Phạm tội đối với trẻ em” là một tình tiết tăng nặng TNHS

91

Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách quan tâm, ưu tiên đối với trẻ em – thế hệ cần được xã hội bảo vệ và đối xử một cách đặc biệt. Nhưng hiện nay, thực trạng phạm tội đối với trẻ em vẫn xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là các tội liên quan đến tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm) và các tội phạm xâm phạm về tình dục. Để trừng trị và ngăn chặn tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách, biện pháp, trong đó nghiêm khắc nhất là biện pháp hình sự. Với mục đích nhằm trừng trị nghiêm khắc những người có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, ngăn ngừa, răn đe, giáo dục đối với những người có ý định phạm tội đối với trẻ em, Luật Hình sự đã coi tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em” là một tình tiết tăng nặng TNHS so với các trường hợp phạm tội khác.

Phạm tội đối với trẻ em là trường hợp người phạm tội đã có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và các quyền khác của trẻ em theo quy định của pháp luật.

Trước khi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985 ra đời, tình tiết phạm tội đối với trẻ em được quy định ở hai tội: tội giao cấu với người dưới 16 tuổi và tội dâm ô; là dấu hiệu định khung hình phạt của tội “hiếp dâm”.

Từ khi BLHS năm 1985 ra đời, tình tiết phạm tội đối với trẻ em được quy định với tính chất là dấu hiệu định tội trong bốn tội, gồm:

1. “Tội hiếp dâm trẻ em” (Điều 112a);

2. “Tội giao cấu với trẻ em” (Điều 114);

3. “Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em” ( Điều 149);

4. “Tội dâm ô đối với trẻ em” (Điều 202a).

Tình tiết phạm tội đối với trẻ em được quy định với tính chất là dấu hiệu định khung tăng nặng trong năm tội, cụ thể:

1. “Tội cưỡng dâm người chưa thành niên” (điểm a khoản 2 Điều 113a);

2. “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” (điểm c khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 185i);

3. “Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý” (điểm d khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 185m);

4.“Tội mua dâm người chưa thành niên” (điểm a khoản 3 Điều 202a);

5.“Tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm” (điểm a khoản 3 Điều 202).

Trong BLHS năm 1999, tình tiết phạm tội đối với trẻ em được quy định là dấu hiệu định tội trong bảy tội, gồm:

1.“Tội hiếp dâm trẻ em” (Điều 112);

2.“Tội cưỡng dâm trẻ em” (Điều 114);

3.“Tội giao cấu với trẻ em” (Điều 115);

4.“Tội dâm ô đối với trẻ em” (Điều 116);

5.“Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” (Điều 120);

6.“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” (điểm đ khoản 1 Điều 104);

7.“Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em” (Điều 228).

Tình tiết phạm tội đối với trẻ em được quy định là dấu hiệu định khung tăng nặng trong 13 tội, gồm:

1.“Tội giết người” (điểm c khoản 1 Điều 93: Giết trẻ em);

2.“Tội đe dọa giết người”(điểm c khoản 2 Điều 103: Đối với trẻ em);

3.“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” (khoản 2,3 Điều 104: Đối với trẻ em…);

4.“Tội hành hạ người khác” (điểm a khoản 2 Điều 110: Đối với trẻ em);

5.“Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” (điểm đ khoản 2 Điều 134: Đối với trẻ em);

6.“Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” (điểm c khoản 2 Điều 197: Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên; điểm d khoản 3 Điều 197: Đối với trẻ em dưới 13 tuổi);

7.“Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” (điểm c khoản 2 Điều 198: Đối với trẻ em);

8.“Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý” (điểm d khoản 2 Điều 200: Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên; điểm c khoản 3 Điều 200: Đối với trẻ em dưới 13 tuổi );

9.“Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp” (điểm c khoản 2 Điều 252: Đối với trẻ em dưới 13 tuổi);

10 “Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụỵ” (điểm c khoản 2 Điều 253: Đối với người chưa thành niên – bao gồm cả trẻ em);

11. “Tội chứa mại dâm” (điểm a khoản 3 Điều 254: Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi);

12. “Tội môi giới mại dâm” (điểm a khoản 3 Điều 255: Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi);

13. “Tội mua dâm người chưa thành niên” (điểm b khoản 2 Điều 256: Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và điểm a khoản 3 Điều 256: phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi ).

Nếu tình tiết phạm tội đối với trẻ em không phải là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì tình tiết này là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS.

Thực tiễn xét xử cho thấy, ngành Toà án còn gặp nhiều vướng mắc khi xét xử các vụ án mà đối tượng tác động của tội phạm là trẻ em, cụ thể là các vấn đề: (1) Cơ sở để xác định tuổi của người bị tội phạm xâm hại là trẻ em; (2) Ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đối với trẻ em có ảnh hưởng như thế nào đến TNHS của người phạm tội.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn phân tích, làm rõ hai vấn đề này như sau:

1. Cơ sở để xác định tuổi của người bị tội phạm tác động là trẻ em

Theo Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi”.

Việc xác định tuổi của người bị tội phạm tác động được coi là trẻ em là một yêu cầu bắt buộc hết sức quan trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Quá trình chứng minh tuổi của người bị tội phạm xâm hại là trẻ em có thể bao gồm: bản sao giấy khai sinh, nếu không có giấy khai sinh thì phải có các tài liệu chứng minh là người chưa đến 16 tuổi. Thậm chí có những trường hợp đã có giấy khai sinh rồi nhưng vẫn chưa khẳng định được tuổi chính xác của người bị tội phạm xâm hại thì cần phải có sự giám định nếu có một trong các bên yêu cầu giám định tuổi hoặc khiếu nại về tuổi của nạn nhân; vì có những trường hợp tuy đã có giấy khai sinh nhưng vẫn chưa chính xác về tuổi của người bị tội phạm xâm hại, làm cho việc xét xử vụ án không sát thực và không đúng đắn[1].

Thực tiễn xét xử cho thấy, có rất nhiều trường hợp việc xác định tuổi của người bị tội phạm xâm hại gặp rất nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không xác định được tuổi của người đó. Chẳng hạn, ở địa bàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, là nơi có số lượng người dân tộc thiểu số sinh sống nhiều, việc làm giấy khai sinh ở giai đoạn trước đây không đầy đủ, cho nên có nhiều trường hợp đến nay vẫn chưa có giấy khai sinh hoặc làm giấy khai sinh sau khi sinh 5 đến 10 năm (thậm chí nhiều hơn) nên ngày tháng năm sinh trong giấy khai sinh không chính xác, có trường hợp người bị hại không biết ngày tháng năm sinh của mình nên các cơ quan tiến hành tố tụng đến hỏi bố mẹ của bị hại, có người thì bảo họ sinh con họ (bị hại) vào mùa mưa của năm, có người thì bảo con tôi sinh vào mùa hạ…; vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể đoán chừng ngày, tháng, năm sinh của người bị tội phạm xâm hại theo những lời khai trên được mà phải tuân thủ một nguyên tắc thống nhất về vấn đề này.

Vấn đề này cũng được Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5/1/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985, đối với việc xác định tuổi của bị cáo như sau: “Cách tính tuổi do luật quy định là “đủ 14 tuổi”, hoặc “đủ 16 tuổi”, tức là tính theo tuổi tròn. Thí dụ: sinh 1/1/1975 thì đến 1/1/1989 mới đủ 14 tuổi. Trong trường hợp không có điều kiện xác định được chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo ngày cuối cùng của tháng sinh và nếu cũng không có điều kiện xác định chính xác tháng sinh thì xác định ngày sinh là 31/12 của năm sinh.

Như vậy, theo hướng dẫn trên của TANDTC và theo nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc suy đoán có lợi cho người có hành vi phạm tội thì hiện nay có hai cách tính tuổi nếu không biết rõ ngày, tháng của năm sinh như sau:

Nếu xác định tuổi của bị cáo thì tính theo nguyên tắc là: nếu không biết ngày sinh thì tính ngày cuối cùng của tháng, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm[2]. Tính như vậy thì bị cáo sẽ được giảm tuổi lại (được lợi) nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được ngày, tháng sinh của họ; vì có thể chỉ một ngày sinh thôi nhưng bị cáo trở thành người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc là người chưa đủ 16 tuổi hoặc là người chưa đủ 14 tuổi. Cách tính này làm thay đổi TNHS của họ theo quy định của BLHS cũng như họ được áp dụng các trình tự, thủ tục tố tụng theo BLTTHS.

Ngược lại, khi tính tuổi của bị hại, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày đầu của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng đầu của năm. Tính như vậy sẽ có lợi cho bị cáo vì người bị hại sẽ nhiều tuổi lên nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được ngày, tháng sinh của bị hại (có thể chỉ lợi được một ngày nhưng người bị hại sẽ từ trẻ em chuyển lên là người chưa thành niên, vì thế TNHS của người phạm tội sẽ thay đổi theo hướng có lợi) .

Ngoài ra, nếu không thể xác định được chính xác năm sinh của bị cáo cũng như của bị hại thì phải nhờ đến giám định tuổi, ngoài ra còn kết hợp với các tài liệu, chứng cứ khác để xác định tuổi có cơ sở.

2. Ý thức chủ quan của người phạm tội đối với nạn nhân là trẻ em khi thực hiện hành vi phạm tội có ảnh hưởng như thế nào đến TNHS của người phạm tội

Trong thực tế, vấn đề này có nhiều trường hợp xảy ra:

(1) Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội biết đối tượng bị tác động là trẻ em;

(2) Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội nhầm tưởng đối tượng bị tác động là người lớn, nhưng thực tế là trẻ em;

(3) Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội không quan tâm đối tượng bị tác động là trẻ em hay người lớn;

(4) Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội nhầm tưởng đối tượng bị tác động là trẻ em, mặc dù trên thực tế nạn nhân không phải là trẻ em;

Thực tiễn xét xử cho thấy, hiện nay vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về TNHS đối với người thực hiện tội phạm trong các trường hợp nêu trên, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS “Phạm tội đối với trẻ em” nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ nhận thức được nạn nhân là trẻ em, ngược lại nếu ý thức chủ quan của người phạm tội không nhận thức được nạn nhân là trẻ em thì người phạm tội không chịu tình tiết tăng nặng TNHS “Phạm tội đối với trẻ em”; vì khi ý thức chủ quan của người phạm tội không biết rõ đối tượng bị hành vi phạm tội của họ xâm hại là trẻ em, nhưng chúng ta vẫn buộc họ phải chịu TNHS về tình tiết tăng nặng đó thì vô tình chúng ta đã truy tội khách quan, không phù hợp với ý thức chủ quan của người phạm tội, trong khi các tội phạm đối với trẻ em quy định trong BLHS được thực hiện với lỗi cố ý.

Chúng tôi không đồng ý với quan điểm này. Ý thức chủ quan của người phạm tội về đối tượng bị hành vi phạm tội của họ xâm hại là trẻ em hay không phải là trẻ em không phải là một yếu tố cấu thành tội phạm với tư cách là yếu tố lỗi, mà lỗi với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm trong các tội phạm mà nạn nhân là trẻ em là lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: các tội giết người, hiếp dâm, giao cấu với trẻ em, cố ý gây thương tích… đều với lỗi cố ý), còn tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em” chỉ đề cập đến mặt hậu quả. Hậu quả đến đâu thì xử lý đến đó. Vì vậy không thể cho rằng: sẽ truy tội khách quan khi người phạm tội trong ý thức chủ quan của họ không biết đối tượng bị xâm hại là trẻ em mà phải chịu tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em”.

Quan điểm thứ hai cho rằng, tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em” được áp dụng theo ý thức chủ quan của người phạm tội. Cụ thể:

(a) Nếu ý thức chủ quan của người phạm tội biết được đối tượng bị xâm hại là trẻ em thì họ phải chịu TNHS về tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em”;

(b) Nếu ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng đối tượng bị xâm hại không phải là trẻ em (trên 16 tuổi), mặc dù hậu quả của tội phạm xác định được đối tượng bị xâm hại là trẻ em thì họ cũng không phải chịu TNHS về tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em”;

(c) Nếu người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội không quan tâm đến đối tượng bị xâm hại là trẻ em hay không phải là trẻ em nhưng hậu quả của tội phạm xác định được nạn nhân là trẻ em thì họ phải chịu TNHS về tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em”;

(d) Nếu ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng đối tượng bị xâm hại là trẻ em (dưới 16 tuổi), mặc dù hậu quả của tội phạm xác định được đối tượng bị tội phạm xâm hại không phải là trẻ em, thì người phạm tội cũng phải chịu TNHS về tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em”.

Chúng tôi cũng không hoàn toàn nhất trí với quan điểm này, vì theo ý (b), nếu ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng đối tượng bị tội phạm xâm hại không phải là trẻ em (trên 16 tuổi), mặc dù hậu quả của tội phạm xác định được đối tượng bị xâm hại là trẻ em thì họ cũng không phải chịu TNHS về tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em”; điều này không hợp lý, không đánh giá hết tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như hậu quả của tội phạm gây ra. Ví dụ 1: trong tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), có thể người phạm tội khi khi thực hiện hành vi phạm tội cho rằng, bị hại phải là người trên 16 tuổi (người lớn), nhưng hậu quả của tội phạm xác định được bị hại dưới 16 tuổi thì phải truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi phạm tội là “Hiếp dâm trẻ em”. Ví dụ 2: A vì có thù oán với B nên có ý định tước đoạt tính mạng của B, tối đến A bò vào giường ngủ của B và cầm dao đâm nhiều nhát vào B, hậu quả là con của B (15 tuổi) chết, vì trên giường không phải B đang nằm ngủ mà con của B đang nằm ngủ. Rõ ràng, vụ án này A sẽ bị truy tố theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS, vì đối tượng bị xâm hại ở đây là con của B (trẻ em) chứ không phải B – là người bị thoát chết do A nhầm lẫn.

Theo ý (d), nếu ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng đối tượng bị xâm hại là trẻ em (dưới 16 tuổi), mặc dù hậu quả của tội phạm xác định được đối tượng bị tội phạm xâm hại không phải là trẻ em, thì người phạm tội cũng phải chịu TNHS về tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em”. Điều này thật không hợp lý. Ví dụ: H thấy cháu P (dưới 16 tuổi) ở cạnh nhà rất dễ thương và nảy sinh ý định đen tối. Đêm 12/3/2001 H mò vào giường ngủ của P và thực hiện hành vi hiếp dâm cháu P, nhưng hậu quả là mẹ của cháu P là chị K bị H hiếp dâm chứ không phải cháu P vì cháu P được bố đem về thăm quê ở xa. Vụ án này TAND tỉnh Q xét xử H về tội “hiếp dâm” theo khoản 1 Điều 111 BLHS và người bị hại là chị K. Rõ ràng nếu truy tố H về tội “hiếp dâm trẻ em” là sai, không có tính thuyết phục vì cháu P không phải là nạn nhân.

Quan điểm thứ ba cho rằng, người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS “Phạm tội đối với trẻ em” nếu hậu quả của tội phạm xác định được đối tượng bị tội phạm tác động là trẻ em, mà không phụ thuộc vào việc trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có nhận thức được đối tượng bị tội phạm xâm hại là trẻ em hay không phải là trẻ em. Có nghĩa là, người bị tội phạm xâm hại là trẻ em có nằm trong hay nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội đều không ảnh hưởng gì đến việc định tội danh, định khung hình phạt hay áp dụng tình tiết tăng nặng khi quyết định hình phạt là “Phạm tội đối với trẻ em”.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Phạm tội đối với trẻ em không phải là tình tiết chỉ thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội mà còn mang tính khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Người phạm tội khi thực hiện tội phạm có thể biết rõ đối tượng bị tội phạm tác động là trẻ em, có thể họ không biết nạn nhân là trẻ em hoặc có thể họ không quan tâm nạn nhân là trẻ em hay không phải là trẻ em. Chẳng hạn trong tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS), tội giao cấu với trẻ em (khoản 1 Điều 115 BLHS)… cho dù người phạm tội không biết đối tượng bị giao cấu đang dưới 16 tuổi hoặc chưa đủ 13 tuổi, đến khi các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận mới biết được điều đó thì không ảnh hưởng gì đến việc định tội danh. Do vậy, không cần người phạm tội phải nhận thức được hoặc buộc họ phải nhận thức được đối tượng mà mình xâm phạm là trẻ em thì mới coi là phạm tội đối với trẻ em, mà chỉ cần xác định được nạn nhân là trẻ em thì người phạm tội phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS là “Phạm tội đối với trẻ em”.

Ví dụ1: Nguyễn Xuân A và Hoàng Thị K quê ở tại huyện GL tỉnh QT, Nhà A và K ở gần nhau, quá trình gần gũi nhau A và K có tình cảm với nhau và yêu nhau, tuy nhỏ tuổi nhưng K rất “tồ”, cơ thể phát triển trước tuổi. Khi gia đình của K phát hiện K có thai thì rất giận con gái của mình cũng như giận A, gia đình K bối rối trong việc giải quyết vụ việc nên có sang gia đình của A bàn bạc, thương lượng và có yêu cầu gia đình A bồi thường một khoản tiền sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm cho K và tìm phương cách giải quyết cho êm đẹp. Nhưng quá trình thương lượng không những không thành mà còn phát sinh mâu thuẫn, nên gia đình K làm đơn tố cáo A đã có hành vi dụ dỗ và hiếp dâm K, lúc đó A mới 17 tuổi và cháu K chưa đầy 13 tuổi (thiếu 15 ngày là đầy 13 tuổi). A bị truy tố và xét xử về tội “Hiếp dâm trẻ em” theo khoản 4 Điều 112 BLHS. Tại phiên toà A và K một mực kêu oan vì cho rằng do hai đứa tự nguyện yêu nhau, chứ thực ra A không biết K chưa đủ 13 tuổi và cũng không biết như vậy là phạm tội nhưng A vẫn bị xét xử về tội “hiếp dâm trẻ em” theo khoản 4 Điều 112 BLHS với một mức án tương đối nặng. Như vậy, A đã có hành vi phạm tội đối với trẻ em, và đây là một yếu tố định tội. Mặc dù việc K chưa đầy 13 tuổi nằm ngoài ý thức chủ quan của A, nhưng hậu quả xảy ra là K dưới 13 tuổi nên A phải chịu trách nhiệm hình sự theo hậu quả đó.

Ví dụ 2: Nhà B sát nhà của C, do mâu thuẫn về lối đi nên hai bên có sự cãi vã và xô xát lẫn nhau. Thấy vậy, con của C là H vào căn ngăn, khi vào can ngăn B tưởng là H xông vào đánh mình nên đã dùng cục gạch to đánh mạnh vào vùng thái dương (đầu) của H làm H ngã gục và chết tại chỗ. B bị truy tố và xét xử về tội giết người theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS vì H thiếu 10 ngày đầy 16 tuổi (dưới 16 tuổi). Mặc dù khi thực hiện hành vi giết H, B không nhận thức được H là trẻ em hay là người chưa thành niên hoặc đã thành niên (ngoài ý thức chủ quan của B), nhưng hậu quả là H chưa đủ 16 tuổi nên B phải chịu TNHS như vậy. Tuy cả A và B đều thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, nhưng việc bị hại là trẻ em đều nằm ngoài ý thức chủ quan của họ.

Như vậy, có thể khẳng định việc xác định ý thức chủ quan của bị cáo đối với đối tượng bị xâm hại là trẻ em hay không phải là trẻ em khi thực hiện hành vi phạm tội đều không ảnh hưởng đến việc định tội danh, mà có chăng chỉ ảnh hưởng đến việc xem xét khi lượng hình phạt. Nếu người phạm tội biết trước nạn nhân là trẻ em mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội thì tính chất và mức độ hành vi phạm tội nguy hiểm hơn là trường hợp không biết nạn nhân là trẻ em khi thực hiện hành vi phạm tội; và tất nhiên TNHS đối với người cố ý phạm tội đối với trẻ em là nghiêm khắc hơn so với người khi thực hiện hành vi phạm tội không biết người bị xâm hại là trẻ em.

Thực tiễn xét xử cho thấy, việc áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “Phạm tội đối với trẻ em” vẫn còn nhiều vướng mắc, đề nghị liên ngành cấp trên cần sớm có sự giải thích, hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và chính xác.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai