Tranh tụng – nói dễ, khó làm!

25

Thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, vừa qua, tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử một số vụ án hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, vấn đề tranh tụng vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Yêu cầu cao nhất của việc xét xử tại phiên tòa là đảm bảo dân chủ khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật nói chung và của Bộ luật Hình sự nói riêng. Việc tranh tụng, nói một cách dễ hiểu là tranh luận để làm rõ sự thật khách quan về mọi chi tiết của vụ án, áp dụng đúng những quy định của pháp luật để hội đồng xét xử ra phán quyết được công tâm.

 Để làm được điều đó, vai trò của bên buộc tội và bên gỡ tội phải ngang nhau, cả hai bên đều bình đẳng, không bên nào bị hạn chế trong việc trình bày các quan điểm, tình tiết để xem xét, đánh giá bản chất của vụ án. Trong giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa, dĩ nhiên, trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo chủ yếu là của đại diện VKS, qua đó, chứng tỏ rằng cáo trạng truy tố các bị cáo có căn cứ hay không, có chính xác hay không và cuối cùng quan điểm luận tội của đại diện VKS đã phù hợp với thực tế khách quan của vụ án chưa? Tòa án (HĐXX) với tư cách trung gian sẽ có những quan điểm đánh giá, nhận định và kết luận trước cách xác lập vấn đề từ hai hướng khác nhau. Hội đồng xét xử không nên thẩm vấn chi tiết, vì nếu như vậy sẽ dễ sa đà theo hướng thẩm vấn để chứng minh định hướng, định kiến có trước của mình, không đảm bảo tính khách quan và sẽ không tránh được tình trạng “án tại hồ sơ”.

 Theo nội dung Điều 159 BL TTHS thì “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”, nó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, đó là “những vấn đề diễn ra trong phiên tòa mới là quan trọng”. Để việc xét xử công khai tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết 08 đạt được yêu cầu, thiết nghĩ yếu tố đầu tiên cần phải xóa bỏ là ý thức “án tại hồ sơ”. Mà muốn như vậy, Hội đồng xét xử cần phải thoát ra khỏi những định kiến, định hướng có sẵn sau khi nghiên cứu hồ sơ. Nói cách khác, chỉ có thể có bản án chính xác, có căn cứ và đảm bảo khách quan khi hội đồng xét xử căn cứ vào diễn biến phiên tòa như xét hỏi, tranh luận và từ đó hình thành nên ở mỗi thành viên nhận thức độc lập qua đánh giá chứng cứ để xác định mức độ nguy hiểm của tội phạm.

 Pháp luật cũng quy định rõ: Không cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào được can thiệp vào công tác xét xử. Tòa án phải xét xử theo chính kiến của mình, không bị ràng buộc bởi kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng khác như công an – viện kiểm sát mà phải xét xử và phán quyết trên cơ sở pháp luật và kết quả của diễn tiến phiên tòa, qua xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa. Cơ quan tòa án cấp trên chỉ hướng dẫn nghiệp vụ, đường lối chính sách, vận dụng pháp luật chứ không được quyết định trước hoặc gợi ý về cách giải quyết cụ thể trong từng vụ án như có tội hay không, khung khoản áp dụng mức hình thức xử lý cụ thể.

 Để việc xét xử đạt kết quả, tránh oan sai, lọt sót tội phạm, vai trò của luật sư là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế khi hành nghề, giới luật sư đã gặp không ít khó khăn do phía các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, thường là cản trở hoạt động hành nghề của luật sư như không đồng ý để luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra mặc dù không có lý do gì xác đáng theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân không muốn cho luật sư tiếp xúc hồ sơ, Tòa án không dành thời gian thỏa đáng cho luật sư bào chữa…

 Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao nên có thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh luật sư năm 2001. Bên cạnh đó cần có quy định cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư để họ thực hiện trách nhiệm bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích cho bị can, bị cáo trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

 LS NGUYỄN HUY THIỆP

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai