Một số vấn đề về giải quyết vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

303

Tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay rất phức tạp, nhưng việc xử lý loại tội này gặp nhiều vướng mắc khi đánh giá chứng cứ, trong đó có nguyên nhân là quy định pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ. Bài viết nêu một số kinh nghiệm trong giải quyết vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và kiến nghị giải pháp nhằm khắc phục vướng mắc và nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án này.

Hải Phòng là một trong những địa phương có số lượng án ma túy lớn, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp; các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và khi bị phát hiện thì rất manh động, chống trả các lực lượng chức năng. Ma túy được mua bán, vận chuyển, sản xuất với số lượng rất lớn, ngày càng nhiều chủng loại, với nhiều tên gọi, hình dáng khác nhau. Việc tiêu thụ ma túy dưới hình thức tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng len lỏi vào nhiều nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quán karaoke…

Trong 05 năm (từ ngày 01/12/2015 đến ngày 30/11/2020), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Hải Phòng thụ lý giải quyết 2.317 vụ/2.976 bị can (chiếm 37% tổng số án hình sự), chủ yếu là các tội: Mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy… Riêng tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, do còn có nhiều vướng mắc, có quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ nên mặc dù số lượng các vụ việc bị phát hiện nhiều nhưng số vụ bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử lại hạn chế (chỉ có 89 vụ – 241 bị can, chiếm 3,8% tổng số án ma túy VKSND thành phố thụ lý giải quyết).

1. Một số khó khăn, vướng mắc

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn trong việc xử lý các đối tượng có hành vi tổ chức trái phép chất ma túy là về căn cứ pháp luật. Tuy diễn biến của loại tội phạm này rất phức tạp, đa dạng nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng); việc xử lý vẫn dựa trên cơ sở áp dụng tinh thần của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII – “Các tội phạm về ma túy” (Thông tư liên tịch số 17/2007); Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của liên ngành trung ương sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 17/2007 (Thông tư liên tịch số 08/2015). Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao và VKSND tối cao đã giải đáp một số nội dung liên quan đến tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, hướng dẫn một số khái niệm cơ bản về dấu hiệu “chỉ huy, phân công, điều hành”, “vai trò không đáng kể của người giúp sức”, “hành vi cung cấp”… nhưng đây chỉ là hướng dẫn tạm thời, chưa phải là văn bản pháp lý chính thức nên cần tổng hợp, nâng lên thành văn bản pháp luật.

Việc xác định người nghiện ma túy cũng có vướng mắc do trong một thời gian dài rất ít các bác sĩ, y sĩ ở các cơ sở y tế có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu là được đào tạo, cấp chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy. Xác định các dấu hiệu đặc trưng của người nghiện ma túy đối với những loại ma túy mới cũng rất khó khăn, mất nhiều thời gian.

Một nguyên nhân khác là do còn bất cập trong thu thập tài liệu, dấu vết vật chứng nên nhiều vụ việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện có rất đông đối tượng nhưng không thể xử lý hình sự. Việc khám xét, thu giữ vật chứng không kịp thời (các đối tượng đã sử dụng hết ma túy nhưng không thu giữ các dụng cụ sử dụng còn bám dính ma túy để giám định hoặc các đối tượng đã tẩu tán, dọn dẹp sạch sẽ hiện trường, không còn dấu hiệu việc tổ chức sử dụng ma túy). Việc xét nghiệm nhanh các đối tượng sử dụng ma túy chưa được chú trọng, không tiến hành test thử ngay sau khi bắt giữ các đối tượng mà tiến hành trước các hoạt động điều tra khác, nên sau thời gian nhất định cơ thể người sử dụng ma túy đã đào thải chất ma túy dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác, thiếu khách quan. Trình tự, thủ tục đưa người đi xác định tình trạng nghiện còn rườm rà, chồng chéo; có nhiều đối tượng là người chưa thành niên, phụ nữ có thai không được tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện để xác định tình trạng nghiện do chưa có quy định, hướng dẫn về những đối tượng đặc biệt này. Do đó, hầu hết các vụ việc đều phải tạm dừng điều tra xác minh tin báo, chờ hướng dẫn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra ngày càng phức tạp trong thời gian qua.

2. Một số kinh nghiệm trong giải quyết vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

2.1. Chủ động nắm bắt, tiếp cận thông tin vụ việc và hồ sơ ban đầu ở giai đoạn tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm

Một trong những đặc trưng của nhóm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là có nhiều đối tượng cùng thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng này vừa sử dụng ma túy xong nên trạng thái tinh thần thường không ổn định, việc khai báo ban đầu chưa chính xác. Do đó, khi tiếp cận nội dung vụ việc, Kiểm sát viên (KSV) cần chú ý một số hoạt động cụ thể như sau:

Thứ nhất, xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng bị bắt giữ: Ngay sau khi phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng, Cơ quan điều tra khẩn trương tiến hành xét nghiệm nhanh tình trạng sử dụng ma túy và đưa họ đi xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Thời gian xác định tình trạng nghiện ma túy khoảng từ 05 – 07 ngày tùy loại ma túy nên khi nghiên cứu hồ sơ ban đầu, KSV cần chú ý các “biên bản đầu vào” được Cơ quan điều tra thiết lập để tránh sai sót, dẫn đến tình trạng tạm giữ hình sự sau trả tự do hoặc xử lý hành chính. Do khoảng thời gian xác định tình trạng nghiện tương đối dài nên đối với những vụ việc bị phát hiện có nhiều hành vi phạm tội, ngoài dấu hiệu tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, còn có dấu hiệu của tội phạm khác (như mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy) thì Cơ quan điều tra tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang để sau 24 giờ sẽ tiến hành khởi tố vụ án, đưa các đối tượng liên quan vào tạm giữ hình sự về những hành vi khác trước, chờ có kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy sẽ khởi tố về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” sau. Đối với những vụ việc chỉ có một hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì Cơ quan điều tra sẽ lập biên bản tiếp nhận nguồn tin tố giác về tội phạm để có thời gian chờ kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy và thu thập tài liệu chứng cứ khác chứng minh các dấu hiệu đặc trưng cấu thành tội phạm làm căn cứ khởi tố hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, iếp cận thông tin vụ việc nhanh chóng, tổng hợp tài liệu, chứng cứ để đánh giá, phân loại các đối tượng liên quan: Khi nhận được thông tin từ Cơ quan điều tra, tùy tính chất phức tạp của vụ việc, lãnh đạo Viện kiểm sát cùng cấp có thể cử một hoặc nhiều KSV phối hợp cùng Điều tra viên (ĐTV) hỏi, ghi lời khai làm rõ hành vi cụ thể của từng đối tượng. Giai đoạn này việc ghi lời khai thuộc trách nhiệm của ĐTV, Cán bộ điều tra. Kiểm sát viên chỉ tham gia hỏi cùng ĐTV, Cán bộ điều tra mà không trực tiếp ghi lời khai của các đối tượng (không có tên trong biên bản điều tra). Cần ghi chép tóm tắt hành vi của từng đối tượng vào sổ tay của mình để tổng hợp, đối chiếu và báo cáo lãnh đạo Viện để phân loại các đối tượng trước khi đưa vào tạm giữ hình sự.

Thứ ba, Kiểm sát viên cần kiểm tra tính khách quan, trung thực trong việc khai báo ban đầu của các đối tượng: Việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thường đông người, các đối tượng có thể quen biết nhau hoặc không. Do vậy, khi nghiên cứu hồ sơ ban đầu, KSV cần chú ý mối quan hệ của những người này để xác định tính khách quan trong việc cung cấp thông tin. Đặc biệt chú ý những nhân viên nữ phục vụ (tại vũ trường, quán bar, karaoke… hoặc được thuê đi sử dụng ma túy cùng), những đối tượng này thường sử dụng tên gọi khác với lý lịch hoặc khai báo có thai. Nếu đối tượng khai có thai thì cần đưa đến cơ sở y tế để khám chuyên khoa, xác định tình trạng sức khỏe trước khi đưa đi xác định tình trạng nghiện ma túy. Khi bị bắt giữ họ thường khai không đúng nhân thân, lai lịch, nơi cư trú nên không thể đưa họ đi xác định tình trạng nghiện, phải tạm cho về hoặc giao cho gia đình quản lý chờ các cơ quan tố tụng giải quyết. Trường hợp này, KSV phải kiểm tra xem lý lịch của các đối tượng đã được chính quyền địa phương xác nhận hay chưa. Nếu đối tượng có địa chỉ ở xa, thì ĐTV tiến hành xác minh qua điện thoại tại nơi đối tượng đăng ký cư trú chưa; tránh tình trạng sau khi cho các đối tượng này về địa phương mới phát hiện đối tượng khai báo không trung thực, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

2.2. Khẩn trương tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng liên quan

Quá trình điều tra ban đầu, KSV cần chú ý đối với những vụ việc Cơ quan điều tra tiếp cận hồ sơ, đối tượng muộn thì việc test thử nước tiểu để xác định tình trạng nghiện ma túy đôi khi không kịp thời và cho kết quả không chính xác bởi các chất ma túy, rượu cồn đào thải thông qua một số bộ phận trên cơ thể người có thời gian khác nhau. Ngoài nước tiểu và máu là những mẫu bệnh phẩm thường được các cơ sở y tế thu để xét nghiệm chất ma túy thì ma túy còn tồn tại trong cơ thể người ở một số cơ quan khác. Do đó, KSV cần yêu cầu ĐTV xác định việc các đối tượng có sử dụng ma túy hay không thông qua một số cách xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm khác như máu, lông, tóc…

Để tránh tình trạng nhầm lẫn kết quả xét nghiệm của các đối tượng với nhau hoặc đối tượng chối không sử dụng ma túy hoặc thành phần nước tiểu của họ không có ma túy thì KSV và ĐTV cần tiến hành lập biên bản thu mẫu giám định, tách các đối tượng cần giám định ra khu vực tương đối độc lập với nhau, chụp ảnh lại kết quả giám định với đối tượng cần giám định để đưa vào hồ sơ vụ án và lập biên bản cụ thể về nội dung, kết quả giám định việc sử dụng ma túy cho đối tượng ký đầy đủ, có người làm chứng hoặc đại diện cơ sở y tế.

Đối với các đối tượng sử dụng ma túy là người chưa thành niên, kết quả test nhanh là dương tính với ma túy nhưng lại không thể đưa họ đi xác định tình trạng nghiện ma túy được vì hiện tại các cơ sở cai nghiện không tiếp nhận xác định tình trạng nghiện ma túy đối với các trường hợp là người chưa thành niên. Do đó, thông thường Cơ quan điều tra tiến hành thu thập các lời khai ban đầu, xác định có sử dụng ma túy không, sau đó bàn giao các đối tượng này cho gia đình quản lý, chờ xử lý sau. Bất cập liên quan đến vấn đề này đã được khắc phục khi Luật phòng, chống ma túy sửa đổi, bổ sung năm 2021 được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

2.3. Củng cố tài liệu chứng cứ để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm

  Trong khoảng thời gian chờ kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng liên quan, ĐTV và KSV cần phải phối hợp tích cực điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định vai trò, các dấu hiệu đặc trưng cấu thành tội phạm của các đối tượng. Hoặc trong những trường hợp có các đối tượng thuộc diện có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ hình sự ngay sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì trong khoảng thời gian tối đa 09 ngày (thời hạn tạm giữ và gia hạn thời hạn tạm giữ), ĐTV phải thu thập đầy đủ các chứng cứ để có thể khởi tố bị can hoặc trả tự do cho người bị tạm giữ. Quá trình điều tra chứng minh, cần chú ý các yếu tố sau:

Một là, theo Thông tư liên tịch số 17/2007 quy định hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi “chỉ huy, phân công, điều hành” các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác như: Chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy… Do đó, dấu hiệu chỉ huy, phân công, điều hành là hành vi khách quan bắt buộc phải có trong cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Thực tiễn cho thấy, việc chứng minh yếu tố này gặp nhiều khó khăn, đa số các vụ án đều được phát hiện, bắt quả tang khi các đối tượng tập trung đông người sử dụng chất ma túy (đang sử dụng hoặc vừa sử dụng ma túy xong). Biểu hiện khách quan ban đầu thường là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng đang trong trạng thái tinh thần chưa minh mẫn (đang ảo giác) nên việc khai báo ban đầu thường chưa chính xác. Do đó, ĐTV phải có chiến thuật hỏi, ghi lời khai và khẩn trương thu thập tài liệu, vật chứng liên quan ngay sau khi phát hiện hành vi phạm tội. Sau thời gian nhất định, tinh thần các đối tượng tỉnh táo hơn thì ĐTV tiến hành ghi lời khai cùng KSV đánh giá chứng cứ, phân loại hành vi của các đối tượng để tìm ra người chủ mưu trong việc tổ chức sử dụng ma túy. Trong đó, ĐTV phải làm rõ ai là người khởi xướng, có việc rủ nhau góp tiền, bàn bạc mua ma túy, tìm địa điểm, rủ thêm người sử dụng ma túy hay không, diễn biến hành vi của các đối tượng khi sử dụng ma túy. Qua đó, ĐTV và KSV sẽ sàng lọc được vai trò của các đối tượng trong vụ án: Ai là người chủ mưu, ai là người thực hành, ai là người giúp sức và ai là người thụ hưởng sử dụng ma túy mà không phải đóng góp hay thực hiện bất kỳ hành vi gì…

Việc chứng minh yếu tố “chỉ huy, phân công, điều hành”, thời gian vừa qua có nhiều vụ việc gặp khó khăn, phức tạp do vậy, Tòa án nhân dân tối cao và VKSND tối cao đã tập hợp và có giải đáp, hướng dẫn. Theo đó, hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là những hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng trái phép chất ma túy như bố trí, sắp xếp con người, phương tiện, dụng cụ hoặc cung cấp chất ma túy để người khác sử dụng”. Hành vi này khác và không đồng nhất với tình tiết “phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm”. Yếu tố đồng phạm trong tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đơn giản hơn, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm trong tình tiết “phạm tội có tổ chức”. Việc chỉ huy, phân công điều hành chỉ là việc bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện, cung cấp chất ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Hai là, hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể “người khác” bằng mọi hình thức đều bị coi là trái phép.

Thực tiễn giải quyết loại án này cho thấy có nhiều quan điểm đánh giá chứng cứ khác nhau để xác định các yếu tố “người khác” hoặc “người thụ hưởng” trong tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Theo cách hiểu thông thường thì cụm từ “người khác” được hiểu là “cá thể” độc lập với nhau.

Ba là, các yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự khi đánh giá, phân loại vai trò các đối tượng phạm tội. Các vụ việc được phát hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho thấy, chủ yếu là các nhóm đối tượng tập trung tại các quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, vũ trường, quán bar… để sử dụng ma túy. Những đối tượng bị bắt giữ thông thường gồm ba nhóm: (1) Khách đến quán sử dụng ma túy (vai trò là người chỉ huy, phân công, điều hành); (2) Nhân viên nữ phục vụ của nhà hàng, hoặc do khách nơi khác đến (vai trò giúp sức); (3) Người quản lý nhà hàng, khách sạn, chủ sở hữu địa điểm các đối tượng sử dụng ma túy (vai trò là người liên quan). Việc phân loại các đối tượng, xác định vai trò chủ mưu, chỉ huy, phân công điều hành, người thực hành, người giúp sức, người thụ hưởng trong tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý người phạm tội, tránh oan, bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, yếu tố nhân thân của người phạm tội cũng là một trong những yếu tố cần phải làm rõ để làm căn cứ xác định việc người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Bởi lẽ, theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17/2007 thì nhóm đối tượng là những người nghiện ma túy tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người phạm tội.

Tuy nhiên, trường hợp đối tượng nghiện có địa điểm cho người nghiện khác sử dụng ma túy thì hành vi của người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy sử dụng ma túy tại nơi ở của mình không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự (điểm b mục 7.3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007) mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Thực tiễn xử lý tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” ở địa phương cho thấy, bên cạnh trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự trên thì trường hợp “tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy” (không có người thụ hưởng) thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc trường hợp các đối tượng là những người giúp sức có vai trò thứ yếu trong việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng được xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, quá trình điều tra, ĐTV cần chú ý làm rõ hành vi khách quan, nhân thân của từng nhóm đối tượng trong tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính của các đối tượng liên quan.

Hành vi đặc trưng của nhóm khách – chủ thể tội phạm chủ yếu gồm các hành vi bàn bạc, rủ rê việc sử dụng trái phép chất ma túy; phân công việc chuẩn bị ma túy; tìm địa điểm sử dụng ma túy (thuê phòng nghỉ, phòng hát, đặt bàn trong quán bar…); tìm người sử dụng ma túy cùng (gọi thêm người khác) hoặc thuê các nhân viên phục vụ nhà hàng qua trung gian. Những đối tượng thuộc nhóm này hầu hết đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ những đối tượng được rủ đi cùng là bạn bè, người thân được sử dụng ma túy mà không phải đóng góp gì – không đồng phạm thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà tùy từng trường hợp được xác định là người tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Hiện nay, nhóm đối tượng là nhân viên nữ phục vụ gây nhiều quan điểm tranh cãi trong quá trình áp dụng pháp luật tại địa phương. Đối với nhóm đối tượng này, khi được khách đặt vấn đề thuê đi phục vụ (đi hát cùng, đi sử dụng ma túy cùng) và được trả công theo giờ hoặc chủ quán điều động, phân công phục vụ khách đến hát, chứng kiến khách tự lấy hoặc sai đi lấy các dụng cụ như đĩa sứ, bật lửa, thẻ nhựa cứng… để sử dụng ma túy, về ý thức chủ quan, các đối tượng này đều biết việc sử dụng ma túy là trái phép. Quá trình sử dụng ma túy các đối tượng này có hành vi giúp sức (lau đĩa, hơ lửa nóng cho khô đĩa, đảo, xào, kẻ ma túy, bê đĩa ma túy đi mời người khác sử dụng… Như vậy, về hành vi khách quan, các đối tượng này đều có hành vi giúp sức cho việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Về nhân thân, các đối tượng này đều có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Do đó, về nguyên tắc, nhóm đối tượng này phải bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, ở địa phương còn có nhiều ý kiến trái chiều về việc xử lý các đối tượng này. Do đó, trong thời gian vừa qua, nhiều đối tượng là nhân viên nữ phục vụ có vai trò không đáng kể trong việc giúp sức cho các đối tượng khác tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều bị xử lý hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hải Phòng đã xây dựng quy chế phối hợp về giải quyết các vụ án hình sự với liên ngành các cơ quan tố tụng địa phương, đối với những trường hợp này, các cơ quan tố tụng đều tổ chức họp, đánh giá chứng cứ trước khi phân loại xử lý.

Đối với hành vi cung cấp địa điểm của chủ quán, người quản lý nhà hàng, khách sạn cho các đối tượng khác sử dụng ma túy thì việc chứng minh ý thức chủ quan của những đối tượng này để xác định có tương đồng với nhóm khách tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không là rất khó khăn, bởi đều có dấu hiệu tập trung đông người (thuê phòng nghỉ cho nhiều người, mở nhạc to), hỏi mượn đĩa, thẻ nhựa… (dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy). Đồ dùng, dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy không có đặc trưng riêng biệt, các đối tượng sử dụng những đồ dùng, vật dụng thông thường nên việc chứng minh ý thức chủ quan của các đối tượng trong những trường hợp “buộc phải biết” các đối tượng khác sử dụng trái phép chất ma túy là rất khó và tại địa phương hầu hết không thể xử lý hình sự được những đối tượng này.

2.4. Tăng cường công tác phối hợp

– Đối với Công an cấp xã: Thường xuyên nắm danh sách các đối tượng nghiện ở địa phương đang được giáo dục tại Ủy ban nhân dân cấp xã, các đối tượng được lập hồ sơ để đưa đi cai nghiện bắt buộc. Ngay sau khi phát hiện được hành vi phạm tội của các đối tượng, ĐTV cần khẩn trương thu thập tài liệu làm rõ nhân thân của các đối tượng, từ đó, phân loại các đối tượng, đưa đi xác định tình trạng nghiện ma túy.

– Đối với cơ quan y tế ở địa phương: Trạm trưởng trạm y tế ở địa phương là người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy. Do đó, việc phối hợp với các cơ sở y tế xét nghiệm nhanh kết quả sử dụng ma túy, loại ma túy các đối tượng sử dụng có ý nghĩa quyết định, ảnh hưởng đến việc xem xét xử lý các đối tượng.

– Đối với cơ sở cai nghiện: Phối hợp với cơ sở cai nghiện để kịp thời đưa các đối tượng đi xác định tình trạng nghiện, đơn giản thủ tục hành chính, hồ sơ tài liệu kèm theo là một trong những điều kiện quan trọng hỗ trợ các cơ quan tố tụng điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng. Đồng thời, việc gặp hỏi, ghi lời khai của những đối tượng này trong thời gian xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở cai nghiện cũng cần có sự phối hợp để đảm bảo an toàn cho cán bộ và đối tượng liên quan.

– Đối với liên ngành tư pháp địa phương: Xây dựng quy chế phối hợp giải quyết án hình sự giữa hai cấp các ngành trên địa bàn thành phố nhằm thống nhất thực hiện việc đánh giá chứng cứ, phân loại đối tượng xử lý ở các giai đoạn tố tụng. Đặc biệt, để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, liên ngành tư pháp địa phương  tiến hành đánh giá chứng cứ trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Viện kiểm sát hai cấp thành phố Hải Phòng luôn thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, tất cả các đơn vị cấp huyện phải kịp thời báo cáo cấp trên trước khi khởi tố những vụ việc phức tạp. Do đó, việc xử lý các vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố không có án trả hồ sơ hoặc đình chỉ do không phạm tội hoặc Tòa án tuyên xử khác tội danh Viện kiểm sát truy tố.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án về tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ngày càng cao, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thay thế Thông tư liên tịch số 17/2007 để có căn cứ pháp luật thống nhất.

Cần hướng dẫn cụ thể về các khái niệm liên quan, dễ gây nhầm lẫn; bổ sung khái niệm “người thụ hưởng là người được tổ chức cho sử dụng trái phép chất ma túy mà không phải đóng góp công sức hoặc giá trị vật chất khác”.

Cần quy định rõ hơn, đầy đủ hơn về hành vi “cung cấp chất ma túy” và xác định “bê đĩa ma túy đi mời người khác sử dụng” có phải là hành vi cung cấp chất ma túy hay không.

Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong nhóm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; bổ sung thêm yếu tố hành vi (trường hợp các đối tượng tổ chức sử dụng ma túy cho nhau mà không có người thụ hưởng) cũng được coi là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cơ quan chuyên môn, đặc biệt là cơ quan y tế trong quá trình điều trị, theo dõi cắt cơn nghiện cần thường xuyên cập nhật các thông tin về các loại ma túy mới, những biểu hiện nghiện của người sử dụng loại ma túy cụ thể để tổng hợp, phổ biến, bổ sung kiến thức cho cán bộ, công chức. Khi giải quyết án đòi hỏi ĐTV, KSV có tinh thần trách nhiệm cao, có kỹ năng làm việc tập thể khoa học, có khả năng tổng hợp, phân loại các đầu việc, phải tiến hành điều tra một cách nhịp nhàng thống nhất, không bị chồng chéo và phải đảm bảo tiến độ. Do đó, cần phải tăng cường công tác đào tạo, rèn luyện kỹ năng giải quyết loại án này cho đội ngũ cán bộ, ĐTV, KSV.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về tác hại của ma túy để người dân hiểu và nâng cao kiến thức phòng, chống ma túy; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống ma túy./.

Ts. Nguyễn Thị Tuyết Nhung

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai