Tranh cãi quanh việc ra đời ‘luật sư công’

46

Trong dự thảo Luật về Luật sư có nêu, cần có luật sư công để bảo vệ quyền lợi cho các cơ quan hành chính sự nghiệp khi “đụng việc”. Giới luật sư không đồng tình, nhưng các cơ quan công quyền thì ủng hộ.

Điều 19 dự thảo Luật về Luật sư quy địnah, luật sư công là luật sư làm việc cho cơ quan, tổ chức nhà nước theo chế độ của công chức, hoặc hợp đồng lao động. Những luật sư này được trả lương hằng tháng theo quỹ lương Nhà nước, đảm trách việc bảo vệ quyền lợi cho đơn vị hành chính sự nghiệp quản lý mình và chỉ được tham gia vào công tác bào chữa cho người nghèo, tư vấn pháp luật miễn phí.

Ngược lại, luật sư “ngoài”, hay còn gọi là luật sư tư, được nhận bào chữa cho tất cả các đối tượng và được thỏa thuận mức thù lao tuỳ uy tín của mình, thời gian giải quyết và tính chất vụ việc, trên cơ sở quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình tác nghiệp của luật sư công và tư đều bị điều chỉnh bởi quy chế đạo đức, nghề nghiệp của luật sư và quy chế công vụ.

Trong một buổi thảo luận mới đây, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, ông Nguyễn Đăng Trừng bày tỏ quan điểm phản đối việc hình thành luật sư làm việc trong cơ quan, tổ chức nhà nước. Theo ông, luật sư công hưởng lương của các cơ quan, tổ chức này nên khó có tính độc lập. “Hơn nữa, họ sẽ không chuyên nghiệp, không cọ xát được thực tế, không kịp thời cập nhật các văn bản pháp luật mới và không tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật tốt. Luật sư tư có nhiều lợi thế hơn, vì vậy, khi các cơ quan Nhà nước cần thì cứ việc bỏ tiền thuê luật sư ngoài”, ông Trừng nói.

Cũng theo ông Trừng, nếu hình thành luật sư công để bảo vệ cho người nghèo thì Đoàn luật sư có thể đảm nhận được, không cần phải lãng phí thêm biên chế cho luật sư công.

Chung quan điểm trên, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho biết: “Việc cho ra đời những ông luật sư công chẳng khác những cán bộ pháp chế hiện tại được gán cho cái mác luật sư”. Theo ông, việc thành lập luật sư công cũng trái với chủ trương tinh giản biên chế hiện hành và quy định công chức không được hành nghề luật sư của Pháp lệnh luật sư. Còn nếu ký hợp đồng lao động thì khi hết hợp đồng, những “ông” luật sư ấy sẽ làm gì để kiếm sống? “Dịch vụ công ở Hà Nội, Hải Phòng đang và sẽ thất bại, chết yểu, luật sư công rồi cũng thế vì thực tế nó đi trái với quy luật xã hội” – ông Nghiêm nhận định.

Ngược lại, với quan điểm trên, Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thu Giang cho biết, xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách trong các tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước, thì vai trò luật sư công là hết sức cần thiết. Nếu không có những luật sư này, khi “đụng” việc, Nhà nước không có sẵn kinh phí để trả tiền thuê luật sư.

Cũng ủng hộ hình thành luật sư công, ông Phan Anh Minh, đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Công an TP HCM, lý giải: “Nếu các doanh nghiệp có quyền thuê luật sư, trả lương hằng tháng để có người đứng ra bảo vệ khi có kiện tụng thì cơ quan, tổ chức nhà nước cũng có thể làm như vậy. Miễn sao cơ quan, tổ chức đó độc lập với các cơ quan tố tụng là được”.

Các ý kiến trên sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM trình lên Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Nguyễn Hải
Văn phòng luật sư Dragon www.vanphongluatsu.com.vn

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai