Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội trong Tố tụng hình sự

104
Bài viết nêu một số vướng mắc trong áp dụng chế định người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội như: Cha mẹ nhận nuôi con nuôi nhưng không đăng ký thì có được công nhận là người giám hộ đương nhiên không? Tham gia tố tụng là quyền hay nghĩa vụ của người đại diện… Từ đó, tác giả đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2014/NĐ-CP và Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người đại diện.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội khi tham gia tố tụng

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 chưa quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội trong một điều luật như những người tham gia tố tụng khác. Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi được quy định tại nhiều điều khoản khác nhau trong BLTTHS năm 2015 (các điều 331, 418, 420, 421, 422, 423, 469, 470) và Điều 9 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của liên ngành trung ương về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 06/2018). Cụ thể như sau:

Thứ nhất, quyền của người đại diện cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội khi tham gia tố tụng

Trong hoạt động tố tụng hình sự, người đại diện cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội được thông báo trước thời gian, địa điểm và được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người bị buộc tội. Khi tham dự, người đại diện được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can trong những trường hợp nhất định. Sau khi kết thúc điều tra, họ được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội trong hồ sơ vụ án. Trong các giai đoạn tố tụng, người đại diện được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, phát biểu ý kiến, tranh luận và khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cũng như các quyết định của Tòa án khi tham gia phiên tòa.

Bên cạnh đó, người đại diện cũng được quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội, tham gia phiên tòa; được quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm, được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị, nhận quyết định kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến kháng nghị của Viện kiểm sát.

Thứ hai, nghĩa vụ của người đại diện cho người dưới 18 tuổi phạm tội khi tham gia tố tụng

Người đại diện cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội có nghĩa vụ giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án để bảo đảm sự có mặt khi có giấy triệu tập, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục  người chưa thành niên theo quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án để đảm bảo sự có mặt khi có giấy triệu tập, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người chưa thành niên. Khi phát hiện người được đại diện có dấu hiệu bỏ trốn, có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án, đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội thì người đại diện phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật

Việc đưa người đại diện tham gia vào quá trình giải quyết vụ án vừa là quyền vừa là nghĩa vụ góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án, đồng thời bảo vệ tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội dưới 18 tuổi.

Trên cơ sở nghiên cứu quy định pháp luật và thực tiễn, tác giả thấy rằng vấn đề người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi có một số vướng mắc cần được hướng dẫn như sau:

Cha, mẹ là người đại diện cho người dưới 18 tuổi phạm tội:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định trước tiên là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi: Xác định cha mẹ đẻ bằng một trong các căn cứ pháp lý là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài như giấy chứng sinh, khai sinh, hộ khẩu, kết luận giám định… Tuy nhiên, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội xác định được cha, mẹ của mình nhưng không có chứng cứ pháp lý chứng minh thì cha, mẹ có được tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hay không? Trường hợp người bị buộc tội dưới 18 tuổi không còn cha mẹ đẻ nhưng có cha mẹ nuôi từ nhỏ thì giải quyết thế nào? Việc nuôi con nuôi không thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật thì người nhận nuôi có được làm người giám hộ đương nhiên và làm người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi để tham gia tố tụng không? Những vấn đề này hiện còn có ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, cha mẹ nuôi thực tế có quan hệ nuôi dưỡng người bị buộc tội dưới 18 tuổi từ nhỏ nên được xác định là người giám hộ đương nhiên và được làm người đại diện để tham gia tố tụng, nhưng cũng có ý kiến ngược lại.

Tác giả cho rằng, để xác định một người là cha mẹ đẻ hay cha mẹ nuôi phải có căn cứ pháp lý nhất định theo quy định của Luật hộ tịch. Nếu chưa có căn cứ chứng minh thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ cử người giám hộ và người đó sẽ là người đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên phạm tội. Nếu muốn thay đổi việc đại diện thì cha mẹ đẻ hay cha mẹ nuôi phải cung cấp chứng cứ pháp lý chứng minh họ là người đại diện hợp pháp.

Việc cử, chỉ định người đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án:

Theo Điều 11 Luật cư trú năm 2020 thì nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã đăng ký tạm trú. Trong thực tiễn có nhiều trường hợp người dưới 18 tuổi đăng ký thường trú một nơi nhưng sinh sống tại nơi khác (có hoặc không có đăng ký tạm trú). Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án nơi người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng đăng ký thường trú hay tạm trú có thẩm quyền chỉ định người giám hộ, người đại diện. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi chưa được hướng dẫn nên chưa đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Tác giả cho rằng, việc cử hay chỉ định người giám hộ là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội nên cần xem xét điều kiện của họ trong việc tham gia tố tụng, cũng như điều kiện bảo vệ, giúp đỡ cho người dưới 18 tuổi khi được áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục khác. Bên cạnh đó, việc chỉ định người giám hộ hay người đại diện cho người dưới 18 tuổi phạm tội của Tòa án là văn bản pháp lý nên cần có quy định chặt chẽ về nội dung và hình thức. Do đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn việc chỉ định người giám hộ và người đại diện cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện:

Theo Điều 420 BLTTHS năm 2015, người đại diện của người dưới 18 tuổi, đại diện nhà trường, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Mặc dù khoản 1 có đề cập trường hợp các chủ thể này tham gia tố tụng theo quyết định của Viện kiểm sát nhưng khoản 2 và 3 lại chỉ liệt kê các quyền của họ trong giai đoạn điều tra và xét xử. Vì vậy, quy định này chưa đảm bảo tính toàn diện và hệ thống.

Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 chưa quy định trường hợp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể từ chối quyền tham gia tố tụng của người đại diện cho người dưới 18 tuổi, mặc dù vấn đề này đã được quy định tại khoản 2 Điều 15 các quy tắc tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên, năm 1985 và được khẳng định bởi Ủy ban quyền trẻ em. Trong một số trường hợp, theo đề nghị của người chưa thành niên, người giúp đỡ về pháp lý của họ hoặc vì những lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, Thẩm phán hoặc những người có thẩm quyền có thể quyết định hạn chế hoặc loại trừ sự có mặt của cha, mẹ trong quá trình tố tụng. Ví dụ: Sự có mặt của cha, mẹ hoặc người giám hộ tại phiên tòa có tác động tiêu cực khi họ thể hiện thái độ căm ghét (hostile) đối với người chưa thành niên.

Đối với người đại diện do Ủy ban nhân dân cấp xã cử hay do Tòa án chỉ định thì họ đại diện để bảo vệ cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội, mà không có nghĩa vụ pháp lý theo pháp luật hôn nhân – gia đình. Nếu thực hiện theo việc cử hay chỉ định thì quyền lợi về kinh tế của họ bị giảm sút, bởi họ phải thường xuyên mất thời gian trong việc tham gia các hoạt động tố tụng liên quan đến người mà họ đại diện. So sánh với người làm chứng, (vẫn được chi trả chi phí theo Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng), tác giả thấy rằng, người được cử hay chỉ định đại diện cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội cần được chi trả chi phí như người làm chứng khi tham gia các hoạt động tố tụng của người mà họ đại diện.

Hoạt động lấy lời khai người bị buộc tội của Cơ quan điều tra:

Việc lấy lời khai người bị buộc tội dưới 18 tuổi là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ được thực hiện theo Điều 421 BLTTHS năm 2015 và  Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018. Cụ thể, việc lấy lời khai người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.

Trong thực tiễn, có trường hợp người dưới 18 tuổi đi làm xa gia đình, hay chưa xác định được người đại diện nên việc đại diện gặp khó khăn. Trong khi đó, nếu Luật sư được chỉ định bào chữa thì phải qua một thời gian nhất định mới tiếp cận được vụ án, vì thế quyền lợi của người chưa thành niên bị buộc tội chưa được đảm bảo kịp thời.

Thực tế có nhiều biên bản ghi lời khai chưa thực hiện đúng Điều 421 BLTTHS năm 2015 và  Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018 về việc có sự tham gia của người bào chữa hoặc người đại diện của người bị buộc tội. Tại biên bản làm việc, ghi lời khai, Cơ quan điều tra chỉ yêu cầu Đoàn thanh niên hay một cá nhân nào đó công tác ở Ủy ban nhân dân xã tham gia khi ghi lời khai là không đúng quy định của pháp luật nhưng các biên bản trên vẫn được sử dụng. Tác giả thấy rằng, trong trường hợp không thể trì hoãn việc ghi lời khai hay các hoạt động tư pháp khác thì có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân xã nơi có sự việc xảy ra (xa nơi cư trú của người phạm tội) cử một người giám hộ để đại diện cho người dưới 18 tuổi.

Theo chúng tôi, để thực hiện một cách thống nhất thì liên ngành trung ương cần bổ sung Thông tư liên tịch số 06/2018 về người đại diện tạm thời khi không thể trì hoãn các hoạt động tố tụng đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Bên cạnh đó, khi kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát cần có thông báo rút kinh nghiệm đối với các đơn vị trong việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành.

Một số đề xuất, kiến nghị

Để đảm bảo nhận thức, áp dụng pháp luật thống nhất, tác giả kiến nghị sau:

Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. Trong đó, cần bổ sung việc chi trả chi phí cho người đại diện cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội khi được cử hoặc chỉ định.

Thứ hai, để bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội, cần sửa đổi, bổ sung Điều 420 BLTTHS năm 2015 về quyền của cơ quan tiến hành tố tụng khi nhận thấy việc người đại diện có thể gây bất lợi cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội theo hướng: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có quyền hạn chế hoặc ngăn cấm việc tham gia tố tụng của người đại diện theo yêu cầu của người dưới 18 tuổi bị buộc tội hoặc người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội”. Bên cạnh đó, bổ sung quyền của người đại diện trong giai đoạn truy tố như sau: Trong giai đoạn truy tố, người đại diện cho người dưới 18 tuổi phạm tội có quyền tham gia việc hỏi cung; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi của Viện kiểm sát;

Thứ ba, bổ sung điều luật quy định về người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi: Người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi phải có mặt theo yêu cầu, triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp người đại diện cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải./.

Ths. Ngô Văn Lượng

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai