Bị cáo và luật sư giỏi tranh tụng trong vụ án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân đảng

252

Nguyễn Thái Học (1902-1930) và tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng do ông sáng lập và đứng đầu, với cuộc khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2/1930) mà ông là người chỉ huy tối cao đã được lịch sử ghi chép thành những sự kiện cách mạng sáng chói của truyền thống yêu nước Việt Nam.

TÓM TẮT VỤ ÁN

Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân đảng

            Thất vọng về chiêu bài cải cách: Pháp – Việt đề huề” của thực dân Pháp và không đồng tình với con đường đấu tranh bất bạo động, Nguyễn Thái Học đã cùng các bạn đồng chí hướng với ông đi đến quyết định con đường duy nhất để mở ra cơ hội phát triển dân tộc Việt Nam chỉ có thể là vũ trang lật đổ chế độ thực dân Pháp, sau đó tự mình tiến hành công cuộc kiến thiết xây dựng nước nhà.

            Tối 25/12 rạng sáng 26/12/1927, qua một đại hội tổ chức tại trụ sở Nam Đồng thư xã, một đảng cách mạng được thành lập lấy tên là Việt Nam Quốc dân đảng và bầu ra ban lãnh đạo Tổng bộ lâm thời.

            Điều lệ Việt Nam Quốc dân đảng nêu rõ: “Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, để làm nên một nước Việt Nam độc lập, cộng hoà. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ đặc biệt là các lân quốc: Ai Lao và Cao Miên”.

            Về mặt phát triển tổ chức lực lượng, đến cuối năm 1928, “các thư ký, các giáo học, các nhà công thương xin vào Đảng khá nhiều. Đáng chú ý nhất là trong quân ngũ, anh em rất tán thành chủ trương của Đảng. Ở Việt Nam, chúng tôi có đến 256 võ trang đồng chí. Ở Bắc Việt, cũng có đến ngót bốn trăm. Cho đến năm sau, khi việc Đảng phát lộ, nhà cầm quyền Pháp phải hoảng hồn”.

            Theo tài liệu của mật thám Pháp (Louis Marty, Giám đốc Sở mật thám Đông Dương) thì đến cuối năm 1928, trên cả nước, Việt Nam Quốc dân đảng đã thành lập được 120 chi bộ, khoảng 1.500 đảng viên, trong số đó có 120 người là binh lính. “Trước Yên Bái, kể cả đảng viên, đoàn viên, nguyên ở Bắc Việt đến bảy vạn người. Sau hồi Yên Bái, bị bắt kể đến hơn ba nghìn. Con số ba nghìn dẫu to, song chỉ mới là gần một phàn hai mươi của tổng số. Cố nhiên trong đó có nhiều kẻ a dua, một lần thất bại thì kinh hãi nằm yên hay chạy theo đảng khác”.

            Tuy về nguyên tắc, thủ tục kết nạp Đảng khá chặt chẽ, một người vào Đảng phải có hai đảng viên cũ giới thiệu và bảo lãnh, phải qua sự điều tra trước của Uỷ ban trinh thám ít nhất là nửa tháng, phải được toàn thể ban chấp hành chi bộ đồng ý và sau cùng phải làm lễ tuyên thệ dưới sự chứng kiến của cán bộ tỉnh bộ. Nhưng do yêu cầu phát triển nhanh nên việc kết nạp đảng viên thực tế lúc đầu có phần dễ dãi nên bị nhiều thành phần phức tạp trà trộn, dẫn đến nhiều bí mật của Đảng bị lộ, gây hại cho Đảng nên sau vụ ám sát René Bazin (1929), Quốc dân đảng phải tự cải tổ.

Một số hoạt động tiền khởi nghĩa

            Một trong những việc đầu tiên của Việt Nam Quốc dân đảng là tháng 8/1928 tìm cách liên kết với các đảng phái khác (như Tân Việt Cách mạng Đảng, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhóm của Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn…)

            Ngày 7/8/1928, Ban chấp hành Tổng bộ quyết định thành lập một khách sạn lấy tên là “Khách sạn Việt Nam” để làm cơ sở kinh tài và làm nơi liên lạc cho Đảng. Khách sạn đặt tại số 38 Hàng Bông, Hà Nội, chính thức khai trương ngày 30/9/1928. Lúc đầu khách sạn đông khách, phục vụ cả ăn ở, nhưng sau, bị mật thám theo dõi nên khách ít dám lui tới nữa.

            Tháng 10/1928, Đảng cử Đặng Đình Điển liên hệ với Phan Bội Châu đang bị bắt an trí ở Huế, mời cụ Phan nhận làm “Chủ tịch danh dự” và được cụ khuyến khích, hỗ trợ tinh thần.

            Nhân dịp Tết Kỷ Tỵ, đêm giao thừa (tối 9/2/1929) lúc 8 giờ, một số đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng (Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân và Ký Con) đã thực hiện thành công việc ám sát René Bazin – một chủ đồn điền Pháp, mộ phu bán nô lệ nổi tiếng độc ác, tại số 100 phố Huế, Hà Nội.

            Sau vụ ám sát này, 227 đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt, sau đó 78 người bị đưa ra xét xử công khai trong hai ngày 2/7 và 3/7/1929 tại Hà Nội.

            Trong quá trình xây dựng hoạt động, một số phần tử phản Đảng đã bị thanh trừng tiêu diệt như: Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Thanh Dương; ám sát hụt nhiều cá nhân phản bội như Bùi Tiến Mai…

            Đồng thời, Nguyễn Thái Học và Tổng bộ đã tiến hành cải tổ Đảng, tu chỉnh điều lệ cho phù hợp với hoàn cảnh mới, chuẩn bị điều kiện để tổng khởi nghĩa…

Khởi nghĩa Yên Bái thất bại

            Qua chiến dịch khủng bố sau vụ Bazin bị mưu sát, các cơ sở Quốc dân Đảng lần lượt bị lộ, tan vỡ rất nhanh. Trước tình thế nguy cấp đó, tháng 9/1929, Quốc dân đảng tán thành chủ trương tổ chức khởi nghĩa cùng một lúc ở các thành phố lớn, cũng là trung tâm quân sự của chính quyền thực dân.

            Cuộc Tổng khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức và lãnh đạo dự kiến diễn ra vào đêm 9 rạng 10/2/1930 (tức mồng 1 Tết năm Canh ngọ). Tuy nhiên, do sự liên lạc trục trặc nên cuộc khởi nghĩa không nổ ra cùng một lúc. Ở đại bàn các tỉnh trung du (Hưng Hoá, Lâm Thao, Phú Thọ, Yên Bái…) do Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy vẫn giữ đúng thời điểm như đã dự kiến; còn các tỉnh đồng bằng (Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An…) dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Thái Học hoãn lại tới ngày 15/2/1930. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại.

            Rạng ngày 10/2, cuộc tấn công đầu tiên nổ ra ở Yên Bái đã gặp phản công quyết liệt, có máy bay từ Hà Nội chi viện nên nghĩa quân đành phải rút lui, đến sáng thì khởi nghĩa bị dập tắt. Cuộc tấn công ở Hưng Hoá, Lâm hao lúc 1 giờ sáng ngày 11/2 cũng bị đánh trả, thất bại thảm khốc hơn, người chỉ huy Nguyễn Khắc Nhu bị thương, bị bắt và tự sát. Sau thất bại ở Yên Bái, Phó Đức Chính thoát về Sơn Tây chuẩn bị tấn công ngày 13/2 nhưng tất cả đều bị bắt đưa về Hà Nội. Việc ném bom quấy rối ở Hà Nội do Ký Con chỉ huy cũng không có hiệu quả đáng kể. Việc chuẩn bị tấn công ở Đáp Cầu, Phả Lại, Kiến An cuối cùng cũng phải thoát lui. Khởi nghĩa ở Thái Bình, Hải Dương cuối cùng cũng phải tự giải tán… Trong vòng một tuần lễ, các nơi khởi nghĩa đều thất bại.

            Cuộc khởi nghĩa bắt đầu và diễn ra quyết liệt nhất ở Yên Bái nên sự kiện này được gọi chung là khởi nghĩa Yên Bái.

            Sau khi dập tắt khởi nghĩa, Pháp tiến hành chiến dịch khủng bố tàn bạo. Quốc dân đảng gần như bị tan vỡ hoàn toàn. Ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt ở ấp Cổ Vịt, xã Cộng Hoà, Chí Linh, Hải Dương, giải về tạm giam ở nhà tù Hoà Lò, Hà Nội. Từ nơi giam đó, Đảng trưởng Quốc dân đảng cùng các đồng chí bị áp giải lên Yên Bái để xét xử và thi hành án tử hình.

CÁC PHIÊN XÉT XỬ

            Vụ án Việt Nam Quốc dân đảng là một vụ án lớn, đã làm sôi nổi dư luận xã hội Việt Nam và Pháp trong hai năm 1929-1930. Về sau, người đời vẫn xao xuyến khi hồi tưởng lại lời nói, thái độ hiên ngang của các bị cáo khi ra toà và dũng cảm chấp nhận hy sinh.

            Các vụ án hình sự được xét xử bởi các toà án thường, riêng vụ Việt Nam Quốc dân đảng đều do Hội đồng Đề hình (La Commission, Criminelle) thụ lý xét xử.

            Toàn quyền Pierre Pasquier đã ban hành nghị định thành lập Hội đồng Đề hình xử vụ án Việt Nam Quốc dân đảng tại Hà Nội vào ngày 2 và 3/7/1929 với thành phần gồm có:

            – Chánh thẩm: Jules Brides, Thanh tra chính trị – hành chính Bắc Kỳ.

            – Uỷ viên: Nicolas, Biện lý; Delsalle, Đốc lý Hà Nội và Guet, Đại uý.

            – Lục sự: Arnoux Patrich

            – Thông ngôn: Hoàng Hữu Phương.

            Sau đó, theo Nghị định ngày 14/2/1930 của Toàn quyền Pasquier thành lập Hội đồng Đề hình, các phiên xử khác đối với Việt Nam Quốc dân đảng đều do Poullet Osier, Thanh tra chính trị – hành chính Bắc Kỳ ngồi ghế chánh thẩm; lục sự là Stallier, thông ngôn là Davillier…

            Trong thời gian hơn một năm (từ tháng 7/1929 đến tháng 11/1930), Hội đồng Đề hình đã nhóm họp 6 phiên để xét xử Việt Nam Quốc dân đảng, với gần 800 bị cáo.

            Qua các phiên xử này, Hội đồng Đề hình đã tuyên gần 60 án tử hình và tù đày hàng mấy trăm người ra Côn Đảo hoặc đảo Guyane thuộc Pháp ở Nam Mỹ.

            Tại mỗi phiên xử, mở đầu viên Chánh thẩm đọc bản nghị án kể tội từng bị cáo bằng tiếng Pháp, thông ngôn dịch ra tiếng Việt. Sau đó, Chánh thẩm bắt đầu thẩm vấn các bị cáo. Khi lên trả lời, các bị cáo mới được tháo xích. Sau đây là trích tóm tắt lời hỏi – đáp giữa chủ toạ và một số bị cáo tại một số phiên xử.

Thẩm vấn trong phiên xử “Hội kín Việt Nam Quốc dân đảng” tại Hà Nội ngày 2 và 3/7/1929

            Chánh thẩm Bries lần lượt xét hỏi các bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn, Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Thế Nghiệp, Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Ngô Thúc Đinh, Nguyễn Đăng Khoa…

— Bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (27 tuổi, bán sơn)

            Hỏi: Anh là một tay chủ động trong hội kín này, cũng Nguyễn Thái Học lập ra Việt Nam Quốc dân đảng năm 1927. Anh đã sang Xiêm tuyên truyền cho Việt kiều gia nhập đảng nhưng họ đều từ chối. Anh trở về Nam Kỳ lập chi bộ ở Biên Hoà. Tiền lộ phí anh đi đều do đảng anh cấp cho cả. Đúng không?

            Đáp: Tôi chỉ là một đảng viên thường. Tôi không phải là người sáng lập ra Việt Nam Quốc dân đảng vì lúc này tôi còn ở Pháp, Đảng có sai tôi sang Xiêm để xem xét tình hình Việt Kiều bên ấy. ân lễ kỷ niệm Phạm Hồng Thái, tôi có dự lễ. Tôi phục cái lòng ái quốc của Phạm Hồng Thái chứ tôi không biểu đồng tình. Tôi dự lễ kỷ niệm là theo gương sùng bái vĩ nhân của nước Pháp. Khi về Nam Kỳ, tôi có gặp Nguyễn An Ninh ở một khách sạn, tôi có nói chuyện thường thôi, chứ không có bàn gì chính trị cả…”

— Bị cáo Nguyễn Thế Nghiệp (24 tuổi, sinh viên ở Hà Nội)

            Hỏi: Anh có dính vào việc định ám sát quan Toàn quyền Pasquier. Anh đã vận động làm rối trị an trong xứ này?

            Đáp: Việt Nam Quốc dân đảng thành lập được là do phong trào thế giới, chứ không phải là công việc của một vài người. Mục đích của Đảng chúng tôi là muốn nâng cao trí thức đám bình dân, rồi vận động với Chính phủ yêu cầu tự trị. Như vậy là mục đích hoà bình, không ưa bạo động. Đảng chúng tôi không bàn đến việc ám sát ông Toàn quyền Pasquier.

            Hỏi: Đảng các anh đã định dựng một xưởng đúc súng và lập một ban ám sát kia mà?

            Đáp: Đảng chúng tôi đã bỏ cái chương trình ấy. Chương trình hành động không phải tự tôi làm ra mà là công việc của tất cả đảng viên. Trong Đảng chúng tôi, các đảng viên đều bình đẳng cả…

— Bị cáo Nhượng Tống (22 tuổi, viết báo)

            Hỏi: Trước anh đã thú nhận hết, sau anh lại phản cung, nhưng dù thế nào mặc lòng, Chính phủ cũng biết anh là một yếu nhân trong Việt Nam Quốc dân đảng (…) Anh có chân trong chi bộ đầu tiên và đã dịch những sách có tư tưởng bài Pháp?

            Đáp: Những sách tôi làm đều đúng với chỉ dụ quy định quyền ngôn luận trong xứ. Tôi có cùng ông Hồ Văn Mịch và Nguyễn Ngọc Sơn lập ra Chi bộ Việt Nam Quốc dân đảng đầu tiên nhưng tôi không phải là người trong Tổng bộ. Tôi xin Hội đồng lấy sự công bằng mà xét. Về phần tôi được tha hay không, sự ấy quan hệ rất nhỏ nhưng có quan hệ lớn hơn là danh dự nước Pháp, xin Hội đồng thận trọng.

— Bị cáo Phạm Tuấn Tài (26 tuổi, giáo học)

            Hỏi: Chính phủ nghi anh nhưng khi khám nhà không bắt được tang chứng, mới đổi anh lên Tuyên Quang. Ở tỉnh này anh cũng vận động lập đảng cách mạng?

            Đáp: Xin ngài cho tôi nói rõ cái chương trình hành động của Đảng chúng tôi

            Hỏi: Tôi đã biết cái chương trình hành động của đảng anh rồi, anh không phải nói nhiều nữa…

            Đáp: Mục đích của chúng tôi là muốn khuếch trương về đường đức dục, trí dục cho người trong nước. Không có gì ám muội cả. Các sách mà chúng tôi soạn ra không ngoài vòng pháp luật. Nếu nước Pháp có cấm người ta mến sự tự do thì tôi là người có tội. Nếu không thì tôi không có tội.

            Hỏi: Anh yêu mến tự do mà không biết trọng sự tự do của người khác, vì sao anh đã đề nghị lập Ban ám sát?

            Đáp: Ban ám sát chỉ là một ban bù nhìn. Theo như ý kiến tôi thì ban ấy là một phương cách hăm doạ những kẻ hèn.

            Hỏi: Anh còn muốn nói gì nữa không? Anh đã diễn thuyết nhiều rồi. Tội anh đã rành rành ra đó, anh còn chối sao được?

            Đáp: Tôi còn muốn nói nữa để bày tỏ ý kiến, song nếu ngài không cho phép thì tôi về chỗ.

— Bị cáo Ngô Thúc Định (29 tuổi, tham tá lục sự)

            Hỏi: Tại sao anh là tham tá lục sự mà lại vào một đảng bài Pháp để định ám hại quan trên là những người đối với anh bao giờ cũng có lòng yêu mến?

            Đáp: Tôi vào Việt Nam Quốc dân đảng và đã khai rõ, đã nạp trình các ngài rồi. Mục đích của Đảng chúng tôi như ngài đã biết rõ ở điều lệ và chương trình, chỉ có mục đích hoà bình. Theo ý tôi thì Đảng chẳng có gì phạm vào Điều 87 và 89 trong Bộ hình luật cả. Việc mua súng đạn và bạo động chỉ là việc dự định thôi. Vậy chưa thể coi là bạo động được. Việc Nguyễn Thái Học rủ sang Tàu tôi không nhận.

— Bị cáo Nguyễn Đăng Khoa (28 tuổi, làm ruộng)

            Hỏi: Anh là đại biểu tại Tổng bộ, là bạn thân của Nguyễn Thái Học?

            Đáp: Trước khi nói, tôi xin phép các ngài ghi lời khai của tôi cho đúng, phòng khi tôi còn chống án.

            Viên thông ngôn hỏi: Thế thì trước anh nói láo à?

            Đáp: Ông nói thế là vô phép, tôi có nói láo đâu? Nếu Chính phủ lấy công lý mà xét thì Hội đồng nên hỏi các nười vu cáo cho tôi.

            Chánh thẩm: Vô ích, không cần phải hỏi…

            Đáp: Nếu các ngài không cho hỏi các người kia thì các ngài cứ việc xử. Tôi là một người dân Việt Nam, hiện là một nước yếu, tính mạng của chúng tôi đều ở trong tay người Pháp cả, tuỳ người Pháp xử liệu.

            Chánh thẩm: Anh chỉ được nói về phần anh thôi, không được nói “chúng tôi”. Những cử chỉ của anh trước Hội đồng không ai có thể chống cãi cho anh được.

Thẩm vấn trong phiên xử ngay sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ngày 27/2/1930

            Hội đồng Đề hình dưới sự chủ trì của Poulet Osier đã họp phiên xử đầu tiên ngày 27/2/1930 tại Trại binh tỉnh Yên Bái. Lần này đưa ra xử 15 bị cáo. Bị thẩm vấn đầu tiên là Ngô Hải Hoàng (Cai Hoàng) – người chỉ huy cuộc tấn công Yên Bái.

            Chánh thẩm Osier hỏi:

            – Sao anh lại đánh Yên Bái?

            – Không phải tôi đánh mà là Trung ương Đảng bộ hạ lệnh cho chúng tôi đánh. Các ông còn lạ gì kỷ luật của Đảng tôi: không phục tùng mệnh lệnh, tất nhiên Đảng xử tử. Đánh với các ông nếu có thua đi nữa cũng đến xử tử là cùng!

            – Anh thật là người vô ơn, quan ba Jourdain là vị quan thầy hết sức tử tế với anh, vậy mà đêm ấy anh đã bắn chết ông ấy đầu tiên.

            – Đại uý Jourdain là người tử tế với tôi thật, nhưng đó là tình riêng. Còn tôi giết ông ta là bổn phận đối với Đảng tôi. Người Việt Nam chúng tôi bao giờ cũng đặt nghĩa công lên trên tình riêng.

            – Anh thật là tàn ác. Một mình anh đêm ấy đã giết chết 6 người Pháp.

            – Tôi làm gì giết được nhiều như thế! Anh em tôi giết nữa chứ! Thế nhưng cả Đảng chúng tôi chỉ là một người! Anh em tôi giết, tôi sẵn lòng chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Thẩm vấn trong phiên xử “Biến động Yên Bái, ngày 27 và 28/3/1930

            8 giờ sáng ngày 27/3/1930, Hội đồng Đề hình bắt đầu làm việc, 91 bị cáo do một toán lính khố xanh do viên Thanh tra mật thám Reiner dẫn giải đến trước Hội đồng tại Trại binh tỉnh Yên Bái. Do phòng xử quá hẹp nên chỉ những người “có thần thế” và các nhà báo mới được vào xem xử mà thôi.

            Bắt đầu phiên xử, Hội đồng Đề hình tuyên bố tha cho một số bị cáo nên chỉ còn lại xử 83 bị cáo trong đó có 1 phụ nữ, 37 thường dân (nam) và 45 binh lính.

            Chánh thẩm Poulet Osier hỏi từng người, các bị cáo lần lượt trả lời. Người bị gọi ra thẩm vấn đầu tiên là Nguyễn Thái Học.

— Bị cáo Nguyễn Thái Học (28 tuổi, từng học trường Cao đẳng Sư phạm và Cao đẳng Thương mại)

            Với thái độ chững chạc, bình tĩnh, Nguyễn Thái Học nhận hết trách nhiệm về mình: “Tôi nhận cả trách nhiệm trong những cuộc biến động vừa rồi. Chính tôi đã chủ trương cuộc biến động ở Yên Bái, cũng chính tôi đã chủ toạ các cuộc hội nghị ở Lạc Đạo. Chỉ có tôi mới là tay chính trong các cuộc biến động”.

            Nguyễn Thái Học toan phân trần về lý do của cuộc khởi nghĩa, liền bị viên Chủ tịch Hội đồng Đề hình Osier chặn lại, không cho nói. Nguyễn Thái Học nói to: “Nếu vậy thì cái toà án này là nơi đem cường quyền mà đàn áp công lý, ta còn nói nữa làm chi! Và ta cũng không cần ai biện hộ cả!”

— Bị cáo Phó Đức Chính (28 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Công chính)

            Sau Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính bị gọi lên khai. Trước Hội đồng Đề hình, ông luôn tỏ thái độ cương quyết: “Tôi có cùng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu làm việc trong Trung ương Đảng bộ Việt Nam Quốc dân đảng. Chính tôi đã đi tuyên truyền cổ động khắp các tỉnh để kết nạp đảng viên, tự tôi in truyền đơn cổ xuý khuyên binh sĩ tham gia phong trào cách mạng và thảo kế hoạch tổng khởi nghĩa…”

— Bị cáo Nguyễn Thị Bắc (22 tuổi, chị của Nguyễn Thị Giang)

            Nguyễn Thị Bắc, người cùng Nguyễn Thị Giang lo việc chuyển vận vũ khí và đạn dược tấn công Yên Bái đã dõng dạc nói: Tôi gia nhập Quốc dân đảng là vi tôi thương nước Nam của tôi. Nguyễn Thị Bắc phản đối kịch liệt, đòi thả ra ngay và thét to: “Các người về nước Pháp mà kéo đổ tượng Jeanne d’Arc đi thôi”

            Đến lượt các bị cáo khác, họ đều nhận có gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng và tham gia cuộc biến động với mục đích là đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam, giành lại độc lập cho Tổ quốc.

            Chánh thẩm hỏi xong, các trạng sư thay phiên nhau biện hộ cho các bị cáo. Họ cãi rất lâu, cho tới 5 giờ chiều.

            Sáng hôm sau (29/3), Hội đồng họp lại. Các bị cáo đều bị xiềng tay dẫn đến. Ông Chánh thẩm cho các bị cáo nói thêm. Liền đó, Nguyễn Thị Bắc đứng dậy nói: “Xin Hội đồng tha cho tôi, vì tôi chỉ mưu đồ cho nền độc lập của nước Việt Nam, chứ không có ý gì phá trật tự cả; còn nếu Hội đồng kết án tử hình tôi, thì cho tôi được chết như bà Jeanne d’Arc.

            Nguyễn Thái Học đứng dậy nói tiếp: “Tôi xin lãnh cả trách nhiệm trong các cuộc biến động vừa rồi. Tôi xin bị “tru di tam tộc” cùng cha mẹ, anh em tôi chịu chết theo Bộ luật Gia Long, mà xin tha cho những người theo tôi vì họ là những người vô tội”.

            Trong những phiên xử tiếp sau đó tại Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Kiến An…các bị cáo đều hiên ngang trước toà như vậy.

LUẬT SƯ BÀO CHỮA

            Phiên xử nào cũng có luật sư chỉ định bào chữa cho các bị cáo. Nhưng nhiều bị cáo đã công khai khước từ, không chịu để cho luật sư biện hộ.

            Tại phiên xử trước Khởi nghĩa Yên Bái (ngày 2 và 3/7/1929), bốn trạng sư (Mandrette, Pascalis, Bonnard và Mansohn thuộc Luật sư đoàn Hà Nội) được chỉ định tham gia bào chữa.

            Trong phiên xử này, bản cáo trạng buộc tội các bị cáo được công bố có đoạn nêu rõ tính nghiêm trọng của vụ án: “(…) các giáo viên, công chức, các binh sĩ là những cây cột chống đỡ mái nhà Đông Dương. Việt Nam Quốc dân đảng đã làm lay chuyển ba cây cột ấy. Nguy hiểm hơn nữa là những kẻ được họ rủ rê, vào thì vào, không vào thì cũng không một ai đi tố cáo với các nhà đương cuộc. Sự im lặng đó khác nào đồng loã (…)

            Các trạng sư lần lượt thay phiên nhau biện hộ đến 20 giờ tối ngày hôm sau (3/7); trong đó, có trạng sư Pascalis cãi rất hùng hồn, tỏ ra hết lòng với các bị cáo:

            “Thưa ông Chủ tịch Hội đồng,

            Ở trước mặt chúng ta đây có một bọn thiếu niên bị tình nghi là đảng viên của một đảng cách mạng là Việt Nam Quốc dân đảng.

            Hội kín ấy như Toà dự thẩm xét thì có thực. Mục đích của hội này là để làm cách mạng, cùng nhau hội họp để mưu đồ sự độc lập của nước Việt Nam. Nhưng theo như chương trình hành động thì còn ở trong thời kỳ phá hoại; vả chăng, đảng này dự định rằng, nếu tìm hết cách yêu cầu mà không được độc lập thì bất đắc dĩ mới phải dùng đến chính sách bạo động. Vậy thì ở trong thời kỳ này, ta có thể nói trước rằng các đảng ấy chưa có. Những kẻ này mà nuôi được cái tư tưởng ấy, cũng là chịu ở ảnh hưởng học thuyết của các nhà đại cách mạng nước Pháp như: Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Mme Roland. Nhưng tiếc rằng họ không xét kỹ mà thành ra lầm đường lạc lối. Cũng như Rousseau, tuy là kẻ có tài thực, nhưng lại là một anh ngông cuồng, cho đến lúc chết cũng vẫn ngông cuồng. Cái ngông cuồng ấy bọn thiếu niên này tiêm nhiễm lấy, mong cho nước Việt Nam thành một nước có thể chống chọi lại phong trào thế giới.

            Nhưng xin ông Chánh thẩm thử ngó lại xem những người bị cáo đây phần nhiều là những giáo viên, thư ký và một đôi người trong quân đội, thì có thể lực gì mà theo đuổi trong công cuộc to tát ấy? Chẳng qua là tại họ không tự trị mà thôi. Còn bản điều lệ của đảng này, phải chăng là tự họ làm ra? Câu chuyện lập ra Khách sạn Việt Nam để làm tài chính, thì các ngài thử đọc lại tình hình tài chính của khách sạn ấy cũng đủ biết việc này là một việc rất đáng buồn cười.

            Vậy các ngài nên lấy lượng khoan hồng mà tha thứ cho họ”

            Trong phiên xử lần thứ hai (ngày 27 và 28/8/1930 tại Yên Bái, 4 trạng sư (Mandrette, Bonnard, Mayet và Demistre thuộc Luật sư đoàn Hà Nội) được cử ra biện hộ. Tham gia bào chữa, các trạng sư biện hộ với một lập luận gần như nhau: đề nghị Hội đồng xét xử cho công bằng. Chỉ nên kết tội những người chủ mưu xướng xuất và nên dung thứ cho những kẻ a tòng…

            Riêng trạng sư Bonnard có đem việc người lính là Bùi Văn Chuẩn ra dẫn chứng. Người này đi lính 14 năm, hiền lành, chăm chỉ, chỉ vì bọn biến động dụ dỗ anh ta, bắt anh ta thề, nếu không theo chúng thì cũng chết. Bởi vậy, trong tội trạng của phần đông bị cáo đây, còn có nhiều chỗ nên nghĩ, nên lượng cho họ lắm”

            Trong phiên xử bốn ngày từ 5 đến 8/8/1930 tại Hà Nội dưới quyền chủ toạ của Chánh thẩm Poullet Osier, 154 bị can bị truy cứu vào những tội như: “xúi dân dùng khí giới làm loạn và đã thi hành nhiều việc để đạt ý nguyện” đối với Nguyễn Văn Nho (em Nguyễn Thái Học), Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con), Phạm Văn Khuê (Cai Khuê) và Nguyễn Thị Thuyết; “xúi dân dùng khí giới chống lại Chính phủ đối với Đoàn Kiển Điểm; “âm mưu xâm phạm tính mệnh và tài sản của người khác” đối với Nguyễn Văn Nho, Ký Con, Cai Khuê và Lương Ngọc Tôn; “dấu chứa trong nhà những tay làm loạn mà nhất là Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Văn Nho, Ký Con” đối với Dương Thị Hạnh…

            Trạng sư Pascalis đề nghị toà xét kỹ tội trạng của những người can vào Việt Nam Quốc dân đảng và tội âm mưu làm phản, hai tội ấy nên tách bạch rõ ràng, chớ lầm lẫn với nhau mà kết tội oan những bị cáo. Trạng sư còn đề nghị toà nên kết án theo quan điểm luật nước Pháp.

            Trạng sư Piriou đề nghị toà xét tính chất những quả bom nổ của Việt Nam Quốc dân đảng có thực sự nguy hiểm chăng?

            Sau đó, toà hoãn một vài phút rồi họp lại, tuyên bố bác các lời đề nghị của các trạng sư(luật sư giỏi tranh tụng thời đó)…

            Trong phiên xử từ sáng ngày 7/11/1930 tại Hải Dương, nhiều vụ âm mưu đánh phá của Việt Nam Quốc dân đảng ở Hải Dương, Quảng Yên, Phả Lại, Phạm Xá, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình…cùng bị đưa ra xử. Trong số 193 bị cáo có nhiều người như Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân, Nguyễn VĂn Lâm, Nguyễn Tấn Tuất đều không chịu để cho luật sư biện hộ.

            Sau khi Hội đồng thẩm vấn xong, các trạng sư lần lượt biện hộ. Trong lời bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Yên (16 tuổi), người chế ra thứ bom mới cho Việt Nam Quốc dân đảng, Trang sư Mayet biện hộ đại khái nói rằng Trịnh Văn Yên chỉ có chân trong Học sinh đoàn chứ chưa phải là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng (mặc dù trước đó bị cáo Yên đã trả lời thẩm vấn của Chánh thẩm rằng chính ông đã gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng với ý định đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp); vả lại, khi gia nhập vào tổ chức này Trịnh Văn Yên mới 14 tuổi.

            Trong phần biện hộ cho bị cáo Đoàn Thị Ái, Luật sư Mayet nói: “Cô ta vì tình mà làm theo dẫn dắt của một người cách mạng nào đó”. Nhưng ngay lập tức, bị cáo Ái cãi lại: “Không phải như thế; tôi gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng là vì tôi thương nước Việt Nam”

TUYÊN ÁN – BỊ CÁO LÊN ĐOẠN ĐẦU ĐÀI

            Suốt trong phiên xử Hội kín Việt Nam Quốc dân đảng ngày 2 và 3/7/1929, Hội đồng Đề hình không hề nhắc nhở đến việc ám sát Bazin và đến 20 giờ tối 3/7, đã tuyên án như sau: tha bổng 2 người (Đinh Huân Trung, Trần Văn Sinh), kết án vắng mặt 03 người (Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Văn Viên), 26 người án tù treo từ 1 đến 5 năm (Đặng Đình Điền, Nguyễn Triệu Luật, Ngô Thúc Định…), 47 người bị tù cấm cố từ 2 đến 15 năm (Nguyễn Ngọc Sơn, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thế Nghiệp…) Những người tù cầm cố bị đưa đi giam tại các tỉnh thượng du miền Bắc hoặc đưa ra giam ở Côn Đảo.

            Trong phiên xử đầu tiên sau khởi nghĩa thất bại, ngày 27/2/1930, 1 người bị khổ sai chung thân, 1 người bị 20 năm khổ sai, 13 người bị tử hình (sau đó Tổng thống Pháp ân xá 9 án tử hình xuống khổ sai chung thân, còn 4 án tử hình đối với: Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết và Ngô Hải Hoàng). Những chiến sĩ bị tử hình lên máy chém ngày 8/3/1930 tại Yên Bái.

            Trong phiên xử thứ hai ngày 27 và 28/3/1930 tại Yên Bái, Hội đồng Đề hình tuyên 1 người 5 năm khổ sai, 9 người 20 năm khổ sai, 33 người khổ sai chung thân, 5 người bị đày, trong đó có Nguyễn Thị Bắc 5 năm tù ở và 39 người tử hình (trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính). Trừ Phó Đức Chính ra, mọi người bị án tử hình đều chống án.

            Đến tháng 6/1930, Tổng thống Pháp bác ân xá 13 án tử hình (vẫn y án); đổi 27 án tử hình ra khổ sai chung thân. Chiều ngày 16/6, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông đang bị giam ở ngục Hoả Lò (Hà Nội), xích tay hai người làm một giải đi Yên Bái lên đoạn đầu đài.

            5 giờ 30 sáng 17/6/1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí Việt Nam Quốc dân đảng lên máy chém. Trước khi lưỡi chém phập xuống, mỗi người đều hô bốn tiếng “Việt Nam muôn năm” không thành câu. Phó Đức Chính đòi cho nằm ngửa để xem lưỡi dao rớt xuống. Nguyễn Thái Học người ra ra pháp trường thứ 13 nghiêng mình chào đồng bào lần cuối và hô to “Việt Nam muôn…” thì viên Công sứ De Bottini liền vẫy tay, đầu Nguyễn Thái Học rơi.

            Một đồng chí Việt Nam Quốc dân đảng là Nguyễn Thị Giang (1906-1930), khi biết người bạn đời và các đồng chí của mình đã đền nợ nước, bà đã dùng súng tự sát để kết liễu đời mình ở tuổi 24.

            Qua các phiên toà trấn áp của chính quyền thực dân, Việt Nam Quốc dân đảng coi như đã thất bại hoàn toàn. Tuy thất bại nhưng các chiến sĩ đều đã làm nên vinh quang với lòng yêu nước dũng cảm của mình.

Nguồn tạp chí luật sư Việt Nam.

Luật sư giỏi tại TP. HCM – Công ty Luật Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai