Luật sư bào chữa trong vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng

280

LUẬN CỨ CỦA LUẬT SƯ TRANH TỤNG

BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CHO BỊ HẠI, LÀ BÀ NGUYỄN THỊ THƯƠNG, BÀ PHAM THỊ BÁU (TỨC HIỀN) TRONG VỤ ÁN HỦY HOẠI TÀI SẢN, XẢY RA TẠI XÃ VINH QUANG – HUYỆN TIÊN LÃNG – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG NGÀY 05 VÀ NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 2012

             Kính thưa Hội đồng xét xử!

            Kính thưa Vị Đại diện Viện kiểm sát!

Thưa các luật sư đồng nghiệp, cùng toàn thể các Quý Vị đang có mặt tại phiên tòa!

Tôi là luật sư Nguyễn Minh Long, thuộc Công ty luật Dragon – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, tham gia phiên tòa ngày hôm nay với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, là bà Nguyễn Thị Thương và bà Phạm Thị Báu.  

Sau khi nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và thông qua kết quả xét hỏi tại phiên tòa ngày hôm nay, tôi đưa ra quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại là bà Nguyễn Thị Thương và bà Phạm Thị Báu như sau: I.      VỀ PHẦN XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI

Việc Hội đồng định giá tài sản xác định giá trị thực tế tài sản bị hủy hoại là 295.389.842đ (Hai trăm chín lăm triệu, ba trăm tám chín ngàn, tám trăm bốn mươi hai đồng) là chưa thật sự chính xác, vì đã không tính đến công sức và chi phí thực tế để xây dựng các công trình này.

Khu đất xây dựng các công trình bị phá hủy là đất đầm, trũng và yếu, đường xá đi lại khó khăn. Do đó, để xây dựng được các công trình này, các bị hai đã phải tốn rất nhiều công sức và chi phí cải tạo đất, ra cố nền móng, vận chuyển nguyên vật liệu. Do đó, giá thành xây dựng thực tế cao hơn rất nhiều so với giá trị chung của các công trình xây dựng cùng loại. Mặt khác, việc các công trình bị phá hủy sẽ khiến các bị hại phải tiến hành xây dựng mới hoàn toàn các công trình, để phục vụ cho việc sản xuất và nuôi trồng thủy sản.

Do đó, việc các bị hại yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản là 438.148.572 đồng (bốn trăm ba mươi tám triệu, một trăm bốn mươi tám nghìn, năm trăm bảy mươi hai đồng) – Tương đương với giá trị xây dựng mới của các công trình bị phá hủy là có căn cứ và cần được chấp nhận.         

II.      VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH TỘI DANH CHO BỊ CÁO LÊ VĂN HIỀN

Bản cáo trạng số 12/CT – P1 ngày 07/01/2013 của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hải Phòng truy tố bị cáo Lê Văn Hiền về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 1 Điều 285 Bộ luật hình sự là không chính xác, bởi vì:

Để xác định bị cáo Lê Văn Hiền có phạm “Tội hủy hoại tài sản” hay không, hay chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, chúng ta cần làm rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất: Mặc dù bị cáo Lê Văn Hiền luôn cho rằng mình không được nhận các bản dự thảo và bản chính thức (sau khi ông Khanh ký) của Thông báo số 225/TB – BCĐ ngày 28/12/2011 do ông Nguyễn Văn Khanh ký (Thông báo số 225), có nội dung phân công cho Tổ 2, có nhiệm vụ: “Tháo rỡ rào, cổng, vật cản, mở lối đi vào khu vực đầm, vùng cưỡng chế; tháo buông nước đầm, vùng cưỡng chế; tháo rỡ toàn bộ lều trông coi trên diên tích đất UBND huyện đã có quyết định thu hồi” (Bút lục 1747). Tuy nhiên, các chứng cứ trong hồ sơ vụ án lại thể hiện, ông Hiền đã tham gia bàn bạc, thảo luận thông qua Thông báo số 225 và biết về kế hoạch tháo dỡ công trình trên đất của gia đình ông Vươn, cụ thể như sau:

– Xuyên suốt các lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Khanh đều khẳng định: Trước ngày cưỡng chế (05/01/2012), UBND huyện Tiên Lãng đã tổ chức 04 cuộc họp vào các ngày 28/11/2011, ngày 12/12/2011, ngày 22/12/2011 và ngày 03/01/2012. Trong tất cả các cuộc hợp này, ông Hiền đều tham dự, với tư cách là người chủ trì cuộc họp. Trong đó, các cuộc họp ngày 12/12/2011, ngày 12/12/2011 và ngày 22/12/2011 đều có nội dung là thảo luận, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện thông báo số 225. Tại các cuộc họp này, tất cả các thành viên dự họp, trong đó có bị cáo Hiền đều được Phòng Tài nguyên và Môi trường phát bản dự thảo Thông báo số 225.

– Lời khai nêu trên của ông Khanh là phù hợp với lời khai của Nguyễn Quốc Hiểu – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng, cụ thể: Tại các Bút lục số 907, 2221, 260, 742, 743, ông Hiểu đều khai: Ông Hiểu đã tham gia 04 cuộc họp ngày 28/11/2011, ngày 12.12.2011, ngày 22/12/2011 và ngày 03/01/2012. Các cuộc họp này đều do ông Hiền, hoặc ông Khanh và ông Hiền chủ trì. Trong các cuộc họp ngày 12/12/2011 và ngày 22/12/2011 đều có nội dung bàn luận, chỉnh sửa và hoàn thiện Thông báo số 225. Các thành viên dự họp, trong đó có ông Hiền và ông Khanh đều được Phòng Tài Nguyên và Môi trường phát bản dự thảo Thông báo số 225. Lời khai nêu trên của ông Hiểu cũng phù hợp với lời khai của ông Phạm Văn Học tại bút lục số 745 và số 222

– Về cuộc họp ngày 12/12/2011, tại sổ ghi chép của bị cáo Phạm Xuân Hoa cũng thể hiện phòng TNMT báo cáo về bản dự thảo KH-TB, trong cuộc họp ông Khanh có đưa ra ý kiến về việc “ Mời chi nhánh….thu gom đổ xử lý …khi tháo dỡ”. (BL 1083)

– Trên cơ sở Thông báo số 225, ông Phạm Xuân Hoa đã soạn thảo Thông báo số 01/TB-T2 ngày 30/12/2011 và Thông báo số 02 ngày 03/1/2012 phân công nhiệm vụ từng tổ viên làm nhiệm vụ tháo dỡ. Sau khi soạn thảo, ông Phạm Xuân Hoa đã gửi các Thông báo này tới Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là ông Hiền và Phó chủ tịch là ông Khanh (Bút lục số 1077 và số 1103).

– Sau khi ông Khanh ký Thông báo số 225, ông Nguyễn Văn Thanh là cán bộ Văn Thư lưu trữ của Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng đã chuyển cho ông Hiền Thông này. Tại bút lục số 910, ông Thanh khai: “Sau khi vào sổ công văn và ngày 28/12/2011, tôi (Thanh) đã sao ra (photo coppy) thành 50 (năm mươi  bản) đóng dấu đỏ của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng vào vị trí chữ ký của ông Nguyễn Văn Khanh và gửi đi các nơi theo nơi nhận đã ghi chú phía dưới thông báo số 225 ngày 28/12/2011, trong đó có ông Lê Văn Hiền là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng…….. Tôi cho công văn này vào ô tài liệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Cuối buổi sáng hoặc chiều ngày 28/12/2011, tôi (Thanh) đã lấy cac tài iệu tại ô đựng tài liệu cho Chủ tịch UBND huyện tại phòng Văn thư, trong đó có công văn (Thông báo) số 225/TB – BCĐ ngày 28/12/2011 do ông Nguyễn Văn Khanh ký, mượn chìa khóa của lao công chuyển cho ông Lê Văn Hiền tại bàn uống nước của ông Lê Văn Hiền hàng ngày”. Tại bút lục này, Ông Hiền cũng khẳng định việc chuyển công văn như vậy là đúng trình tự.

– Tại Điều 2 Quyết định số 4322/QĐ – UBND ngày 30/12/2011 về việc trưng dụng cán bộ tham gia thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất, do ông Hiền ký có nội dung: “Nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên tham gia thực hiện việc cưỡng chế do Ban chỉ đạo cưỡng chế của huyện, Tổ trưởng, Trưởng bộ phận theo Thông báo số 225/TB – UBND ngày 28/12/2011 của ban chỉ đạo cưỡng chế, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, Hùng Thắng, Bắc Hưng phân công” (Bút lục số 1801).

Tại các dự thảo Thông báo số 225 mà ông Hiền được phát đều có nội dung phân công cho Tổ 2 có nhiệm  vụ: “Tháo rõ toàn bộ nhà ở, lều trông coi, đăng đó, một số bờ, đập, bàn giao mặt bằng cho UBND xã Vinh Quang quản lý” (Bút lục số 960, 963, 968).

Từ những chứng cứ nêu trên, có thể khẳng định: ông Hiền là người tham gia bàn bạc, thảo luận và thông qua dự thảo Thông báo số 225, biết và đồng ý với nội dung của Thông báo số 225, trong đó có nội dung phân công cho Tổ 2 thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ công trình trên đất của gia đình ông Vươn.

Thứ hai:  Ngày 05/1/2012, sau khi nhận được thông tin về việc chống người thi hành công vụ, ông Hiền đã đến khu vực cưỡng chế lúc 09 giờ và đến 15 giờ về trụ sở UBND xã Vinh Quang để chuẩn bị họp báo. Trong khi đó, theo lời khai của những người có liên quan, khoảng 13.30 – 14 giờ, sau khi tình hình ổn định trở lại, ông Khanh đã cho tiếp tục cưỡng chế, tháo dỡ công trình trên đất của gia đình ông Vươn.

Do đó, có thể khẳng định, khi lực lượng cưỡng chế tiến hành phá dỡ công ttrình trên đất của gia đình ông Vươn, ông Hiền cũng có mặt tại hiện trường, đồng nghĩa với việc ông Hiền phải biết được việc đoàn cưỡng chế phá dỡ công trình trên đất của gia đình ông Vươn. Tuy nhiên, ông Hiền đã không có ý kiến phản đối, hay hành động phù hợp nào để ngăn chặn. Điều đó thể hiện, ông Hiền đã biết trước và đồng tình với việc phá dỡ công trình trên đất của gia đình ông Vươn.

Thứ ba: Ông Hiền là người trực tiếp chỉ đạo ông Khanh cho lực lượng cưỡng chế phá nhà ông Quý, cụ thể:

– Tại các lời khai của mình, ông Khanh đều khai: Khoảng 13 giờ 30 đến 14 giờ ngày 05/11/2011 tại nhà Tổng đội Thanh niên xung phong Cống Rọc xã Vinh Quang tôi thấy ông Hiền, ông Nghĩa hội ý với nhau. Sau đó ông Hiền gọi tôi cùng với ông Hoan, ông Liêm đến chỗ ông Hiền và ông Nghĩa. Lúc đó, ông Nghĩa nói: “Nhân đà này ta phá luôn ngôi nhà hai tầng đó đi và thu  nốt 21 ha bàn gioa cho xã luôn”. Ông Hiền nói ‘phá bay nó đi”. Ông Nghĩa nói tiếp và xua tay phải ba lần “keng đi, keng đi, keng đi”. Sau đó ông Nghĩa lên xe đi về phía cống Ba gian, thì tôi nói với ông Hiền “Nếu ông ra lệnh cho phá nhà ông Quý thì phải có quyết định”. Ông Hiền nói “Ông quá máy móc và cẩn thận. Ở đây làm gì có quyết định. Tôi và bí thư đã chỉ đạo ông cứ thực hiện” ;“Tại cuộc họp vào hồi 17.30 đến 18 giờ ngày 05/01/2012 tại tầng 2 của UBND xã Vinh Quang: “Ông Hiền đã phê bình tôi không chấp hành lệnh của chủ tịch và bí thư phá bay ngôi nhà hai tầng…… giao cho xã Vinh Quang ngày mai (6/01/2012) phá bay ngôi nhà hai tầng.”

Các chứng cứ trong hồ sơ vụ án đều xác nhận: Sau khi tiến hành cưỡng chế, phá dỡ các công trình trên đất nhà ông Vươn và một phần nhà ông Quý, chiều ngày 05/01/2012, ông Hiền có chủ trì 02 cuộc họp, cuộc họp thứ nhất, bao gồm toàn bộ lực lượng cưỡng chế; cuộc họp thứ hai, bao gồm các cán bộ chủ chốt.

Tại bút lục số 2181, và 2192, ông Hiền khai: “Cuộc họp thứ nhất, thời  gian khoảng 17.30 – 18h thành phần gồm các thành phần tham gia cưỡng chế tập trung tại nhà văn hóa xã Vinh Quang, Tiên Lãng. Nội dung: Tội thông báo nhanh diễn biến buổi tổ chức cưỡng chế, thông báo tình hình sức khỏe của 6 cán bộ chiến sỹ công an và bộ đội bị thương, đánh giá sơ bộ việc tổ chức cưỡng chế tương đối thành công, động viên các lực lượng tham gia cưỡng chế.”

Tuy nhiên, tại bút lục số 2198 và 2200, ông Hiền lại khai Trong hai cuộc họp do tôi chủ trì ciều ngày 05/01/2012 tại trụ sở UBND xã Quang Vinh, Tiên Lãng thì ông Nguyễn Văn Khanh và các thành viên ban chỉ đạo không ai báo cáo hoặc phát biểu về kết quả cưỡng chế.”

Nếu không để nghe báo cáo và tổng kết việc cưỡng chế ngày 05/01/2012 thì ông Hiền tổ chức và chủ trì hai cuộc họp vào chiều ngày 05/01/2012 nhằm mục đích gì? Trong khi đó, tại bút lục số 2200, ông Hiền đã khẳng định: “Trong quá trình thực hiện cưỡng chế ngày 05/01/2012, tôi tập trung vào việc chỉ đạo cho lực lượng bắt đối tượng nên việc cưỡng chế tôi tin tưởng vào Ban chỉ đạo cưỡng chế, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Khanh – Trưởng ban nên không kiểm tra sâu sát lực lượng thực hiện cưỡng chế”.

Một câu hỏi được đặt ra, nếu không nắm bắt được diễn biến của cuộc cưỡng chế (trong đó có việc phá hủy tài sản của gia đình ông Vươn và ông Quý) thì căn cứ vào đâu, ông Hiền lại có thể  “thông báo nhanh diễn biến buổi tổ chức cưỡng chế” và “đánh giá sơ bộ việc tổ chức cưỡng chế tương đối thành công”.

Do đó, lời khai của ông Hiền về việc không biết việc phá nhà ông Vươn và không chỉ đạo phá nhà ông Quý chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn, thể hiện sự không trung thực và không chính xác.

Từ những căn cứ nêu trên, tôi xin khẳng định:

– Ông Hiền đã tham gia bàn bạc, thảo luận và thông qua Thông báo số 225, trong đó có nội dung phân công cho Tổ 2, có nhiệm vụ: “Tháo rỡ rào, cổng, vật cản mở lối di vào khu vực đầm, vùng cưỡng chế; tháo buông nước đầm, vùng cưỡng chế; tháo rỡ toàn bộ lều trông coi trên diên tích đất UBND huyện đã có quyết định thu hồi;

– ông Hiền cũng đã trực tiếp ký Quyết định 4322/QĐ – UBND ngày 30/12/2011 về việc trưng dụng cán bộ tham gia thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất, để thực hiện kế hoạch phân công nhiệm vụ cho lực lượng cưỡng chế theo Thông báo số 225;

– Trực tiếp có mặt tại khu vực cưỡng chế vào ngày 05/01/2012 và chỉ đạo lực lượng cưỡng chế phá hủy tài sản của gia đình ông  Vươn và ông Quý

Do đó, hành vi của ông Hiền có dấu hiệu của “Tội hủy hoại tài sản” theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự. Việc bản cáo trạng số 12/CT – P1 truy tố bị cáo Hiền về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả hậu quả nghiêm trọng”  tại Điều 285 Bộ luật Hính sự là không chính xác.

Từ những căn cứ và lập luận nêu trên, tôi kính đề nghị HĐXX xem xét và quyết định:

  1. Trả hồ sơ để điều tra lại, theo hướng chuyển tội danh đối với bị cáo Lê Văn Hiền từ “Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 258 Bộ luật Hình sự) sang “Tội Hủy hoại tài sản” theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự.
  2. Chấp nhận yêu cầu của những người bị hại (bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu), buộc các bị cáo phải bồi thường cho các bị hại số tiền là 438.148.572 đồng (bốn trăm ba mươi tám triệu, một trăm bốn mươi tám nghìn, năm trăm bảy mươi hai đồng)

Trên đây, là những ý kiến pháp lý với vai trò là luật sư bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại là Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu, kính mong HĐXX xem xét và chấp nhận. Tôi và các bị hại rất tin tưởng HĐXX sẽ xem xét và đánh giá một cách khách quan và toàn diện các tình tiết của vụ án, ra những phán quyết công minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại theo đúng quy định của pháp luật.

Xin chân thành cảm ơn HĐXX và tất cả các Quý Vị đã chú ý lắng nghe!

Luật sư bào chữa Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2013

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai