày 18/11, Lan phải nhập viện do hậu sản. Cũng trong ngày 18/11, đứa bé Lan sinh ra cũng phải nhập viện điều trị do nhiễm trùng.

Anh H.D.N. khai nhận, sau khi biết Lan có thai thì hai bên giận nhau. Đến ngày 18/11, hay tin Lan đã sinh con nên anh đã vào viện chăm sóc Lan. Anh N. xin được nhận lại con của mình…

Một bé gái sơ sinh vừa bị bỏ rơi tại TP.HCM. (Ảnh minh họa).

Đánh giá vụ án, cơ quan điều tra nhận xét: Đây là vụ giết con mới đẻ do Bùi Thị Lan thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp do bị ảnh hưởng tư tưởng lạc hậu và trong hoàn cảnh đơn chiếc, do sợ dư luận và bế tắc. Tuy nhiên, về ý thức chủ quan thì Lan không mong muốn cháu bé sẽ chết, thể hiện rõ Lan chỉ cột hai quai túi nilon lại với nhau để có không khí vào, trong vòng hai giờ bị bỏ rơi đứa trẻ vẫn sống.

Vị trí để đứa bé sát sau nhà thuận lợi có người qua lại dễ phát hiện để cứu đứa trẻ. Vì vậy, xét về mặt dấu hiệu pháp lý, việc đứa trẻ mới đẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Trong trường hợp này, tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt nên cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.

Giả sử vụ án đã được khởi tố và đối tượng Bùi Thị Lan bị đưa ra xét xử về tội Giết con mới đẻ, là luật sư của Lan, bạn sẽ dùng những lý lẽ gì để bào chữa cho Lan tại phiên tòa? Cần phải nói rõ rằng đây chỉ là một phiên tòa giả định.

Luật sư bào chữa cho Lan: Đáng phê phán nhưng không phạm tội

Những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng giết hoặc vứt bỏ trẻ sơ sinh mà người thực hiện hành vi này là cha mẹ hoặc người thân của trẻ sơ sinh đã diễn ra ngày càng nhiều, khiến dư luận bất bình.

Những hành vi trên không chỉ vi phạm về đạo đức xã hội mà còn trực tiếp vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế về bảo vệ quyền con người nói chung và các quy định về bảo vệ quyền trẻ em nói riêng, trực tiếp xâm phạm đến quyền sống của trẻ em. Những hành vi như của bị cáo Lan là đáng lên án về mặt đạo đức.

Tuy nhiên, nếu được mời làm luật sư bào chữa cho Lan trong vụ án này, tôi sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật và các tình tiết của vụ án để chứng minh rằng, hành vi của thân chủ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Hành vi giết con mới đẻ là hành động giết con mới đẻ bằng cách tác động trực tiếp đến thân thể nhằm mục đích tước bỏ sự sống của con mình, các hành vi ở dạng này được phản ánh rất đa dạng như hành động bóp cổ, thắt cổ, đâm, chém, chôn sống, cho uống thuốc độc…

Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với một hành vi khi hành vi đó thỏa mãn với một cấu thành tội phạm nhất định. Một người chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi của người đó thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể được Bộ luật Hình sự quy định.

Mặt khác, về nguyên nhân thực hiện hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, lý do người mẹ thực hiện hành vi giết con mình là vì chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu như tin vào bói toán, thần thánh hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt như sinh ra đứa con nhưng bị dị tật bẩm sinh, bị bệnh nan y mà việc việc chữa trị rất khó khăn, tốn kém…

Hành động bỏ con vào bao rồi bỏ sau nhà của thân chủ tôi là do tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề về việc không chồng mà sinh con, sợ bị gia đình, người thân, bạn bè dè bỉu, chê cười nên trong lúc nghĩ quẩn thân chủ tôi mới có hành động dại dột như vậy. Bởi lẽ nếu muốn từ bỏ đứa con của mình thì Lan có thể phá thai từ trước chứ không đợi đến lúc sinh con rồi mới giết.

Hành vi bỏ con vào bao của thân chủ tôi không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Điều này thể hiện ở chỗ miệng bao vẫn để hở để cho không khí vào và nơi bỏ đứa bé lại ở ngay sát vách nhà, thường có người lui tới để hái rau.

Mục đích của thân chủ tôi khi bỏ đứa bé ở đó là mong muốn có ai đó đi ngang qua nhận cháu bé về nuôi giúp khi bản thân Lan không thể làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Nếu thật sự Lan muốn giết đứa bé như cáo trạng của Viện Kiểm sát thì không việc gì lại để miệng bao hở và bỏ đứa bé ở chỗ có nhiều người qua lại như vậy.

Hậu quả cấu thành tội phạm của tội giết con mới đẻ là nạn nhân phải chết. Trong vụ án này, đứa con của Bùi Thị Lan chưa chết nên hành động vứt bỏ đứa con của mình của Lan không đủ yếu tố cấu thành tội phạm mặc dù có thỏa mãn đủ các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm.

Việc xem xét hậu quả của tội giết con mới đẻ phải được xem xét từ quy định của cấu thành tội phạm đó, hậu quả của tội phạm phải do hành vi phạm tội gây ra. Theo đó, tội phạm này có thể được thực hiện bằng hành vi hành động giết con mới đẻ hoặc do hành vi vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến đứa trẻ chết.

Hành động giết con mới đẻ là dạng hành vi phạm tội bằng thủ đoạn trực tiếp tác động đến tính mạng của nạn nhân như hành vi của giết người. Do vậy tính chất nguy hiểm của hành vi rõ ràng là rất cao, vì vậy có thể không cần phải tới mức đã gây ra hậu quả đứa trẻ đã chết cũng đã phản ánh đầy đủ tính chất nguy hiểm của nó.

Ngược lại đối với hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh là dạng hành vi hành động, là việc không thực hiện nghĩa vụ phải nuôi dưỡng con mình theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh của Bùi Thị Lan chỉ bị coi là nguy hiểm cao đến mức là tội phạm khi gây ra hậu quả đứa trẻ đã chết.

Kính thưa Hội đồng xét xử, căn cứ vào diễn biến của vụ án, mục đích của thân chủ tôi không phải là muốn giết đứa con do mình đứt ruột đẻ ra và thực tế hậu quả chết người chưa xảy ra nên căn cứ vào Điều 94 Bộ luật Hình sự 1999, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thân chủ tôi không phạm tội giết con mới đẻ.

Nguyễn Quốc Sử (Nguoiduatin)

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai