Vụ cướp của giết người dã man trên sông Sài Gòn

6989

Chiếc ghe tang tóc

Cả gia đình gồm vợ chồng và hai con nhỏ (một cháu 8 tuổi, cháu còn lại chỉ mới nói bập bẹ) sống bằng nghề đánh bắt cá ven sông Sài Gòn đều bị sát hại vô cùng dã man, gây nỗi căm phẫn tột cùng trong dư luận. Được sự chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát, Ban giám đốc Công an TPHCM và Công an tỉnh Bình Dương, vụ án đã được làm rõ sau một tháng tích cực điều tra, sáu đối tượng gây án đều bị bắt giữ. Với hành vi tội ác “trời không dung, đất không tha”, bốn tên lãnh án tử hình, hai bị xử chung thân…

ÁN MẠNG KINH HOÀNG

Lúc 14 giờ 30 ngày 5-7-2001, người dân phát hiện xác một người đàn ông chết trôi bị trói cả tay chân tại Vàm Cây Đào thuộc ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi. Trong khi Công an Củ Chi phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM xúc tiến việc điều tra vụ án thì 7 giờ sáng 7-7-2001 tại bến Bà Gạo cũng nằm trên sông Sài Gòn thuộc ấp 2, xã Phú An, Bến Cát, tỉnh Bình Dương (giáp ranh xã Phú Hòa Đông, Củ Chi), quần chúng lại phát hiện ba xác chết trôi khác, gồm một phụ nữ và hai trẻ nhỏ. Cảnh tượng thật khủng khiếp: cả ba người đều bị trói và cột dính chung vào mui của chiếc ghe. Cơ quan điều tra đã thu được trên ghe ba cây sắt, ba tấm ván, một ống dây dùng cho thợ lặn, một tay vợt bằng lưới để vớt cá, một túi xách bằng nhựa bên trong đựng quần áo, đồ chơi điện tử…

Sau khi thông báo truy tìm tung tích nạn nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng và tiến hành nắm tình hình khu vực xung quanh tuyến sông Sài Gòn (đoạn chạy qua huyện Củ Chi và đối diện bên kia là huyện Bến Cát, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), đến 21 giờ ngày 8-7-2001 cơ quan điều tra đã xác định được lai lịch bốn nạn nhân. Đó là ông Nguyễn Văn Anh (tự Cò, SN 1966) cùng vợ là bà Nguyễn Kiều Dâng (SN 1968) và hai con là Nguyễn Quốc Hậu (SN 1993), Nguyễn Quốc Học (SN 2000) cùng ngụ P15, Q.Gò Vấp, TPHCM. Tiến hành giải phẫu tử thi, cơ quan pháp y kết luận: Cả bốn nạn nhân tử vong do bị ngạt nước.

Một phần mui ghe được thu giữ trên sông Sài Gòn

Ông Anh mồ côi cha từ nhỏ, theo ông nội làm nghề đánh bắt cá trên sông Sài Gòn suốt gần 20 năm. Sau khi ông nội mất, ông Anh làm công việc này một mình. Còn bà Nguyễn Kiều Dâng trước đây cũng theo cha làm nghề chài lưới đánh bắt cá. Lấy nhau năm 1992, ông Anh – bà Dâng tiếp tục sống bằng nghề đánh cá trên sông Sài Gòn cho đến ngày bị sát hại. Cá đánh bắt được, bà Dâng thường mang đi bán tại chợ các xã Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ (huyện Củ Chi); chợ xã Phú An (huyện Bến Cát), chợ xã Tân An (thị xã Thủ Dầu Một)… Đêm đến hai vợ chồng ngủ chung trên ghe neo đậu tại bến đò ấp 1, xã Bình Mỹ.

Vợ chồng ông Anh có hai con trai Nguyễn Quốc Hậu và Nguyễn Quốc Học. Cháu Hậu sống với ông bà ngoại ở ấp Phước Sơn, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vừa học xong lớp hai. Đầu tháng 6-2001, vợ chồng ông Anh về thăm cha mẹ và con, sẵn dịp hè rước Hậu vào thành phố chơi. Ngày 15-6-2001, Hậu mới theo ghe ở chung với ba mẹ cho đến khi tựu trường sẽ về đi học. Còn bé Học vừa tròn một tuổi vào ngày 2-7-2001. Bà con ở bến đò Bình Mỹ và khu vực lân cận cho biết vợ chồng ông Anh hiền lành, chí thú làm ăn. Ông Anh còn là một thợ lặn giỏi. Bà nội của ông Anh nghẹn ngào: “Hai vợ chồng nó nghèo lắm, suốt gần 10 năm ky cóp mới mua được miếng đất chuẩn bị cất nhà, nhưng không ngờ tai họa khủng khiếp lại ập xuống”. Bà Nguyễn Thị Tỉnh (SN 1945, mẹ bà Dâng) tuôn trào nước mắt: “Phải chi đừng nghỉ hè thì cháu Hậu không bỏ tôi ra đi sớm. Nỗi đau thấu tận trời xanh”.

Ba mẹ con bà Dâng được chính quyền địa phương chôn cất tại xã Phú An, huyện Bến Cát. Còn ông Anh được người thân đưa về ngang nhà ở đường Thống Nhất lần cuối trước khi hỏa táng.

NHẬN ĐỊNH
Tại sao cả gia đình bốn người đều bị chết thê thảm như thế trong khi chiếc ghe vẫn chưa tìm thấy? Qua xác minh từ gia đình và những người đánh bắt cá trên sông Sài Gòn thì vợ chồng ông Anh có một chiếc ghe máy trọng tải khoảng 800kg, trên ghe trang bị một máy lặn. Vợ chồng nạn nhân mua được miếng đất giá 2,5 cây vàng tại ấp 1, xã Bình Mỹ vào tháng 6-2000 và đã để dành một số tiền xây nhà vào cuối năm 2001. Như vậy, số tài sản mà vợ chồng ông Anh có trên ghe là khá lớn so với người cùng đánh bắt cá chung trên sông.

Sáng 11-7-2001, Phó giám đốc (hiện là Giám đốc) Công an tỉnh Bình Dương Võ Thành Đức chủ trì cuộc họp, có sự tham gia của các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Dương và TPHCM cùng Công an thị xã Thủ Dầu Một, Công an huyện Củ Chi để bàn kế hoạch phối hợp điều tra vụ án. Sau khi tổng hợp các kết quả khám nghiệm hiện trường, giải phẫu tử thi và tài liệu thu thập ban đầu, các thành viên cuộc họp thống nhất nhận định: đây là một vụ giết người, cướp tài sản. Để sát hại cả bốn người (trong đó ông Anh rất khỏe mạnh) bằng việc trói cả chân tay, hung thủ phải có ít nhất hai tên. Với cách thức ra tay trói, thắt nút buộc bốn nạn nhân gần như giống nhau nên nhiều khả năng các hung thủ có quan hệ thân thích với nhau.
Nhận định đây là vụ án giết người, cướp tài sản nên công tác thu thập chứng cứ cũng được triển khai theo hướng này. Đầu tiên, phải xác nhận cho được thời gian mà nạn nhân bị hại. Theo kết luận của cơ quan pháp y thì cả bốn người tử vong vào khoảng từ chiều cho đến tối 3-7-2001. Về địa điểm xảy ra vụ án, Ban chuyên án thống nhất khoanh vùng là một đoạn của sông Sài Gòn dài hơn 10km; phía TPHCM được tính từ bến đò Bình Mỹ đến xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), tương ứng với phía tỉnh Bình Dương từ phường Phú Cường (thị xã Thủ Dầu Một) đến xã Phú An (huyện Bến Cát).

Sông rộng mênh mông lại dài, rất khó xác định điểm xảy ra án mạng. Hàng trăm ghe xuồng đánh bắt cá của ngư dân các tỉnh miền Tây, miền Đông, Việt kiều Campuchia, dân địa phương… đậu rải rác khắp nơi. Thêm vào đó, số tàu thuyền qua lại hàng ngày trên sông đếm cũng không xuể. Xem ra việc thu thập chứng cứ sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, hình ảnh của bốn nạn nhân, nhất là hai đứa trẻ, cứ thôi thúc các thành viên Ban chuyên án cùng các điều tra viên phải làm và làm bằng cả ý chí, tinh thần cao nhất. Lực lượng phối hợp chia ra làm nhiều nhóm, lớp trên bờ, lớp dưới sông ngày đêm lần mò, thu thập nguồn tin. Tất cả các đối tượng liên quan đến những vụ trộm cướp ở hai bên sông trước đây đều được rà soát, lên danh sách không thiếu một tên.

Theo lời kể của nhiều người, đêm 3-7-2001 có nghe tiếng kêu “cướp, cướp” tại khu vực sông gần xã Phú An. Hai nhóm trinh sát suốt ba ngày đêm trên bộ, dưới sông để xác minh làm rõ nguồn tin quan trọng này, nhưng cuối cùng chẳng liên quan gì đến vụ án. Sự thật thì trong đêm đó một ghe chở đất đụng chiếc ghe chở tro làm ghe tro bị lật và hai người rớt xuống sông. Một người la lớn “cứu, cứu tôi với!” chứ không phải là “cướp” như nhiều người nghe. Sau đó, hai bên đã tự thương lượng và khắc phục hậu quả, hai người rơi xuống sông cũng được cứu sống.

Cũng theo lời kể của anh Thành, là ngư dân có biết nạn nhân, thì chiều 3-7-2001 anh thấy ông Anh cho ghe chạy về hướng bến ghe Mỹ Hảo. Đây là bến có nhiều ghe đánh bắt cá trú ngụ và buôn bán khi có cá. Theo nhiều ngư dân thì trong thời gian gần đây, quanh khu vực bến ghe này có một băng chuyên cướp của rất tàn bạo do năm anh ruột của tên Vang cầm đầu. Nhanh chóng xác minh thì băng này đã chuyển địa bàn, một số tên xuống miền Tây hoạt động đã bị bắt giữ.

Lực lượng phối hợp điều tra đặc biệt chú ý đến nguồn tin của hai anh Nguyễn Văn Biển, anh Trịnh Ngọc Hoàng (cùng SN 1973, ngụ P15, Q.Gò Vấp), hai ngư dân đánh bắt cá ở khu vực này, cung cấp. Sáng 3-7-2001, Biển và em ruột là Nguyễn Săn Sông đi trên một chiếc ghe, Hoàng và vợ là Nguyễn Thị Diệu Hiền đi trên một ghe cùng đánh lưới cá tại ngã ba Ông Cộ. Đến 14 giờ cùng ngày, do đánh lưới ít cá nên anh Hoàng mang cá vào cầu Ông Cộ bán rồi neo ghe ở gần đấy. Riêng hai anh Sông và Biển thì vẫn tiếp tục đánh lưới. Cùng lúc này có một thanh niên tên Minh với một thanh niên khác (không biết tên) đi chung trên chiếc ghe máy. Chạy gần đến chỗ ghe anh Biển, Minh hỏi lưới có cá không rồi cho ghe chạy tấp vào bụi cây si cách ngã ba sông Ông Cộ chừng 100m. Đến khoảng 16 giờ, anh Biển không đánh lưới nữa, quay ghe vào bờ nghỉ gần ghe của anh Hoàng. Ngay lúc đó, ông Anh và bà Dâng đi ghe máy đến, có hai đứa nhỏ theo cùng.
Với vẻ hấp tấp, ông Anh hỏi anh Biển:

– Thấy Minh ở đâu không?

Biển hỏi lại:

– Tìm Minh làm gì?

– Tìm nó để đi vớt một ghe chở tro bị chìm.

– Minh đang cho ghe nghỉ ở đằng bụi cây si kìa!

Ngay sau đó, ông Anh cho ghe chạy đến ngã ba sông Sài Gòn, hướng về chỗ Minh. Từ thời điểm đó trở đi, không ai còn thấy vợ chồng ông Anh đâu nữa. Như vậy, người cuối cùng nhìn thấy vợ chồng nạn nhân chính là ba anh Sông, Biển, Hoàng và chị Hiền lúc 16 giờ ngày 3-7-2001.

LẦN THEO NGHI VẤN

Nhanh chóng xác minh, các trinh sát đã có trong tay đến năm thanh niên tên Minh hiện đang sống tại khu vực xảy ra vụ án. Sau khi sàng lọc, bốn đối tượng được loại khỏi danh sách, chỉ còn lại một người duy nhất là Minh “Mầu”. Minh “Mầu” tên thật là Nguyễn Ngọc Hoàng Minh (SN 1979, ngụ P15, Q.Gò Vấp, thường trú ấp Mỹ Hảo 1, Chánh Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một). Sở dĩ người ta gọi thêm chữ “Mầu” để phân biệt Minh với những thanh niên tên Minh cùng đánh cá khác. Từ nhỏ đến năm 10 tuổi, Minh sống chung với gia đình tại P15, Q.Gò Vấp, đến năm 1992 Minh phụ gia đình đánh bắt cá trên sông Sài Gòn và chuyển về sống tại xã Chánh Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một. Ngoài việc đánh bắt cá, Minh còn phụ cha mẹ chăn nuôi, làm vườn. Một điểm khiến Ban chuyên án phải lưu ý: Minh là bà con chú bác ruột với nạn nhân Nguyễn Kiều Dâng. Nếu đúng như lời của bốn nhân chứng thì Minh là đối tượng then chốt để khai thác, phá án. Tất cả thông tin liên quan tới Minh đều được tìm hiểu, theo dõi chặt chẽ.

Tại cơ quan điều tra, Minh khẳng định đã gặp vợ chồng ông Anh lần cuối cùng vào ngày 24-6-2001 khi hai người đến thăm gia đình ở ấp Mỹ Hảo 1. Minh nhớ rất rõ vì hôm đó là chủ nhật, phải đi lễ nhà thờ.

– Suốt ngày 3-7-2001 anh làm những việc gì? – điều tra viên hỏi Minh.

– Dạ, suốt ngày 3-7 em đi sửa xe.

– Sửa xe ở đâu?

– Dạ ở tiệm Vũ tại ấp 2, Bình Mỹ. Em thường đem xe ra sửa và gia đình cũng hay đem chôm chôm bán cho gia đình Vũ nên rất thân quen. Ngày hôm đó em đi với thằng cháu ra tiệm sửa và thay rất nhiều món như: gắp xe, phuộc nhún, cổ, vô-lăng, IC, sên cam… Tổng số tiền sửa là 600.000 đồng. Thấy đầu xe còn bị rung nên ngay hôm sau, tức 4-7, em lại mang ra tiệm Vũ sửa và tốn thêm 240.000 đồng nữa.

– Tiền sửa xe có phải là của gia đình đưa cho anh?

– Vâng, đó là tiền của má em đưa cho, tất cả hơn 800.000 đồng.

– Ngày 3-7, anh sửa xe đến mấy giờ?

– Do xe bị hư nhiều nên sửa rất lâu, từ 9 giờ sáng đến gần 9 giờ tối.

Tất cả những câu hỏi đặt ra, Minh đều tự tin trả lời một cách dứt khoát. Làm việc với Nguyễn Ngọc Vũ (SN 1975, trú ấp 2, Bình Mỹ, Củ Chi), anh ta cũng xác nhận một cách chắc chắn ngày mà Minh sửa xe là 3-7-2001, từ 9 đến 21 giờ. Nhiều lần làm việc, Minh cũng không có biểu hiện gì đáng nghi ngờ và chứng minh mình là kẻ ngoại phạm. Hai tuần trôi qua, vụ án vẫn không có gì tiến triển khiến một số CBCS tham gia muốn nản lòng. Trong khi đó thì cả bốn nhân chứng là anh Biển, Sông, Hoàng và chị Hiền đều khẳng định nhìn thấy Minh trên sông vào chiều 3-7, không thể nhầm với bất cứ ai được.

Xác định Minh chính là mấu chốt của vụ án, Ban chuyên án lại có cuộc họp bàn kế hoạch tiếp theo. Thứ nhất, đấu tranh với chủ tiệm sửa xe Vũ và nhanh chóng thu thập tin tức để khẳng định chính xác ngày Minh sửa xe. Thứ hai, xác minh có đúng là tiền của mẹ Minh đưa cho để sửa xe; theo dõi những cử chỉ, biểu hiện của Minh xem có điều gì bất thường.

Tuy vẫn khẳng định ngày sửa xe là 3-7 nhưng Vũ có dấu hiệu hoang mang, không còn giữ bình tĩnh như lần đầu tiên. Một nguồn tin quý giá mà trinh sát thu thập được: Minh và Vũ cùng hai người khác đi nhậu trong tối sửa xe. Đấu tranh với Minh, y vẫn tự tin trả lời: “Vâng, đúng vậy. Tối đó, khi sửa xe xong, em rủ Vũ cùng anh của Vũ và thằng cháu đi nhậu ở quán 12, ấp 1, Bình Mỹ. Chầu nhậu này tốn hết 86.000 đồng do em bao”. Ông N.N.B (SN 1959, ngụ xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát), người nhậu chung với Minh và Vũ, cho biết: “Đêm nhậu không nhớ chính xác nhưng trước đó một ngày thì tôi có thằng cháu bị bệnh phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện 512 giường tỉnh Bình Dương. Hôm sau tôi đến thăm, chiều cùng ngày qua bên Bình Mỹ báo cho thằng em tôi hay rồi tối đó đi nhậu…”. Cơ quan CSĐT nhanh chóng xin được xác nhận của bệnh viện: “Bệnh nhân nhập viện ngày 4-7-2001”. Như vậy, ngày Minh sửa xe không phải là 3 mà là 5-7-2001. Minh và Vũ cố tình khai sai sự thật. Biết không thể đánh lừa được cơ quan CSĐT, Vũ thú thật: “Do Minh bảo nói như vậy nên nghe theo”.

Qua theo dõi, Minh có một số biểu hiện không bình thường như: không đánh bắt cá trên sông nữa, ít đi chơi với bạn bè mà hay trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó, không đi lễ nhà thờ vào ngày cuối tuần… Còn nữa, Minh mua sắm khá nhiều quần áo, giày dép mới trong khi lại sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Mẹ Minh xác nhận có đưa tiền cho Minh sửa xe nhưng không phải là 800.000 đồng, phần nhiều là tiền lẻ trong khi Minh khai trả tiền cho Vũ toàn là giấy bạc loại 50.000 và 100.000 đồng.

Với những chứng cứ thu thập được, sáng 3-8-2001 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra lệnh bắt khẩn cấp tên Minh. Minh vẫn khăng khăng cho rằng mình vô tội và bị bắt oan. Suốt sáu giờ đấu trí liên tục, cuối cùng Minh đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

(Còn tiếp)
Clip

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai