Suy đoán vô tội

62

Ngay từ thời La mã cổ đại người ta đã khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo, thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định những tư tưởng này chỉ được các quan toà áp dụng trong tố tụng dân sự. Đây được coi là cội nguồn của nguyên tắc suy đoán vô tội (presomtion of innonce) 1. Tuy nhiên, chỉ đến khi cách mạng tư sản Pháp 1789 bùng nổ tư tưởng này mới được mới đựoc ghi nhận như là một nguyên tắc của pháp luật. Tuyên ngôn nhân quyền 1789 long trọng tuyên bố: Mọi người được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội . Nếu xét thấy cần thiết phải bắt giữ thì mọi sự cưỡng bức vượt quá mức cần thiết cho phép đều bị pháp luật xử lý nghiêm khắc2. Suy đoán vô tội đã đựợc luật hình sự của nhiều nhà nước coi là nguyên tắc “vàng” của tố tụng hình sự, được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm về nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng theo chúng tôi suy đoán vô tội bao gồm những nội dung sau đây:

-Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của toà án.

– Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình.

– Mọi ghi ngờ về pháp luật và chứng cứ phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.

Cũng giống như nhiều nguyên tắc khác của pháp luật, suy đoán vô tội chỉ trở thành nguyên tắc của luật tố tụng hình sự trong giai đoạn lịch sử nhất định, trong một kiểu nhà nước nhất định. Trong một nhà nước mà quyền con người bị chà đạp, khi tôn giáo, thần quyền còn thống trị thì những tư tưởng văn minh và tiến bộ như suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự không có cơ hội thể hiện chứ chưa nói đến trở thành nguyên tắc pháp luật. Ngược lại, xã hội phát triển đến trình độ cao hơn, khi quyền con người được nà nước tôn trọng và bảo vệ thì những tư tưởng pháp lý tiến bộ như suy đoán vô tội tất yếu sẽ đựoc ghi nhận và bảo đảm thực hiện không chỉ trên phương diện lập pháp mà còn cả trên thực tế.

Chiến lược cải cách tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có hệ thống pháp luật tố tụng hình sự cho phù hợp. Trong đó những tư tưởng, nguyên tắc pháp luật đã đựoc cộng đồng quốc tế thừa nhận như là giá trị to lớn của văn minh nhân loại phải đựoc ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta. Chính vì vậy có thể nói  ghi nhận suy đoán vô tội là đòi hỏi tất yếu của luật tố tụng hình sự trong nhà nước pháp quyền.

Trước khi có bộ luật TTHS 1989, trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật những nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội cũng được thừa nhận ở mức đọ này hay mức độ khác.  Điều 10, điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của toà án, trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, bị can bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Những nội dung này được thể hiện xuyên suốt các quy định của luật tố tụng hình sự Việt Nam trong đó có chế định xét xử.

2. Nguyên tắc suy đoán vô tội tron giai đoạn xét xử vụ án hình sự

Nguyên tắc suy đoán vô tội (SĐVT) khẳng định: Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực của toà án. Điều này cho thấy chỉ có toà án mới có quyền tuyên bố một người  có tội và áp dụng trách nhiệm hình sự trong đó có trách nhiệm hình sự nghiêm khắc nhất là hình phạt đối với họ. Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã dành hai phần (3 và 4) với 9 chương quy định về giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Với tư cách là gia đoạn trung tâm của tố tụng hình sự, việc quy định trong pháp luật và thực tiễn thực hiện việc xét xử của toà án phải thể hiện và tuân theo các nguyên tắc của tố tụng hình sự trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội.

Không chỉ khẳng định chỉ toà án mới có quyền tuyên bố một người phạm một tội nào đó nguyên tắc SĐVT trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự còn thể hiện quyền được xét xử công bằng của bất kỳ người bị buộc tội nào. Quyền được xét xử công bằng là một tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế nhằm bảo vệ cá nhân không bị lấy đi, tước đoạt một cách độc đoán những quyền tự do cơ bản. Điều 14 Công ước quốc tế về nhân quyền quy dịnh: “Mọi người phải được hưởng sự xét xử công bằng và công khai của một Toà án có thẩm quyền, độc lập và không thiên vị do luật định”.3 Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ 1945 đến nay đã thể hiện việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong các quy định về hoạt động xét xử của toà án. Thông tư số 2225 HCTP ngày 24/10/1956 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn: Không nên có định kiến rằng hễ người bị truy tố là nhất định có tội mà đối xử như với người có tội; bị can trước khi tuyên án được coi như vô tội để tào án có thái độ hoàn toàn khách quan.4 Để đảm bảo việc khách quan, vô tư , không định kiến bị cáo có tội trước khi xét xử của toà án , Thông số 16/TATC ngày 27/9/1974 của Toà án nhân dân tối cao đã đưa ra hướng dẫn có tính nguyên tắc trong hoạt động xét xử nói chung và xét hỏi tại phiên toà nói riêng  như sau: “ Việc xét hỏi tại phiên toà nhằm trực tiếp và công khai thẩm tra lại các chứng cứ của vụ án. Do đó, Hội dồng xét xử phải xét hỏi một cách khách quan. Cần tránh tư tưởng quá tin vào hồ sơ mà coi nhẹ tác dụng của việc xét hỏi tại phiên toà hoặc cho rằng việc xét hỏi chỉ nhằm buộc tội bị can phải xác nhận những lời mà họ đã khai ở cơ quan điều tra”5. Như vậy, những nội dung của nguyên tắc SĐVT trong giai đoạn xét xử đã được thể hiện trong các văn bản hướng dẫn của cơ quan xét xử cao nhất. Tuy chưa trở thành nguyên tắc nhưng những tư tưởng này đã góp phần định hướng cho hoạt động xét xử của toà án.

Bộ luật TTHS 1989 và 2003 đã đưa hai nội dụng của nguyên tắc SĐVT thành nguyên tắc  cơ bản và nó được thể hiện trong những quy định về xét xử của toà án như sau:

Trước hết, nguyên tắc SĐVT được thể hiện trong các quy định về thẩm quyền xứt xử (điều 170) về vụ việc. Theo đó, toà án cấp tỉnh được xét xử những vụ án có tính chất mức độ nghiêm trọng cao hơn toà án cấp huyện (thể hiện ở khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố). Mục đích của việc phân định thẩm quyền này không có mục đích nào khác là đảm bảo cho việc xét xử được chính xác, tránh kết tội oan người vô tội bới hậu quả của việc kết án oan trong những vụ lớn là nghiêm trọng  và khó khắc phục hậu quả hơn rất nhiều so với những vụ án nhỏ. Điểm đáng lưu  ý là điều 170 Bộ luật TTHS 2003 có sự sửa đổi về kỹ thuật lập pháp so với diều 145 Bộ luật TTHS năm 1989 thể hiện nhận thức về nguyên tắc suy đoán vô tội bằng việc quy định: Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự “về những tội phạm….” thay cho quy dịnh “xét xử những tội phạm”. Quy định này cũng giống với điều 31 Bộ luạt TTHS Liên bang Nga năm 2001. Việc sửa đổi này cho thấy ngay từ khi thụ lý vụ án, xác định thẩm quyền, toà án căn cứ vào nội dung cáo trạng truy tố bị cáo về tội gì ít nghiêm ttrọng, rất nghiêm, trọng hay đặc biệt nghiêm trọng chứ không thể khẳng định ngay hành vi bị Viện kiểm sát truy tố là “tội phạm”.

Nguyên tắc SĐVT với ý nghĩa bảo vệ quyền con người  được thể hiện trong bộ luật TTHS hiện hành về giai đoạn xét xử ở những quy định về thời hạn xét xử. Trong quá trình tố tụng tiền xét xử, rất nhiều trường hợp bị cáo bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự. Chính vì vậy, họ có quyền được xét xử không quá mức chậm trễ tại toà án. Tại toà họ mới bị tuyên có tội hay không. Việc xét xử phải đảm bảo quyền xét xử không đựoc chậm trễ quá mức tại toà cho người bị buộc tội để từ đó nhanh chóng đưa ra bản án kết tội hoặc nhanh chóng đưa họ ra khỏi vòng quay tố tụng hình sự nếu việc buộc tội không thực hiện được. Việc đánh giá đựoc xem  là chậm trễ quá mức hay không phụ thuộc vào tính phức tạp của vụ án, nhân thân bị cáo, tình trạng có bị giam giữ hay không. Điều 176 Bộ luật TTHS 2003 cụ thể hoá quyền đựoc xét xử không chậm trễ trong Công ước Quốc tế về quyền con người bằng thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn mở phiên toà. Theo đó, thời hạn chuẩn bị xét xử là đối với tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tương ứng là 30 ngày, 45 ngày, 60 ngày. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử toà án phải mở phiên toà. Tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị xét xử toà án có thể đưa vụ án ra xét xử cũng có thể đình chỉ vụ án. Những căn cứ mà toà án phải đình chỉ vụ án là: Người thực hiện hành vi phạm tội chưa đến tuổi chị trách nhiệm hình sự; hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tội phạm đã được đặc xá. Đây là những trường hợp bị cáo không bị coi là có tội . Với chế định toà án đình chỉ vụ án, một lần nữa , luật tố tụng hình sự Việt nam khẳng định: Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của toà án. Còn một người được coi là vô tội trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào.

Nguyên tắc SĐVT quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa và nguyên tắc tranh tụng bởi vì nếu dã bị coi là có tội ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can…thì quyền bào chữa, quyền được tranh tụng trước toà để tìm ra chân lý của vụ án chỉ là hư quyền. Xét xử chỉ là việc toà án đi tìm lời giải cho một bài toán có sẵn đáp số là một người có tội và bắt họ vào tù. Chỉ vì thừa nhận suy đoán vô tội nên Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành có nhiều quy định đảm bảo quyền bào chữa- quyền chứng minh sự vô tội của bị cáo. Quyền chứng minh sựu vô tội của bị cáo đựoc thể hiện trong các quy định dưới đây:

Trước hết, bị cáo không những chỉ đựoc biết mình bị khởi tố, điều tra về tội gì (ở giai đoạn điều tra) mà còn đựoc biết mình bị xét xử về tội gì. Đây là nội dung của Điều 9 Công ước Quốc tế về nhân quyền: Bị cáo được thông báo tức thời và thật chi tiết bằng ngôn gữ mà anh ta hiểu được về bản chất và lý do buộc tội anh ta”. Cụ thể hoá nội dung này, Điều 178 Bộ luật TTHS Việt Nam quy định như sau: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tội danh và điều khoản BLHS mà viện kiểm sát áp dụng đối với hành vi của bị cáo”. Trong giai đoạn xét xử quyền chứng minh sự vô tội của bị cáo còn được thể hiện ở việc bị cáo có quyền đưa ra các chứng cứ, yêu cầu, đề nghị thay đổi thành viên hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng…Bị cáo có quyền đựoc tham gia phiên toà. Tham gia phiên toà là quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ của bị cáo nhưng việc bị cáo trốn tránh không có nghĩa là bị cáo có tội. Chỉ xét xử vắng mặt bị cáo khi họ trốn tránh và việc truy nã không có kết quả, không triệu tập đựoc bị cáo, hoặc sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử.

Đối với giai đoạn xét xử, Bộ luật TTHS hiện hành có nhiều quy định đảm bảo cho các bên buộc tội và gỡ tội được tranh  tụng bình đẳng mặc dù tố tụng hình sự Việt Nam không phải là kiểu tố tụng tranh tụng. Điều 210, Bộ luật TTHS cho phép các bên buộc tội và gỡ tội có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, yâu cầu và tranh luận dân chủ trước toà. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan. Điều 218, thể hiện rõ nguyên tăc tranh tụng ở việc quy định thủ tục đối đáp trong đó bị cáo có quyền trình bày ý kiến về bản luận tội và đưa ra đề nghị của mình. Điều luật cũng bắt buộc Viện kiểm sát phải  đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến. Đây là trách nhiệm của bên buộc tội tại phiên toà phải tranh luận toàn diện, đầy đủ bình đẳng với bên gỡ tội, không đựoc lảng tránh hoặc trả lời một cách áp đặt và thiếu trách nhiệm kiểu như “giữ nguyên quan điểm truy tố” mà không đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm buộc tội của mình. Việc cho phép các bên tranh tụng đã thể hiện nguyên tắc SĐVT ở chỗ: Quá trình tố tụng từ khởi tố điều tra- truy tố cho đến phiên toà hình sự chưa cho phép khẳng định chắc chắn một người có tội thì mới tồn tại sự tranh tụng và giữa bên buộc tội và gỡ tội. Suy doán vô tội là cơ sửo cho việc tranh tụng và tranh tụng đảm bảo cho việc thực hiện suy đoán vô tội.

Nguyên tắc SĐVT khẳng định: bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tộicủa mình. Như vậy đồng nghĩa với việc tại phiên toà bị cáo có quyền im lặng tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Luật tố tụng hình sự Việt Nam không quy định quyền im lặng của bị cáo nhưng điều 229 Bộ luật TTHS quy đinh: Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa…tiếp tục tiếp tụchỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án”. Như vậy, điều luật đã gián tiếp công nhận quyền đựoc im lặng của bị cáo tại phiên toà và không buộc bị cáo chia sẻ gánh nặng  chứng minh.

Nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ rõ: Khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của toà án thì thì bị can, bị cáo khong bị coi là có tội. Điều đó cho thấy tầm quan trong của bản án đối với quá trình tố tụng hình sự cũng ý nghĩa to lớn của nó đới với việc đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội. Bản án hình sự là hình thức pháp lý của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự chỉ do toà án ban hành trong đó tuyên bố một người phạm tội hoặc không phạm tội. Điều 224, Bộ luật TTHS đã đưa ra khuôn mẫu chung của bản án hình sự sơ thẩm về hình thức và nội dung. Theo đó, bản án hình sự chỉ có hai loại: bản án hình sự tuyên bị cáo có tội và bản án hình sự tuyên bị cáo không phạm tội. Bản án tuyên bị cáo phạm tội phải chỉ rõ bị cáo phạm tội gì, theo điều khoản nào của BLHS. Nếu bị cáo vô tội thì dứt khoát trongbản án phải khôi phục danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi khác cho họ. Với nhận thức chỉ có hai loại bản án quy địnhtại điều 224 BLTTHS chứ không thể có hơn mới tránh được  những bản án tuyên rất “lửng lơ” kiểu như: Bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội… “không đủ căn cứ để kết tội bị cáo về tội hoặc hành  vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm…vv và vv…. Tuyên như vậy rất khó xác định bị cáo có tội hay không có tội, oan hay không oan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền suy đoán vô tội  như các quyền lợi khác của bị cáo.

Nguyên tắc SĐVT còn đòi hỏi bản án phải công minh biểu hiện ở việc  hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự được tuyên trong bản án phải phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội nhân thân của người có tội, còn không có tội phải đựoc tuyên là vô tội và phải đựoc minh oan.6  Vì bản án không đựoc dựa trên những chứng cứ giả định nên điều 224 quy định: bản án (kết tội) phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ có tội và chứng cứ vô tội (bản án vô tuyên bị cáo vô tội). đây chính là tính có căn cứ của bản án hình sự tức là mọi quyết định của toà án trong bản án phải dựa trên hệ thống chứng cứ được thu thập một cách khách quan, đầy đủ, hợp pháp và toàn diện trong tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự và phải được đưa r xem xét, đánh giá công khai, dân chủ, bình đẳng  tại phiên toà. Sẽ không có một bản án chính xác, giải quyết triệt để, toàn diện các vấn đề của vụ án hình sự nếu chỉ dựa vào suy luận chủ quan, định kiến của hội đòng xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng. Hậu quả của nó là không chỉ bỏ lọt tội phạm nguy hiểm hơn là làm oan người vô tội. Những căn cứ để tuyển bị cáo không phạm tội cần được hiểu rộng hơn không chỉ là có đủ chứng cứ và đủ căn cứ pháp lý tuyên bị cáo không phạm tội   mà còn là cả những trường hợp không đủ căn chứng minh bị cáo có tội, có nghi ngờ về chứng cứ cũng như pháp luật để chứng minh bị cáo có tội. Điều này phù hợp với nguyên tắc SĐVT khi  trách nhiệm nhiệm chứng minh thuọc về các cơ quan tiến hành tố tụng và mọi nghi ngờ về chứng cứ và pháp luật phải giải quyết có lợi cho bị can, bị cáo.

Bản án hình sựu sơ thẩm chỉ có hiệu lực khi nó không có kháng cáo kháng nghị trong thời hạn và thủ tục luật định.. Điều đó cho thấy, dù đã có bản án kết tội nhưng nếu bản án ấy bị kháng cáo, kháng nghị (loại trừ những kháng cáo kháng nghị không liên quan đến trách nhiệm hình sự của bị cáo) thì bị cáo vẫn được coi là không có tội. Trong quá trình xét xử phúc thẩm, toà án và cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc SĐVT giống như trong quá trình xét xử sơ thẩm trong việc chứng minh và đối xử với bị cáo. Điều 246 BLTTHS quy định về việc bổ sung, xem xét chứng cứ tại phiên toà phúc thẩm. Theo đó, tại phiên toà phúc thẩm, VKSND, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác vẫn có quyền bổ sung chứng cứ. Quy định này tiếp tục đảm bảo quyền chứng minh sự vô tội của bị cáo nhằm đảm bảo cho xét xử phúc thẩm được khách quan toàn diện và chính xác. bản án hình sự phúc thẩm phải căn cứ cả vào những chứng cứ mới và những chứng cũ.  sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội.

3. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành  về giai đoạn xét xử vụ án hình sự nhằm đảm bảo nguyên tắc suy doán vô tội

Từ việc không ghi nhận chính thức,nguyên tăc SĐVT và các nội dung đầy đủ của nó như là nguyên tắc cơ bản của luật TTHS nên hậu quả tất yếu là nhiều quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành trong đó có những quy định về xét xử của toà án không lột tả hết được những nội dung của nguyên tăc SĐVT. Đó là việc luật không quy định quyền đựơc im lặng của bị cáo trong đó có việc im lặng trước toà. Điều 67 Công ước Roma về quy chế Toà án hình sự quốc tế đã quy định: Không bị  buộc phải khai nhận tội tội và đựoc giữ im lặng mà sự im lặng đó không bị coi là có một lý do để xác định bị có tội hay vô tội”. Quyền im lặng của bị cáo được Bộ luật TTHS Liên bang Nga 2001 quy định tại điều 47 theo đó bị can có quyền “phản đối việc đưa ra những lời khai liên quan đến việc buộc tội của họ hoặc từ chối đưa ra nhưĩng lời khai”. Quyền đựoc im lặng và không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại mình cũng đựoc luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ thừa nhận thông qua án lệ Escobedo kiện bang Ilinois hay vụ án Miranda còn gọi là “cảnh báo Miranda”  Theo án lệ này thì năm 1963, cảnh sát đã bắt Ersesto Miranda vì có chứng cứ cho rằng người này là thủ phạm vụ hiếp dâm cô gái 18 tuổi tại bang Arizona. Sau hai giờ thẩm vấn, Miranda đã thú nhận y chính là thủ phạm. Tại toà Luật sư của Miranda lập luận rằng cảnh sát đã không thông báo quyền được im lặng và quyền có người bào chữa cho bị cáo. Toà án sơ thẩm  bác lập luận này của luật sư và kết án bị cáo. Tuy nhiên Toà án tối cao Hoa Kỳ đã huỷ bản án kết tội này này và tuyên rằng lời tự thú của Miranda không thể được chấp nhận là chứng cứ vì cảnh sát đã không thông báo quyền được im lặng của bị cáo khi tiến hành tố tụng7.  “Cảnh báo Miranda” vẫn là nỗi ám ảnh của cảnh sát nhiều quốc gia. Chính vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, Luật tố tụng hình sự cần phải quy định im lặng là quyền của bị cáo trong các gai đoạn tố tụng nói chung và trong phiên toà nói riêng chứ không để khoảng trống pháp lý như hiện này là  không quy định là quyền đồng thời không quy địn hlà nghĩa vụ của bị can bị cáo. Chính khoảng trống pháp lý này tạo cơ hội cho một số cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng sai nguyên tắc SĐVT biểu hiện ở hành vi dùng nhục hình, mớm cung, ép cung thậm chí cho rằng bị cáo không khai báo là ngoan cố chối tội và coi đây là cái cớ để tăng nặng hình phạt cho bị cáo.

Về quy  định cho phép toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi toà án thấy còn thiếu những chứng cứ quan trọng mà không bổ sung tại phiên toà; khi có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác  hoặc có đồng phạm khác quy định tại điều 179 Bộ luật TTHS cho thấy yếu tố định kiến bị cáo có tội trong hoạt động chứng minh và đánh giá chứng cứ của toà án rõ hơn là suy doán vô tội.  Quy định này biến toà án thành cơ quan buộc tội tạo ra hệ thống cơ quan buộc tội hùng mạnh gồm 3 cơ quan Điều tra- Kiểm sát- Toà án. Trong đó, nếu toà án thấy việc buộc tội của cơ quan điều tra, kiểm sát chưa chặt chẽ (chưa chứng minh đựoc lỗi của bị can) thì toà án yêu cầu hai cơ quan kia buộc tội lại trong khi nguyên tắc suy đoán vô tội khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về bên buộc tội (điều tra- kiểm sát). Trường hợp này nếu thấy việc  chứng minh lỗi của bị can chưa đủ thì toà án có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội chứ không được “hợp sức” cùng hai cơ quan kia buộc tội đến cùng bị cáo kể cả cho phép bên buộc tội hợp pháp hoá những vi phạm trước đó.

Quy định cho phép toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội ở chỗ: cho phép toà án định kiến trước bị cáo có tội bằng việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi “có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội khác hoặc có đồng phạm khác”. Nguyên tăc suy đoán vô tội khẳng định: chỉ có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của toà án mới kết luận một người nào đó phạm tội và mọi chứng cứ trong đó có có chứng cứ buộc tộivà gỡ tội phải được xem xét tại phiên tào. thế nhưng điểm b điều 179 lại cho phép Thẩm phán chủ toạ phiên toà định kiến trước bị cáo có tội để trả hồ sơ. Như vậy, để ra bản án buộc tội thẩm phán có hai trình tự chứng minh. Một trình tự  chứng minh và kết tội sơ bộ bị cáo do thẩm phán   chủ toạ phiên tiến hành và trình tự chứng minh, kết tội chính thức chỉ có ý nghĩa hợp pháp hoá, công khai hoá bản án do thẩm phán “xử nháp” trước đó của hội đồng xét xử. Từ dó dẫn tới tính hình thức của phiên toà mà kết quả bị cáo có tội đã được thẩm phán dự liệu trước.

Với những hạn chế của Bộ luật TTHS hiện hành nêu trên, quan điểm của chúng tôi là xoá bỏ chế định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của toà án.quy định tại điều 179 Bộ luật TTHS hiện hành nếu chúng ta thừa nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. Thay vào đó cho phép tại giai đoạn xét xử có quyền bổ sung chứng cứ nếu cơ quan này với tư cách là bên buộc tự thấy việc chứng minh lỗi của bị can, bị cáo chưa đầy đủ. Nếu hồ sơ vụ án đã chuyển sang toà án mà viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội thì cho dù có thấy những thiếu sót về chứng cứ toà án vẫn tiến hành xét xử và tuyên bị cáo không phạm tội với lý do, bên buộc tội không chứng minh được, chứng minh không đúng pháp luật lỗi của bị cáo. Có như vậy mới đề cao trách nhiệm chứng minh lỗi của người bị bị buộc tội của viện kiểm sát cũng như trả toà án về với đúng chức năng của nó là cơ quan xét xử chứ khôn gphải cơ quan buộc tội và phán quyết của toà án mới đảm bảo khách quan, không định kiến.

Tranh tụng đảm bảo cho việc thực hiện nguyên tắc suy đoían vô tội nhưng các quy định của Bộ luật TTHS hiện hành về phiên toà hình sự cho thấy vẫn còn nặng về xét hỏi thì cũng có nghĩa là nguyên tắc suy đoán vô tội chưa đựoc thể hiện đầy đủ. Phiên toà hình sự của chúng ta cho thấy Họi đòng xét xử luôn dóng vai trò trung tâm chủ động chứ không phải hai bên buộc tội và gỡ tội. Việc cho phép hội đồng xét xử quá chủ động trong xét hỏi sẽ dễ dẫn đến cvi phạm nguyên tăc SĐVT khi toà án định kiến bị cáo có tội thì rấtd có thể toà sẽ tập trung xét hỏi theo hướng buộc tội và bên gỡ tội có ít cơ hội để phản bác chúng cứ buọc tội, chúng minh sự vô tội của bị cáo. Chính vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự cần sửa đổi các quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên toà theo hướng phân định rõ bên buộc tội và bên gỡ tội, toà án không co chức năng buộc tội mà chỉ có chức năng xét xử. Giảm bớt thời lượng xét đặc biệt là xét hỏi bị cáo (bởi vì bị cáo có quyền im lặng) của hội đồng xét xử mà dành thời gian cho bên buộc tội và gỡ tội tranh luận. Kiểm sát viên là người công bố cáo trạng thì cũng là người chủ động hỏi trước, đưa ra chứng cứ, bảo vệ cáo trạng buộc tội. Tương ứng với điều đó là người bào chữa, bị cáo cũng có quyền hỏi và đưa ra các chứng cú gỡ tội. Toà chỉ đóng vai trò điều khiển việc tranh tụng…..Một trong những quy định theo chúng tôi là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội là quy định tại điều 207: Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của bị cáo theo trình tự xét hỏi hợp lý”. Như vậy, hội đồng xét xử đã định kiến trước có vụ án hình sự xảy ra, có tội phạm và người phạm tội trong khi mới xét hỏi, chưa tranh tụng, chưa kiểm tra chứng cứ…Do vậy, cần quy định hội đồng xét xử xét hỏi để làm rõ các vấn đề cần chứng minh quy định tại điều 64 BLTTHS mới hợp lý và đảm bảo tính khách quan trong việc xem xét bị cáo có tội hay không có tội.

Về bản án hình sự sơ thẩm: Điều 224, bộ luật TTHS chưa thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội. Một trong những yêu cầu của bản án hình sự là tính có căn cứ, ngoài tính có căn cứ về mặt luật hình thức (luật tố tụng hình sự) còn có tính căn cứ về luật nội dung (luật thình sự)  để từ đó toà án dựa vào đó tuyên bố một người phạm tôi hay vô tội. Thế nhưng điều 224 mới chỉ thể hiện tính có căn cứ của bản án kết tội: “phân tích các chứng cứ xác định có tội…nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự”. Còn bản án tuyên bị cáo vô tội thì không quy định toà án sẽ dựa vào những căn cứ pháp lý nào. Về vấn đề này, Nghị quyết sô 04 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn căn cứ vào điều 107 Bộ luật TTHS để tuyên bị cáo không phạm tội. Tuy nhiên, điều 107 có một căn cứ mà không thể dựa vào đó để tuyên bị cáo vô tội đó là: Người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh đó, khoản 2 điều 224 quy định về nội dung bản án thể hiện sự định kiến bị cáo có tội đó là: “Bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo”. Điều này chỉ đúng khi bị cáo phạm tội còn khi bị cáo không phạm tội thì bản án phải trình bày những gì thì không thấy quy định. Bản án phải phân tích chứng cứ gỡ tội tuy nhiên khi chưa đủ chứng cứ buộc tội, khi còn nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ buộc tội thì có tuyên bị cáo vô tội hay không thì điều 224 vẫn còn bỏ ngỏ không quy định. Chính vì vậy theo chúng tôi điều 224 cần phải tách thành hai điều tương ứng với hai loại bản án: Một quy định về nội dung, hình thức, căn cứ pháp lý của bản án kết tội, một quy định gióng như vậy với bản án tuyên bị cáo vô tội./.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai