Luật sư bào chữa tội trộm cắp tài sản Lào Cai

591

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

=====o0o=====

 

 BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA CỦA LUẬT SƯ HÀ NỘI

ĐỐI VỚI BỊ CÁO HOÀNG VĂN SÈN, LÝ A GIANG, LÝ LÁO SAN

(V/v: Trộm cắp tài sản ở Bát Xát, Lào Cai)

 

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử !

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm nay!

Chúng Tôi là Luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp, Nguyễn Hồng Đức thuộc Công ty Luật Dragon – Đoàn Luật sư Hà Nội được sự chấp thuận của TAND huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và Đơn mời Luật sư của bị cáo chúng tôi tham gia tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày hôm nay với tư cách là Luật sư bào chữa cho Hoàng Văn Sèn, Lý A Giang, Lý Láo San bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS.

Kính thưa HĐXX!

Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ tài liệu có trong vụ án, trao đổi với các bị cáo và thẩm vấn xét hỏi công khai tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, chúng tôi trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung và quan điểm như sau:

I. VỀ TỐ TỤNG

1. Về số vụ trộm trâu thay đổi

TAND tỉnh Lào Cai đưa ra xét xử vào ngày 11/08/2015, do không đầy đủ chứng cứ, căn cứ buộc tội các bị cáo nên HĐXX đã phải trả hồ sơ điều tra bổ sung số 53/2015/HSST/QĐ và theo kết luận điều tra của Công an tỉnh, cáo trạng VKSND tỉnh Lào Cai thì số vụ trộm trâu xảy ra trên địa bàn huyện Bát Xát là 08 vụ với 12 con trâu. Hiện nay theo kết luận điều tra bổ sung số 05/2016/KLĐT (PC45) ngày 29/03/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai và Cáo trạng số 19/KSĐT-KT ngày 25/05/2016 của VKSND huyện Bát Xát kết luận: “Trong các ngày 26/04/2013, 19/06/2013 và ngày 13/11/2013 các bị can đã thực hiện 03 vụ trộm cắp 04 con trâu trên địa bàn huyện Bát Xát với tổng giá trị tài sản là: 113.000.000 đồng” 

Như vậy, Sau khi cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lào Cai hoàn tất quá trình điều tra, truy tố , xét xử do không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của 11 bị cáo thực hiện 23 vụ trộm cắp 36 con trâu . Cùng với sự vào cuộc tích cực của các Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, đến nay Cơ quan tiến hành tố tụng đã “Tạm Đình chỉ” điều tra, truy tố, xét xử đối với 02 bị can là Hoàng Quang Trung và Hoàng Văn Siểng nhưng vẫn cố tình truy tố, xét xử 09 bị cáo còn lại thực hiện 03 vụ trộm cắp 04 con trâu.

2. Mâu thuẫn vê thời điểm mất trộm trâu của các Bị Hại

Thời gian, thời điểm mất trâu mà các bị cáo và bị hại khai không đúng với thời gian, thời điểm mất trâu theo bản kết luận điều tra công an tỉnh Lào Cai và Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai .

Đối với bị hại : Lý A Tờ

Bút lục 80, trong đơn trình báo của bị hại Lý A Tờ: “Đến ngày mùng 12/05 khoảng 3h mất

Bút lục 83, Biên bản ghi lời khai của bị hại Lý A Tờ: “Ngày 15/05/2013 gia đình tôi bị mất 01 con trâu….Ngày 05/05/2013 gia đình tôi tổ chức đi tìm nhưng không thấy, thời gian bị giết mổ là vào ngày 05/05/2013 đến ngày 08/05/2013 thì phát hiện thịt đã thối”

Trong khi theo Kết luận điều tra số 76/KLĐT-TTXH  và Cáo Trạng số 19/KSĐT-KT thì thời điểm mất trâu là tối ngày 19/06/2013

Đối với bị hại : Bùi Văn Long

Bút lục 107, biên bản ghi lời khai của bị hại Bùi Văn Long: “Ngày 24/04/2013 gia đình tôi bị mất một con trâu mười tuổi”

Tại biên bản phiên tòa ngày 26/09/2016 bị hại Bùi Văn Long khai: “khoảng 05 giờ Chiều ngày 25/04/2013 vợ tôi phát hiện mất một con trâu”

Trong Kết luận điều tra và Cáo trạng thì thời điểm mất trâu là chiều tối ngày 26/04/2013

Đối với bị hại : Phàn Sử Mẩy

Tại phiên tòa ngày 26/09/2016 bị hại Phàn Sử Mẩy khai : “ Đêm ngày 01/10 âm lịch gia đình tôi phát hiện mất 02 con trâu”

Trong kết luận điều tra và Cáo trạng thì thời điểm mất trâu là đêm ngày 13/11/2013.

3. Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 53/2015/HSST – QĐ ngày 20/11/2015 yêu cầu điều tra lại toàn bộ nội dung vụ án. Song, chúng tôi không hiểu tại sao, đại diện VKS huyện Bát Xát vẫn dùng những lời khai cũ của các bị cáo để làm chứng cứ buộc tội, trong khi các bị cáo có lời khai tại cơ quan điều tra vào cuối năm 2015, được lấy lời khai bổ sung vào đầu năm 2016 và qua hai phiên Tòa các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội. Khi trả lời câu hỏi của HĐXX, Kiểm sát Viên, Luật sư họ đều nói rằng bị đánh đập, ép cung, bị ký khống vào các biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung. Như vậy, các bản cung đó không có giá trị pháp lý làm căn cứ buộc tội của VKS.

Hơn nữa, VKS là cơ quan thực hành quyền công tố trong vụ án hình sự, lại không kiểm tra, giám sát được việc các Điều tra viên đã đánh đập, ép cung đối với các bị cáo và có kiến nghị xử lý trong việc này theo quy định của pháp luật để bảo đảm tính công bằng xã hội và quyền con người.

4. Lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhau

Tại phiên tòa sơ thẩm lần này, các bị cáo Đen, Phây, Thắng khai nhận việc phạm tội. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của HĐXX, VKS, Luật sư thì bị cáo Phây có dấu hiệu trả lời không được tỉnh táo, minh mẫn. Đặc biệt lời khai của Phây với Lý Láo San là em trai cho thấy có sự mâu thuẫn nhau. Tại biên bản đối chất ngày 23/03/2016 – BL 3482, Phây khai: “Trong số 05 vụ trộm trâu mà tôi tham gia đều có sự tham gia của em trai tôi là Lý Láo San, không biết tại sao em trai tôi lại không thừa nhận”.

Lý Láo San khai lại rằng: “lời khai của bị can Phây là anh trai ruột tôi khai tôi có tham gia cùng trộm 05 vụ trộm cắp trâu là không đúng, bản thân tôi không tham gia trộm cắp lần nào. Việc anh Phây khai như vậy là khai lung tung”.

Có sự mâu thuẫn giữa Lý Díu Phây với Lý Ông Đen khi khai việc tham gia trộm cắp đi lại bằng xe máy, còn Phây khai là đi bộ.

Mâu thuẫn giữa lời khai của Hoàng Văn Thắng với Lý A Giang. Vì Thắng khai cùng các bị cáo khác trộm trâu của gia đình nhà ông Lý A Tờ là bố đẻ của Giang. Trong khi đó, Giang là đồng bọn và là bạn của Thắng trong các vụ trộm trâu ở huyện Bát Xát. Cả hai lại cùng thôn xã với nhau.

5. Lời khai của nhân chứng

Trong vụ án này lời khai của các nhân chứng Làng Văn Thường, Làng Văn Đức có nhiều điểm không rõ ràng, chính xác. BL số 2217-2218, Làng Văn Thường khai: “cháu và anh Đức dắt ngựa lên một đoạn thì vẫn thấy có tiếng người và có ánh đèn pin soi ở khu vực giữa nương ngô nhà bà Cói, cháu cũng không để ý vì đã tìm thấy Trâu…sáng hôm sau cháu  đi học sớm thấy có một vài người đứng ở khu vực nương ngô nhà bà Cói cháu đi luôn và không để ý”

Từ lời khai trên cho thấy, Thường không để tâm, tận mắt nhìn thấy và biết nhóm người đó là ai, đang làm gì. Cho nên lời khai này của Thường là rất mơ hồ, không rõ ràng về sự việc xẩy ra. Lời khai của Đức tại BL 2120 có nội dung như sau:

“Do chỗ họ đứng có mấy hòn hòn đá và trời sáng trăng nhưng vẫn không  nhìn rõ nên cháu không nhận ra ai và họ đang làm gì…một lúc sau có mấy người đi từ nương ngô lên đường. Thấy vậy cháu cũng xuống đường đi về thì thấy ông Sèn và Đen đang đứng ở vệ đường bên nương ngô đối diện với cháu cách cháu khoảng 8m”

Như vậy, Làng Văn Đức do điều kiện trời mờ sáng lại đứng khoảng cách xa tới 35 m bị khuất tầm nhìn từ những tảng đá lớn nên càng không thể nhìn nhận rõ sự việc đang xảy ra là như nào mà chỉ theo suy nghĩ, phán đoán. Bởi vậy, nếu dùng lời khai của Thường và Đức là nhân chứng đã chứng kiến thấy việc giết mổ trâu để buộc tội cho các bị cáo là phiến diện, không có cơ sở.

6. Về biên bản đối chất

Các biên bản đối chất, chúng tôi nhận thấy việc tiến hành đối chất hầu như chỉ diễn ra một chiều giữa các bị cáo nhận tội với các bị cáo không thừa nhận có hành vi phạm tội nhằm mục đích áp đặt, buộc tội các bị cáo không nhận tội. Cụ thể đó là cơ quan điều tra công an tỉnh Lào Cai chỉ tiến hành đối chất giữa Hoàng Văn Thắng, Lý ông Đen, Lý Díu Phây với  Lý Láo San, Hoàng Văn Sèn, Vàng Văn Thành, Hồ  A Nhịt, Lý A Giang,  Nguyễn Văn Trường mà không có sự đối chất của các bị cáo không nhận tội với nhau. Hay chỉ đối chất đối chất giữa Làng Văn Đức là người làm chứng với Phây, Đen, Sèn vì Đức khai vào rạng sáng ngày 14/11/2013 thấy họ ở vệ đường bên nương ngô nhà bà Cói liên quan đến việc mất trâu nhà bà Phần Xử Mẩy.

Trong quá trình đối chất các bị cáo chỉ được khai theo câu hỏi xếp đặt của ý điều tra viên mà các bị cáo lại không được hỏi nhau là không khách quan, đúng quy định về đối tại khoản 3 Điều 138 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khi Tòa Bát Xát ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Lào Cai vẫn chỉ tiến hành đối chất giữa Lý Ông Đen, Hoàng Văn Thắng với Lý A Giang, Vàng Văn Thành vào ngày 01/03/2017. Trong các biên bản đối chất này Lý Ông Đen, Hoàng Văn Thắng vẫn một mực đổ tội cho Lý A Giang, Vàng Văn Thành là những người cùng tham gia các vụ trộm trâu ở Bát Xát. BL 4117 khi đối chất với Thắng, anh Vàng Văn Thành khẳng định: “Tôi biết bị can Thắng từ khi Thắng bị bắt còn trước đó tôi không hề quen biết gì Thắng. Tôi thấy Thắng trình bày như vậy là không đúng, đổ oan cho tôi. Tôi không tham gia gì vào việc trộm cắp trâu như những nội dung Hoàng Văn Thắng trình bày”. Biên bản đối chất giữa Lý Ông Đen với Lý A Giang tại BL 4111: “Tôi không tham gia trộm cắp như nội dung bị can Đen trình bày. Đen đổ oan cho tôi, tôi không quen biết gì Đen”.

Như vậy, việc các cơ quan tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa Phây, Đen, Thắng với các bị cáo còn lại mà không đối chất gữa Giang, Nhịt, Thành, Sèn, Phây, Trường với nhau là một thiếu xót và vi phạm vào khoản 1 Điều 138 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất”.

Đối chiếu căn cứ này với Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 01/2017/HSST-QĐ ngày 23/01/2017 của TAND huyện Bát Xát do thẩm phán Nghiêm Mạnh Quân ký tại BL 4048 có nội dung như sau: “sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 43/2016/HSST ngày 08/11/2016, Xét thấy: quá trình nghiên cứu hồ sơ thấy có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo và bị hại..Vì vậy, quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của các bị hại, lời khai của các bị cáo và biên bản, bản ảnh thực nghiệm điều tra của cả 03 vụ trộm cắp trâu ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai”

7. Về tang chứng, vật chứng của vụ án

Theo Cáo trạng số 19/KSĐT- KT ngày 25/5/2016 của VKSND huyện Bát Xát thì vật chứng của vụ án mà cơ quan điều tra công an huyện Bát Xát thu được chỉ là 03 điện thoại di động của Lý A Giang, Lý Ông Đen, Hoàng Văn Sèn tạm giữ của Nguyễn Văn Trường 01 xe ô tô biển kiểm soát: 24N-5000, kèm theo đăng ký xe mang tên Đặng Văn Trung. Trong khi đó các công cụ phương tiện phạm tội như bao tải dây thừng, búa, dao, đá mài để chứng minh cho hành vi phạm tội của các bị cáo đã trộm trâu rồi giết mổ lấy thịt đem bán, cơ quan điều tra lại không thu giữ được cho thấy vật chứng của vụ án không đảm bảo và đủ cơ sở kết tội.

Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 64 về chứng cứ và khoản 2 Điều 66 về đánh giá chứng cứ của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:

Điều 64. Chứng cứ

“1.Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.

Điều 66. Đánh giá chứng cứ

“2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án”.

Như vậy, lời khai và vật chứng là một nguồn quan trọng của chứng cứ. Tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lào Cai không xem xét, đánh giá đầy đủ mà quy kết các bị cáo phạm tội «Trộm cắp tài sản » thể hiện việc áp dụng pháp luật không đúng trong vụ án này.

8.  Về Kết luận giám định

Kết luận giám định ngày 29/10/2015 – BL 2766-2767 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai kết luận về chữ viết, chữ ký trong “Biên bản làm việc, biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can” của Lý A Giang kết luận là do cùng một người viết ra, tức của Lý A Giang. Chúng tôi thấy rằng chưa thật sự khách quan sát với thực tế bởi lẽ: tại các biên bản hỏi cung bị can ngày 9/12/2015, BL số 3159 và ngày 10/5/2016 BL 3625 Giang đều khai rằng: “Quá trình tôi viết tự khai là do cán bộ công an huyện Bát Xát cho tôi chép lại đúng nội dung họ đã nghĩ ra, toàn bộ lời khai của tôi và bản tự khai của tôi đều do cán bộ công an ghi nội dung vào cho tôi ký vào bản cung và biên bản ghi lời khai, bản tự khai cán bộ đưa cho tôi nội dung để tôi chép, tôi không biết gì về những nội dung này”. Như vậy, kết luận giám định trên thực chất đã chứng minh được bề nổi đúng chữ ký va chữ viết của Giang cũng như một số bị cáo khác nhưng còn những nội dung câu chữ trong các lời cung đó hoàn toàn không phải do ý trí của Giang mà Giang bị ép buộc, đánh đập nên mới phải ghi chép và ký theo sự điều khiển của người khác.

9. Thực nghiệm điều tra

Các biên bản thực nghiệm điều tra cho thấy, cơ quan điều tra chỉ tiến hành cho các bị cáo xác nhận lại nơi xảy ra sự việc mà không cho các bị cáo được diễn tả lại hành vi trộm trâu và giết mổ trâu là không đúng với bản chất sự việc và quy định tại Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

“Điều 153. Thực nghiệm điều tra

1. Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ”.

Chúng tôi cho rằng, cơ quan điều tra chỉ cho các bị cáo Thắng, Đen, Phây tiến hành thực nghiệm điều tra theo nội dung biên bản thực nghiệm điều tra để xác định hiện trường là không làm rõ và sáng tỏ được hành vi trộm cắp trâu, giết mổ trâu lấy thịt rồi vận chuyển ra xe để bán tiêu thụ. Tại phiên Tòa các bị cáo Sèn, Thành, San đều khai không được tiến hành thực nghiệm điều tra; còn Giang, Nhịt đều khai “chỉ được Cơ quan điều tra đưa đến những địa điểm mà mình không biết và chưa bao giờ đến mục đích xác định hiện trường rồi chụp ảnh lại”. Trong khi đó việc dựng lại hiện trường để các bị cáo diễn tả lại hành vi, tình huống của việc giết mổ, vận chuyển trâu ra sao lại được không thực hiện, cho thấy cơ quan điều tra lo lắng các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội này không diễn tả, thực hiện đúng hành vi trộm cắp trâu thì phải?

10. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án

Trong các vụ trộm trâu xảy ra tại các huyện của tỉnh Lào Cai của nhóm bị cáo này đều có liên quan đến người tiêu thụ. Tại phiên Tòa của Tỉnh Lào Cai, Hoàng Văn Siểng, Hoàng Quang Trung là người được coi là đối tượng mua thịt trâu của các bi cáo trong các vụ án trộm trâu, đã được TAND tỉnh Lào Cai triệu tập đến với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng trong vụ án xét xử tại Tòa án huyện Bát Xát lại không được triệu tập hai người này đến thẩm vấn, xét hỏi nhằm làm sáng tỏ nội dung vụ án liên quan đến hành vi của các bị cáo bị truy tố về tội trộm cắp tài sản là Trâu của các hộ gia đình. Như vậy, là việc xét xử không đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đầy đủ. Các bị cáo với hai người này không được đối chất với nhau để được chứng minh cho việc liên quan đến hành vi phạm tội của mình. Đây là thiếu xót và vi phạm nghiêm trọng về tố tụng về quyền và nghĩa vụ của ông Siểng, anh Trung vì họ có liên quan trong các vụ án tại Bát Xát.

11. Trong vụ án này, các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, có người không biết chữ, không biết đọc và theo yêu cầu của cơ quan điều tra cần phải có trợ giúp viên pháp lý tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Trung tâm trợ giúp viên pháp lý tỉnh Lào Cai cũng đã có quyết định cử các trợ giúp viên tham gia bào chữa cho các bị cáo. Tuy nhiên, theo các lời khai của bị cáo Giang, Nhịt, Sèn, Thành và các bị cáo khác thì trong quá trình lấy cung lại không có sự thạm gia của các trợ giúp viên pháp lý. Các Biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung lại có chữ ký của họ là không đúng với thực tế và vi phạm nghiêm trọng Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý.

12. Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án tại mục 1 nêu rõ: tiến hành định giá lại tài sản các vụ trộm cắp vào các ngày 26/4/2016; ngày 19/6/2016; ngày 13/11/2016 tại địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai theo nội dung Cáo trạng đã truy tố các bị cáo. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra – Công an tỉnh Lào Cai đã tiến hành lấy lời khai và ý kiến của những người làm chứng, liên quan đến vụ án như lời khai ngày 18/10/2016 – BL 3947-3949 của Đặng Văn Bình, sinh năm 1961 trong vụ mất trộm trâu của anh Bùi Văn Long (ngày 26/4/2013) như sau:

“Tôi biết con trâu bị mất là con trâu cái, lông mầu đen, cao khoảng 1,4m là con to nhất trong đàn trâu nhà anh Long, con trâu này tôi biết là anh Long của nhà anh Tẩn A Quang ở cùng thôn, tại thời điểm đó con trâu bị mất trị giá khoảng 36.000.000 đồng”; hoặc lời khai của Lý Díu Vảng ngày 18/10/2016 BL 3927-3928 như sau: “Tại thời điểm mất trâu ngày 13/11/2013 của nhà chị Phân Sử Mẩy thôn Nậm Pầu, xã Bản Xèo – Bát Xát tôi đánh giá con trâu mẹ to béo giờ khoảng gần 40 triệu đồng, con trâu con thì khoảng 16 -17 triệu đồng”. Hay lời khai của chị Hồ Thị Trang ngày 17/10/2016 – BL 3936-3937 nhận định về giá trị con trâu của nhà ông Lý A Tờ ở thôn km4, xã Bản Vược huyện Bát Xát “Theo như tôi nhận định thì con trâu của gia đình nhà tôi bị lấy trộm ngày 19/6/2013 có giá trị khoảng 25-26 triệu đồng tại thời điểm mất”.

Như vậy, những ý kiến trên của họ chỉ mang tính nhận định, tham khảo về giá trị con trâu khi còn sống, những người được cơ quan điều tra lấy lời khai ý kiến cũng khác nhau, không phải là những người thuộc cơ quan chuyên môn, có chức năng đánh giá.

13. Tại 02 phiên Tòa, các bị cáo đều kêu oan, yêu cầu các cơ quan tố tụng cung cấp list điện thoại, danh sách các cuộc gọi đi và đến của họ nhằm chứng minh cho việc các bị cáo có liên hệ với nhau khi thực hiện các vụ trộm trâu hay không. Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 01/2016/HSST – QĐ ngày 29/9/2016 của TAND huyện Bát Xát đã đề nghị làm rõ việc này. VKSND tỉnh Lào Cai có văn bản số 957 ngày 18/10/2016 đề nghị Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tại Lào Cai cung cấp thông tin chủ thuê bao và các cuộc gọi đi, đến, tin nhắn đi, đến của 07 thuê bao các số điện thoại của các bị cáo.Tuy nhiên, đơn vị này có văn bản số 1042/VTQĐ-PC ngày 24/10/2016 trả lời rằng: “Tại thời điểm lấy số liệu (ngày 24/10/2016) trên hệ thống không còn lưu thông tin các cuộc gọi đi, đến của 07 bị cáo theo thời gian yêu cầu từ ngày 15/02/2013 đến ngày 15/02/2014”.

Đây là một nội dung rất quan trọng mà Tòa Bát Xát đã trả hồ sơ yêu cầu làm rõ làm căn cứ chứng minh mối liên hệ với nhau của các bị cáo nhưng Cơ quan điều tra, VKSND tỉnh không làm sáng tỏ được việc này. Vậy lấy bằng chứng gì để khép tội và quy kết các bị cáo “Trộm cắp tài sản”.

14.  Đây là vụ án phức tạp kéo dài có tới 2 Cáo trạng của VKSND tỉnh Lào Cai số 88/KSĐT- KT ngày 28/11/2014 BL 2006 và Cáo Trạng số 20/KSĐT-KT 28/5/2015 (BL 2257-2275). Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Lào Cai ra kết luận điều tra bổ sung số 05/KLĐTBX-TTXH ngày 22/5/2015 và Kết luận số 11/KLĐTBX-TTXH ngày 06/10/2015; Kết luận số 01/KLĐTBX-TTXH ngày 30/12/2015; Kết luận số 06/KLĐT(PC45) ngày 11/5/2016. TAND tỉnh Lào Cai có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 11/2015/HSST – QĐ ngày 26/3/2015 và quyết định số 51/2015/HSST/QĐ ngày 12/8/2015. Theo đó, VKSND tỉnh Lào Cai trả Hồ sơ điều tra bổ sung các lần là: số 05/QĐ – KSĐT ngày 22/4/2015, số 06/ QĐ – KSĐT ngày 25/4/2016. Sau khi có quyết định tách vụ án hình sự số 02 ngày 08/5/2016 của Công an tỉnh Lào Cai thì VKSND huyện Bát Xát ra Cáo Trạng số 19/2016 ngày 25/5/2016. Sau đó TAND huyện Bát Xát ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 01/2016/HSST – QĐ ngày 29/9/2016 và quyết định số 01/2017/HSST – QĐ ngày 23/01/2017. Trên cơ sở đó, VKSND tỉnh Lào Cai trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ 3 số 02/QĐ ngày 8/02/2017. Công an tỉnh Lào Cai tiếp tục có kết luận điều tra bổ sung số 01/KLĐTBS – PC45 ngày 8/3/2017 và Kết luận số 03/ KLĐTBS – PC45 ngày 25/4/2017.

Kết luận: Trong vụ án này VKSND tỉnh Lào Cai đã phải 03 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đối chiếu với khoản 2  Điều 121 Bộ luật TTHS 2003 quy định về Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại thì:

“2. Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra”.

Như vậy, căn cứ vào điều luật nêu trên, rõ ràng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lào Cai không những thiếu xót, không đủ chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án quy kết họ phạm tội “Trộm cắp tài sản” mà còn để lại những hậu quả và hệ lụy đó là việc đang làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo đẩy họ vào cảnh cảnh tù giam kéo dài.

15. Về kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Lào Cai số 03/KLĐTBS (PC45) ngày 25/4/2017 kết luận:

“Căn cứ lời khai nhận của bị can Hoàng Văn Thắng, Lý Ông Đen, Lý Díu Phây, lời khai của nhân chứng Làng Văn Đức (trong vụ ngày 13/11/2013) và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ cũng như lời khai nhận trước đây của các bị can Lý A Giang, Hồ A Nhịt, Lý Láo San, Hoàng Văn Sèn, Vàng Văn Thành, Nguyễn Văn Trường. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai nhận thấy có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can đối với 03 vụ trộm cắp trên”.

Chúng tôi cho rằng Kết luận điều tra này hoàn toàn không đủ cơ sở để kết tội các bị cáo. Vì như đã phân tích như trên, lời khai của các bị cáo rất nhiều mâu thuẫn nhau, các bị cáo đều kêu oan và có bằng chứng ngoại phạm, các chứng cứ đều không thu thập được. Có nhiều thủ tục tố tụng làm không đúng và đầy đủ tuân theo trình tự pháp luật. Theo thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27 tháng 8 năm 2010 hướng dẫn thi hành các quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung tại khoản 3 Điều 7 như sau:

“3. Sau khi kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung, trong đó kết luận rõ đối với từng vấn đề điều tra bổ sung và quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ theo thẩm quyền quy định tại Điều 164 và Điều 169 của BLTTHS”.

Từ những căn cứ nêu trên rõ ràng với kết luận điều tra bổ sung số 03/KLĐTBS (PC45) ngày 25/4/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Lào Cai là không đủ căn cứ để buộc tội các bị cáo. Dẫn đến đình chỉ vụ án.

II. VỀ NỘI DUNG

1. Đối với bị cáo Lý A Giang

Thứ nhất, lời khai của Lý A Giang tại biên bản hỏi cung bị can ngày 10/9/2015 – BL 2655 Giang đều khai nhận rằng mình có bằng chứng ngoại phạm chứng minh bản thân không tham gia trộm cắp trâu đó là:

“Đầu năm 2013, tôi ở nhà cùng vợ đi làm ruộng của gia đình. Từ tháng 5 đến tháng 10/2013, tôi về nhà và làm xe ôm khi thì đi cùng anh Toản ở xã Bản Qua có thuê tôi đi chở Ngô, Thóc nhưng không thường xuyên liên tục”.

Tại các bản tự khai ngày 29/9/2015 – BL 2652-2653 Giang khẳng định:

“Tháng 4 năm 2013, tôi có đi lái đò cho anh Tuấn nhà ở Lào Cai cùng anh Hà phụ đò cho tôi, người quản lý là anh Huy nhà ở Lào Cai. Tôi làm được 01 tháng thì tôi nghỉ về nhà làm thóc lúa cùng chú Toản và đến năm 2013, anh Đỗ Văn Hòa xin cho tôi vào làm Công ty Hương Giang làm phụ lái thuyền vận chuyển đường, cao su, gạo sang Trung Quốc..”

Lời khai trên của Giang phù hợp với lời khai của anh Nguyễn Xuân Thiệp tại biên bản ghi lời khai ngày 24/9/2015 – BL 2648 là người quản lý bến Hương Giang của Công ty cho biết như sau:

“Cuối năm 2013, thì Hòa anh rể của Giang có xin cho Giang vào phụ thuyền ở bến. Giang được phân công về tổ 2 do anh Mạnh quản lý, có anh Tuấn và một số người làm cùng Giang. Lúc đầu Giang làm được 10 ngày, sau đó lại nghỉ, thỉnh thoảng làm vài buổi, sau khi nghỉ tết âm lịch năm 2014, Giang có đến làm vài buổi nữa. sau đó bị công an Bát Xát bắt”

Như vậy, đây là những bằng chứng ngoại phạm cho thấy Giang vô can không liên quan đến những vụ trộm trâu ở huyện Bát Xát.

Thứ 2, Trong vụ trộm cắp trâu nhà ông Lý A Tờ là bố đẻ Giang, Giang không tham gia. Điều này cho thấy sự vô lý là: Nếu Giang tham gia cùng đồng bọn trộm cắp trâu, thì nhóm của Giang không thể không biết nhà ông Lý A Tờ là bố đẻ của Giang được. Và càng không thể có sự nhầm lẫn đó để cố tình trộm trâu của nhà Giang đem đi mổ bán. Qua đây cũng nói lên các vụ trộm trâu ở Lào Cai xảy ra hình như các cơ quan tố tụng đều quy kết cho nhóm này thì phải?  hệ quả là con số vụ trộm trâu ở Bát Xát lúc đầu theo Cáo trạng số 20/KSĐT – KT ngày 28/5/2015 của VKSND tỉnh Lào Cai là 08 vụ nay chỉ còn 03 vụ. Liệu đây có phải là sự nhầm lẫn hy hữu hay áp đặt không có cơ sở, căn cứ nên con số 03 vụ trộm trâu ở Bát Xát phản ánh đúng hiện thực về an ninh ở nơi đây?

Thứ 3, Lời khai của Lý A Giang tại phiên tòa xét xử của TAND tỉnh Lào Cai vào ngày 11/8/2015 và các biên bản hỏi cung bị can và bản tự khai Lý A Giang có dấu hiệu bị ép cung, đánh đập.

BL 3158, Lý A Giang khai về việc bị đánh như sau:

“Đa số là bị đánh, nhẹ thì bị tát vào mặt, còn lại là dùng gậy cao su đánh vào đầu. Do đó tôi đã phải khai nhận là đã tham gia trộm cắp toàn bộ 23 vụ như kết luận điều tra vào cáo trạng của VKS đã nêu”.

BL 3165 Giang cho biết thêm: “Chứng cứ chứng minh tôi bị đánh thì cán bộ Dũng và một số cán bộ khác thấy tôi bị tím và yêu cầu tôi cởi quần ra xem và chụp ảnh bằng điện thoại. Hôm sau, gọi ra có ghi chép lại nhưng không lập biên bản”.

Biên bản hỏi cung bị can ngày 28/12/2015, BL số 3160 Giang khai tiếp rằng:

“Tại Công an huyện Bát Xát, tôi bị đánh đập, ép cung, bắt chép bản tự khai..khi ra ngoài trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai, khi điều tra viên tiến hành lấy cung thì tôi không bị đánh đập, ép cung, mớm cung, nhưng do tôi vẫn sợ nếu không khai nhận sẽ bị đánh như ở huyện nên tôi khai theo nội dung ban đầu”.

BL 3161, Giang dẫn chứng thêm về việc bị đe dọa của cán bộ điều tra như sau: “Tôi bị cán bộ Khánh bóp tay vào cằm dọa mày có muốn ở trên huyện không, nên tôi lo sợ nếu không khai thì bị đánh nên tôi nhận như những lời khai ban đầu”.

Những lời khai trên của Lý A Giang phù hợp với lời khai của Hoàng Văn Sèn, Hồ A Nhịt, Vàng Văn Thành, Lý Láo San trong lần xét xử từ ngày 26-29/9/2016 và lần này từ 5-7/7/2017  đều khai nhận rằng trong quá trình lấy cung bị đánh đập, ép cung.

2. Đối với bị cáo Hoàng Văn Sèn

Thứ nhất: Hoàng Văn Sèn khai có bằng chứng ngoại phạm về việc mình không phạm tội.

Chúng tôi cho rằng, Lời khai của bị cáo Sèn là rất trung thực, có lý vì bị cáo chỉ vững tin, thành khẩn khai báo nhất khi có Luật sư bên cạnh tham gia cùng lấy cung. Điều đó được thể hiện qua biên bản hỏi cung bị can ngày 28/12/2015 – BL 3130-3135. Khi có Luật sư bào chữa Nguyễn Minh Long, Hoàng Văn Sèn khai báo cụ thể như sau:

“Ngày 26/4/2013 và ngày 19/6/2013 tôi cũng chỉ ở nhà chứ không đi đâu và cũng không cùng ai tham gia trộm cắp trâu như kết luận điều tra của cơ quan điều tra. Thời gian từ ngày 25/10/2013, tôi cùng cháu là Hoàng Văn Sơn con anh trai tôi – Hoàng Văn Sáng) đi tuốt lúa thuê cho các hộ dân tại xã Pa Chao, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tôi không tham gia vụ trộm trâu ngày 13/11/2013, vì thời gian này tôi ở nhà cùng vợ con chứ không đi đâu”.

Lời khai trên của Hoàng Văn Sèn là có cơ sở bởi bị cáo là người lao động chính trong gia đình, thường xuyên làm công việc ruộng nương, chăn nuôi lại không có trình độ văn hóa. Cho nên, chỉ quanh quẩn với công việc nhà nông là hoàn toàn chính xác.

Thứ 2: Hoàng Văn Sèn có người làm chứng cho việc trên

BL 2751 -2752, Ông Giàng Pò Hiểu  trú quán tại thôn Cửa Cải, xã Mường Vi, huyện Bát Xát có giấy xác nhận người làm chứng như sau:

“Tôi và ông Sèn cùng nuôi cùng nuôi trâu đực vì thế mỗi ngày đều phải đi cắt cỏ. Chúng tôi đi cùng nhau không thiếu buổi nào. Đi từ 3h chiều đến 7h tối thì về đến nhà.  Đến tháng 8 âm lịch năm 2013, ông Sèn đi tuốt lúa tại thôn Kin Sàng Hồ, Xã Pa Chao cùng đi với ông Sèn có ông Hoàng Văn Sưn. Ông Sưn cũng cho biết cả hai 02 cùng nhau đi làm và sinh hoạt tại đó cả ngày tại nhà ông Chang A Páo. Vì thế trong khoảng thời gian đó, ông Sèn không thể thực hiện hành vi trộm cắp trâu tại các huyện xa như thế được”.

Thứ 3: gia đình bị cáo Sèn đều xác nhận bị cáo trong quá trình xảy ra vụ án đều đang ở nhà Lao động, sản xuất

luật sư chúng tôi đã có trao đổi, làm việc với những người thân trong gia đình Hoàng Văn Sèn, như vợ con, anh trai của bị cáo đều khẳng định, những lời khai của Sèn và trình bày của ông Giàng Pò Hiều là chính xác. Vì Hoàng Văn Sèn chỉ quen làm  công việc nhà nông, bản tính lại thật thà nên chỉ quen công việc đồng ruộng, lại thường xuyên ở trong gia đình không thể thực hiện hành vi trộm cắp. và không hiểu lý do vì sao bị bắt, khi bị giam giữ do bị đánh đập nên mới nhận tội. Mặc dù bị cáo và gia đình đã kêu oan đến các cơ quan có thâm quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết, minh oan.

Thứ 4: Hoàng Văn Sèn đề nghị các cơ quan tố tụng xác minh và thu thập hồ sơ bệnh án tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai trong quá trình nằm viện do bị đánh đập, ép cung.

Tại Phiên tòa của TAND tỉnh Lào Cai ngày 18/11/2015 – BL 2445 -2451 và phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Bát Sát ngày 28/9/2016, Hoàng Văn Sèn vẫn khai nhận với nội dung như sau:

“Trong số các bị cáo tại Tòa, Sèn chỉ biết Vàng Văn Thành là người cùng thôn Cửa Cải, xã Mường vi, còn lại không biết ai. trong quá trình lấy lời khai không có trợ giúp viên pháp lý. Bị cáo không biết chữ, bị cáo bị cán bộ điều tra bắt điểm chỉ vào giấy trắng và biên bản ghi lời khai, hỏi cung lại không được nghe đọc lại khi lấy lời khai nên không biết nội dung gì. Bị cáo còn bị các cán bộ tên Hùng, Tuấn Anh, và Tuân treo lên cửa sổ dùng dùi cui điện đánh ngất đi nên phải vào bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị mất 03 ngày 03 đêm”.

Chúng tôi đã tiến hành xác minh thu thập tài liệu trích sao hồ sơ bệnh án của anh Sèn tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Kết quả bệnh án cho thấy Hoàng Văn Sèn nằm điều trị tại khoa thần kinh, triệu chứng bị đau ngực, tức bụng, chân tay co giật. Điều đó đồng nghĩa với việc anh Sèn bị đánh đập, ép cung là có thật như lời khai tại Tòa của bị cáo hôm 5/7/2017 rằng: “Trong số các bị cáo tôi là người bị đánh nhiều nhất”. Luật sư đề nghị HĐXX hêt sức lưu tâm vấn đề này.

Thứ 5: Việc xin tại ngoại đối với bị cáo

Ngày 28/9/2016, gia đình Hoàng Văn Sèn có Đơn xin bảo lãnh cho bị cáo được tại ngoại. chúng tôi nhận thấy, gia đình bị cáo có hoàn cảnh rất khó khăn, Sèn lại là lao động chính trong gia đình , nhà lại có tới 4 con. Con nhỏ nhất của bị cáo là Hoàng Ngọc Quyền sinh năm 2009. Vợ bị cáo là Vùi Thị Ý, nghề nghiệp trồng trọt, Bị cáo Sèn đã bị bắt giam giữ từ ngày 20/2/2014 tính đến nay hơn 03 năm, sức khỏe bị cáo lại không được tốt. Vì vậy, chúng tôi đề nghị xem xét cho bị cáo được tại ngoại. Khi các cơ quan tiến hành tố tụng cần triệu tập, gia đình Sèn cam kết sẽ đưa bị cáo có mặt theo yêu cầu.

3.     Đối với bị cáo Lý Láo San.

Thứ nhất, căn cứ chứng minh Lý Láo San không tham gia trộm cắp trâu

Tại biên bản hỏi cung bị can ngày 29/9/2016 – BL 2700 và BL 3152 San khai nhận như sau:

“Trong thời gian từ năm 2013 đến trước khi bị bắt tôi chủ yếu ở nhà làm ruộng nương cùng gia đình. Từ khoảng ngày 27,28/10/2013 đến khoảng ngày 25-26/11/2013, tôi đi làm thuê phụ xây cho một người tên là Hùng nhà ở xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai..tôi phụ xây nhà cho bà Hiên và bà Huệ cũng ở Đồng Tuyển. cùng làm với tôi có Lý Ông Đen. Việc tôi làm ngày nào có chấm công do anh Hùng chấm. tôi làm liên tục và ăn nghỉ tại nhà anh Hùng. Sau khi về nhà tôi có đi làm phụ xây cho một người tên là Lý Láo San con nhà ông Lý Díu Sìn thôn Nậm Pầu. Tôi đi làm phụ xây cho nhà ông Lý Díu Páo là anh em họ hàng với tôi. Việc đi làm này liên tục do ông Páo chấm công”.

Tại biên bản hỏi cung bị can ngày 14/03/2016 – BL số 3418, cán bộ điều tra Nguyễn Tiến Hoàn của công an tỉnh Lào Cai đặt câu hỏi với Lý Láo San rằng:

“Bị can suy nghĩ gì khi Đoàn Thế Hùng trình bày và nộp sổ chấm công xác định Lý Ông Đen và Lý Láo San đi làm cho Hùng từ ngày 16/11/2013”

Như vậy, Lý Láo San khai đi làm cho người tên Hùng ở xã Đồng Tuyển là có thật phù hợp với bằng chứng về việc anh Hùng đã nộp bảng chấm công xác định Lý Ông Đen và San có đi làm phụ xây cho mình. Điều này minh chứng cho việc San không tham gia vào các vụ trộm cắp trâu ở huyện Bát Xát và tỉnh Lào Cai.

Thứ 2, Lý Láo San khai nhận tội do bị đánh đập, ép cung.

Bl 2702 Lý Láo San khai rằng: “Do khi bị bắt tôi bị đánh đau quá nên tôi cứ nhận bừa về sau này tôi làm việc tại Công an huyện Bát Xát bị đánh nên tôi cũng vẫn nhận bừa và khai bừa. Khi làm việc ở Công an tỉnh (làm việc ở trại giam) thì tôi bị đánh nên tôi cũng khai bừa, có lần tôi ký giấy trắng (tôi ký vào biên bản không có nội dung)”.

Biên bản hỏi cung bị can ngày 8/12/2015-BL 3154 San cũng khai nhận rằng:

“Tôi có bị ký khống vào giấy trắng, do cán bộ Khánh Công an tỉnh bắt tôi ký vào 07 tờ giấy A3”

Dẫn chứng trên cho thấy, những lời khai trước nhận tội của San là do bị đánh đập, ép cung và bị cán bộ lấy lời khai bắt ký vào giấy trắng, biên bản có nội dung sẵn. bởi vậy, San mới bị oan còn thực chất Lý Láo San không biết gì và không tham gia vào các vụ trộm trâu.

Thứ 3, việc Hoàng Văn Thắng, Lý Díu Phây, Lý Ông Đen khai Lý Láo San có tham gia vào 03 vụ trộm trâu ở huyện Bát Xát có tính vu khống.

Như trên đã phân tích thì những lời khai của Thắng, Phây, Đen là không có giá trị, đủ căn cứ để buộc tội San là đồng phạm trộm cắp trâu. Bởi trong khoảng thời gian xảy ra các vụ trộm của nhà ông Bùi Văn Long, Lý A Tờ, bà Phần Sử Mẩy Lý Láo San ở nhà làm ruộng nương cùng gia đình và đi làm phụ xây.

Hơn nữa, khi tiến hành đối chất với ba bị cáo này, Lý Láo San đều cho rằng mình bị họ đổ tội, khai không đúng sự thật. Đặc biệt bị cáo Phây và Đen khi xét xử đều kêu oan và khai tại Tòa rằng do bị ép cung, đánh đập nên mới khai với cơ quan điều tra phạm tội.

Tại bút lục 2088 “Đơn kêu oan” ngày 27/01/2015 bị cáo Lý Díu Phây viết: “Trong khi lấy lời khai điều tra đã đưa tôi vào phòng điều tra công an tỉnh Lào Cai bắt tôi nhận tội trộm cắp trâu và đã ép cung đánh đập tôi

Bút lục 2690, bản tự khai ngày 06/10/2015 của bị cáo Lý Ông Đen: “ Về phần nội dung là không phải do tôi viết ra do tôi không được trộm cắp trâu nên tôi không được chia tiền”

Như vậy, với những lời trình bày trên của Lý Díu Phây và Lý Ông Đen cho thấy lời khai của hai người này là hoàn toàn mâu thuẫn và cố tình đổ tội cho San vì mục đích được thả tự do, không bị giam giữ.

Thứ tư, Trong quá trình xét xử vụ án tại TAND huyện Bát Xát cho thấy Lý Díu Phây thành khẩn khai báo nhận tội. Song, lời khai của Phây hoàn toàn không đúng sự thật mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo khác và không thống nhất với lời khai của chính Phây trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt ,sau khi Tòa án nhân dân huyện Bát Xát yêu cầu điều tra bổ sung chúng tôi được biết lời khai của Lý Díu Phây với nội dung như sau:

“Ông Trần Xuân Phong- VKSND tỉnh Lào Cai bảo nếu em nhận tội thì sẽ thả tôi về địa phương cùng với vợ con làm ăn…nhưng tôi không được làm, tôi bị oan, chân tôi bị đau, tôi không đi ăn trộm ăn cắp được như trong bản kết luận của Công an.Tôi bị đánh nhiều quá nên tôi sợ, tôi thề trời đất là tôi không được làm”.

Với những lời trình bày trên trong đơn của Lý Díu Phây cho thấy, thực tế Phây không tham gia vào các vụ trộm cắp trâu ở Lào Cai nhưng do được hứa hẹn thả và do bị đánh nhiều trong quá trình giam giữ lấy lời khai và lấy cung nên mới phải nhận tội và khai không đúng sự thật làm xấu nhân thân của mình và gây ảnh hưởng đến các bị cáo khác đều kêu oan.

Hơn nữa, ngày 5/7/2017, khi luật sư Đoạt cho Phây xem văn bản này, Phây đã thừa nhận chữ viết và chữ ký của mình. Sáng 6/7/2017, Phây cũng kêu oan không phạm tội.Đến chiều lại trả lời rằng mình đang hoang mang về lời khai. Chúng tôi đánh giá cho rằng lời khai của Lý Díu Phây tại 02 phiên Tòa sơ thẩm đều không nhất quán, mâu thuẫn với chính bản thân và các bị cáo khác.

Từ những nhận định phân tích trên kết luận: Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã có những vi phạm tố tụng. Các bị cáo trong vụ án đều có dấu hiệu bị ép cung, đánh đập. Bị cáo Hoàng Văn Sèn, Lý A Giang, Lý Láo San không liên đới trong các vụ mất trộm Trâu xảy ra ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cho nên, việc truy tố theo điểm e khoản 2 Điều 138 đối với các thân chủ của chúng tôi và các bị cáo khác là không đúng người đúng tội

III.           Đề nghị của Luật sư

Qua những phần trình bày nêu trên, chúng tôi đề nghị cụ thể như sau:

Đề nghị HĐXX áp dụng  khoản 1, khoản 2 Điều 107; khoản 3 Điều 224, khoản 1 Điều 227 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 tuyên các bị cáo Lý A Giang, Hoàng Văn Sèn, Lý Láo San không phạm tội, thả tự do cho các bị cáo;

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật.

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!

Luật sư:  Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp, Nguyễn Hồng Đức

=======================================

Sau phiên tòa sơ thẩm các Bị Cáo được tòa án trả tự do và cho rằng áp dụng bằng thời hạn giam giữ, tuy nhiên với kháng cáo kêu oan của các thân chủ đã không được Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cao chấp nhận mà tuyên y án với bản án sơ thẩm.

Cho đến nay những người có tên nêu trên chỉ vì muốn Tòa án cấp cao hơn minh oan cho mình. Họ đã có đơn đề nghị Giám Đốc Thẩm mong công lý và sự công bằng, đồng hành với các thân chủ có các luật sư thuộc Công ty Luật Dragon sẽ tiếp bước với những căn cứ pháp lý để Quý cơ quan xem xét hồ sơ tuyên hủy 02 bản án có dấu hiệu oan sai này.

Luật sư bào chữa!

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai