Quyền được nhờ người bào chữa của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

155

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về “quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa” của bị cáo, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nhờ người bào chữa từ giai đoạn nào, khi nào mất quyền nhờ người bào chữa… nên thực tiễn xét xử còn có ý kiến chưa thống nhất đối với trường hợp bị cáo không nhờ người bào chữa ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, nhưng đến phiên tòa phúc thẩm thì bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để nhờ người bào chữa.

Quy định về quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa của bị cáo

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, có rất nhiều nội dung cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cụ thể: Điều 8 BLTTHS năm 2015 quy định khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết; Điều 11 BLTTHS năm 2015 quy định về bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân. Theo đó, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân đều bị xử lý theo pháp luật. Tại điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm h khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015 quy định người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt theo quyết định truy nã; người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền: “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã có những quy định chống bức cung, nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Ngoài ra, Điều 16 BLTTHS năm 2015 quy định: “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự…”. Theo đó, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của BLTTHS.

Tại các điều 55, 56, 57 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung người tham gia tố tụng mới, cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng để họ có cơ sở pháp lý bảo vệ mình trước sự nghi ngờ là đã thực hiện hành vi phạm tội, đó là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt. Theo đó, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quyền của người bị buộc tội là quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật và yêu cầu người bào chữa, có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh cho người bị buộc tội. Đồng thời, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một số quyền để người bị buộc tội thực hiện việc gỡ tội cho mình như: “Bị can được quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; quyền được đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra nếu có yêu cầu…. Đối với bị cáo, được quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa…”.

Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 còn quy định thời điểm mà người bào chữa tham gia tố tụng là từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng quyền của người bào chữa như: “Người bào chữa có quyền được gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can”; đồng thời, quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: “Khi lấy lời khai của người bị buộc tội phải thông báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác cho người bào chữa”. Đây là những bước tiến bộ nhằm tránh việc những người có thẩm quyền chậm trễ, gây khó khăn cho người bào chữa; việc lựa chọn người bào chữa, thủ tục đăng ký bào chữa trong BLTTHS năm 2015 cũng được quy định chi tiết, cụ thể, và thuận lợi nhằm đảm bảo quyền bào chữa đối người bị buộc tội.

Một số vướng mắc

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn những bất cập và những nhận thức chưa thống nhất, cần phải có văn bản hướng dẫn để giải quyết như: Quyền của bị cáo được nhờ người bào chữa từ khi nào? ở những giai đoạn nào? Nếu không thực hiện quyền nhờ người bào chữa thì có bị mất quyền nhờ người bào chữa hay không? Cụ thể:

Tại điểm g khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015 quy định quyền của bị cáo là quyền tự bào chữa và nhờ người bào chữa, nhưng hiện nay cũng chưa có văn bản  hướng dẫn bị cáo có quyền nhờ người bào chữa từ giai đoạn nào, bị mất quyền nhờ người bào chữa ở giai đoạn nào, hay có quyền nhờ người bào chữa ở tất cả các giai đoạn (từ giai đoạn điều tra, truy tố đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm). Bởi vì, trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, mặc dù bị cáo đã được Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ  nhưng bị cáo không nhờ người bào chữa. Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Từ giai đoạn bị cáo kháng cáo đến trước ngày mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cũng không nhờ người bào chữa, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm trước khi Hội đồng xét xử giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo thì bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để nhờ người bào chữa thì không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Chúng tôi đưa ra một tình huống cụ thể như sau:

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2020/HS-ST ngày 20/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ tuyên bị cáo Nguyễn Văn Đ phạm tội đánh bạc (áp dụng điểm b khoản 2 Điều 321; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 38; Điều 50; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đ 03 năm tù). Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Ngày 30/6/2020, bị cáo Nguyễn Văn Đ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, khi Hội đồng xét xử giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo, thì bị cáo Đ đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để bị cáo nhờ Luật sư bào chữa. Bị cáo cho rằng, tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được nhờ người bào chữa nhưng do bị cáo không am hiểu pháp luật nên bị cáo không nhờ Luật sư. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo mới biết quyền của bị cáo được nhờ người bào chữa, nên bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng hỏi ý kiến của Kiểm sát viên về đường lối giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cho rằng, tuy hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề này, nhưng ý kiến của bị cáo trình bày là có căn cứ. Bởi trình độ học vấn của bị cáo thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Để đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo theo quy định của pháp luật, Kiểm sát viên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để bị cáo nhờ người bào chữa nhưng không được HĐXX chấp nhận.

Về vụ án trên, hiện nay đang có nhiều ý kiến không thống nhất:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo đã được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho bị cáo, trong đó có quyền được nhờ người bào chữa, nhưng trong suốt quá trình tố tụng bị cáo không thực hiện quyền này, kể cả trong giai đoạn bị cáo kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm. Do vậy, trong trường hợp này, đề nghị của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là hoãn phiên tòa để nhờ người bào chữa không được HĐXX chấp nhận là đúng quy định. Bởi vì, tại khoản 1 Điều 352 BLTTHS năm 2015 quy định HĐXX chỉ hoãn phiên tòa phúc thẩm trong các trường hợp sau: “Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 349, 350 và 351 của BLTTHS; cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa. Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu”. Như vậy, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền hoãn phiên tòa trong các trường nêu trên; ngoài ra, còn có các trường hợp khác:

Thứ nhất, thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong các trường hợp: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 49 của BLTTHS năm 2015 hoặc đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án. Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa.

Thứ hai, thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trong các trường hợp: Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 49 của BLTTHS năm 2015; họ cùng trong một HĐXX và là người thân thích với nhau; đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa. Hoặc trong trường hợp không có mặt của thành viên HĐXX phúc thẩm, Thư ký Tòa án; Kiểm sát viên; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Ngoài ra, không có quy định nào quy định tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa để nhờ người bào chữa thì HĐXX phúc thẩm phải hoãn phiên tòa. Do vậy, đề nghị của bị cáo là không có căn cứ.

Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả cho rằng, mặc dù hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề này, nhưng để đảm bảo quyền của bị cáo được nhờ người bào chữa, nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, cần áp dụng BLTTHS năm 2015, cụ thể tại Điều 8, Điều 16 và Điều 61 BLTTHS năm 2015 quy định: “… Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự… và bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa”. Thực tế cho thấy trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử ở cấp sơ thẩm mặc dù bị cáo đã được giải thích quyền và nghĩa vụ như quyền được nhờ người bào chữa nhưng do trình độ văn hóa thấp, việc nhận thức pháp luật của bị cáo còn hạn chế hoặc bị cáo chưa có điều kiện để nhờ người bào chữa, đến giai đoạn phúc thẩm bị cáo mới nhận thức được quyền của mình hoặc lúc này bị cáo mới có điều kiện để nhờ người bào chữa, nên HĐXX cấp phúc thẩm cần hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền được nhờ người bào chữa cho bị cáo.

Một số kiến nghị

Từ những vướng mắc và nhận thức còn chưa thống nhất nêu trên, đồng thời căn cứ quy định tại Điều 297 BLTHS năm 2015: “Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này; cần phải xác minh thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; cần định giá tài sản, định giá lại tài sản…”. Tác giả cho rằng, tuy không có quy định cụ thể nào về hoãn phiên tòa phúc thẩm nhưng bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa để nhờ người bào chữa thì HĐXX cần phải hoãn phiên tòa. Sự áp dụng pháp luật linh hoạt như vậy nhằm bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong giai đoạn xét xử phúc thẩm được khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác, tránh để xảy ra tình trạng oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, cũng như bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự. Tác giả đề nghị liên ngành tư pháp trung ương có văn hướng dẫn về vấn đề này để áp dụng pháp luật thống nhất theo hướng: “Nếu trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử ở cấp sơ thẩm hoặc trong giai đoạn kháng cáo mà bị cáo không nhờ người bào chữa, nhưng đến khi mở phiên tòa phúc thẩm bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa để nhờ người bào chữa thì HĐXX phải hoãn phiên tòa theo đề nghị của bị cáo. Thời hạn hoãn phiên tòa trong thời hạn 07 ngày để bị cáo nhờ người bào chữa, nếu hết thời hạn 07 ngày, bị cáo không nhờ người bào chữa thì HĐXX tiếp tục xét xử theo quy định”./.

Ths. Lê Văn Quang – Ths. Nguyễn Văn Hùng

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai