Quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ của bị can, bị cáo

179

Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự được Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình xin ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 – Khóa XIII và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Dự thảo Bộ luật có tổng số 486 Điều, trong đó bổ sung 172 Điều mới, sửa đổi 294 Điều, giữ nguyên 20 Điều và bãi bỏ 26 Điều.

Được bố cục thành 9 phần, 38 chương. Trong quá trình xây dựng, mặc dù nhiều nội dung Dự thảo được tán thành nhưng bên cạnh đó có nhiều vấn đề vẫn còn có ý kiến khác nhau, đây đa số là những vấn đề mới, quan trọng của Dự thảo như: quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; về ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can; thời hạn tạm giam; chủ thể có quyền thu thập chứng cứ; việc mở rộng diện cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và giới hạn xét xử của tòa án. Trong phạm vi bài này, người viết xin tham gia góp ý đối với quy định về quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Dự thảo Bộ luật.

Điểm h khoản 2 Điều 42 Dự thảo quy định bị can có quyền “Đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội bị can trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp bị can không mời người bào chữa” và điểm i khoản 2 Điều 43 Dự thảo quy định bị cáo có quyền “Đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội bị cáo trong hồ sơ vụ án sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp bị cáo không mời người bào chữa”. Theo quy định này thì quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo chỉ được thực hiện khi bị can, bị cáo không mời người bào chữa; về thời điểm đọc, ghi chép chỉ được thực hiện sau khi kết thúc điều tra; về cách thức chỉ được đọc bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa và phạm vi được giới hạn đối với tài liệu liên quan đến việc buộc tội bị can, bị cáo.

Liên quan đến quy định này hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau: loại ý kiến thứ nhất thì đồng tình với Dự thảo Bộ luật, nhằm tạo điều kiện để bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa đã được quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp, những nội dung quy định như trên không những phù hợp với thực tiễn hoạt động tố tụng ở Việt Nam mà còn phù hợp với xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai thì cho rằng Dự thảo chỉ nên cho phép bị can, bị cáo đọc một số bản sao tài liệu quan trọng trực tiếp liên quan đến việc buộc tội họ và loại ý kiến thứ ba thì đề nghị không quy định cho bị can, bị cáo quyền này vì nếu để bị can, bị cáo tiếp xúc với hồ sơ vụ án, nhất là bị can, bị cáo đang bị tạm giam thì sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ sơ và kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Hồ sơ một số vụ án liên quan đến an ninh quốc gia sau khi kết thúc điều tra còn cần phải bảo đảm yêu cầu bí mật.

Theo quan điểm của người viết thì quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án nên được coi là một trong những quy định cần thiết để bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa một cách thiết thực, công bằng và hiệu quả nhất. Quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo đã được Hiến pháp quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp và Dự thảo Bộ luật cũng ghi nhận tại khoản 2 Điều 42, do vậy, pháp luật cần phải có những quy định để tạo điều kiện cho bị can, bị cáo thực hiện quyền này mà trong đó việc ghi nhận cho họ có quyền đọc, ghi chép tài liệu liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án là một quy định cần thiết. Tuy nhiên, do đây là một chế định mới, nếu quy định không chặt chẽ sẽ có thể tạo nên sự lúng túng cho các cơ quan liên quan khi áp dụng, đặc biệt là có thể tạo nên sự không bình đẳng hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ sơ vụ án. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến chế định này nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Điều 42, 43 Dự thảo chỉ mới quy định bị can, bị cáo được quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội bị can, bị cáo trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra trong trường hợp bị can, bị cáo không mời người bào chữa. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 108 Dự thảo quy định bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có hình phạt tù chung thân, tử hình mà họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho họ và họ có quyền từ chối chỉ định người bào chữa. Như vậy, đối với những bị can, bị cáo từ chối chỉ định người bào chữa thì họ sẽ tự thực hiện quyền bào chữa, do đó pháp luật nên quy định rõ ràng rằng trong trường hợp bị can, bị cáo từ chối chỉ định người bào chữa thì họ cũng được quyền đọc, ghi chép hồ sơ vụ án để bảo đảm quyền tự bào chữa của họ. Cụ thể, cơ quan soạn thảo nên quy định rõ hơn về điều kiện đọc, ghi chép của bị can bị cáo theo hướng “…trong trường hợp bị can, bị cáo không có người bào chữa và có yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu”. Quy định như vậy sẽ bao gồm cả trường hợp bị can, bị cáo không mời người bào chữa và bị can, bị cáo từ chối chỉ định người bào chữa.

Thứ hai, tương tự như trên, khoản 2 Điều 108 Dự thảo cũng quy định, người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự mình thực hiện được quyền bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người chưa thành niên và người đại diện theo pháp luật của họ vẫn có quyền từ chối người bào chữa. Lúc đó, người đại diện theo pháp luật của những người này có thể sẽ tự thực hiện bào chữa theo quy định tại Điều 50 Dự thảo. Trong những trường hợp này thì những người đại diện theo pháp luật của họ có quyền đọc, ghi chép hồ sơ vụ án hay không. Vì đây là một chế định mới nên cơ quan soạn thảo nên dự liệu các trường hợp có thể dẫn đến vướng mắc khi Luật có hiệu lực thi hành.

Thứ ba, một trong những lo ngại của một số chuyên gia, đại biểu khi áp dụng chế định này là sự an toàn hồ sơ nếu bị can, bị cáo đang bị tam giam. Xét về khía cạnh lưu trữ thì đây là một lo ngại có cơ sở, bởi vì trong điều kiện lưu trữ bằng hình thức truyền thống đang phổ biến và trình độ của bị can, bị cáo còn hạn chế để có thể đọc tài liệu số hóa như hiện nay cũng như khả năng để các cơ quan tố tụng có thể số hóa hết hồ sơ vụ án nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của bị can, bị cáo. Vì vậy, luật phải quy định rõ hoặc giao Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định rõ cơ chế đọc, ghi chép hồ sơ của trong trường hợp bị tam giam là phù hợp hơn.

Trần Thị Túy

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai