Luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật Dragon – Đoàn luật sư Hà Nội. Là 2 luật sư của của bị hại và được sự chấp thuận của TAND cấp cao tại Hà Nội đã có mặt trong phiên tòa xét xử vụ án giết người tại Đống Đa Hà Nội với tư cách là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho anh Đỗ Văn Nam trong vụ án Huỳnh Công Chính cùng đồng phạm bị xét xử về tội danh “Cố ý gây thương tích và Giết người” theo quy định của BLHS 2015.
Qua trao đổi làm việc với các bị hại, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay. Hai luật sư bào chữa trình bày bản luận cứ với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:
1. Về tội danh cố ý gây thương tích
Cáo trạng số 270/CT-VKS-P2 của VKSND Hà Nội truy tố, các bị cáo: Huỳnh Công Chính, Trần Đức Minh, Vương Văn Nam và Nguyễn Công Thành về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 134 BLHS. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Đỗ Văn Nam đã rút đơn đối với các bị cáo Nguyễn Văn Cương, Doãn Tiến Nam về hành vi xâm hại đến sức khỏe. Theo đó, VKSND Hà Nội đề nghị đình chỉ vụ án đối với hai bị cáo trên. Cho nên, HĐXX cấp sơ thẩm đã chấp nhận và quyết định đình chỉ xét xử vụ án đối với Nguyễn Văn Cương, Doãn Tiến Nam theo khoản 2 Điều 155, Điều 282, Điều 299 BLTTHS năm 2015 là đúng pháp luật.
2. Về tội danh giết người.
Thứ nhất: về hành vi
Theo bản Cáo trạng số 270/CT-VKS-P2 ngày 17/07/2018 của VKSND TP. Hà Nội truy tố có nội dung: Do bực tức vì bị Nam “trọc” tức Đỗ Văn Nam đánh trên đường đi. Chính đã gọi điện cho Nguyễn Dũng Hà, Lê Đức Hoàn nói là vừa bị đánh và hẹn gặp nhau tại Cầu Voi (KUI) ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau đó, Chính đi vào chợ Mai Động mua 08 con dao bầu, bọc vào trong bao tải rồi để gốc cây bàng gần cầu. Khi nhóm Hoàn, Sơn, Tâm, Nghĩa và nhóm Hà, Khánh, Tuấn đến cầu KUI thì Chính bảo tất cả tháo biển kiểm soát xe máy và và lấy đồ (hung khí) để đi đánh Nam. Khi tất cả chuẩn bị xong thì Chính bảo tất cả đồng bọn đến quán karaoke 82 phố Phạm Ngọc Thạch. Tất cả đi đến gần cổng viện Bạch Mai, Chính bảo dừng lại mua khẩu trang để đeo với mục đích không bị người khác nhận diện. Sau đó, Chính bảo Hoàn chở đến bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tất cả nhóm đi vào trong sân bệnh viện và dừng trước cửa phòng cấp cứu. Chính xuống xe cầm 02 dao bầu chạy vào trước, Tâm cầm 01 dao Tông. Hà cầm 02 dao bầu chạy theo. Chính đi đến vị trí cáng gần dao chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt cổ của Nam. Tâm chạy đến đứng ở phía chân Nam, cầm dao tông ở tay phải chém liên tiếp vào người Nam.
Tại Bl 313-314 Trần Đức Minh khai nhận: “Tôi đi đến cổng chính Bệnh viện Bạch Ma, thấy Chính, Hà, Thành sứt, Nam béo và khoảng 5 thanh niên đeo khẩu trang bịt mặt. Tôi thấy Chính, Huy cùng 1 số thanh niên đeo khẩu trang bịt mặt cầm dao (chọc tiết lợn). Thành sứt đưa cho tôi 1 con dao, sau đó Chính gọi “Đi tìm thằng Nam trọc”. Cả nhóm hiểu ý là đi tìm Nam trọc để đánh”.
Lời khai của Huỳnh Công Chính tại các Bl 224-227, các biên bản hỏi cung bị can ngày 20/9/2017 – Bl 255-257 như sau:
“Nhìn thấy Nam trọc đang nằm trên xe cáng, tôi cầm dao ở tay phải chém liên tiếp vào vùng đầu, cổ của Nam; Nam giơ tay lên đỡ. Lúc này Tâm cũng đi đến, đứng bên phải Nam (tôi đứng bên phải), Tâm đứng sau tôi, chém liên tiếp vào Nam trọc. Hà nói “thôi”, đồng thời gạt tay tôi. Sau đó chúng tôi bỏ đi trốn như tôi đã khai trước đây”.
Như vậy, lời khai của Đức và Chính phù hợp với nhau. Từ những tình tiết như trong bản Cáo trạng truy tố của VKSND TP. Hà Nội nêu trên cho thấy: các bị cáo trong đó Huỳnh Công Chính với vai trò là người chủ mưu, khởi xướng đã chủ động chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội là mua 8 con dao bầu và giấu ở gần cầu KUI. Sau đó, Chính còn điện thoại liên hệ với các đồng phạm khác để lôi kéo, rủ rê thêm nhiều người đi đánh Nam. Các đối tượng đông người đi lùng sục tìm Nam từ bệnh viện Bạch Mai đến quán hát số 82 Phạm Ngọc Thạch rồi đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Cả nhóm mua khẩu trang bịt mặt, che biển số xe với mục đích không bị phát hiện. Đến nơi Chính, Tâm xông vào phòng cấp cứu đâm chém Nam dã man. Hành vi của các bị cáo là rất tàn bạo mang tính xã hội đen..
Kết luận giám định số 595/TTPY ngày 14/7/2017 của Trung tâm giám định pháp y, Sở Y tế Hà Nội đối với thương tích của Đỗ Văn Nam là 55%. Tại bản án sơ thẩm số 478/2018/HSST ngày 26/11/2018 của TAND TP. Hà Nội (trang 23) cũng đã nhận định rằng: “với vị trí thương tích của Đỗ Văn Nam là bị chém liên tiếp vào vùng mặt, cũng như tư thế chém của Huỳnh Công Chính thể hiện bị cáo nhằm mục đích tước đi sinh mạng của Đỗ Văn Nam, do được cấp cứu kịp thời nên hậu quả chết người không xảy ra mà Đỗ Văn Nam chỉ bị thương tích, tổn hại sức khỏe 55%. Đỗ Văn Nam không chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo”.
Như vậy, hành vi của các bị cáo nêu trên là nhằm mục đích giết người, tước đi sinh mạng sống của Nam. Đây là lỗi cố ý trả thù của Huỳnh Công Chính sau khi xảy ra xô xát trước đó với Nam tại quán Karaoke số 82 Phạm Ngọc Thạch.
Thứ hai: Về tình tiết tăng nặng
Như trên đã phân tích về mặt hành vi của Huỳnh Công Chính cùng các đồng phạm gây ra với Đỗ Văn Nam. Luật sư nhận định cho rằng: việc VKSND và TAND TP. Hà Nội truy tố, xét xử với các bị cáo theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là đúng nhưng chưa đầy đủ, còn thiếu xót. Bởi những lẽ sau:
Một là: căn cứ vào thực tế trước đó, Đỗ Văn Nam đã bị hành hung đánh thương tích 8% do lỗi của Huỳnh Công Chính, Trần Đức Minh, Vương Văn Kiên, Nguyễn Công Thành khiến Nam phải vào nhập viện điều trị, khám chữa bệnh tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Lúc này, tình trạng sức khỏe của Nam đã rất giảm sút phải nằm tại phòng cấp cứu và có gia đình cùng hai người bạn thân trông nom, chăm sóc là anh Minh và anh Tùng. Như vậy, tình trạng sức khỏe của Nam khi đó là rất yếu và không đủ sức để chống trả hay phòng vệ lại được nếu bị tấn công. Điều này phù hợp với quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 BLHS.
“Phạm tội đối với người trong tình trạng không thể tự vệ được..”
Hai là: các đối tượng Chính, Tâm đã thể hiện tính côn đồ, tàn ác dùng dao bầu chọc tiết lợn chém liên tiếp vào người của Nam nhằm tước đoạt mạng sống của Nam. Hành vi Chính, Tâm hai tay dùng hai dao bầu, dao tông chém Nam trong tình trạng không thể tự vệ được và nhằm vào các vùng trọng yếu trên cơ thể là đầu, cổ cho thấy sự dã man, tàn ác của các đối tượng máu lạnh giết người không biết ghê tay. Như vậy, đây là tình tiết tăng nặng phù hợp với quy định tại điểm m khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015:
“Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội”
Thứ ba: về hình phạt.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy, bản án sơ thẩm ra quyết định hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án là quá nhẹ, không đúng pháp luật. Như trên đã phân tích về tội danh, hành vi, các tình tiết tăng nặng của các bị cáo thì mặc dù các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51, gia đình các bị cáo có người thân có công với cách mạng, được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Đây là những tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51. Tuy nhiên, với những tình tiết tăng nặng tại điểm k, m khoản 1 Điều 52 BLHS như đã phân tích, luật sư cho rằng việc cấp Tòa sơ thẩm xử các bị cáo dưới khung hình phạt của khoản 1 Điều 123 là không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và không tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội đã gây ra cho Đỗ Văn Nam. Do đó, luật sư kiến nghị HĐXX xem xét khi lượng hình, thay đổi hình phạt với các bị cáo theo hướng tăng nặng.
Đối với yêu cầu hỗ trợ hàng tháng của bị hại. HĐXX thấy. Do Đỗ Văn Nam chỉ bị hạn chế về giọng nói, vẫn có khả năng lao động, mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Hoa Lư là cán bộ hưu trí, có lương hưu. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này.
Với những nội dung và quyết định trong bản án liên quan đến trách nhiệm bồi thường dân sự của TAND TP. Hà Nội như trên, luật sư nhận thấy:
Thứ nhất: căn cứ vào giấy nhận tiền ngày 21/06/2017- Bl 902 thì ông Lê Văn Nam mới bồi thường cho bị hại Nam số tiền là 20.000.000 đồng. Bà Lê Thị Hoa Lư mẹ của Nam cũng nhận số tiền bồi thường của bà Phạm Thị Minh Tuyển mẹ của bị cáo Nguyễn Minh Tuấn là 50.000.000 đồng. Tổng là 70.000.000 đồng. các số tiền còn lại các bị cáo đều nhờ gia đình nộp vào cơ quan thi hành án dân sự tự nguyện khắc phục hậu quả để lấy làm tình tiết giảm nhẹ đã được bản án sơ thẩm ghi nhận (tại trang 28).
Thứ hai: về việc áp dụng pháp luật trong vấn đề bồi thường của Tòa sơ thẩm, chúng tôi cho rằng việc TAND TP. Hà Nội áp dụng Nghị quyết số 03/2006 là không còn phù hợp nữa. Vì nghị quyết này chỉ có giá trị thực hiện và hướng dẫn BLDS năm 2005. Đến nay, BLDS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành. Do vậy, cần phải áp dụng các quy định tại Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm mới phù hợp. Bởi:
Một là: Cáo trạng số 270/CT-VKS-P2 của VKSND Hà Nội và bản án sơ thẩm số 478/2018/HSST của TAND TP. Hà Nội đều truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Như vậy, trong vụ án này, bị hại Đỗ Văn Nam bị xâm hại không những về sức khỏe là 8% theo tôi danh “Cố ý gây thương tích” mà còn bị các bị cáo phạm tội “Giết người” với thương tích rất nặng là 55%. Hệ quả để lại với bị hại Nam đến nay là rất nặng nề, không có gì bù đắp nổi. Trong nội dung “Đơn Đề nghị” ngày 7/9/2018 của bà Nguyễn Thị Hoa Lư là mẹ đẻ và đại diện hợp pháp của Đỗ Văn Nam gửi TAND TP. Hà Nội có nêu:
“Sau khi xảy ra vụ án do ảnh hưởng của thần kinh chưa được bình phục hẳn nên con trai tôi hay chửi bới lung tung nhiều lúc con tôi như 01 người bị thần kinh, miệng nói lảm nhảm, có lúc lại kêu la ầm ĩ, có lúc thì lại khóc, có lúc lại ngồi trầm tư không nói. Trong nhà chỉ có hai mẹ con nên nhiều khi tôi rất sợ hãi về những cử chỉ cũng như các hành động của con trai tôi. Với sức khỏe hiện nay con tôi bị tỉ lệ thương tật là tổng 63%, sau này con tôi muốn đi làm xe ôm hoặc lái xe tắc xi là công việc đơn giản nhất thì con tôi cũng không thể làm được vì lý do giọng nói không rõ (do bị chém đứt dây thanh quản) nên để kiếm được 01 khách hàng đi xe ôm hoặc nghe bộ đàm nhận lời trở khách đi xe tăc xi là một điều rất khó khăn. Do vậy, ngoài việc để có tiền duy trì cuộc sống hàng ngày, con trai tôi còn phải có nghĩa vụ thay tôi sau khi qua tôi qua đời thờ cúng tổ tiên”.
Đó là tất cả tâm thư của một người mẹ gửi tới TAND TP. Hà Nội nhưng đã không được chấp nhận. Chúng tôi thiết nghĩ với hành vi gây tội ác cho bị hại Nam của Chính và các đồng phạm thì đề nghị cấp dưỡng của bà Lư trong đơn và tại Tòa sơ thẩm là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với quy định của pháp luật theo Điều 591 BLDS năm 2015.Vì Đỗ Văn Nam hiện nay không còn khả năng lao động do ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe, thần kinh. Bà Lư là mẹ có lương hưu là để nuôi bản thân mình. Đúng ra, là một người con, Giang phải có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc mẹ lúc tuổi già nhưng ngược lại thì hiện tại bà Lư lại đang phải chăm sóc Nam. Đây là một nghịch lý mà nó bắt nguồn từ tội ác của các bị cáo đã gây ra hoàn cảnh thương tâm này. Do đó, luật sư tha thiết đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh thực tế của thân chủ chúng tôi để buộc các bị cáo phải có trách nhiệm về cấp dưỡng đối với Nam.
Hai là: Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị HĐXX áp dụng điều 590, 591 BLDS năm 2015 yêu cầu bồi thường dân sự cho bị hại.
Do bản án phúc thẩm là có hiệu lực, nên luật sư kiến nghị HĐXX xem xét buộc các bị cáo và những người liên quan là gia đình các bị cáo phải có trách nhiệm thực hiện bồi thường cho Đỗ Văn Nam theo quy định pháp luật.
4. ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ:
Từ những nhận định phân tích trên kết luận: trong vụ án này vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng Huỳnh Công Chính đã cùng các đồng phạm thực hiện hành vi xâm hại đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của anh Đỗ Văn Nam. Hệ quả để lại là anh Nam bị thiệt hại rất lớn về tinh thần, danh dự và gần như không còn khả năng lao động, làm việc. Bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo về hình phạt và trách nhiệm bồi thường dân sự là quá nhẹ không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo đã gây ra cho người khác. Cho nên, đã gây ra bức xúc cho gia đình bị hại và dư luận. Bởi thế, luật sư đề nghị HĐXX xem xét những nhận định, phân tích trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Yêu cầu của chúng tôi cụ thể như sau:
1) Đề nghị HĐXX áp dụng: điểm b khoản 1 Điều 355; điểm a, b khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015 sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo;
2) Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 356 BLTTHS năm 2015 không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo;
3) Đề nghị HĐXX áp dụng: Điều 590, 591 BLDS 2015 buộc các bị cáo phải bồi thường dân sự cho anh Đỗ Văn Nam do đã bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe đặc biệt nghiêm trọng.
Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!
Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe !
Luật sư bào chữa: Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai