Luật sư Phạm Văn Bạch – Người trí thức tiêu biểu từ thời chiến đến thời bình

332

Luật sư Phạm Văn Bạch – Người trí thức tiêu biểu từ thời chiến đến thời bình

– — Suốt 9 năm kháng chiến (1945-1954), ông đứng đầu bộ máy chính quyền ở Nam Bộ

— – Suốt 22 năm sau giải phóng (1959-1981), ông làm Chánh án Toà án nhân dân tối cao

XUẤT THÂN

Phạm Văn Bạch (thường gọi là Hai Bạch) sinh ngày 18/6/1910 tại làng Khánh Lộc, tỉnh Trà Vinh (nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành). Cha làm công chức ở Sài Gòn, mẹ mất sớm nên lúc nhỏ ông sống với ông bà ngoại và người cậu ruột.

Từ bé, đến năm 15 tuổi, ông học tiểu học ở Trà Vinh rồi trung học ở Cần Thơ và Mỹ Tho. Khoảng năm 1926, ông cùng nhóm 16 học sinh tích cực tham gia biểu tình, bãi khoá đòi thả bốn học sinh khác bị bắt giam vì bị tình nghi “làm chính trị” rồi bãi khoá để tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh nên bị nhà trường đuổi học.

Sau đó, Phạm Văn Bạch theo gia đình người cậu xuất cảnh sang Pháp. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật và Triết học tại Trường Đại học Lyon ở miền Đông Nam nước Pháp, ông tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh và đến năm 1936 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật khoa hạng ưu về đề tài “Cách mạng ruộng đất và thực tiễn Xô-viết”. Chính nhờ luận án này mà về sau Phạm Văn Bạch đã khẳng định trong lựa chọn với quyết tâm phấn đấu chính trị của mình. Ngay những năm du học ở Pháp, ông đã tham gia hoạt động trong các tổ chức thanh niên cộng sản Pháp, tham gia các câu lạc bộ chính trị…

ĐỨNG ĐẦU CHÍNH QUYỀN NAM BỘ THỜI KHÁNG CHIẾN

Sau khi du học thành tài về nước, Phạm Văn Bạch về Cần Thơ dạy học và làm luật sư bào chữa chứ không xin việc “làm quan” trong các công sở của nhà nước thuộc địa lúc bấy giờ với tấm bằng Tiến sĩ Luật khoa. Ông đồng thời cũng có liên hệ với nhiều người hoạt động cách mạng và trí thức yêu nước ở Nam Kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Năm 1945, ông tích cực tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Cần Thơ.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Nam Bộ

Theo diễn tiến Cách mạng tháng Tám, 18 giờ chiều ngày 24/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Sài Gòn là trung tâm khởi nghĩa của toàn Nam Bộ. Một Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ (Lâm uỷ hành chánh Nam Bộ) được công bố thành lập tại cuộc biểu tình sáng ngày hôm sau (25/8) do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.

Thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ, cần giao nhiệm vụ quan trọng trong các tổ chức cách mạng cho các nhân sĩ trí thức yêu nước, nên hai ngày sau khi giành được chính quyền, theo Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ đổi thành Uỷ ban nhân dân Nam Bộ di một nhân vật không đảng phái đứng đầu, thành lập Uỷ ban nhân dân các cấp, mở rộng thành phần Mặt trận Việt Minh. Năm ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuên ngôn độc lập, theo quyết định của Trung ương, chiều ngày 7/9/1945, Uỷ ban nhân dân Nam Bộ được thành lập thay thế cho Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ, không thuộc đảng phái nào. Người Chủ tịch lãnh đạo chính quyền đầu tiên ở Nam Bộ đó là Tiến sĩ Giáo sư – Luật sư Phạm Văn Bạch.

Lúc đó Phạm Văn Bạch đang ở Cần Thơ, được mời lên Sài Gòn nhận nhiệm vụ. Uỷ ban nhân (nhơn) dân Nam Bộ đặt tại Dinh Đốc lý cũ (nay là trụ ở Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1). Lúc này, Phạm Văn Bạch và Phạm Ngọc Thạch đều “cỡ 35 tuổi mà anh Thạch lại được phân công lo ngoại giao nên hai đứa tôi (Phạm Văn Bạch và Phạm Ngọc Thạch – TG) phải khai tăng 10 tuổi, để dễ nói chuyện với bọn Anh, Pháp…”.

Với ý đồ trở lại xâm lược Việt Nam, vào đêm 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, quân Pháp bất ngờ nổ súng đánh chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ. Đến sáng, Uỷ ban nhân dân Nam Bộ họp khẩn cấp cùng đại diện Xứ uỷ và Tổng bộ Việt Minh quyết định thành lập Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ phát lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân xâm lược.

Đứng đầu bộ máy chính quyền ở Nam Bộ 9 năm kháng chiến (1945-1954)

Lực lượng vũ trang Nam Bộ sau một thời gian cầm cự với quân địch trong nội thành Sài Gòn đã được lệnh rút lui ra ngoại thành và vùng bưng biền để xây dựng căn cứ, tiếp tục chiến đấu. Cuối tháng 11/1945, Nam Bộ chính thức được chia thành ba chiến khu VII, VIII, IX; Lạc An, Đồng Tháp Mười và U Minh trở thành căn cứ cho các chiến khu. Đồng Tháp Mười là “thủ phủ” của Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến nên các cơ quan đầu não của Nam Bộ đều đóng ở đó. “Những người Pháp ở nước họ cũng đã không tưởng tượng được những người Việt Nam vóc nhỏ, nước da đen sạm, có vẻ ít nói, chí thú làm ăn, học hành ấy, cho dù có đạt cấp nọ bằng kia của họ, lại có thể thành lập những chiến khu, thoắt biến thoắt hiện hạ Tây như bỡn và trở nên nỗi ám ảnh lớn cho những người đồng hương với họ đến xâm lược nước người và hành động dã man”.

Theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/1/1945 về việc tổ chức Uỷ ban hành chánh các cấp, Uỷ ban nhân dân Nam Bộ (thành lập từ cuối tháng 8/1945) đổi tên thàỷ ban hành chánh Nam Bộ.

Cuối năm 1945 đầu năm 1946, chiến tranh lan rộng đến các tỉnh miền Nam Trung Bộ nên Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ được giải thể, thay vào đó là Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam. Chủ tịch Uỷ ban hành chánh Nam Bộ Phạm Văn Bạch sau khi ra Hà Nội gặp Trung ương, được cử nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam đóng ở Phú Yên (phụ trách từ tỉnh Phú Yên tới mũi Cà Mau). Luật sư Phạm Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chánh Nam Bộ được cử chức quyền Chủ tịch tạm thay Phạm Văn Bạch.

Các Uỷ viên Uỷ ban hành chánh Nam Bộ lúc đó gồm: Ung Văn Khiêm (Nội vụ), Nguyễn Bình (Quân sự), Diệp Ba (Công an), Phạm Thiều (Tuyên truyền), Kha Vạng Cân (Kinh tế), Nguyễn Thành Vĩnh (Tài chính), Huỳnh Phú Sổ (Uỷ viên đặc biệt)… và Trần Bửu Kiếm (Tổng thư ký).

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 1/10/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 91/SL hợp nhất Uỷ ban kháng chiến và Uỷ ban hành chánh các cấp thành Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chánh. Đầu năm 1948, theo Sắc lệnh số 120/SL ngày 25/1/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam giải thể; đồng thời thành lập Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính Nam Trung Bộ và Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chánh Nam Bộ. Phạm Văn Bạch từ Phú Yên được điều về lại chiến khu Đồng Tháp Mười. Ngày 15/2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 132/SL và 133/SL cử Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Luật sư Phạm Ngọc Thuần và Trung tướng Nguyễn Bình làm Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chánh Nam Bộ.

Đến ngày 25/3/1948, trong tên tổ chức chữ “kiêm” được bỏ, đổi thành Uỷ ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Từ cuối năm 1946, các cơ quan quân – dân – chính – Đảng cấp Nam Bộ đều đóng tại căn cứ Đồng Tháp Mười. Đầu tháng 5/1949, Uỷ ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ và các cơ quan trực thuộc đều dời về chiến khu U Minh gồm U Minh Thượng và U Minh Hạ (Bạc Liêu – Cà Mau). Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chánh Phạm Văn Bạch cùng toàn bộ Uỷ ban di chuyển về miền Tây Nam Bộ. Ông liên tục giữ chức vụ này đến khi đình chiến năm 1954.

Trong thời gian 19451954, Phạm Văn Bạch đã có những đóng góp to lớn khiến người sau phải suy nghĩ về tư duy tiến bộ của ông: trong thời gian kháng chiến ông vẫn suy nghĩ để ban hành những văn bản pháp quy xây dựng đất nước sau khi kháng chiến thành công như Chỉ thị số 50-KH.52 về việc bảo vệ các khu rừng quốc gia; Chỉ thị số 57-KH.52 ngày 23/8/1952 về việc sử dụng các hình thức văn nghệ cũ “không những bình thường hoá sinh hoạt văn hoá – văn nghệ của nhân dân và bộ đội mà còn uốn nắn cả cách hiểu ấu trĩ, quan điểm tả khuynh về văn hoá – văn nghệ của nhiều cán bộ trong vùng kháng chiến đương thời”.

Thời 9 năm kháng chiến, ở vùng chiến khu Nam Bộ an ninh trật tự được bảo đảm: “Trong vùng ta kiểm soát không trộm cắp, không giết người (trừ giết địch). Pháp chế dân chủ nhân dân của Chính phủ và chính quyền Nam Bộ luôn được tuân thủ ở các vùng giải phóng. Nguên tắc tập trung dân chủ luôn luôn được tôn trọng, không hề có hành động “phép vua thua lệ làng”. Công an các cấp thật sự là bạn của nhân dân”.

Trong chiến khu, cán bộ thường khi đến cùng ở nhà dân. “Có gia đình tôi đến ở hàng 2 tháng, tới lúc chia tay họ mới nói ra: Tui biết anh là anh Bạch, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ chớ, nhưng lau nay sợ anh mất tự nhiên nên cả nhà không ai dám nói ra”…

GIỮ NHIỀU TRỌNG TRÁCH Ở TRUNG ƯƠNG

Sau Hiệp định Geneve, tháng 9/1954 Phạm Văn Bạch tập kết ra Bắc và lần lượt được giữ các chức vụ trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở Trung ương sau đây:

Phó Trưởng Ban miền Nam của Trung ương Đảng (1954).

Thứ trưởng Bộ nội vụ (1954-1957): Bước vào thời kỳ mới, công việc của Chính phủ ngày càng nhiều và phức tạp, việc tăng cường cán bộ cho một số cơ quan ở trung ương và địa phương là cần thiết. Vì vậy, Hội đồng Chính phủ quyết nghị cử ông Phạm Văn Bạch, nguyên Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ nội vụ.

– Thứ trưởng tại Phủ Thủ tướng (1957-1959): Trong thời gian này (1958), ông tham gia Uỷ ban kiện toàn tổ chức Trung ương, các khu, thành và tỉnh do ông Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao (1959-1981): Trung tuần tháng 5/1959, sau khi thông qua kế hoạch nhà nước năm 1959, Hội đồng Chính phủ quyết định cải tổ, bổ sung các thành viên Chính phủ, theo đó ông Phạm Văn Bạch giữ chức Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Ông liên tục giữ chức vụ này từ khi ngành toà án được thành lập (1960) theo mô hình mới cho đến khi nghỉ hưu (1981).

Ở miền Bắc, trong giai đoạn đầu giải phóng, để chuẩn bị đi lên chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng về tự do dân chủ và đến năm 1958 đã quyết định thành lập Toà án nhân dân tối cao và hệ thống toà án, đồng thời thành lập Viện Công tố trung ương và hệ thống viện công tố. Lúc này, ông Trân Công Tường làm quyền Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Cuối năm 1959, Quốc hội Khoá I thông qua Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở nước ta và ngày 14/7/1960 thông qua Luật Tổ chức toà án nhân dân quy định tổ chức toà án kiểu xã hội chủ nghĩa. Toà án nhân dân tối cao theo mô hình mới chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Trong thời gian này ông Phạm Văn Bạch (đã làm Chánh án Toà án nhân dân tối cao từ tháng 5/1958, kế nhiệm ông Trần Công Tường) tiếp tục được Quốc hội bầu làm Chánh án Toà án nhân dân tối cao liên tục đến khi ông nghỉ hưu vào tháng 5/1981. Suốt 21 năm với cương vị người đứng đầu ngành toà án, ông đã để lại trong lòng cán bộ, công chức cũng như người dân những ấn tượng tốt đẹp về phong cách làm việc tận tuỵ, chí công vô tư của cán bộ toà án nhân dân.

Sau khi về hưu, Phạm Văn Bạch ghi lại hồi ký về các sự kiện cách mạng và cuộc đời mình (đăng báo Nhân dân liên tục từ ngày 22 đến 26/8/1982) có đoạn kể về thời gian ông công tác đứng đầu ngành toà án nhân dân: “Công việc toà án là một công việc rất nhiều khê, rối rắm nhưng khi tháo gỡ được một cái gút nào đó để nhân dân hưởng lẽ công bằng của chân lý thì thật không gì hạnh phúc bằng. Có những vụ án khi giám đốc xét xử và xử cuối cùng, Toà án nhân dân tối cao phát hiện ra những tình tiết mới chứng minh không thể chối cãi rằng người đã bị lên án là không có tội hoặc đáng được khoan hồng hoặc khẳng định được kẻ bị kết án đúng là đã phạm tội. Theo đó mà bản án được sửa chữa hoặc bổ sung. Còn nhớ trong một vụ án, tôi đã tìm ra kẻ nguyên cáo chính ra phải là bị cáo và như thế vì công lý, vụ án đã đảo ngược. Suốt đời tôi, đây là lần đầu tiên mà tôi thấy toà án kiên quyết bảo vệ sự thật, một ông cụ sau đó đã làm một bài thơ tặng tôi.

Ngoài những chức vụ kể trên, trong thời gian tập kết ra Bắc, Luật sư Phạm Văn Bạch còn tham gia giữ các chức vụ lãnh đạo các đoàn thể chính trị – xã hội – nghề nghiệp cấp Trung ương:

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam  liên tục khi thành lập Hội ngày 29/3/1955 (Khoá I: 1955-1957) đến khi ông qua đời (Khoá VI: 1980-1987).

Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ tháng 3/1983 đến tháng 3/1986).

Phó Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL): Hội được thành lập từ tháng 10/1946, là tổ chức phi chính phủ có tư cách cố vấn tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), trụ sở đặt tại Bruxelles (Bỉ).

Ông về nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 5/1981 và qua đời ngày 8/3/1986, thọ 76 tuổi. Để ghi nhớ công lao cống hiến của ông, hiện nay ở các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…đều có đường mang tên Phạm Văn Bạch.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai