Một số vấn đề cần chú ý khi xét xử vụ án hình sự

120

Một phiên toà nói chung và phiên toà hình sự nói riêng có bảo đảm tính chất tranh tụng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng vai trò của chủ toạ phiên toà là quan trọng nhất. Kết quả phiên toà phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của chủ toạ phiên toà.

Mặc dù trong các Hội nghị tổng kết công tác xét xử, các văn bản hướng dẫn, Toà án nhân dân tối cao thường xuyên nhắc nhở các Toà án phải tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp và Nghị quyết số 49NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49) và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 để việc xét xử vụ án hình sự “bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà”.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 để tổ chức phiên toà xét xử các vụ án hình sự ở Toà án các cấp có tiến bộ; phiên toà đã từng bước bảo đảm được sự tôn nghiêm, dân chủ và văn minh của pháp luật; việc xét hỏi và tranh luận tại phiên toà được đổi mới và dân chủ; Toà án đã tạo mọi điều kiện bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của họ; Luật sư và những người tham gia tố tụng được trình bày hết ý kiến của mình; những câu hỏi của Hội đồng xét xử và của Kiểm sát viên cũng thể hiện tính khách quan hơn; việc phán quyết của Toà án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, các ý kiến của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy một số Thẩm phán vẫn chưa quán triệt đầy đủ tinh thần tranh tụng tại phiên toà theo Nghị quyết số 08 và các hướng dẫn của Ban cải cách tư pháp trung ương, của Toà án nhân dân tối cao, nên có không ít phiên toà hình sự chưa thể hiện tinh thần tranh tụng, còn mất dân chủ, chưa bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; phán quyết của Toà án chưa căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà chưa nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và kỹ năng điều khiển phiên toà theo tinh thần Nghị quyết số 08.

Nhằm cung cấp thêm kinh nghiệm cho đội ngũ Thẩm phán mà đặc biệt là Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà đối với vụ án hình sự, chúng tôi xin trao đổi thêm về một số vấn đề cần chú ý khi xét xử vụ án hình sự theo tinh thần Nghị quyết số 08, số 49 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, thì Chủ toạ phiên toà vừa là người tiến hành tố tụng vừa là người điều khiển toàn bộ hoạt động tố tụng tại phiên toà của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác.

Để tổ chức và điều khiển phiên toà đạt kết quả theo tinh thần Nghị quyết số 08, số 49 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chủ toạ phiên toà phải thực hiện nhiều việc, trong đó có những việc thuộc kỹ năng xử l› các tình huống tại phiên toà, có việc thuộc về công tác chuẩn bị trước khi mở phiên toà.

1. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Giai đoạn chuẩn bị xét xử là thời gian từ khi Toà án nhận hồ sơ vụ án (thụ l› vụ án) đến trước ngày khai mạc phiên toà. Trong giai đoạn này Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà phải giải quyết nhiều việc theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Yêu cầu đối với Thẩm phán chủ toạ phiên toà trong giai đoạn này là phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu như không thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự (trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án).20 Để đưa vụ án ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, công tác chuẩn bị là rất quan trọng cho việc xét xử tại phiên toà, nếu chuẩn bị tốt thì việc xét xử sẽ đạt kết quả tốt. Công tác chuẩn bị bao gồm: nghiên cứu hồ sơ vụ án; dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên toà; triệu tập những người đến tham dự phiên toà; chuẩn bị đề cương điều khiển phiên toà và đề cương xét hỏi; ra các quyết định trước khi mở phiên toà; dự thảo án văn và các quyết định khác; chuẩn bị những điều kiện vật chất cho việc xét xử.

a).  Nghiên cứu hồ sơ vụ án

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, thì trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm hồ sơ vụ án được thu thập theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thực hiện, Thẩm phán hoàn toàn không được tham gia, chứng kiến các hoạt động điều tra, thu thập tài liệu của Cơ quan điều tra. Do đó việc nghiên cứu hồ sơ vụ án là vô cùng quan trọng. Mục đích của việc nghiên cứu hồ sơ vụ án không chỉ để ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự, mà còn phát hiện những vi phạm trong hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, và nếu vụ án được đưa ra xét xử thì đó còn là tập tài liệu để Thẩm phán chủ toạ phiên toà sử dụng trong quá trình xét xử.

Thực tiễn xét xử cho thấy, có nhiều trường hợp do nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ đã dẫn đến việc ra các quyết định không đúng với khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự như: Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, nhưng vấn đề cần điều tra bổ sung đã được thu thập và có trong hồ sơ vụ án; có trường hợp do vụ án phải điều tra bổ sung nhiều lần nên trong hồ sơ vụ án có nhiều bản cáo trạng khác nhau, nhưng do nghiên cứu không kỹ nên lẽ ra phải xét xử theo bản cáo trạng A thì Toà án lại xét xử theo bản cáo trạng B. Có trường hợp hồ sơ vụ án do có 2 lần xét xử sơ thẩm, lần thứ nhất bị Toà án cấp phúc thẩm huỷ để xét xử sơ thẩm lại vì Toà án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (lẽ ra Hội đồng xét xử phải có 5 người thì chỉ có 3 người); khắc phục sai lầm của việc xét xử sơ thẩm lần 1 nên Hội đồng xét xử sơ thẩm lần 2 đã có 5 người, nhưng do nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ nên Thẩm phán chủ toạ phiên toà phúc thẩm chỉ đọc bản án và biên bản phiên toà sơ thẩm lần 1 nên đã quyết định huỷ bản án sơ thẩm lần 2 một lần nữa với lý do “Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ có 3 người”. Có không ít trường hợp Thẩm phán chủ toạ phiên toà đọc hồ sơ vụ án rất kỹ nhưng lại không có khả năng phân tích, tổng hợp nên không nắm được các tình tiết của vụ án, dẫn đến ra bản án không đúng pháp luật. Có trường hợp Thẩm phán chủ toạ phiên toà khi nghiên cứu hồ sơ vụ án đã không thể hiện tính khách quan mà chỉ chú tâm nghiên cứu các tài liệu là chứng cứ buộc tội mà bỏ qua các tài liệu là chứng cứ gỡ tội cho bị cáo hoặc ngược lại. v.v… Tóm lại, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự để chuẩn bị xét xử sơ thẩm, phúc thẩm của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà còn nhiều thiếu sót, nhiều vụ án bị huỷ, bị sửa hoặc bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ vì Thẩm phán chủ toạ phiên toà nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ.

Để khắc phục những thiếu sót trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên toà cần chú ý một số vấn đề sau:

–  Kiểm tra các tài liệu có trong hồ sơ vụ án

Một hồ sơ vụ án hình sự hoàn chỉnh phải đầy đủ các tài liệu mà theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự các cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập và được lưu trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên hồ sơ vụ án hình sự hiện nay nói chung chưa đạt yêu cầu, chưa đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cả về hình thức cũng như nội dung: Nhiều tài liệu cần thiết cho việc xác định sự thật vụ án không được thu thập; có tài liệu được thu thập không đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc không có giá trị pháp luật chứng minh (bản photocopy không có xác nhận sao y bản chính); có tài liệu không phải ảnh sự thật khách quan về các tình tiết có liên quan đến vụ án; có tài liệu của nước ngoài nhưng không được dịch ra tiếng Việt; các biên bản được lập không đúng với quy định tại Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự .v.v…

Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hình sự trước khi chuyển sang Toà án, Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên đã sắp xếp theo một thứ tự nhất định và “đánh số bút lục”. Khi Toà án đã thụ lý, ngoài những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Toà án có thể bổ sung các tài liệu khác do Toà án thu thập hoặc do những người tham gia tố tụng cung cấp. Các tài liệu này, nếu Toà án thấy có giá trị chứng minh và có liên quan đến vụ án thì Toà án đưa vào hồ sơ vụ án và đánh số bút lục tiếp theo bút lục cuối cùng khi Toà án thụ lý vụ án. Hiện nay, việc đánh số bút lục trong hồ sơ vụ án không được quy định thống nhất, hồ sơ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng nào quản lý thì cơ quan đó đánh số bút lục. Ví dụ: Cơ quan điều tra đã đánh số bút lục từ 1 đến 500; khi Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát đánh lại số bút lục theo dấu bút lục của Viện kiểm sát mà không đánh tiếp theo số bút lục của Cơ quan điều tra; khi hồ sơ vụ án chuyển sang Toà án một số Toà án cũng làm tương tự như vậy, dẫn đến một tài liệu có trong hồ sơ vụ án có tới 3 bút lục khác nhau. Điều này cũng gây rắc rối trong quá trình giải quyết vụ án. Ví dụ: Một lời khai của người làm chứng tại cơ quan điều tra được đánh số bút lục 70, nhưng Viện kiểm sát đánh số bút lục 73, còn Toà án thì đánh số bút lục 75, dẫn đến tình trạng cùng một tài liệu nhưng mỗi cơ quan tiến hành tố tụng trích dẫn khác nhau về số bút lục có trong hồ sơ vụ án.

Hiện nay tuy giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án) chưa có hướng dẫn chung về việc đánh số bút lục trong hồ sơ vụ án, đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hồ sơ vụ án hình sự cùng một tài liệu có nhiều bút lục khác nhau. Vì vậy việc sắp xếp lại hồ sơ vụ án theo một thứ tự hợp lý để khi cần là có thể lấy được ngay. Việc sắp xếp hồ sơ vụ án nên theo một trình tự thời gian từ khi khởi tố vụ án đến khi xét xử gồm nhóm các vấn đề sau:

– Các tài liệu về khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

– Các tài liệu về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn;

– Các tài liệu về việc thu giữ, bảo quản vật chứng hoặc các tài sản;

– Các tài liệu về lời khai của người tham gia tố tụng:

– Các tài liệu về nhân thân bị can;

– Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án hoặc bị can, phục hồi điều tra;

– Các tài liệu kết thúc điều tra;

– Các tài liệu về quyết định truy tố;

– Các tài liệu của Toà án (đối với hồ sơ vụ án vụ án đưa ra xét xử phúc thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại).

– Những vấn đề cần chú ý khi nghiên cứu hồ sơ vụ án

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải đọc hết tất cả các tài liệu, không bỏ sót bất cứ một tài liệu nào. Đối với vụ án có nhiều bị cáo, hồ sơ dầy tới hàng nghìn bút lục, được đóng thành nhiều tập khác nhau, dự kiến xét xử nhiều ngày thì cần có sự phân công Thẩm phán chủ toạ phiên toà nghiên cứu những tài liệu nào, còn tài liệu nào giao cho Thẩm phán và  Hội thẩm nghiên cứu. Sau đó giữa chủ toạ phiên toà với Thẩm phán và Hội thẩm phải hệ thống lại và lập ra bảng tóm tắt về hành vi của từng bị cáo trong vụ án.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, chủ toạ phiên toà không chỉ nghiên cứu nội dung của các tài liệu, mà phải kiểm tra phát hiện xem các tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập về hình thức cũng như nội dung đã đúng với quy định của pháp luật hay không (tính hợp pháp của tài liệu). Để kiểm tra được tính hợp pháp của các tài liệu có trong hồ sơ, đòi hỏi Thẩm phán phải nắm chắc các quy định của pháp luật về việc lập các văn bản cũng như việc sao chép các văn bản. Trong nhiều trường hợp, do tài liệu không bảo đảm tính hợp pháp nên mặc dù bản án hoặc quyết định đúng về nội dung nhưng vẫn có thể bị huỷ theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm.

Khi nghiên cứu hồ sơ, cần ghi chép những vấn đề cần thiết (lập tiểu hồ sơ). Việc ghi chép những vấn đề cần thiết khi nghiên cứu hồ sơ cũng là một phương pháp đem lại hiệu quả, bởi vì, dù có trí nhớ tốt, thì cũng không thể thuộc lòng những tình tiết của vụ án đã được thu thập trong hồ sơ. Nhưng ghi chép như thế nào (nhiều hay ít) là do kỹ năng của từng người và phải bảo đảm trình bày được toàn bộ nội dung và các tình tiết có liên quan đến vụ án mà không cần phải có hồ sơ vụ án. (Khi trình bày, có thể nêu một số vấn đề cần ghi chép đối với từng tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được học).

b). Về quyết định đưa vụ án ra xét xử

Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà chỉ quyết định đưa vụ án ra xét xử khi đã thấy các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, không cần phải điều tra bổ sung, không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án.

Nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử phải bảo đảm đúng với quy định tại Điều 178 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử cần phải xác định đúng, đủ những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Thẩm phán căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử để triệu tập những người đến phiên toà. Đây là vấn đề rất quan trọng và cũng là vấn đề khó khăn của Toà án hiện nay. Thực tiễn xét xử đã có nhiều trường hợp người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên toà do không được triệu tập hoặc tuy Toà án có triệu tập nhưng người được triệu tập không nhận được nên phiên toà phải hoãn hoặc bản án mà Toà án đã tuyên bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Để khắc phục tình trạng người được triệu tập đến phiên toà vắng mặt không rõ lý do dẫn đến phải hoãn phiên toà hoặc nếu xét xử vắng mặt họ là vi phạm tố tụng thì Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải dự kiến trước các trường hợp bắt buộc phải có mặt, gần đến ngày mở phiên toà có thể liên hệ với chính quyền địa phương qua điện thoại hoặc trực tiếp đến tận nơi để kiểm tra xem người được triệu tập đến phiên toà đã nhận được giấy triệu tập chưa; dự kiến các trường hợp nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải áp giải.

c). Chuẩn bị đề cương điều khiển phiên toà

Việc điều khiển phiên toà từ khi khai mạc đến khi kết thúc phiên toà phải theo một thứ tự nhất định. Một phiên toà có dân chủ hay không phụ thuộc vào sự điều khiển của chủ toạ phiên toà. Vì vậy, Thẩm phán chủ toạ phiên toà cần có một bản đề cương, ghi trình tự các việc cần phải làm từ khi khai mạc phiên toà đến khi kết thúc phiên toà. Nội dung của bản đề cương này có thể dùng cho nhiều vụ án nhưng đối với vụ án cụ thể, Thẩm phán chủ toạ phiên toà căn cứ vào đề cương chung mà cụ thể hoá cho phù hợp với vụ án mà mình làm chủ toạ. Trong quá trình xét xử, phần nào đã giải quyết thì đánh dấu lại để không bị sót cũng như không bị lặp lại.21

d). Lập kế hoạch xét hỏi

Kế hoạch xét hỏi là những dự kiến của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà về việc xét hỏi những người tham gia tố tụng tại phiên toà, những dự kiến này dựa trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án mà đặc biệt là nghiên cứu những lời khai của họ tại cơ quan điều tra, tại phiên toà sơ thẩm (nếu là xét xử phúc thẩm). Việc lập kế hoạch xét hỏi bao gồm việc xác định trình tự xét hỏi, dự kiến các câu hỏi và thời gian xét hỏi cho mỗi đối tượng, dự kiến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình xét hỏi. Kế hoạch xét hỏi còn phụ thuộc vào từng vụ án cụ thể, nếu vụ án có nhiều người tham gia và bị truy tố về tội khác nhau, thì cần lập kế hoạch xét hỏi sao cho phù hợp. Có thể xét hỏi theo từng nhóm hoặc từng tội phạm để khỏi lãng phí thời gian; cần xác định hỏi bị cáo nào trước, bị cáo nào sau; kết hợp việc xét hỏi bị cáo với việc xét hỏi những người tham gia tố tụng khác; kết hợp việc xét hỏi với việc đưa vật chứng, công bố lời khai và các tài liệu có trong hồ sơ.

Kế hoạch phải thể hiện sự vô tư khách quan của Thẩm phán, nếu bị cáo không nhận tội thì Thẩm phán cũng không được chuẩn bị những chứng cứ cần thiết để đấu tranh vạch rõ sự ngoan cố của bị cáo tại phiên toà mà chỉ nêu những câu hỏi để bị cáo trả lời, không giải thích hoặc quy trụp cho bị cáo. Việc chứng minh bị cáo có tội hay không có tội, chỉ được thể hiện trong bản án khi tuyên án. Lập kế hoạch xét hỏi sao cho khi xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không biết trước chủ trương xử lý vụ án của Hội đồng xét xử khi còn đang ở phần xét hỏi.

đ). Chuẩn bị những điều kiện vật chất cho việc mở phiên toà

Việc xét xử một vụ án hình sự, nhất thiết phải có những điều kiện vật chất nhất định. Đây l� việc tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng, nhiều phiên toà do việc chuẩn bị không tốt nên đã không đạt kết quả, thậm chí phải hoãn phiên toà, nhưng một số Toà án đã không quan tâm đúng mức nên công tác chuẩn bị này.

Do điều kiện về cơ sở vật chất của Toà án nước ta hiện nay còn thiếu thốn, nhiều phòng xét xử của Toà án không đủ sức chứa, có phiên toà có tới hàng nghìn người đến dự, đặc biệt đối với các vụ án Toà án tổ chức xét xử lưu động để phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương nới xảy ra vụ án nhằm thông qua phiên toà giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, thì việc chuẩn bị điều kiện vật chất lại càng phải chu đáo hơn.

Đối với phiên toà xét xử tại trụ sở Toà án tuy không phức tạp bằng các các phiên toà lưu động, nhưng cũng không được xem nhẹ. Nếu dự kiến người đến dự phiên toà đông và phiên toà kéo dài nhiều ngày thì phải chuẩn bị hệ thống âm thanh để những người không được vào phòng xét xử cũng theo dõi được phiên toà, nếu có điều kiện thì có thể dùng màn hình. Trong phòng xét xử cũng cần hệ thống âm thanh, chỗ ngồi cho bị cáo, Luật sư, người bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác sao cho hợp lý.

Đối với phiên toà xét xử lưu động thì công tác chuẩn bị điều kiện vật chất cho việc xét xử là rất quan trọng, cần phải phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan, tổ chức ở địa phương nơi mở phiên toà. Đưa ra mục đích, yêu cầu của việc xét xử lưu động và kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị phiên toà lưu động, đề nghị địa phương hỗ trợ những gì… Các phiên toà lưu động nếu được tổ chức ngoài trời nên cần chuẩn bị tốt công tác bảo vệ và hệ thống âm thanh.

2. Những vấn đề cần chú ý tại phiên toà

a). Những vấn đề cần chú ý trong phần mở đầu phiên toà.

Sau khi khai mạc phiên toà, chủ toạ phiên toà căn cứ vào đề cương điều khiển phiên toà để thực hiện các thủ tục cần thiết trong phần mở đầu phiên toà. Phần mở đầu phiên toà là phần rất quan trọng, nếu diễn ra một cách suôn sẻ thì các phần sau sẽ đạt kết quả tốt. Vì vậy, trong phần này chủ toạ cần chú ý một số vấn đề sau:

– Khi kiểm tra căn cước và giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng phải đối chiếu với tài liệu có trong hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát lập xem có giống nhau không, nếu khác nhau thì phải làm rõ ngay vì sao lại khác nhau. Cùng với việc kiểm tra căn cước, chủ toạ phiên toà phải xác định tư cách tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng mà Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đã xác định từ trước, nhất là đối với những người như: bị cáo là người chưa thành niên, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; những người đại diện hợp pháp của những người này; cần phải chú ý trường hợp có nhiều người cùng tham gia với tư cách giống nhau và người đại diện của họ, người được uỷ quyền tham gia phiên toà v.v…(khi giới thiệu cần nêu một số trường hợp do xác định không đúng, không đầy đủ những người tham gia tố tụng nên bản án bị huỷ hoặc bị sửa).

– Khi giải thích quyền nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng có mặt tại phiên toà, chủ toạ phiên toà chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mà không được giải thích về các quy định của Bộ luật hình sự, nhất là đối với bị cáo như: “nếu khai báo thành khẩn thì được xem xét giảm nhẹ hình phạt; nếu không nhận tội mà Toà án kết tội thì không có cơ hội được hưởng án treo.”v.v…

– Khi giải quyết những yêu cầu về thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những vấn đề khác cần bình tĩnh xem xét, nhất là đối với  trường hợp người tham gia tố tụng yêu cầu thay đổi Thẩm phán chủ toạ phiên toà và nêu lý do Thẩm phán chủ toạ phiên toà có biểu hiện không vô tư, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng xác đáng, thì cũng không vì thế mà Thẩm phán chủ toạ phiên toà có những lời lẽ gay gắt hay có lời lẽ có tính chất giáo dục, răn đe họ mà phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, yêu cầu họ nêu bằng chứng, sau khi đã hỏi kỹ mà họ vẫn không đưa ra được bằng chứng xác đáng thì giải thích cho họ biết là Hội đồng xét xử sẽ xem xét quyết định, đồng thời phải xác định trường hợp nào thì Hội đồng xét xử hội ý tại phiên toà, trường hợp nào thì Hội đồng xét xử phải vào phòng nghị án để thảo luận và quyết định.

b). Những vấn đề cần chú ý trong giai đoạn xét hỏi tại phiên toà.

Chủ toạ phiên toà phải căn cứ vào đề cương xét hỏi để khi xét hỏi phải xác định được đầy đủ các tình tiết về từng sự việc, từng hành vi phạm tội và các tình tiết khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý.

Xét hỏi theo một thứ tự hợp lý là một yêu cầu mà chủ toạ phiên toà phải dự kiến trước, căn cứ vào các tình tiết của vụ án đã được cơ quan điều tra thu thập có trong hồ sơ vụ án, nhất là đối với vụ án có nhiều bị cáo bị truy tố về nhiều tội khác nhau.

Thực tiễn xét xử cho thấy, do Bộ luật tố tụng hình sự 2003 vẫn quy định: “Khi xét hỏi từng người, chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự”, nên một số Thẩm phán và Kiểm sát viên cho rằng việc xét hỏi tại phiên toà vẫn không có gì thay đổi, Kiểm sát viên không chủ động xét hỏi mà chờ chủ toạ phiên toà nhắc mới hỏi và cũng chỉ hỏi có tính chất bổ sung còn việc hỏi để chứng minh tội phạm và làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết của vụ án vẫn do chủ toạ phiên toà thực hiện; nhiều trường hợp Hội đồng xét xử vẫn còn giải thích Bộ luật hình sự hoặc giáo dục bị cáo về thái độ khai báo hoặc kết luận trước về lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, làm cho bị cáo và những người tham phiên toà cho rằng Hội đồng xét xử đã định sẵn, bản án đã được chuẩn bị, việc xét xử tại phiên toà chỉ còn là thủ tục hình thức.

Nhận thức như vậy là không đúng với tinh thần cải cách tư pháp, mà phải tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02-1-2002 của Bộ Chính trị và Công văn số 13 ngày 4-11-2002 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp và kết luận số 290 ngày 5-11-2002 của Toà án nhân dân tối cao. Nội dung của các văn bản này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo Công văn số 13 ngày 4-11-2002 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp thì “đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà phải bảo vệ cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo tại phiên toà; chứng minh mọi luận điểm trong cáo trạng bằng việc chủ động xét hỏi, thẩm vấn, đưa ra những chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm, làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết từng sự việc của vụ án”.

Để việc xét hỏi được hợp lý theo một thứ tự nhất định, tránh nhầm lẫn, trùng lặp hoặc bỏ sót, chủ toạ phiên toà cần chú ý một số điểm như sau:

– Đối với vụ án chỉ có một bị cáo bị truy tố về một tội danh thì việc xét hỏi cần tập trung làm rõ các tình tiết là yếu tố định tội mà Viện kiểm sát truy tố; các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt; các tình tiết tăng nặng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm dân sự; đến xử lý vật chứng.v.v…Trong quá trình xét hỏi, không chỉ xét hỏi về các tình tiết buộc tội mà phải xét hỏi cả các tình tiết gỡ tội đối với bị cáo.

– Đối với vụ án tuy chỉ có một bị cáo nhưng bị truy tố về nhiều tội danh khác nhau, thì nên xét hỏi hết hành vi phạm tội này đến hành vi khác tội khác như đối với một bị cáo phạm một tội và lần lượt cho đến hết các hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

– Đồi với vụ án có nhiều bị cáo, bị truy tố về nhiều tội danh khác nhau thì nên xét hỏi từng bị cáo về từng tội danh hoặc người bị cáo về một tội danh theo một thứ tự như đối với một bị cáo bị truy tố về một tội danh. Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi, cần kết hợp xét hỏi các bị cáo có hành vi liên quan đến nhau về một tội danh và vai trò của từng bị cáo về tội danh mà các bị cáo thực hiện (đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức).

Để vừa thể hiện đúng quy định của pháp luật vừa bảo đảm tính tranh tụng tại phiên toà, chủ toạ phiên toà phải hỏi trước, nhưng chỉ nên đặt câu hỏi có tính chất nêu vấn đề, còn lại những câu hỏi có tính chất buộc tội hoặc gỡ tội, nên dành cho Kiểm sát viên và người bào chữa. Muốn vậy, trong giai đoạn chuẩn bị, Toà án cần có một cuộc họp (họp trù bị) với Viện kiểm sát để thống nhất phương pháp, nội dung trình tự và sự phối hợp giữa Kiểm sát viên với Hội đồng xét xử để việc xét hỏi tại phiên toà đúng với dự kiến và đề cương mà chủ toạ đã chuẩn bị.

Trong quá trình điều khiển việc xét hỏi, chủ toạ phiên toà phải thường xuyên theo dõi; nếu thấy câu hỏi có tính chất mớm cung, ép cung hoặc những câu hỏi có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật điều tra; xúc phạm nhân phẩm, danh dự con người thì phải yêu cầu người hỏi đặt lại câu hỏi hoặc yêu cầu người trả lời không trả lời câu hỏi đó.

Việc công bố lời khai tại cơ quan điều tra chỉ được thực hiện trong trường hợp lời khai của người được xét hỏi tại phiên toà có mâu thuẫn với lời khai của họ tại cơ quan điều tra; người được xét hỏi không khai tại phiên toà; người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết trước khi mở phiên toà.

Để thể hiện tính chất tranh Tụng, dân chủ, khách quan tại phiên toà, theo chúng tôi chủ toạ phiên toà nên trao đổi với Kiểm sát viên để Kiểm sát viên công bố lời khai, Chủ toạ phiên toà chỉ công bố lời khai trong trường hợp cần thiết. Nếu sau khi đã công bố lời khai tại cơ quan điều tra mà người được lấy lời khai nại ra rằng họ bị Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên ép cung, mớm cung, nhục hình nên mới khai như vậy, thì chủ toạ phiên toà có thể cho gọi Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đã lấy lời khai của họ tại cơ quan điều tra đến phiên toà để đối chất; nếu người được lấy lời khai đưa ra những bằng chứng, nhân chứng để chứng minh rằng lời khai tại cơ quan điều tra là sai thì chủ toạ phiên toà cần yêu cầu nộp bằng chứng hoặc cho mời người làm chứng đến phiên toà để đối chất. Trong trường hợp không thể triệu tập được người làm chứng hoặc Điều tra viên đến phiên toà mà lời khai của bị cáo hoặc người tham gia tố tụng có căn cứ thì phải hoãn phiên toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trước khi hỏi bị cáo, chủ toạ phiên toà phải để bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa chỉ hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Tuy nhiên, thực xét xử cho thấy, chủ toạ phiên toà không để bị cáo trình bày kiến của họ về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án mà thường đặt câu hỏi ngay về hành vi phạm tội của họ. Có trường hợp chủ toạ phiên toà còn giải thích cho bị cáo là: “những ý kiến không đồng ý với bản cáo trạng sẽ trình bày sau ở giai đoạn tranh tụng”. Làm như vậy là không đúng, những người tham gia phiên toà có cảm giác chủ toạ phiên toà áp đặt.

Nếu bị cáo không có ý kiến gì về bản cáo trạng, thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà Viện kiểm sát đã truy tố về tội danh, điều khoản của Bộ luật hình sự thì Hội đồng xét xử không nên xét hỏi về hành vi phạm tội mà nên xét hỏi về các tình tiết khác như: các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự… Tuy nhiên, nếu bị cáo nhận tội nhẹ để trốn tránh trách nhiệm về tội phạm nặng hơn mà Viện kiểm sát không truy tố, trong khi người bị hại yêu cầu xét xử bị cáo về tội nặng hơn, thì chủ toạ phiên toà cần xét hỏi về những hành vi bị cáo phạm tội nặng hơn. Nếu có căn cứ bị cáo phạm tội năng hơn tội mà Viện kiểm sát truy tố thì Hội đồng phải quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Khi xét hỏi những người tham gia tố tụng khác như: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, giám định viên… để xác định sự thật của vụ án, chủ toạ phiên toà cũng chỉ nên nêu vấn đề để Kiểm sát viên và Luật sư hoặc người bào chữa hỏi.

Tóm lại, việc xét hỏi tại phiên toà, chủ toạ phiên toà không nên hỏi nhiều mà chỉ nêu vấn đề để Kiểm sát viên và Luật sư hoặc người bào chữa hỏi. Trong quá trình xét hỏi chủ toạ phiên toà là người chỉ huy, điều hành. Kiểm sát viên và Luật sư hoặc người bào chữa có quyền đưa ra những bằng chứng mới để chứng minh có tội cũng như chứng minh vô tội. Trong quá trình xét hỏi cũng là quá trình tranh luận. Những người tham gia tố tụng có thể trình bày quan điểm của mình về vụ án, tranh luận với Kiểm sát viên về những vấn đề gỡ tội hoặc buộc tội.

c). Những vấn đề cần chú ý trong giai đoạn tranh luận tại phiên toà.

Nhằm “bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…;” theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đã có những sửa đổi, bổ sung đối với giai đoạn tranh luận tại phiên toà, đặc biệt là đối với Kiểm sát viên tham gia phiên toà và vai trò của của toạ phiên toà khi điều khiển việc tranh luận giữa Kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng. Một vụ án hình sự có dân chủ hay không, phụ thuộc vào kết quả tranh luận tại phiên toà. Đây là giai đoạn rất quan trọng. Do đó chủ toạ phiên toà cần tập trung điều khiển để việc tranh luận tại phiên toà đạt kết quả, đồng thời phải chú ý một số vấn đề sau:

Nếu lời luận tội của Kiểm sát viên có những thay đổi so với bản cáo trạng thì phải nêu lý do của việc thay đổi đó; nếu Kiểm sát viên chưa nêu lý do về việc thay đổi, thì chủ toạ phiên toà phải yêu cầu Kiểm sát viên trình bày lý do của việc thay đổi đó.

Nếu bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không đồng ý với lời luận tội thì phải nêu lý do vì sao không đồng ý.

Trong khi phát biểu những ý kiến khác nhau về một vấn đề nào đó, mà vấn đề đó đã được tranh tụng trong quá trình xét hỏi thì không cần nhắc lại nữa. Chủ toạ phiên toà phải nắm chắc các tình tiết đã được xét hỏi để điều khiển việc tranh luận không kéo dài mà vẫn bảo đảm tính chất tranh tụng khi xét xử.

Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án, tuy không được hạn chế thời gian tranh luận nhưng có quyền chỉ hạn chế số lần phát biểu về ý kiến mà mình không đồng ý. Nếu vụ án có nhiều vấn đề, nhiều tình tiết của vụ án có quan điểm đánh giá khác nhau, thì chủ toạ phiên toà phải chú ý xem những vấn đề được tranh luận có bao nhiêu ý kiến khác nhau, để điều khiển việc tranh luận giữa những người có ý kiến khác nhau về vấn đề đó; chủ toạ phiên toà cần yêu cầu những người tham gia tranh luận nêu những vấn đề không đồng ý và tranh luận từng vấn đề một.

Nếu người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự đưa ra những ý kiến đề nghị Kiểm sát viên tranh luận nhưng Kiểm sát viên không tranh luận thì chủ toạ phiên toà phải phải yêu cầu Kiểm sát viên nói rõ lý do và việc này phải được ghi vào biên bản phiên toà.

Trong quá trình tranh luận, chủ toạ phiên toà không được có lời nói có tính chất bênh vực Kiểm sát viên hay người tham gia tranh luận với Kiểm sát viên hoặc có lời lẽ có tính chất bình luận, nhận định những luận điểm của các bên khi đối đáp, mà phải luôn giữ thái độ khách quan. Nếu trong khi tranh luận, theo yêu cầu của Kiểm sát viên hoặc người tham gia tranh luận hoặc chủ toạ phiên toà thấy cần phải trở lại giai đoạn xét hỏi thì Hội đồng xét xử có thể quyết định việc trở lại xét hỏi, sau đó việc tranh luận được thực hiện lại bình thường. Tuy nhiên, để tránh kéo dài thời gian không cần thiết, chủ toạ phiên toà có thể lưu ý đối với Kiểm sát viên và người tham gia tranh luận chỉ tranh luận những vẫn đề mới phát sinh sau khi xét hỏi thêm.

ĐỀ CƯƠNG ĐIỀU KHIỂN PHIÊN TOÀ

1. Phần thủ tục bắt đầu xét xử

– Hội đồng xét xử vào phòng xử án.

– Thư ký yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy.

– Chủ toạ phiên toà mời mọi người ngồi xuống.

– Chủ toạ phiên toà đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. (nếu vụ án chỉ có 1 bị cáo thì có thể đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử rồi mới mời mọi người trong phòng xử án ngồi)

Nếu vụ án có các phóng viên báo, đài đến dự và đưa tin phiên toà thì chủ toạ phiên toà phải yêu cầu phóng viên hoạt động theo Luật báo chí, Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho các phóng viên tác nghiệp, nhưng phải tuân thủ nội quy phòng xử án.

– Chủ toạ phiên toà yêu cầu Thư ký báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt; vắng mặt và lý do của sự vắng mặt.

– Chủ toạ phiên toà kiểm tra căn cước lý lịch của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.

– Giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng

+ Đối với bị cáo:

Theo điều 50 và điều 188 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị cáo có quyền và nghĩa vụ sau:

Về quyền:

  – Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; (quyền này đã được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử ); nếu bị kết án thì được nhận bản án;

  – Được tham gia phiên toà;

  – Có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;

  – Được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

  – Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. (các bị cáo đều nhờ người bào chữa). Tuy nhiên, sau khi người bào chữa trình bày lời bào chữa, bị cáo có quyền bổ sung hoặc từ chối nội dung mà người bào chữa đã bào chữa cho mình)

  – Được trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà;

  – Được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án;

  – Kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định của pháp luật;

  – Được khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

Về nghĩa vụ:

  – Phải có mặt theo giấy triệu tập của toà án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

  – Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên toà chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ toạ phiên toà.

  – Bị cáo không bị tạm giam phải có mặt tại phiên toà trong suốt thời gian xét xử vụ án, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị bắt tạm giam để bảo đảm việc xét xử.

+ Đối với những người tham gia tố tụng khác.

Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử và danh sách triệu tập người tham gia tố tụng đến phiên toà, chủ toạ phiên toà lần lượt giải thích quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Riêng đối với người làm chứng thì phải yêu cầu người làm chứng cam đoan trước Toà về lời khai của mình.

– Giới thiệu thành phần Hội đồng xét xử (Nếu có Thẩm phán và Hội thẩm  dự khuyết thì giới thiệu và quy định chỗ ngồi của họ);

– Giới thiệu Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà;

– Giới thiệu Kiểm sát viên tham gia phiên toà (Nếu có Kiểm sát viên dự khuyết thì giới thiệu và quy định chỗ ngồi của họ);

– Hỏi các bị cáo có đề nghị thay đổi ai trong thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký, Kiểm sát viên không ?

– Hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có đề nghị thay đổi ai trong thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký, Kiểm sát viên không ? (tuỳ trường hợp cụ thể, nếu vụ án không có những người này thì không phải hỏi)

– Hỏi kiểm sát viên, người bào chữa có đề nghị thay đổi ai trong những người tiến hành tố tụng không ?

(Nếu có người yêu đề nghị thay đổi ai thì chủ toạ phiên toà xử lý ngay)

Sau khi đã giải quyết yêu cầu xin thay đổi người tiến hành tố tụng mà phiên toà vẫn tiến hành được thì chủ toạ phiên toà tiếp tục:

– Hỏi các bị cáo có mời người bào chữa có đồng ý để luật sư tiếp tục bào chữa cho mình không?

– Hỏi các bị cáo đã được giao nhận bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa ?

– Hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem ai có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không.

– Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt thì chủ toạ phiên toà cũng phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên toà hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

Nếu phiên toà vẫn tiếp tục thì chủ toạ tuyên bố chuyển sang phần xét hỏi.

2. Phần xét hỏi tại phiên toà:

– Đề nghị Kiểm sát viên  đọc bản cáo trạng.

– Tiến hành xét hỏi: (theo đề cương xét hỏi)

– Nếu việc xét hỏi đã đầy đủ thì tuyên bố chuyển sang phần tranh luận tại phiên toà. Trước khi kết thúc phần xét hỏi cần phải hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác xem họ có đề nghị hỏi thêm vấn đề gì nữa không. Nếu có người đề nghị, mà Hội đồng xét xử  thấy việc xét hỏi thêm là là cần thiết thì Chủ toạ phiên toà cho xét hỏi tiếp.

3. Tranh luận tại phiên toà:

– Đề nghị Kiểm sát viên trình bày lời luận tội;

– Đề nghị người bào chữa trình bày lời bào chữa;

– Hỏi bị cáo có bổ sung ý kiến bào chữa của người bào chữa không?

 ( Nếu vụ án có nhiều bị cáo hoặc có nhiều người bào chữa thì để tất cả người bào chữa trình hết lời bào chữa cho tất cả các bị cáo, sau đó chủ toạ phiên toà hỏi từng bị cáo có bổ sung gì không ?)

– Bị cáo không có người bào chữa thì tự trình bày lời bào chữa;

– Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền lợi cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.

Cần chú ý: Tuỳ từng vụ án cụ thể mà chủ toạ phiên toà cho phép những người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

+ Đối đáp:

– Đề nghị Kiểm sát viên đáp lại ý kiến bào chữa của người bào chữa, của bị cáo; ( nếu Kiểm sát viên từ chối đáp lại ý kiến bào chữa thì chủ toạ phải nhắc Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định tại Điều 218 Bộ luật tố tụng hình sự về việc đối đáp )

– Người bào chữa đáp lại ý kiến của Kiểm sát viên.

– Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ đáp lại ý kiến của Kiểm sát viên về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của mình.

Sau khi Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, Chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc tranh luận.

(Nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận).

+ Bị cáo nói lời sau cùng. ( Chủ toạ phiên toà cần nhắc bị cáo chỉ nói ngắn gọn, không lặp lại những vấn đề đã được đối đáp khi tranh luận)

 “Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi.”

4. Nghị án

Hội đồng xét xử phải tuyên bố thời gian nghị án, ngày giờ tuyên án để những người tham gia phiên toà biết.

5. Tuyên án.

Nếu vụ án phải xét xử nhiều ngày, thì hết giờ làm việc buổi sáng, chủ toạ nhắc giờ làm việc buổi chiều; hết giờ làm việc buổi chiều, nhắc giờ làm việc sáng hôm sau và yêu cầu bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác phải có mặt đúng giờ.


20 Trong bài này, tác giả không đề cập đến quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, mà chỉ đề cập đến việc đưa vụ án ra xét xử .

21 Xem “bản đề cương điều khiển phiên toà” phần cuối để tham khảo.

Nguồn: Thạc sỹ: Đinh Văn Quế

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai