Bài bào chữa vụ án tranh chấp thương mại

857

BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN MÍA ĐƯỜNG TÂY NINH

Quan điểm của Luật sư Trừng đã được tòa sơ thẩm chấp nhận, Công ty Mía đường Tây Ninh đã thắng kiện, Công ty BMC kháng cáo. Luật sư Trừng tiếp tục bảo vệ quyền lợi của Công ty Mía đường Tây Ninh (CTMĐTN) ở cấp phúc thẩm. Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm.

Bản Tin Luật Sư xin giới thiệu lại toàn văn bài phát biểu bảo vệ quyền lợi cho Công ty Mía đường Tây Ninh để các đồng nghiệp nhất là các đồng nghiệp trẻ và các tập sự hành nghề luật sư tham khảo”.

Kính thưa Quý tòa,

Qua nghiên cứu bản án sơ thẩm, nội dung đơn kháng cáo và lời trình bày của đại diện bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, cho phép tôi được phát biểu quan điểm của tôi để bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn như sau:

1- Dây chuyền máy móc thiết bị có đảm bảo công suất 100 tấn sản phẩm/ngày.

Trước hết về thời gian nghiệm thu bàn giao, CTMĐTN đề nghị lùi lại ngày 30/4/2008 đã được Công ty BMC đồng ý, thì không thể nói CTMĐTN vi phạm thời gian nghiệm thu bàn giao.

Trong phụ kiện Hợp đồng số 6 ngày 15/10/2007 không có qui định 100 tấn SP/ngày đối với tất cả các loại củ mì có chữ bột khác nhau.

Trong đợt chạy nghiệm thu từ 27 đến 30 tháng 10 năm 2009 chính Công ty BMC đã cung cấp nguyên liệu củ mì có hàm lượng 29 chữ bột để chạy thử. Kết quả dây chuyền đạt công suất 100 tấn SP/ngày.

Tôi xin nhấn mạnh là Công ty BMC đã cung cấp nguyên liệu củ mì có hàm lượng trên chứ không phải phía nguyên đơn cung cấp. Và kết quả dây chuyền đạt 100 lần SP/ngày.

Về mặt pháp lý đây là một hình thức mặc nhiên thừa nhận của Công ty BMC về công suất 100 tấn SP/ngày với nguyên liệu củ mì có hàm lượng 29 chữ bột.

Kết quả này đã đạt đại diện 2 Công ty BMC và CTMĐTN thừa nhận trong biên bản ngày 31/10/2008 và cũng được nhắc lại trong các biên bản làm việc về sau. Vina Control cũng đã chứng nhận dây chuyền đạt công suất 100 tấn SP/ngày.

Nên theo tôi Công ty BMC không thể phủ nhận chính sự thừa nhận của mình, không thể cho rằng dây chuyền thiết bị không đảm bảo công suất 100 tấn SP/ngày với các loại nguyên liệu củ mì có chữ bột khác nhau.

2- Công ty BMC cho rằng trong dây chuyền thiết bị mà CTMĐTN bán cho Công ty BMC thiếu thiết bị cụ thể thiếu máy ép bã. Có phải như vậy không? Theo tôi không phải.

– Trong Danh mục thiết bị nhà máy chế biến thành bột mì 100 tấn SP/ngày, Ngọc Hồi KonTum đính kèm phụ kiện hợp đồng số 6.1 ngày 15/10/2007 hai bên không thỏa thuận là CTMĐTN có trách nhiệm cung cấp cho Công ty BMC máy ép bã.

Tuy vậy, CTMĐTN đã thể hiện thiện chí đồng ý lắp đặt thêm máy ép bã mì với điều kiện Công ty BMC phải nghiệm thu dây chuyền thiết bị trước, nhưng phía Công ty BMC không chấp nhận.

Nên về nguyên tắc dây chuyền thiết bị không có máy ép bã, không thể coi CTMĐTN vi phạm cam kết trong hợp đồng.

– Trong thực tế đã có nhà máy sản xuất tinh bột sắn mà dây chuyền thiết bị tương tự dây chuyền thiết bị mà CTMĐTN cung cấp cho Công ty BMC không có máy ép bã vẫn vận hành tốt.

Thí dụ Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu thuộc Công ty CP Vật tư Tổng hợp Thanh Hóa mà chính tôi đã đến trực tiếp tham quan, tôi đã xin cung cấp một số hình ảnh về nhà máy trên ở phiên tòa sơ thẩm.

3- Xe xúc lật

Công ty BMC cho rằng xe xúc lật mà CTMĐTN cung cấp là hàng cũ, không phải hàng mới và nguồn gốc không rõ ràng.

– Nhưng danh mục thiết bị đính kèm phụ lục hợp đồng số 6 đã ghi rõ là hàng secondhand nghĩa là hàng đã qua sử dụng nên Công ty BMC không thể yêu cầu CTMĐTN cung cấp hàng mới được.

Trong chứng thư giám định của Vina Control số 08G05ND0669-3 ngày 17/11/2008 cũng đã xác định là hàng đã qua sử dụng tức hàng secondhand và là hàng Nhật, như vậy là đùng theo thỏa thuận của 2 bên.

Chỉ có khác nhau về nhãn hiệu trong danh mục thiết bị ghi: nhãn hiệu Kimco nhưng hàng giao nhãn hiệu Komattsu nhưng dù là Kimco hay Komattsu thì đều là hàng Nhật nên theo tôi chất lượng hàng vẫn giống nhau.

4- Máy phát điện

Công ty BMC cho rằng máy phát điện không phải hiệu Cumin và không rõ nguồn gốc.

Trước hết tôi khẳng định máy phát điện có nguồn gốc rõ ràng: sản xuất tại Singapore, trong chứng thư giám định của Vina Control xác định là hàng Singapore và trong công văn ngày 26/1/2010, Vina Control đã khẳng định lại “xuất xứ của máy phát điện là Singapore là có cơ sở”.

Nhưng tôi thừa nhận máy phát điện không phải nhãn hiệu Cumin nhưng động cơ, bộ phận chính của máy máy phát điện nhãn hiệu Cumin và đặc biệt công suất thì đúng như danh mục thiết bị ghi.

Như vậy, mặc dù máy phát điện không phải nhãn hiệu Cumin, nhưng động cơ nhãn hiệu Cumin, công suất đúng như danh mục thiết bị nên máy phát điện mà CTMĐTN cung cấp cho Công ty BMC vẫn đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, Công ty BMC còn nêu ra vấn đề chuyển giao công nghệ. Chuyển giao công nghệ nói trong hợp đồng số 6 ngày 25/6/2007 và trong phụ kiện hợp đồng ngày 15/10/2007 phải hiểu là sau khi dây chuyền thiết bị được nghiệm thu, CTMĐTN có trách nhiệm hướng dẫn các kỹ thuật viên, công nhân của nhà máy về cách vận hành dây chuyền thiết bị. Nội dung chuyển giao công nghệ chỉ giới hạn trong phạm vi đó mà thôi.

Còn về bảo vệ môi trường cũng trong giới hạn là CTMĐTN khi lắp đặt dây chuyền thiết bị phải đảm bảo vệ sinh nơi lắp đặt dây chuyền thiết bị trên. Qua tất cả những điều mà tôi đã trình bày trên đây, tôi tin rằng Quý tòa đã thấy rõ ai vi phạm hợp đồng: Công ty BMC vi phạm hợp đồng hay CTMĐTN vi phạm hợp đồng.

Thực tế là CTMĐTN đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết nhưng Công ty BMC trì hoãn việc nghiệm thu chỉ nhằm mục đích giảm giá trị thanh toán theo hợp đồng. Và chính Công ty BMC đã vi phạm các cam kết trong hợp đồng gây thiệt hại cho CTMĐTN.

Từ những cơ sở mà chúng tôi đã trình bày trên đây, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm đã xem xét và quyết định buộc bị đơn Công ty BMC:

– Buộc Công ty BMCcó nghĩa vụ thanh toán cho CTMĐTN tiền gốc 19.000.000.000 đồng, tiền lãi 2.973.750.000 đồng (hai mốt tỷ chín trăm bảy ba triệu, bảy trăm năm mươi nghìn đồng).

– Đồng thời tòa sơ thẩm cũng quyết định CTMĐTN không có nghĩa vụ bảo hành đối với dây chuyền thiết bị nhà máy chế biến tinh bột khoai mì đã lắp đặt cho Công ty BMC tại thôn Nông Nhày II, xã Daknông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum.

Điều này có nghĩa Công ty BMc ngoài việc phải trả cho CTMĐTN số tiền 21.973.750.000 đồng Công ty BMC còn phải thực hiện nghĩa vụ được qui định ở Điều 4 Hợp đồng kinh tế số 06/HDKT ngày 25/6/2007 là phải thanh toán 5% tổng trị giá hợp đồng sau khi kết thúc thời gian bảo hành. Ở đây tòa sơ thẩm quyết định CTMĐTN được miễn thực hiện bảo hành, có nghĩa đã hết thời gian bảo hành.
Vậy số tiền mà Công ty BMC phải trả thêm cho CTMĐTN ở đây 5% tổng giá trị hợp đồng là 1,8 tỷ đồng.

Tôi cho rằng quyết định của Tòa án Sơ thẩm là hoàn toàn có căn cứ thực tế và pháp lý. Nên tôi đề nghị Quý tòa xét xử phúc thẩm xem xét và quyết định y án sơ thẩm và bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Xin cảm ơn Quý tòa.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai