Luật sư chuyên hình sự trong vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ

110

Luật sư giỏi chuyên về tranh tụng hình sự cho thân chủ của mình bị viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang cáo buộc về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ đã phải chấp nhận quyết định phán quyết của tòa án tỉnh Bắc Giang về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung thêm lần thứ 5 tại phiên tòa, trước đó có thay đổi 4 lần về kết luận điều tra??? 3 lần thay đổi Cáo trạng thật khó tuyên cho các bị cáo….. Sức nóng của phiên tòa xét xử công khai diễn ra 8 ngày ròng rã với sự hùng biện tranh tụng của đội ngũ luật sư giỏi chuyên tư vấn hình sự thuộc Công ty Luật Dragon đã đóng vai trò quan trọng. Sự cẩn trọng trong tố tụng với sức nặng đè lên vai Hội đồng xét xử khi Luật sư minh chứng cho việc thân chủ của mình không phạm tội ngày càng rõ nét….

Bản bào chữa dài 18 trang đã toát lên được toàn bộ bản chất của vụ án, trong quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa quá trình tranh luận Viện Kiểm Sát đã không đối đáp lại với những đề nghị của Luật sư bào chữa.

                                               Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2016

BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA ÔNG THÂN VĂN TƯ(TRONG VỤ ÁN LẠM QUYỀN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ) 

 

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử !( HĐXX)

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm nay!

Chúng tôi là Luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon – Thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Được sự chấp thuận của TAND tỉnh Bắc Giang và đơn mời luật sư của ông Thân Văn Tư. Chúng Tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho ông Thân Văn Tư bị VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Kính thưa HĐXX !

Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay. Chúng tôi xin trình bày nội dung bản luận cứ bào chữa như sau:

  1. 1.     Cáo trạng số 02/KSĐT-KTCV ngày 25/4/2016 của VKSND tỉnh Bắc Giang đưa ra kết luận:

“Trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2009, UBND huyện Việt Yên có 04 quyết định về việc giao đất cho nhân dân thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Quá trình thực hiện các quyết định trên, Thân Văn Tư – Trưởng thôn và Nguyễn Đức Sổ – Phó thôn kiêm kế toán thôn Yên Sơn đã vượt quá quyền hạn được giao: tự nâng giá bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn so với giá ghi trong quyết định để chi trả cho các hộ dân bị mất đất; nâng giá đất cao hơn so với giá đất trong 04 quyết định; tự ý chia tách 35 lô đất thành 37 lô đất; lấy tên các hộ dân trong thôn làm đơn xin cấp đất để được giao đất gây thiệt hại cho những người dân mua đất 1.116.660.000 đồng (một tỷ, một trăm mười sáu triệu, sáu trăm sáu mươi nghìn đồng)”.

Liên quan đến nội dung Cáo trạng nêu trên, chúng tôi có ý kiến phản biện lại như sau:

Thứ nhất: Đối với kết luận “ông Thân Văn Tư nâng giá đất cao hơn so với giá đất trong 04 quyết định của UBND huyện Việt Yên”.

Tại bút lục số 1527, anh Phạm Văn Minh nêu: “UBND xã Nghĩa Trung đều niêm yết công khai tất cả các quyết định về việc thu hồi đất và các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mức giá giao đất ở cho nhân dân thôn Yên Sơn, tại nơi công cộng như: Trụ sở UBND xã Nghĩa Trung, Nhà Văn hóa thôn Yên Sơn, yêu cầu thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn”.Như vậy, toàn thể nhân dân thôn Yên Sơn đều biết các đơn giá Nhà nước quy định chính xác là bao nhiêu.

Theo các lời khai của anh Nguyễn Đức Sổ thì: “Quyết định 179 năm 2005 thôn Yên Sơn được giao 30 lô đất tại khu vực Trũng Già. Tại quyết định giao thu thời điểm đó là mỗi lô đất = 100m2 thu = 10.000.000 đồng. Ngoài ra Tập thể Ban lãnh đạo thôn còn họp hội nghị quân dân chính, họp hội nghị dân các hộ có ruộng và các hộ có đơn đăng ký mua đất và thông báo về quyết định giao đất, quyết định đền bù hỗ trợ cho các hộ và bàn giá thu đóng góp và tự nguyện đóng góp ở địa phương cho các hộ dân cùng tham gia và thống nhất. Sau khi họp bàn cụ thể và thông qua các quyết định đền bù, hỗ trợ và giá sàn của Huyện, hội nghị đã thống nhất và nhất trí ngoài giá sàn của nhà nước thu 10 triệu đồng/100m2 thôn thu phần đóng góp góp xây dựng cơ sở hạ tầng…” (Bút lục 1566)

 “Quyết định 814 năm 2006 thôn Yên Sơn được giao 36 lô đất cho 36 hộ dân tại 2 vị trí, khu vực khác nhau (Hang Dây – Giữa Đồng). Ngoài quyết định ra, tập thể ban lãnh đạo thôn cũng đã tổ chức họp với các hộ dân trong thôn để thông báo giá đất theo quyết định, giá đền bù, hỗ trợ của nhà nước và tập thể. Sau khi các hộ thống nhất được giá sàn và giá đền bù hỗ trợ sang phần bàn giá bán tại 2 khu vực và phần thu tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn các hộ cùng hội nghị thống nhất…” (Bút lục 1567, 1568)

“Quyết định 1194 năm 2008 thôn Yên Sơn được giao 30 lô đất tại Khu Chuôm Chung – Vành Than. Tại thời điểm năm 2006 trong quyết định giao thu là 8.000.000 đồng/100m2. Ngoài ra thôn có họp bàn với các hộ dân thông báo giá đất, giá đền bù, hỗ trợ của nhà nước và giá thu quy định của tập thể, thu đóng góp xây dựng thôn, cơ sở hạ tầng thôn với các hộ dân. Sau khi họp hội nghị thống nhất cụ thể như sau: Nhất trí giá đất 8.000.000 đồng/100m2 và giá đền bù hỗ trợ, cũng như phần thu đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thôn và thống nhất bình giá đất ngoài thực địa thành các mốc thu…” (Bút lục 1567)

Quyết định 278 năm 2009thôn Yên Sơn được giao 35 lô đất cho 35 hộ dân trong thôn tại 2 vị trí khu vực khác nhau. Thời điểm năm 2009 trong quyết định giao thu là 13.000.000 đồng/1 lô = 100m2 cả 02 vị trí đều thu như vậy. Sau khi có quyết định, tập thể ban lãnh đạo thôn cũng đã tổ chức họp và họp với các hộ có ruộng và các hộ đăng ký mua đất để thông qua quyết định phương án đền bù, hỗ trợ của nhà nước cũng như tập thể…Như vậy là giá sàn của Nhà nước thu là 13.000.000 đồng/1 lô/100m2, thôn sẽ thu thêm phần đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thôn là 12.000.000 đồng (Tổng cả 2 phần giá sàn và thu đóng góp là = 25.000.000/1 lô/100m2 đối với giá cao) còn các hộ ưu tiên là tổng = 22.000.000 đồng/1 lô/100m2.Việc đặt giá thu là do tập thể ban lãnh đạo thôn cùng với các hộ dân trong thôn đã họp và thống nhất. Còn việc giao đất cho các hộ là ban lãnh đạo thôn làm theo sự ủy quyền của chủ tịch UBND xã.” (Bút lục 1568, 1569).

Trong tất cả các cuộc họp giữa Ban lãnh đạo thôn và tập thể nhân dân thôn Yên Sơn khi thông qua 04 Quyết định của UBND huyện Việt Yên đều phân biệt rõ: số tiền người dân phải đóng theo quyết định của UBND  là bao nhiêu và số tiền mà người dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng là bao nhiêu.

Hơn nữa, trong tất cả các “Phương án thu các quyết định giãn dân thôn Yên Sơn năm 2005 – Quyết định 179 (bút lục 1999), năm 2006 –  Quyết định 1194 (bút lục 1997), năm 2008 – Quyết định 814 (bút lục 1991), năm 2009 – quyết định 278 (bút lục 1998)”đều phân định rõ:  “Giá sàn quy định” và nhân dân “Tự nguyện đóng góp”. Trong các phiếu thu cũng ghi số tiền đóng góp xây dựng thôn là bao nhiêu, cụ thể: “Thân Văn Thắng – Đóng góp xây dựng thôn = 16.000.000 đồng (bút lục 27); Phạm Thị Khoa – Đóng góp xây dựng thôn = 14.000.000 đồng (bút lục 10A); Thân Thị Yên  – Đóng góp xây dựng thôn = 12.000.000 đồng (bút lục 05 – Ngày 16 tháng 2 năm 2007); Phạm Văn Thuyết – Đóng góp xây dựng thôn = 10.000.000 đồng (bút lục 06); Thân Thị Xan – Đóng góp xây dựng thôn = 9.000.000 đồng (bút lục 13); Thân Văn Hùng – Đóng góp xây dựng thôn = 8.000.000 đồng (Bút lục 05 – Ngày 10 tháng 11 năm 206); Thân Văn Hoa – Đóng góp xây dựng thôn = 77.560.000 đồng (bút lục 21)”.

Phương thức thu các quyết định giãn dân và đóng góp của nhân dân đều được nêu và họp bàn trong các cuộc họp của thôn, cụ thể:“Biên bản họp chi bộ thôn Yên Sơn” ngày 05/10/2006, Ông Thân Văn Tư có ý kiến:

 – Xã duyệt 36 lô: dự định giá từ 17.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng;

– Nếu có dự án làm mương cứng tuyến Trại Nội – Cửa Săn thì thôn sẽ chuẩn bị kinh phí.”

“Biên bản Họp dân chính Đảng” ngày 08 tháng 10 năm 2006:

Thành phần gồm có: Cấp ủy; Lãnh đạo thôn; Trưởng các ban ngành đoàn thể.

Ông Thân Văn Tư có ý kiến: Thông qua đất giãn dân Khu đường cây và công tác chuyển đổi thôn được tiêu chuẩn 36 lô, phân ra ba loại…Công tác chuyển đổi: Để chuyển đổi được ta phải thay đổi hệ số. Tính toán cụ thể gửi thông báo hệ số đến các hộ xin ý kiến.Tổng hợp, đánh giá mức độ để quyết định chuyển đổi.(BL 1882). Cuộc họp đã kết luận: Lên phương án tính toán cụ thể gửi thông báo tới các hộ đảm bảo thời gian.” (BL 1882).

Ban Chi ủy nhiệm kỳ 2005 – 2010 thôn Yên Sơn, nguyên B.C.H Phụ nữ thôn Yên Sơn, B.C.H Hội người cao tuổi, B.C.H Hội Nông dân, B.C.H Chi hội Cựu chiến binh đã nêu: Được sự chỉ đạo của UBND xã Nghĩa Trung của cấp Ủy chi bộ, Ban lãnh đạo thôn và sự đồng tình ủng hộ của các ban ngành đoàn thể nhân dân trong thôn. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong đó có việc vận động nhân dân các gia đình được giao đất ở của Nhà nước tự nguyện đóng góp công đức kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất trong thôn như: xây mương, cống, đường giao thông, Nhà văn hóa… nhằm phục vụ cho việc sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong thôn.Trong những năm 2005, 2006, 2008, 2009 là các năm thôn chúng tôi được quyết định cấp đất ở. Mỗi khi có quyết định ban lãnh đạo thôn đã triển khai theo Nghị quyết chi bộ, họp Dân chính, họp dân thông báo mức giá của Nhà nước và quy định thống nhất mức tự nguyện đóng góp công đức của nhân dân đã được toàn thể nhân dân nhất trí và đã được thông báo tuyên truyền rộng rãi trên loa truyền thanh của thôn. (Bút lục 1987, 1989, 1991).

Việc huy động các nguồn đóng góp của nhân dân trong thôn Yên Sơn cũng đã được Đảng ủy xã Nghĩa Trung ghi nhận, cụ thể: “Báo cáo Kết quả kiểm tra của tổ kiểm tra Đảng ủy đối với chi ủy, cá nhân Đảng viên chi bộ Yên Sơn” số 01-BC/TKT ngày 04 tháng 09 năm 2009 của Tổ kiểm tra Đảng ủy BCH Đảng bộ xã Nghĩa Trung:

“…4. Việc lãnh đạo, chỉ đạo huy động, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp; Tổ chức thực hiện quyết định giao đất và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ thông qua giao đất ở cho nhân dân.

Ban chi ủy chi bộ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ đối với kế hoạch chỉ tiêu hàng năm do UBND xã giao do vậy đã tổ chức triển khai, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đạt hiệu quả.Trong việc thực hiện huy động các nguồn đóng góp của nhân dân trong thôn đều được chi bộ bàn bạc kỹ và triển khai đến nhân dân thông qua hội nghị dân chính ở thôn; Việc thực hiện quyết định thu hồi và giao đất ở cho nhân dân được chi bộ bàn bạc và chỉ đạo thực hiện công khai, thực hiện các bước làm việc tới từng hộ có số diện tích nằm trong quyết định thu hồi, đồng thời thực hiện nghiêm túc chính sách đền bù, hỗ trợ cho các hộ theo quy định của Nhà nước và hỗ trợ của thôn, do đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân nên thực hiện hoàn thành kế hoạch giao đất cho các hộ.

Việc sử dụng các nguồn thu đóng góp của nhân dân; Thu theo cơ chế chuyển quyền sử dụng đất cơ bản đã được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chi hoạt động thường xuyên trong thôn, chi hoạt động cho các đoàn thể ở thôn: Chi trả nợ đọng cũ, thanh toán ngày công cho người lao động; Chi hỗ trợ cho phong trào thiếu nhi, câu lạc bộ dưỡng sinh…” (bút lục 1813).

Theo trình bày của Hoàng Du Khánh nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung tại Tòa cho thấy: Đây là việc thực hiện đúng quy chế dân chủ và xã đã có chủ trương ban hành thành Nghị quyết của HĐND xã về việc phát triển kinh tế xã hội trong đó có việc xã hội hóa để nhân dân đóng góp xây dựng quê hương.

Tại Tòa các Đảng viên như ông Quyết, ông Ngô Minh Thống, ông Ý cũng đều khẳng định rằng để thực hiện việc này chi bộ Đảng thôn Yên Sơn đều họp có “Sổ Nghị Quyết” ghi thành văn bản. Sau đó, được thông báo công khai liên tục trên loa truyền thanh thôn xã và niêm yết công khai tại các điểm dân cư, nhà văn hóa…

Số tiền nhân dân tự nguyện đóng góp đều được ban lãnh đạo thôn Yên Sơn sử dụng đúng mục đích vào việc xây dựng hạ tầng trong thôn.

Từ những căn cứ nêu trên đã cho thấy rằng: trước khi thu tiền tự nguyện đóng góp xây dựng thôn, ban lãnh đạo thôn đều được sự đồng ý của cấp trên là Chi bộ, UBND xã Nghĩa Trung. Vậy, có gượng ép không? khi nói ông Thân Văn Tư tự ý nâng giá đất cao hơn so với giá đất trong 04 quyết định của UBND huyện Việt Yên trong khi bản chất của sự việc: là ban lãnh đạo thôn đang thực hiện song song hai hoạt động, một là: thu tiền theo các quyết định giãn dân và hai là: thu tiền do nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng thôn.

Thứ 2:Đối với kết luận: “ông Thân Văn Tư tự ý nâng giá bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn so với giá có trong quyết định để chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất.”

Năm 2005 là quyết định số 179/QĐ-UB về việc giao đất ở cho nhân dân xã Nghĩa Trung; Năm 2006 là quyết định số 2789/QĐ-UBND; Năm 2008, có quyết định số 1182/QĐ-UBND; Năm 2009 có quyết định số 35/QĐ-UBND đều về việc duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và mức giá giao đất cho nhân dân thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung.

Để đảm bảo việc thu hồi đất diễn ra hiệu quả, nhanh chóng cũng như đảm bảo quyền lợi của những hộ dân bị thu hồi đất thì ngoài khoản tiền Nhà nước hỗ trợ theo quy định thì thôn cũng hỗ trợ thêm cho các hộ dân bị thu hồi đất. Đây hoàn toàn là sự hỗ trợ của thôn chứ không phải là “nâng giá bồi thường”, điều này được thể hiện rất rõ trong “Danh sách những người dân thôn Yên Sơn bị thu hồi đất” (bút lục 1970, 1971). Việc thôn hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất cũng đã được Đảng ủy xã ghi nhận trong “Báo cáo Kết quả kiểm tra của tổ kiểm tra Đảng ủy đối với chi ủy, cá nhân Đảng viên chi bộ Yên Sơn số 01-BC/TKT ngày 04 tháng 9 năm 2009 của Tổ kiểm tra Đảng Ủy – BCH Đảng bộ xã Nghĩa Trung (bút lục 1813) – như đã nêu ở phần trên.

Trong 04 quyết định trên để thực hiện việc giao đất và thu tiền khi có quyết định của UBND huyện Việt Yên, UBND xã Nghĩa Trung giao cho Ban quản lý thôn Yên Sơn. Ban quản lý thôn Yên Sơn đã tổ chức hội nghị họp giữa Ban quản lý thôn với các hộ dân, thống nhất nâng giá giao đất.

Như vậy, việc làm của ông Thân Văn Tư không phải là tự phát mang tính cá nhân mà mang tính tập thể có sự đoàn kết nhất trí với các hộ dân thông qua các cuộc họp và hội nghị giữa ban lãnh đạo thôn với người dân. Vì vậy, không thể quy kết, áp đặt cho rằng ông Tư tự ý nâng giá bồi thường giải phòng mặt bằng và nâng giá đất cao hơn so với giá đất trong 04 quyết định nêu trên.Cáo buộc của VKS là vô lý, không phù hợp với thực tế khách quan.

Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 08 năm 2012 của Bộ Nội Vụ “Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố” quy định:

Điều 5. Nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố

1. Cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định những nội dung theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;bàn và quyết định trực tiếp việc thực hiện các công việc tự quản không trái với quy định của pháp luật trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, xóa đói, giảm nghèo…”

điểm a, b,c khoản 1 Điều 10 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 08 năm 2012 của Bộ Nội Vụ “Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố” quy định:

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố .

1. Nhiệm vụ:                         

a) Bảo đảm các hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này;

b) Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố;

c) Triển khai thực hiện những nội dung do cộng đồng dân cư của thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp; tổ chức nhân dân trong thôn, tổ dân phố thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nhiệm vụ do cấp trên giao.”

Như vậy, việc tổ chức họp bàn lấy ý kiến và triển khai thực hiện ý kiến của nhân dân về việc tự nguyện đóng góp xây dựng thôn và hỗ trợ bồi thường cho những hộ dân bị thu hồi đất của ông Thân Văn Tư là hoàn toàn đúng với nhiệm vụ, quyền hạn của một trưởng thôn.

Thứ 3:Cáo trạng số 02/KSĐT-KTCV ngày 25/4/2016 cho rằng: ông Thân Văn Tư tự ý tách thửa 35 lô đất thành 37 lô đất;lấy tên các hộ dân trong thôn làm đơn xin cấp đất để được giao đất gây thiệt hại cho những người dân mua đất 1.116.660.000 đồng (một tỷ, một trăm mười sáu triệu, sáu trăm sáu mươi nghìn đồng)”. Về nội dung này chúng tôi có quan điểm như sau:

Một là, Theo danh sách các hộ gia đình cá nhân làm đơn xin giao đất làm nhà ở tại khu Đồng Cổ Đèo, Bãi Cầu, thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung kèm theo quyết định 278 ngày 6/8/2009 của UBND huyện Việt Yên về việc giao đất cho các hộ trên cho thấy họ đều có nguyện vọng được giao đất làm nhà ở. Trên cơ sở đó, UBND xã Nghĩa Trung đã có quyết định thành lập Hội đồng tư vấn giao đất ở năm 2008 vào ngày 6/10/2008. Ông Thân Văn Tư có  tên trong danh sách đó và là thành viên của Hội đồng. Ngày 15/11/2008, HĐND xã Nghĩa Trung ban hanh Nghị Quyết về việc xin giao đất ở cho nhân dân thôn Yên Sơn.

 Như vậy, ông Thân Văn Tư với vai trò Trưởng thôn Yên Sơn là thành viên trongHội đồng tư vấn có trách nhiệm thực thi theo Nghị quyết của HĐND xã Nghĩa Trung là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. VKSND tỉnh Bắc Giang buộc tội cho rằng ông tự ý tách 35 thửa đất thành 37 lô là trái thẩm quyền là không có căn cứ

Mặt khác, kết luận điều tra bổ sung số 126/KLĐT-PC46 ngày 28/9/2014 cũng đã “Đề nghị VKSND tỉnh Bắc Giang không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị can Tư về hành vi thu số tiền 45.000.000 đồng mà Ban lãnh đạo thôn Yên Sơn thu của hai hộ dân liên quan đến hành vi tách 6 lô đất thành 8 lô đất”.

Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã tiến hành trưng cầu giám định các “Đơn đề nghị xin cấp đất” của 35 hộ dân trên và có kết luận Giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang số 358/KL-PC54 ngày 8/4/2016 là “Đơn xin giao đất”của các hộ Thân Văn Tạo, Thân Văn Hùng, Dương Xuân Trường, Thân Ngọc Hồi, Dương Văn Mỹ, Thân Văn Lợi không phải chữ viết và chữ ký của những người này trong đơn mà do ông Thân Văn Tư tự lập đưa tên họ vào.

Về việc này, Tại thời điểm đó các hộ trên đều có đơn viết tay nhưng không đúng biểu mẫu và do những người này có nhờ ông viết ký hộ nên khi cần làm đơn cho xong hồ sơ để trình lên UBND xã Nghĩa Trung thẩm định, xét duyệt, ông Thân Văn Tư đã làm thay họ. Sau đó các hộ dân đã nộp các Đơn này lên xã, để ban địa chính xã thẩm tra xác minh họ có đủ điều kiện được cấp và giao đất hay không rồi mới làm tờ trình lên huyện thẩm định cấp sổ đỏ. Như vậy, với việc trước đó các hộ dân đã có tên trong danh sách xin giao đất ở và đã được xét duyệt ở cơ sở và làm xong sổ đỏ không gây ra hậu quả.Vì vậy, việc làm trên của ông Tư chúng tôi cho rằng đều xuất phát từ việc công và vì dân phục vụ. Do đó, nếu dùng lỗi này để cáo buộc ông “Lạm quyền” là đã đánh giá không công bằng, đầy đủ những công sức ông đã tận tình giải quyêt “Việc Dân”, đem lại lợi ích cho dân.

Hai là,“Thiệt hại” được hiểu là: bị mất mát về người, về của cải vật chất hoặc tinh thần. Trong vụ việc này, số tiền mà người dân tự nguyện đóng góp đều được dùng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội của thôn Yên Sơn. Nhìn từ hiện thực khách quan không thể nói những việc làm của ông Thân Văn Tư gây thiệt hại cho nhân dân mà nó có hiệu quả mang đến lợi ích thiết thực và to lớn cho toàn thể nhân dân. Bản thân ông thân Văn Tư không khác nào là cánh tay nối dài cho UBND xã và của cấp chính quyền phục vụ tốt trong công tác xây dựng và phát triển cho quần chúng nhân dân.

“Bản Kết luận Điều tra bổ sung vụ án”số 89/KLĐT-PC46 ngày 03 tháng 07 năm 2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bắc Giang đã nêu:

2. Điều tra làm rõ hiện nay có bao nhiêu hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tổng số những hộ được giao đất theo 04 quyết định của UBND huyện Việt Yên. Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bắc Giang xác định:

– Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 21/12/2005 của UBND huyện Việt Yên về việc giao đất ở cho 30 hộ dân thôn Yên Sơn. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Việt Yên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 30 hộ.

– Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 28/12/2006 của UBND huyện Việt Yên về việc giao đất ở cho 36 hộ dân thôn Yên Sơn. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Việt Yên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 36 hộ.

– Quyết định số 1194/QĐ-UBND ngày 29/08/2008 của UBND huyện Việt Yên về việc giao đất ở cho 30 hộ dân thôn Yên Sơn. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Việt Yên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 30 hộ.

– Quyết định số 278/QĐ-UBND ngày 06/08/2009 của UBND huyện Việt Yên về việc giao đất ở cho 35 hộ dân thôn Yên Sơn. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Việt Yên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 29 hộ”.

Công văn số 785/CV-VKS-P1 ngày 21 tháng 8 năm 2015 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang: còn 08 hộ dân mua đất nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đều phải tuân theo các trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Đất đai, hoàn toàn là thủ tục hành chính chứ không phải do việc làm của ông Thân Văn Tư.

Đặc biệt, qua 05 ngày tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm từ ngày 11/11/2016 cho đến ngày 17/11/2015 diễn biến tại phiên tòa thẩm vấn công khai càng làm sáng tỏ bản chất của sự việc, của những người trong cuộc như:

+ Bên Nguyên đơn dân sự (Anh Nguyễn Xuân Điệp – Đại diện UBND huyện Việt Yên)đã xác định không có thiệt hại, không yêu cầu và có đơn thư gì đối với 02 Bị Cáo Thân Văn Tư và Bị Cáo Nguyễn Đức Sổ cũng như ban lãnh đạo thôn Yên Sơn, về việc đơn thư tố cáo về đất đai phải tuân theo trình tự thủ tục hành chính. Ở thời điểm trước năm 2005 cho đến 2009, Về nghĩa vụ không có nợ thuế đối với 04 Quyết định nêu trên. Không những thế ngay bản thân các cấp chính quyền, có chủ trương từ tỉnh Bắc Giang cho phép các cấp dưới UBND cấp huyện, cấp xã được tự thu, bù chi, tự hoạch toán khấu trừ, trong vấn đề tài chính để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp, ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ những diện tích đất xen kẹt, cũng được linh động để xử lý.

Ba là,Đối với 6 hộ dân chia tách thành 8 lô, đó là ý chí trong nội bộ gia đình của các hộ chưa thống nhất, chưa hề có đơn thư để UBND xã và các cấp xử lý, nên đại diện cho UBND sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, yêu cầu các hộ dân chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất làm đúng trình tự để cấp có thẩm quyền xem xét.

Như vậy, việc làm của Ông Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ chỉ là người giúp việc cho UBND, được UBND, Chi bộ giao phó lấy  ý kiến đề nghị của các hộ dân. Sau đó ông Tư báo cáo Chi bộ, Chi bộ trình lên UBND xã, UBND xã trình lên huyện, thẩm quyền giải quyết trực tiếp là của xã và huyện chứ không phải là trưởng thôn giải quyết việc cấp Sổ đỏ cho các hộ dân được. Những trường hợp không có tên trong quyết định giao đất cũng đã được điều chỉnh vì phải làm theo trình tự, nên cho đến nay các hộ dân đều được cấp sổ đỏ, ổn định trật tự tại địa phương.

Thứ 4: Cáo trạng buộc tội những việc làm của ông Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ vi phạm Luật kế toán và Ngân sách Nhà nước

Chúng tôi có quan điểm phản biện lại như sau:

Một là,Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 quy định tại điểm p, điểm q khoản 1 Điều 32 về nguồn thu của Ngân sách địa phương bao gồm:

p) huy động từ các tổ chức cá nhân ở trong nước và ngoài nước;

q) Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì việc làm của ông Tư và anh Sổ nói chung và nhân dân tự nguyện đóng góp nói riêng là hoàn toàn phù hợp với luật Ngân sách Nhà nước góp phần cho địa phương có khoản thu chi.

Hai là, việc lập danh sách các hộ dân tự nguyện đóng góp cùng với giá sàn quy định chung một phiếu thu gây lên hiểu lầm trong nhân dân và các cơ quan tố tụng cho rằng vi phạm luật kế toán về ghi thu chi. Chúng tôi cho rằng cơ quan điều tra tự lập lên danh sách mới cho rằng đây là khoản chênh lệch mới thực sự gây hiểu lầm cho dân và bóp méo sự thật. Dẫn đến án tại hồ sơ và khởi tố ông Tư và anh Sổ là không khách quan.

2. Về tội danh “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” của ông Thân Văn Tự bị Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang truy tố theo các điểm b, c khoản 2 Điều 282 BLHS.

Chúng tôi cho rằng việc truy tố của VKS không có căn cứ vì tội danh trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với trường hợp của ông Thân Văn Tư vì những lẽ sau:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 282 Bộ Luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” được định nghĩa như sau: “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác vượt quá quyền hạncủa mình làm trái công vụ được giao gây thiệt hạicho lợi ích của Nhà nước, của xã hội,quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.” Vậy, trong vụ án này hành vi của ông Thân Văn Tư đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu trong định nghĩa hay chưa? Qua các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ chúng tôi có một số ý kiến để HĐXX xem xét trong quá trình giải quyết vụ án như sau:

Thứ nhất: Những việc làm của ông Thân Văn Tư đối với nhân dân thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung không vì “vụ lợi hay động cơ cá nhân khác” mà hoàn toàn vì mong muốn tự nguyện và lợi ích của toàn thể nhân dân trong thôn.

Biên bản ghi lời khai ngày 07 tháng 02 năm 2012, ông Thân Văn Tư khai: Do nguồn kinh phí của thôn eo hẹp vì vậy ban lãnh đạo thôn Yên Sơn đã thống nhất và được sự nhất trí đồng thuận của các hộ dân nâng giá đất cao hơn giá đất theo quyết định của UBND huyện Việt Yên. Số tiền chênh lệch thu được Ban lãnh đạo thôn Yên Sơn đã sử dụng vào công việc như: nạo vét kênh mương, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng…” (BL 1661).Biên bản ghi lời khai ngày 15 tháng 7 năm 2013, Thân Văn Tư khai: “Việc thu tiền của chúng tôi vì mục đích chung của tập thể, lợi ích của nhân dân trong thôn.”(BL 1673). Như vậy, trong ý chí chủ quan của ông Thân Văn Tư kêu gọi nhân dân tự nguyện đóng góp là để xây dựng, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, phục vụ lợi ích của toàn thể nhân dân trong thôn.

Hơn nữa, trong “Bản Kết luận điều tra vụ án” số 115/KL-PC46ngày 07 tháng 10 năm 2013“Cáo trạng” số 03/KSĐT-KTCVngày 12 tháng 11 năm 2014 đều không chứng minh được ông Thân Văn Tư đã tư lợi cá nhân số tiền là bao nhiêu thông qua hành vi của mình. Cả hai văn bản trên đều nêu một cách thống nhất về quá trình sử dụng tiền có các khoản chi như sau: Nộp vào ngân sách Nhà nước theo các quyết định của UBND huyện Việt Yên; Chi bồi thường giải phóng mặt bằng; Chi để xây dựng Nhà văn hóa thôn Yên Sơn; Chi để cải tạo hồ thôn Yên Sơn; Các khoản chi khác: xây cống thả tầm, giải đường giao thông nội đồng, xây dựng mương cứng, múc mương, lắp đặt loa truyền thanh, trả nợ cũ, xây Nhà thờ tổ, xây Chùa thôn Yên Sơn…Số tiền mà Ban lãnh đạo thôn Yên Sơn thực tế đã chi nhiều hơn so với số tiền thu được từ việc giao đất là minh chứng rõ ràng hơn cho việc: ông Thân Văn Tư không vụ lợi trong vụ việc này.

Kính thưa HĐXX!

Động cơ phạm tội của người phạm tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” là dấu hiệu bắt buộc.Điều này cũng được thể hiện ở ngay câu đầu tiên của điều văn: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Nếu không xác định được động cơ của người phạm tộithì hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chưa cấu thành tội phạm này. Qua quá điều tra, truy tố và diễn biến tại các phiên tòa trước, các cơ quan tố tụng đều không làm rõ được động cơ cá nhân hay động cơ vụ lợi của ông Thân Văn Tư. Cho nên, không thể quy kết ông Tư phạm tội này được.

Thứ 2, về tình tiết định khung theo điểm b khoản 2 Điều 285: phạm tội nhiều lần.

Đây là tình tiết định khung tăng nặng, tuy nhiên nhiều lần ở đây được hiểu là từ hai lần trở lên.

Căn cứ vào hồ vụ án cho thấy trong suốt quá trình làm trưởng thôn và thực hiện việc giao đất cho các hộ dân theo các quyết định của UBND huyện Việt Yên ông Thân Văn Tư luôn hoàn thành nhiệm vụ, không bị nhắc nhở, có sai phạm gì. Chỉ khi phát hiện ra sai phạm thì ông bị xử lý kỷ luật theo quyết định của UBND xã Nghĩa Chung và thôi không đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn từ đó đến nay. Vì vậy, VKS truy tố các hành vi vi phạm của ông do mắc sai phạm tự ý nâng giá đất theo các quyết định của UBND huyện Việt Yên vào các năm 2005, 2006, 2008, 2009 là hoàn toàn không đúng thực tế vì như trên chúng tôi đã nhận định phân tích các hộ dân hoàn toàn tự nguyện và đồng thuận với chủ trương của ban lãnh đạo thôn Yên Sơn đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, các công trình phúc lợi cho địa phương.

Thứ 3: Về tình tiết định khung gây hậu quả nghiêm trọng theo điểm c

Các hộ dân được giao đất, mua đất tại thôn Yên Sơn (Đại diện là những ông/bà: Dương Văn Xuyên, Nguyễn Thị Hoa, Vi Thị Dung, Thân Ngọc Hồi, Dương Tiến Nhượng, Thân Văn Hoa, Thân Văn Thắng, Dương Xuân Tùng, Thân Ngọc Hiền, Dương Văn Tới, Thân Văn Lường, Nguyễn Thị Cầm, Dương Văn Yên, Phạm Văn Hạnh, Hà Thị Tý, Thân Văn Lai, Thân Hồng Đăng, Thân Văn Hoàn, Nguyễn Hữu Lập, Nguyễn Thị Nhung, Thân Thị Trang, Dương Văn Tiến, Thân Hồng Quyết, Thân Văn Lai, Phạm Nguyên Sứ, Nguyễn Thị Văn…)Với tổng số hơn 109 hộ dân đã xác nhận tự nguyện đóng góp biết rõ giá nhà nước, giá hỗ trợ cũng như xây dựng công trình phúc lợi cho xã thay đổi bản chất của việc Nâng khống hay giá chênh lệch theo 4 quyết định nói trên.  – Những người tham gia vụ án này với vai trò là: Bị hại, đã có Đơn kiến nghị (Có xác nhận của chính quyền địa phương: ông Đỗ Văn Hùng – Phó Chủ tịch xã; ông Thân Văn Đoàn, ông Thân Hồng Quyết,  ông Nguyễn Thanh Tùng – Ban lãnh đạo thôn Yên Sơn) với nội dung như sau:

“Tất cả những hành vi vi phạm của ông Tư và ông Sổ đều đã bị kỷ luật hành chính tại UBND xã Nghĩa Trung. Điều đó là đúng với pháp luật, bởi vì mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần, hơn nữa tiền thu theo 4 quyết định là đúng và đủ.

 –  Số tiền tự nguyện đóng góp xây dựng là do dân chúng tôi tự đề  xuất. Ban lãnh đạo thôn chỉ với vai trò thay mặt báo cáo về UBND xã và đã được chấp thuận và đồng ý ủng hộ, với mục đích là để xây dựng công trình phúc lợi.

 – Tiền hỗ trợ của Ban lãnh đạo đối với các hộ mất đất là do thôn cân đối việc xây dựng và trả lại một phần cho chúng tôi, hoàn toàn không liên quan đến quyết định đền bù của nhà nước.

– Việc xây dựng và việc tự nguyện đóng góp là do nhân dân chúng tôi đề xuất cho lãnh đạo thôn, chi bộ và UBND xã thông qua các buổi họp toàn dân đã đồng tình ủng hộ và được phát trên loa truyền thanh hàng tuần hàng tháng. Chúng tôi đã hoàn toàn nhất trí vì đây là việc làm vì lợi ích chung của toàn dân.

Hiện nay chúng tôi vẫn đang được hưởng lợi từ những việc làm có ích này: mương cứng, đường bê tông, nhà văn hóa, mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội và cho chính gia đình chúng tôi. Chúng tôi không thiệt hại gì, mà trái lại còn đang được hưởng lợi.Chúng tôi không hề có yêu cầu gì về số tiền mà chúng tôi đã tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương.”

Tại các biên bản ghi lời khai năm 2016, BL 2499, BL 2503, BL 2507, BL 2510, BL 2514, BL 2518- 2519, các hộ dân như Thân Văn Chín, Hoàng Văn Liệu, Phạm Văn Thật, Thân Văn Thắng, Thân Văn Hoa, Thân Thị Hằng đều khai với cơ quan điều tra và cho rằng: “Toàn bộ số tiền chênh lệch đã nộp cho ban lãnh đạo thôn Yên Sơn là do họ tự nguyện với mục đích đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của thôn”.

Như vậy, việc làm của ông Thân Văn Tư không gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân thôn Yên Sơn. Bởi vậy, truy tố của VKS theo điểm c gây hậu quả nghiêm trọng là không phù hợp với thực tế.

Thứ tư:Những việc làm sai phạm của ông Thân Văn Tư và anh Nguyễn Đức Sổ đã được UBND xã Nghĩa Trung xử lý kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” và “Khiển trách”.

Quyết định số 53/QĐ-UBND của UBND xã Nghĩa Trung ngày 10 tháng 05 năm 2010 “Về việc xử lý kỷ luật cán bộ” đã nêu:

Điều 1. Kỷ luật cán bộ Trưởng thôn, Phó thôn Yên Sơn đã vi phạm khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ từ tháng 01 năm 2008 đến tháng 6 năm 2009 về những lĩnh vực sau:

–       Vi phạm quản lý đất đai;

–       Vi phạm quản lý thu chi kinh tế – tài chính thôn.

Điều 2. Hình thức kỷ luật:

–       Xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông Thân Văn Tư – Trưởng thôn.

–       Xử lý kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Đức Sổ – Phó thôn.”

Trong “Đơn Kêu cứu khẩn cấp” ông Thân Văn Tư – Có sự xác nhận của chính quyền địa phương xã Nghĩa Trung:Ngày 15/12/2014, ông Hoàng Du Khánh – Nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung (Hội đồng kỷ luật xã 2010), xác nhận nội dung kỷ luật nêu trong đơn của ông Thân Văn Tư là đúng sự thật;  Ông Vũ Đình Hoan – Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cùng thời kỳ, xác nhận nội dung kỷ luật nêu trong đơn và chữ ký của ông Khánh – Nguyên Chủ tịch xã là đúng sự thật;Ngày 16/12/2014, Ông Đặng Hữu Trí nguyên Chủ tịch UBMTTQ xã Nghĩa Trung từ năm 2003 tới năm 2013,  xác nhận nội dung ông Thân Văn Tư nêu trong đơn đã bị Hội đồng kỷ luật xã Nghĩa Trung xử lý kỷ luật là đúng; UBND xã Nghĩa Trung xác nhận: “Các nội dung vi phạm nêu trong đơn ông Tư trình bày đã được UBND xã xem xét xử lý kỷ luật năm 2010 là đúng. Chữ ký và xác nhận của ông Hoàng Du Khánh – Chủ tịch, ông Vũ Đình Hoan – Bí thư Đảng bộ, ông Đặng Hữu Trí ở trên là đúng.trình bày như sau:

Nội dung vi phạm dẫn đến bị kỷ luật:

Về đất đai: Buông lỏng quản lý đất đai, ở trong thôn để cho một số hộ lấn chiếm không lập biên bản báo cáo Ủy ban kịp thời việc thực hiện các quyết định giao đất ở của huyện Việt Yên cho nhân dân nhiều hộ không đúng tên như tên trong quyết định giao đất ở của huyện, tự ý tách 06 lô đất ở theo quyết định thành 08 lô đất – nhưng số tiền tổng thu vẫn đúng theo quyết định của Huyện.

Về tài chính: Vi phạm nguyên tắc thu chi tài chính. Cụ thể là thu tiền hợp thức hóa đất ở đối với các hộ lấn chiếm để ở quỹ thôn không nộp vào ngân sách xã. Lập phiếu thu tiền đất ở theo các quyết định giao đất của Nhà nước gộp chung với tiền tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trong thôn vào một.Như vậy đã vi phạm luật thu chi ngân sách, vô tình đã thể hiện sai lệch số tiền thu theo quyết định của UBND huyện Việt Yên.

Với những sai phạm này, tôi và anh Nguyễn Đức Sổ đã được cấp xã chỉ rõ và chịu sự kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” – đối với tôi và “Khiển trách” – đối với anh Nguyễn Đức Sổ. Năm 2010 có quyết định kỷ luật và được thông báo rộng với các ban ngành ở xã và thôn Yên Sơn.”

Điểm a, b khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định:

Điều 78. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ

1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;…”

Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ “Về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức” quy định:

Điều 5. Các nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

4. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cán bộ, công chức có nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và chịu hình thức kỷ luật cao hơn một mức.”

Tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số  01/2014 ngày 23/01/2014 (BL 1782) của TAND tỉnh Bắc Giang do ông Thân Quôc Hùng ký có nội dung: “Điều tra xác minh làm rõ việc bị cáo Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ bị xử lý kỷ luật về vấn đề gì? Có trùng với hành vi mà Viện kiểm sát đang truy tố với bị can Tư và Sổ không? Để từ đó mới đảm bảo được quyền lợi của các bị can (một hành vi không thể bị xử lý 02 lần)”.

Ngày 15 tháng 4 năm 2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bắc Giang đã có công văn số 601/CV-PC46 gửi UBND xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang về việc “Đề nghị hủy quyết định xử lý kỷ luật đối với bị can Tư và Sổ”.Ngày 05 tháng 5 năm 2014, UBND xã Nghĩa Trung đã có công văn số 95/UBND-VP trả lời công văn số 601/CV-PC46, như sau:

Ngày 16/4/2014, UBND xã Nghĩa Trung đã nhận được Công văn số 601/CV-PC46 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang về việc đề nghị hủy quyết định xử lý kỷ luật đối với các bị can Tư và Sổ. UBND xã Nghĩa Trung thấy trong thời gian ông Thân Văn Tư và ông Nguyễn Đức Sổ làm Trưởng thôn, Phó thôn đã có những vi phạm về quản lý đất đai; vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Sau khi phát hiện những sai phạm của hai ông Tư và Sổ, UBND xã đã tiến hành thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật đối với hai ông Tư và Sổ. Căn cứ vào những sai phạm trên, việc tự ý tách 06 lô thành 08 lô đất trên hai ông không có mục đích cá nhân cũng như có thu lợi bất chính nên UBND xã đã quyết định xử lý kỷ luật đối với hai ông Tư và Sổ theo quy định.

Hiện nay hai ông Thân Văn Tư và ông Nguyễn Đức Sổ đã chấp hành xong quyết định kỷ luật được hơn 03 năm và Hội đồng xét kỷ luật hai ông Tư và Sổ không có ý kiến gì khác, cũng như dựa trên các quy định về xét kỷ luật cán bộ của Đảng cũng như các quy định về xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu đã hết. Do đó, UBND xã không có cơ sở để ra quyết định hủy những nội dung liên quan theo công văn của quý cơ quan.”

Như vậy theo văn bản trả lời của UBND xã Nghĩa Trung cùng với quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND tỉnh cho thấy Tòa đã có nhận thức nếu các bị cáo Tư và Sổ đã bị xử lý kỷ luật ở địa phương không thể áp dụng chế tài hình sự đối với họ vì một hành vi không thể bị xử lý 02 lần

3.  Đối với Bị Cáo Nguyễn Đức Sổ

 Ông Nguyễn Đức Sổ trình bày:vì trình độ và hiểu biết còn hạn hẹp nên mới ghi hai khoản thu (đã cộng với nhau) vào một phiếu chi dẫn tới sự hiểu nhầm của cơ quan điều tra cũng như của đại diện Viện Kiểm Sát về “chênh lệch giá tiền”, theo như Bị Cáo Sổ đã khẳng định, ông quyết toán xong cho Nhà Nước theo 04 quyết định, hoàn thành trách nhiệm của mình khi được giao phó. Trong các chứng từ phiếu thu ông đã thể hiện rõ 02 cột, Cột thứ nhất là số tiền theo quyết định Nhà Nước, Cột còn lại là số tiền tự nguyện do dân đóng góp cũng như việc ông công khai, công bố danh sách tên các hộ dân về khoản thu chi tài chính, của mình đối với cấp chính quyền và nhân dân theo từng quyết định, ông không tự ý thu trước khi có quyết định, việc làm của ông đều được thông qua chi bộ thôn, bí thư và các cấp chính quyền xã, đã được nhất trí. Trách nhiệm của ông chỉ là ghi chép, thu tiền và nộp lại cho chính quyền. Trong kết luận điều tra khẳng định không có việc ông Sổ Và Ông Tư thu khoản tiền trên để trục lợi bất chính. Việc làm nêu trên của 02 Bị Cáo là đúng mục đích, theo nguyện vọng của nhân dân cũng như sự ủng hộ đồng tình của chính quyền, nhất trí và đã được thông qua.

+ Ông Sổ tham gia trong việc đo đạc 6 lô đất với vai trò đứng ra làm chứng và được Bí Thư An là người có tên trong danh sách ký biên bản thỏa thuận với nội bộ gia đình, còn việc có cấp sổ đỏ hay không thì phải trình lên UBND xã và xã trình lên UBND huyện, lúc đó thẩm quyền của huyện mới giải quyết, ông không tự ý hay giải quyết được việc đó. Bản thân Cơ quan điều tra đã xác định việc ông làm là chưa đủ cơ sở để xử lý.

 Ông Sổ là Đảng viên – Đảng cộng sản Việt Nam, luôn luôn sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Với tư cách là đảng viên qua các cuộc họp chi bộ thôn, ông đều có báo cáo tới Bí Thư, tới UBND, tới các cấp chính quyền liên quan đến việc thực hiện theo 04 quyết định, cũng như việc thu số tiền tự nguyện của nhân dân đóng góp.

+ Đơn thư của 109 hộ dân đề nghị khẩn cấp Quý tòa không có thiệt hại về tinh thần và vật chất và các hộ dân không yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Các hộ dân có mặt tại phiên tòa, khi Chủ tọa, Kiểm sát viên, Luật sư thẩm vấn công khai, các hộ dân đều cho rằng khi làm việc với cơ quan điều tra họ không hiểu từ nâng giá, giá chênh lệch, Luật sư đã xuất trình chứng cứ văn bản có trong hồ sơ tố tụng về phiếu thu chi trong đó có phần tiền thu của Nhà Nước và số tiền tự nguyện đóng góp, có chữ ký của từng hộ. Các hộ dân khẳng định là Bị cáo Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ làm đúng theo 04 quyết định của Nhà Nước không có nâng giá, hoặc làm chênh lệch giá. Số tiền thu thêm là do các hộ dân tự nguyện đóng góp không có sự ép buộc nào, mà Bị Cáo Sổ, Bị cáo Tư đã có các cuộc họp công khai, được thông qua toàn dân, qua chi bộ, Bí Thư, thông qua Cấp chính quyền.

Điều đáng nói trong thời gian đó không hề có đơn thư khiếu nại tố cáo nào đối với ông Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ.

Những căn cứ nêu trên cho thấy, liệu việc truy cứu trách nhiệm hình sự với những sai phạm của ông Thân Văn Tư và anh Nguyễn Đức Sổ có bất thường hay không?có hình sự hóa hay không? – Khi các bị cáo đã được xử lý kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” và “Khiển trách”.

  1. Về lời khai của ông Dương Đức An tại Tòa

Qua thẩm vấn xét hỏi công khai tại tòa lần này cho thấy lời khai của An cho rằng trong các cuộc họp của chi bộ thôn Yên Sơn đều không đề cập đến chủ trương thu tiền tự nguyện của dân để xây dựng cơ sở hạ tầng trong thôn. Chúng tôi nhận thấy lời khai của ông là không chính xác, khách quan bởi lẽ những người nguyên là lãnh đạo đảng bộ thôn Yên Sơn như ông Thân Hồng Quyết, ông Ngô Minh Thống, đảng viên lão thành Nguyễn Như Ý đều khẳng định tại tất cả các cuộc họp từ năm 2005 đến 2010 ông An là phó bí thư rồi làm bí thư chi bộ đều tham gia và biết việc này. Điều đó được thể hiện trong việc các cuộc họp đều lập thành văn bản, có chữ ký của mọi người được lập thành “Sổ Nghị Quyết”. Hơn nữa, ông An còn tham gia vào việc ký một số công trình xây dựng hạ tầng trong thôn. Đồng thời có tham gia vào ký biên bản của 6 lô thành 8 lô (BL 43).  Như vậy, việc phủ nhận sự thật, thoái thác trách nhiệm của ông An là do ý thức chủ quan của ông.

  1. Việc các hộ dân yêu cầu đòi lại tiền đã tự nguyện đóng góp

Chúng tôi cho rằng yêu cầu này của họ là vô lý và không có cơ sở vì bản thân họ đã nộp tiền có ký vào văn bản. Ông Tư và anh Sổ đã dùng số tiền của nhân dân tự nguyện đóng góp vào việc xây dụng cơ sở vật chất cho thôn, chứ không tư lợi riêng cho mình. Hiện nay, cả 2 không còn làm việc công trong thôn. Do đó, trách nhiệm giải quyết thuộc về ban lãnh đạo mới của Yên Sơn mang tính kế thừa về quyền và nghĩa vụ. Hơn nữa, nếu các hộ này không đồng tình có thể khởi kiện về một vụ án dân sự khác.

  1. Về việc tố cáo của ông Cư, Nhung, Hoạt.

Qua thẩm vấn, chúng tôi nhận thấy các khiếu nại, tố cáo của các ông chủ yếu liên quan đến việc đất đai. Qua ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Xuân Điệp của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Việt Yên và ông Hoàng Du Khánh nguyên là chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho thấy quy trình cấp sổ đỏ đều phải tuân theo trình tự thủ tục, thuộc thẩm quyền của xã xét duyệt, UBND huyện là cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ. Các hộ do chưa thỏa thuận, thống nhất được với nhau và chưa có văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Vì vậy chưa được xét duyệt.

  1. Về tố tụng.

Một là,Đây là vụ án phức tạp, kéo dài có Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 112 từ  ngày 7/12/2012; đến ngày 7/10/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang ra Bản kết luận điều tra vụ án số 115/KL-PC46(BL 1678); VKSND tỉnh Bắc Giang đã ba lần thay đổi bổ sung cáo trạng, cụ thể là: Cáo trạng số 06/KSĐT-KTCV ngày 22/11/2013(BL 1736), Cáo trạng số 03/KSĐT-KTCV ngày 12/11/2014 (BL1962); và Cáo trạng số 02/KSĐT-KTCV ngày 25/4/2016(BL 2616)khi đưa vụ án ra xét xử, TAND tỉnh Bắc Giang đã 04 lần xét xử phải trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án đó là: : Lần một với quyết định số 01/2004/HSST/QĐ vào ngày 23/01/2014 (BL 1782); Lần hai với quyết định số 05/2014 vào ngày 26/06/2014 (BL 1856); Lần ba với quyết định số 05a/2015/HSST/QĐ vào ngày 07/05/2015 (BL 2114 ); Lần tư với quyết định số 27/2015/HSTST-QĐ ngày 24/11/2015 (BL 2353 )

Đối chiếu với khoản 2  Điều 121 Bộ luật TTHS 2003 quy định về Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại thì:

“2. Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra”.

Như vậy, căn cứ vào điều luật nêu trên, rõ ràng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của cơ quan Tòa án đã quá 02 lần quy định, chứng tỏ các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang không những thiếu xót, không đủ chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của ông Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ khi quy kết họ phạm tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” mà còn để lại những hậu quả và hệ lụy đó là việc đang làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của hai công dân này cũng như các đương sự khác trong vụ án. Với thời gian vụ án đã kéo dài 03 năm, Tòa 04 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, Viện kiểm sát ra 03 cáo trạng.

Hai là,Tại phiên tòa sơ thẩm từ ngày 16/11/2015 cho đến ngày 19/11/2015, nguyên đơn dân sự  và những người bị hại gồm hơn 100 hộ dân đều khẳng định không bị thiệt hại gì, từ Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, các đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Ban Chấp hành Hội người Cao tuổi, Hội nông dân…thôn Yên Sơn đều cho rằng: “Những việc làm của ông Thân Văn Tư khi là trưởng thôn đương nhiệm cùng ban lãnh đạo thôn đã triển khai thực hiện công việc theo Nghị quyết của chi bộ thôn, xã và họp công khai với dân nên được sự đồng thuận, nhất trí cao của Nhân dân”.

Đặc biệt, tại phiên Tòa lần này các đương sự đều đề nghị Tòa thay đổi tư cách tham gia tố tụng của họ chuyển từ Nguyên đơn, người bị hại sang vai trò người làm chứng.

Mặt khác, khi tranh tụng tại Tòa, luật sư đã cung cấp được những chứng cứ chứng minh ông Thân Văn Tư không phạm tội như cáo buộc của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, đình chỉ vụ án. Nhưng không hiểu sao các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang vẫn tiến hành điều tra, truy tố tội danh trên với ông Thân Văn Tư với những nội dung cũ.

Ba là, Đây là vụ án còn nhiều mâu thuẫn, chưa được làm sáng tỏ nhưng cơ quan điều tra không cho tiến hành đối chất giữa ông Thân Văn Tư, Nguyễn Đức Sổ với những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bị hại nhưng đã tiến hành trưng cầu giám định và ra kết luận giám định về việc họ tự ý đưa tên những người không có trong danh sách vào “Đơn đề nghị giao đất” để buộc tội 02 bị cáo là vi phạm vào Điều 138 Bộ luật TTHS 2003.

  1. Đề nghị của luật sư tranh tụng:

Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: Trong vụ án này ông Thân Văn Tư không có động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân nào khác vượt quá quyền hạn của mình. Các quyết định, việc làm của ông đều làm theo Nghị quyết và chỉ đạo của UBND xã Nghĩa Trung, đã được bàn bạc, thảo luận giữa chính quyền xã, ban lãnh đạo thôn Yên Sơn với nhân dân. Được sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhân dân nên người dân ngoài việc biết được các thông tin do xã thôn cung cấp trên phương tiện truyền thanh, họp báo cơ sở đã tự nguyện đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất, các công trình phúc lợi cho địa phương. Hiện tại họ đều đang được hưởng lợi từ những đóng góp đó của mình. Như vậy, trong suốt quá trình công tác với cương vị là trưởng thôn, ông Thân Văn Tư đều vì dân hành động và không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào cho nhân dân. Mặc dù có sai sót nhưng ông đã chịu sự kỷ luật của UBND xã Nghĩa Trung.Do đó, không thể buộc tội miễn cưỡng và truy cứu trách nhiệm hình sự “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” với ông.

Chính vì các lẽ nêu trên:

Là luật sư Bào chữa cho ông Thân Văn Tư đang bị Viện Kiểm Sát luận tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Chúng tôi khẳng định 02 Bị Cáo Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ không đủ yếu tố, dấu hiệu cấu thành về hành vi phạm tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Đề nghị HĐXX tuyên 02 bị cáo Tư và Sổ không phạm tội.

Vì vậy, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn bộ nội dung vụ án một khách quan, toàn diện cùng những phân tích, đánh giá trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm không để làm oan người vô tội.

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!

Dịch vụ Luật sư chuyên bào chữa hình sự :Trong vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”

Tổng đài tư vấn luật hình sự online – 1900 599 979

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai