Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 thay thế cho Luật TGPL năm 2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018. Luật có nhiều nội dung mới quan trọng, thể hiện được tính nhân văn, sự công bằng, dân chủ dành cho các đối tượng yếu thế (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em…).
Thời gian qua, các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các nội dung Luật TGPL, tuy nhiên cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do vậy, Sở Tư pháp tổ chức buổi tọa đàm về thực hiện nội dung này để lắng nghe ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, từ đó Sở điều chỉnh giải pháp phù hợp, kịp thời để nâng cao hiệu quả TGPL trong thời gian tới. Đó là những chia sẻ của Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến tại tọa đàm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp TGPL cho người yếu thế trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả tích cực
Nhìn chung, chính sách TGPL trong những năm qua đã được các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh triển khai đồng bộ tất cả các hoạt động và đạt được những kết quả nhất định. Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Đức cho hay, Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội hiện có 6 tư vấn viên pháp luật và 10 luật sư. Chương trình hoạt động chủ yếu của trung tâm là tư vấn pháp luật và TGPL miễn phí cho đối tượng yếu thế có nhu cầu. Hằng năm, các luật sư, tư vấn viên pháp luật của trung tâm đã tư vấn pháp luật miễn phí (tại các điểm tư vấn pháp luật: UBND phường Trung Dũng, Tam Hiệp, Bình Đa, Quyết Thắng, Nhà thiếu nhi tỉnh…) cho gần 1.000 trường hợp. Từ năm 2014 trở đi, trung tâm tổ chức kết hợp phổ biến pháp luật với tư vấn và TGPL lưu động cho hàng ngàn người (chủ yếu là nông dân, người dân tộc thiểu số) ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Với hình thức này, trung tâm đã đưa hoạt động TGPL đến gần và hiệu quả thực chất hơn đối với các đối tượng cần được trợ giúp.
Đoàn luật sư của Trung tâm Tư vấn pháp luật (thuộc Hội Luật gia tỉnh) trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân huyện Định Quán.
Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phạm Tiến Dũng chia sẻ, từ ngày Luật TGPL và Luật Luật sư đi vào cuộc sống, Đoàn Luật sư Đồng Nai đã có nhiều cố gắng phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện chủ trương của Đảng, quy định pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ của luật sư với xã hội. 100% các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng các huyện, thành phố và tỉnh yêu cầu luật sư tham gia tố tụng đều được bảo đảm có sự phân công của Đoàn đối với luật sư. Đối với các luật sư là cộng tác viên Trung tâm TGPL nhà nước (thuộc Sở Tư pháp) cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động TGPL miễn phí, bảo đảm tham gia tố tụng với các vụ án có đối tượng được TGPL theo yêu cầu của trung tâm.
Theo Đại tá Phan Văn Cầm (Công an tỉnh), thời gian qua, Ban giám đốc Công an tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc thực hiện công tác TGPL, đã chỉ đạo lực lượng công an tuyên truyền và thực hiện đúng các quy định theo luật, nghị định, thông tư về TGPL, các văn bản của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL, công tác phối hợp về TGPL đã được triển khai thực hiện thường xuyên và bước đầu đã đạt kết quả đáng khích lệ. Sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý đã góp phần xác định sự thật khách quan của vụ việc nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm, giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết công việc nhanh chóng. “Công tác TGPL cho người bị tạm giữ, tạm giam thuộc đối tượng được hưởng TGPL trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, số lượng người đề nghị và được TGPL năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng năm 2018, tính đến thời điểm này đã có 33 đối tượng có nhu cầu về TGPL”, Đại tá Phan Văn Cầm nói.
Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng triển khai có hiệu quả công tác TGPL. Cụ thể, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp Sở Tư pháp niêm yết bảng thông tin về TGPL, hộp tin TGPL tại địa điểm tiếp dân và phòng xử án để người dân dễ dàng tiếp cận với hoạt động TGPL miễn phí. Hội Nông dân tỉnh giới thiệu các chính sách pháp luật mới về hoạt động TGPL trên trang thông tin điện tử của Hội và bản tin Đại đoàn kết tỉnh; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và tư vấn, TGPL trực tiếp vào sáng thứ 7 hằng tuần tại văn phòng Hội…
Nâng cao hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan, đơn vị cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế. Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phạm Tiến Dũng cho rằng, vẫn còn một vài trường hợp cá biệt luật sư chưa hiểu hết trách nhiệm của mình theo quy định của luật, xem việc TGPL là việc nhỏ, giản đơn, thực hiện TGPL một cách “qua loa” cho xong việc, không tận tâm như những vụ việc do khách hàng yêu cầu. Những hiện tượng không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trên làm cho người được hưởng trợ giúp có tâm lý thiếu tin tưởng, ảnh hưởng xấu đến uy tín luật sư và chính sách TGPL nói chung. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nêu ra một số bất cập trong quy định của luật, qua đó đề nghị cần hướng dẫn và hoàn thiện để luật đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thực tế.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền của một số cơ quan chưa đạt hiệu quả cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhiều lúc chưa được nhịp nhàng; bị can trong các vụ án chưa thực sự hiểu biết hết ý nghĩa công tác TGPL, đa phần các bị can muốn thuê luật sư bào chữa, vì có tư tưởng: luật sư thuê sẽ quan tâm, bào chữa nhiệt tình, kỹ càng hơn trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và luật sư miễn phí đến từ Trung tâm TGPL… Đại diện các cơ quan tố tụng, các sở, ban, ngành, đơn vị cũng đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực để hoạt động TGPL ngày càng được nâng cao.
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết, sắp tới, để triển khai nội dung của Luật TGPL một cách hiệu quả, Sở Tư pháp tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để mọi đối tượng hiểu được nội dung Luật TGPL, nhất là những người được thụ hưởng từ luật này. Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp tiến hành rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh về các đối tượng (14 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách luật), không để bỏ sót. Sở Tư pháp cũng sẽ chủ trì thường xuyên cùng với các cơ quan tố tụng làm tốt công tác phối hợp; điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ trại giam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình phải thể hiện đầy đủ các thủ tục mà pháp luật quy định như: tư vấn, giới thiệu các hồ sơ thủ tục về TGPL… Sở cũng quan tâm nâng cao nghiệp vụ đội ngũ trợ giúp viên để công tác TGPL được nâng lên về chất lượng.
Tính nhân văn của Luật Trợ giúp pháp lý
TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định của pháp luật (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em, người có công cách mạng…), giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. TGPL còn góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Thành Nhân
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai