Mối quan hệ giữa Luật sư với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án

1490

Cơ sở pháp lý và thực tiễn, mối quan hệ giữa Luật sư với cơ quan điều tra, Luật sư với Viện kiểm sát, Luật sư với Toà án được qui định cụ thể như sau:

I. Mối quan hệ Luật sư với cơ quan điều tra.

1. Luật sư gặp gỡ cơ quan điều tra để làm thủ tục tham gia vào giai đoạn điều tra.

Để có thể tham gia bảo vệ cho khách hàng của mình, từ giai đoạn này, Luật sư phải làm các thủ tục như sau;

– Chuẩn bị các giấy tờ:

          + Giấy giới thiệu

          + Giấy phân công của văn phòng

          + Thẻ luật sư

          + Hợp đồng giữa văn phòng Luật sư với đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo.

– Các yêu cầu khác của cơ quan điều tra.

Sau đó, gặp cơ quan điều tra để đề nghị được tham giavào giai đoạn điều tra. Nếu được cơ quan điều tra chấp nhận, cơ quan điêù tra sẽ cấp cho Luật sư giấy chứng nhận bào chữa.

Trên thực tế, gặp được cơ quan điều tra rất khó khăn do tính chất  công việc của họ và do những yếu tố khách quan và chủ quan khác. Một Luật sư không có kinh nghiệm, uy tín thì việc gặp được điều tra viên càng khó khăn hơn, một sẽ không gặp được, hai là gặp được nhưng không được tiếp vì những lý do khách quan. Vì thế đòi hỏi Luật sư phải khéo léo, kiên trì không nóng vội.

Một bài học đã được đặt ra đối với tất cả các Luật sư là trước khi muốn gặp đại diện cơ quan điều tra Luật sư phải gọi điện thoại thông báo trước và hẹn rõ ngày giờ gặp. Như vậy, tránh được việc đi lại nhiều lần, tốn thời gian tiền bạc, gây ác cảm với điều tra viên.

2. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

– Trong giai đoạn này Luật sư có quyền tham gia từ khi khởi tố bị can. Theo qui định của Bộ Luật tố tụng hình sự thì khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố bị can. Quyết định khởi tố bị can là cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết đối với bị can theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo họat động điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành có hiệu quả. Để bảo đảm cho việc khởi tố bị can có căn cứ hợp pháp đồng thời bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị can, Luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố. Với sự có mặt của Luật sư góp phần hạn chế việc làm trái pháp luật của cơ quan điều tra trong việc bắt giam, nhục hình, mớn cung.v.v.. với bị can và điều này cũng tạo điều kiện để Luật sư hiểu và nắm bắt nội dung vụ án ngay từ đầu để bảo vệ cho bị can giúp công tác điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng và khách quan.

– Luật sư có quyền đề nghị cơ quan điều tra cho mình có mặt khi hỏi cung bị can và nếu được điều tra viên đồng ý thì được hỏi bị can và có mặt trong các hoạt động điều tra khác. Luật sư có quyền có mặt khi hỏi cung bị can để trực tiếp nghe bị can khai báo, trong quá trình hỏi cung bị can Luật sư phát hiện tình tiết cần thiết đối với việc bào chữa để minh oan hoặc giảm nhẹ tội cho bị can. Luật sư có thể ghi lại để rồi đề nghị với điều tra viên lưu ý vấn đề đó, khi hỏi cungbị can nếu được điều tra viên đồng ý Luật sư có thể được hỏi bị can để làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai, những tình tiết có lợi.

Quy định này giúp điều tra viên tiếp nhận thêm một số tình tiết nào đó cần làm sáng tỏ để đánh giá khách quan đối với tình tiết vụ án.

Luật sư cũng có quyền có mặt trong các giai đoạn điều tra khác như khám nghiệm hiện trường, khám chỗ ở, địa điểm phạm tội.v.v. nhằm thu thập và hoàn thiện chứng cứ.

Thực tế trong giai đoạn này nhiều khi điều tra viên khôngcho phép Luật sư hỏi bị can. Để làm được điều này Luật sư cũng phải tế nhị và khéo léo. Luật sư cần tạo mối quan hệ tốt, có thiện cảm với cơ quan điều tra nói chung và điều tra viên nói riêng để được họ cho phép và cái chính họ nghe và xem xét ý kiến, đề nghị của mình. Nếu được xin gặp riêng thân chủlà rất tốt.

– Luật sư cũng có thể thực hiện quyền năng của mình là yêu cầu thay đổi điều tra viên, người giám định, người phiên dịch. Khi có căn cứ thay đổi theo Điều 28, Điều 32 – BLTTHS, Luật sư có quyền đề nghị thay đổi nhằm đảm bảo cho vụ án được tiến hành một cách khách quan và vô tư của những người tiến hành tố tụng.

– Khi làm nhiệm vụ bào chữa cho bị can, Luật sư có thể phát hiện ra những chứng cứ mới mà cơ quan điều tra chưa phát hiện được, trong trường hợp này Luật sư có quyền yêu cầu cơ quan điều tra xem xét nhưng chỉ khi chứng cứ đó có lợi cho bị can. Luật sư có thể đưa ra các chứng cứ chứng minh tội phạm củabị can khôngđến mức nguy hiểm như tài liệu trong hồ sơ  hoặc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà cơ quan điều tra chưa thể hiện trong hồ sơ. Việc này giúp cơ quan điều tra đánh giá đúng mức, khách quan hành vi phạm tội của bị can khi kết thúc giai đoạn điều tra.

Trong giai đoạn điều tra cùng với việc đưa ra chứng cứ Luật sư cũng có quyền yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục những thiếu sót trong hoạt động điều tra như người làm chứng, người trưng cầu giám định. Khi Luật sư đưa ra các yêu cầu có liên quan đến vụ án thì cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu của Luật sư và phải báo cho Luật sư biết kết quả trong trường hợp khôngchấp nhận yêu cầu của Luật sư phải nói rõ lý do. Trường hợp cơ quan điều tra không chấp nhận yêu cầu của Luật sư và không trả lời yêu cầu đó, Luật sư có quyền kiếu nại đến cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

– Luật sư có quyền đọc hồ sơ vụ án và ghi chép những điều cần thiết sau khi kết thúc điều tra. Quyền này giúp Luật sư nắm vững các tình tiết vụ án, có đọc hồ sơ Luật sư mới biết được bị can phạm tội gì, theo khoản nào của Bộ luật hình sự. Luật sư yêu cầu cơ quan điều tra cho đọc hồ sơ có như vây Luật sư mới nắm được bị can bị buộc tội trên cơ sở nào và từ đó tìm ra chứng cứ gỡ tội cho bị can.

Khi đọc hồ sơ vụ án Luật sư cần chú ý xem bản kết luận điều tra nêu diễn biến hành vi phạm tội có đúng không, các chứng cứ cơ quan điều tra chứng minh tội phạm có đảm bảo khách quan không? í kiến đề xuất giải quyết vụ án của cơ quan điều tra có căn cứ không từ đó Luật sư đề xuất những yêu cầu cần thiết với Viện kiểm sát, Toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can.

Tuỳ từng tình tiết, diễn biến vụ án Luật sư có thể đưa ra các yêu cầu sau đối với cơ quan điều tra:

          + Đề nghị lấy lời khai của người làm chứng

          + Đề nghị bổ sung người làm chứng và lấy lời khai của họ.

          + Tiến hành đối chất

          + Tiến hành nhận dạng

          + Thu giữ vật chứng

          +Thực hiện điều tra

+ Trưng cầu giám định, bổ sung giám định, hoặc giám định lại

+ Đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án để bảo vệ cho thân chủ.

Trước khi kết thúc giai đoạn điều tra cần đề xuất hướng giải quyết vụ án với cơ quan điều tra.

         + Đề xuất bằng văn bản và chỉ rõ văn bản, cơ sở vàlập luận của mình.

         + Đề xuất tách nhập vụ án

         + Đề xuất theo hướng đủ chứng cứ hay không đủ chứng cứ

         +Đề xuất đình chỉ vụ án

II. MỐI QUAN HỆ GIỮA LUẬT SƯ VỚI VIỆN KIỂM SÁT

Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất giữ quyền công tố, truy tố bị cáo tội gì, khoản nào của BLTTHS.

Truy tố là một giai đoạn tố tụng trong đó Viện kiểm sát tiến hành các hoạt động cần thiết theo quy định hoạt động của pháp luật nhằm truy tố bị can trước Toà án bằng bản cáo trạng hoặc ra các quyết định cần thiết nhằm giải quyết vụ án.

Luật sư gặp gỡ, trao đổi với Viện kiểm sát để thực hiện các quyền sau:

1.Khiếu nai các quyết định của Viện kiểm sát, nếu có căn cứ cho rằng quyết định đó không dựa trên cơ sở pháp luật hoặc không đúng thời hạn luật định.

Theo quy định của BLTTHS tại Điều 142 thì trong thời hạn không quá 20 ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong nhứng quyết định sau đây:

         + Truy tố bị can trước Toà án bằng bản cáo trạng. Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội pạhm; thủ đoạn, mục đích, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ các định tội phạm của bị can; những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ; nhân thân bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Phần kết luận của cảotạng ghi rõ tội danh và điều khoản Bộ luật hình sự được áp dụng. Người lập cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập cáo trạng; họ tên, chức vụ vàký vào biên bản.

+ Trả lại hồ sơ để điều tra viên bổ sung khi phát hiện một trong những căn cứ được qui địn tại Điều 143a BLTTHS.

         – Còn thiếu những chứng cứ quan tọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

         – Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội khác hoặc có người đồng phạm khác;

         – Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

+ Đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau:

         – Không có sự việc phạm tội;

         – Hành vi không cấu thành tội phạm

         – Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

         – Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật;

         – Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

         – Tội phạm đã được đại xá;

         – Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

         – Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo qui định tại Điều 16 Bộ luật hình sự;

         – Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo qui định tại Điều 25 /BLHS;

         – Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát giáo dục theo qui định tại Điều 69 BLHS

+ Tạm đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau:

         – Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp ý;

         – Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu, trong trường hợp này phải yêu cầu với cơ quan điều tra truy nã bị can.

2. Với tư cách người bào chữa Luật sư có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu

Cũng như trong giai đoạn điều tra ở giai đoạn truy tố nếu xét thấy cần thiết có thể bảo vệ lợi ích cho bị can Luật sư có quyền đưa ra các yêu cầu như triệu tập thêm người làm chứng, trưng cầu giám định, yêu cầu điều tra bổ sung hoặc tiến hành điều tra khác; yêu cầu huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn hoặc trả tự do cho bị can khi có căn cứ tại Điều 77 BLTTHS.

Thực tế, các kiến nghị, đề xuất của Luật sư nên trao đổi với Viện kiểm sát bằng văn bản.

III. MỐI QUAN HỆ LUẬT SƯ VỚI TOÀ ÁN

Quan hệ giữa Luật sư với Toà án chủ yếu thể hiện trong giai đoạn xét xử. Xét xử là giai đoạn quan trọng trong quá trình tố tụng nó xác định một cách dứt điểm bị cáo có tội hay không có tội.

– Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm ngoài việc đọc hồ sơ vụ án gặp bị can, bị cáo đưa ra chứng cứ, yêu cầu….Luật sư còn có quyền tham gia phiên toà. Tại phiên toà, Luật sư có quyền:

– Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch.

– Đề nghị với Chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ trong vụ án (Điều 181 BLTTHS)

– Trình bày nhận xét của mình về chứng cứ của vụ án được đưa ra xem xét tại phiên toà (Điều 186 BLTTHS)

– Tham gia xét hỏi theo qui định tại Điều 181 BLTTHS trình bày lời bào chữa sau khi Viện kiểm sát trình bày lời luận tội, tham gia đối đáp.

Trong giai đoạn tham gia xét xử phúc thẩm ngoài những quyền tương tự như trong giai đoạn sơ thẩm Luật sư còn có quyền được thông báo kháng cáo, kháng nghị, được kháng cáo, kháng nghị bản án và quyết định của Toà án trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tính chất tâm thần.

Trong giai đoạn xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm Luật sư được Toà án triệu tập tham gia phiên toà trong trường hợp cần thiết, được trình bày ý kiến của mình nhằm bào chữa cho bị cáo trước phiên toà.

Khi tham gia tố tụng với tư cách làngười bào chữa ngoài những quyền như đã phân tích ở trên Luật sư có nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 36 BLTTHS.

– Luật sư có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật qui định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo  vô tội, giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp củahọ.

Luật sư không được từ chối bàochữa cho bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận nếu không có lý do chính đáng.

Luật sư không được tiết lộ bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ.

KẾT LUẬN

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử quyền lợi ích của bị can, bị cáo vàcác đương sự trong vụ án luôn phải được tôn trọng và bảo vệ xuất phát từ nguyên tắc suy đoán vô tội “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” được qui định Điều 10 BLTTHS và nguyên tắc bảo đảm quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo được qui định tại Điều 12 BLTTHS “bị can, bị cáo có quyền tựbào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình”. Sự tham gia của Luật sư  trong tố tụng là cvần thiết. Bằng hoạt động nghề nghiệp củamình Luật sư giúp bị can, bị cáo và đương sự thực hiện tốt hơn nữa quyền và nghĩa vụ của họ theo qui định của pháp luật và đồng thời giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách khách quan toàn diện trách được oan sai.

“Ăn cơm người, bảo vệ cho người” Luật sư  tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo không phải bảo vệ cho cái sai mà họ tham gia bảo vệ cái đúng, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Luật sư thay mặt cho thân chủ mình tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa Luật sư gặp gỡ trao đổi với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án những cái có lợi cho thân chủ sau đó lại trao đổi lại với thân chủ của mình điều này giúp Luật sư khai thác triệt để được những điểm có lợi, có hại cho thân chủ.

Việc tạo lập mối quan hệ tốt với Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, Toà án là hết sức cần thiết điều này giúp cho Luật sư có thể trao đổi, đề xuất được tâm tư nguyện vọng của khách hàng mình đưa ra những chứng cứ, những đề nghị kịp thời sát đáng bảo vệ quyền lợi ích thân chủ đồng thời bảo vệ pháp chế XHCN. Nhưng quan hệ đó cần đúng mực, đúng pháp luật tránh sa đà đi vào mua chuộc làm ảnh hưởng đến pháp luật đến uy tín nghề nghiệp của mình.

Công ty luật Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai