Quyền bào chữa, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân

99

Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được thể hiện thông qua việc ghi nhận, mở rộng, bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Trong các quyền cơ bản của công dân thì các quyền về chính trị thể hiện rõ nhất tính dân chủ của chế độ.

Khi Hiến pháp quy định hoạt động bào chữa, bảo vệ là một quyền thì nhà nước có trách nhiệm ban hành, hoàn thiện các cơ chế bảo đảm thực thi quyền này.

Theo tôi, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền được bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân trong mọi hoạt động pháp lý là chế định thể hiện rõ nét nhất của xã hội dân chủ. Xác định tầm quan trọng của quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhiều lần khẳng định quyền này, cụ thể: Khoản 3-Điều 32 quy định: “Người bị bắt, bị tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. Khoản 7-Điều 108 quy định: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp“.

Mặc dù dự thảo có nhiều quy định về quyền và bảo đảm quyền này. Tuy vậy, tôi vẫn xin có ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa thể chế này.

Về nội dung, Khoản 7- Điều 108 dùng cụm từ có thể theo tôi là chưa thể hiện được hết bản chất của quy định này. Khi dùng từ có thể tức là sử dụng một mệnh đề có điều kiện. Đã là mệnh đề có điều kiện thì điều đó có thể được thực hiện nhưng cũng có thể không được thực hiện, tùy thuộc vào một hoặc một số điều kiện khác. Theo tôi trong trường hợp này phải thay thế cụm từ có thể bằng từ quyền vì khi đã quy định đây là một quyền thì sẽ được thực hiện mà không cần kèm theo các điều kiện hoặc hạn chế khác. Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa cho mình. Đương sự có quyền tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp cho họ.

Khi Hiến pháp quy định đây là một quyền chứ không phải là một hoạt động mang tính bổ trợ thì sẽ thể hiện được rõ ràng, chính xác bản chất của vấn đề. Khi Hiến pháp quy định hoạt động bào chữa, bảo vệ là một quyền thì nhà nước có trách nhiệm ban hành, hoàn thiện các cơ chế bảo đảm thực thi quyền này. Thực tế, hiện nay quyền này đang được pháp luật bảo đảm thông qua hai cách.

Thứ nhất, bị can, bị cáo, đương sự tự bỏ tiền ra mời luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích cho mình. Trường hợp này phải đáp ứng đủ hai điều kiện là: Thứ nhất, bị can, bị cáo, đương sự phải có tiền cũng như phải được sự chấp thuận của bị can, bị cáo, đương sự thì hoạt động bào chữa, bảo vệ mới được thực hiện. Thứ hai, Nhà nước thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng mời và bỏ tiền ra thanh toán chi phí cho luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người bị truy tố có khung hình phạt cao nhất đến mức tử hình hoặc bị can, bị cáo là người có nhược điểm về thể chất, tinh thần. Hoặc Nhà nước thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí để thanh toán tiền cho luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ trong một số nhóm đối tượng nhất định.

Trường hợp này có hạn chế là bị can, bị cáo, đương sự phải thuộc một trong các nhóm đối tượng nhất định mới được thụ hưởng.

Cách sắp xếp quy định về quyền bào chữa, bảo vệ lợi ích trong dự thảo như hiện nay chưa thật hợp lý. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong dự thảo được quy định tại khoản 7- Điều 108 có thể dẫn tới nhận thức sai lầm về bản chất của hoạt động này cũng như của quyền này.

Điều 108- Chương VIII quy định về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Điều 108 quy định về Tòa án nhân dân. Việc sắp xếp quy định về quyền bào chữa, bảo vệ lợi ích hợp pháp trong điều luật, trong chương về Tòa án nhân dân có thể dẫn tới cách hiểu quyền bào chữa, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp là một bộ phận, là một hoạt động của tòa án. Quy định như vậy có thể dẫn tới ý kiến cho rằng đây là một hoạt động nghiệp vụ của tòa án và rằng tổ chức luật sư là một bộ phận của tòa án. Do vậy, theo tôi nên chuyển quy định này sang chương về quyền cơ bản của công dân và ghép cả Khoản 7- Điều 108 vào Điều 32 trong dự thảo.

Luật sư Minh Ngọc (BBG)

Công ty luật Dragon – Văn phòng luật sư Hà Nội

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai