Luật sư tranh tụng vụ án tranh chấp quyền thừa kế tài sản

83

Là của hai cụ Đặng Văn Giảng và Nguyễn Thị Y. Sau đó, bố mẹ bà Tân là ông Dương Văn An, Đặng Thị Nhâm được thừa hưởng cùng các con của mình sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai từ năm 1960 đến nay. Năm 1971, ông Dương Văn An mất, đến năm 2011bà Đặng Thị Nhâm mất để lại hai khối tài sản gồm:

Một là: Thửa đất đất thổ cư diện tích 275 m2,  số thửa 115, thuộc tờ bản đồ số 31 có địa chỉ tại tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Hiện nay, ông Dương Văn Đoàn là con trai đang sinh sống, sử dụng được UBND huyện Từ Liêm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002 theo quyết định số 2410/QĐ – UB ngày 26/12/2002.

Hai là: Năm 1999, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Trào có giao đất theo Nghị Định 64/1993/NĐ – CP  ngày 27/09/1993 của Chính Phủ cho các hộ xã viên. Lúc đó bà Đặng Thị Nhâm đang sinh sống cùng với gia đình ông Dương Văn Đoàn, nên Hợp tác xã giao cho ông Đoàn là 07 (bảy) xuất đất nông nghiệp: trong đó gia đình ông Đoàn có 6 khẩu còn bà nhâm 01 khẩu là 07.

Do có nhiều mâu thuẫn, bất đồng với nhau cùng với nguyện vọng có đất của ông cha làm nơi thờ cúng tổ tiến. Do vậy, chị em bà Tân đã đề nghị ông Đoàn để lại một phần diện tích đang sử dụng để làm nơi hương hỏa nhưng không thỏa thuận được với nhau. Ngày 06/09/2017, UBND phường Xuân Đỉnh đã tiến hành phiên hòa giải nhưng không thành. Theo đó, ngày 15/11/2017, các nguyên đơn đã nộp hồ sơ khởi kiện tại TAND TP. Hà Nội, với yêu cầu giải quyết như sau:

(1)        Đề nghị TAND TP. Hà Nội Hà Nội chia thừa kế theo pháp luật hai khối tài sản của bố mẹ để lại là mảnh đất thổ cư diện tích là 275m2, số thửa 115, thuộc tờ bản đồ số 31 có địa chỉ tại tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cùng thửa đất nông nghiệp diện tích 340m2, ở khu cánh Đồng Bãi Cao, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm nay thuộc tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, theo quy định của pháp luật;

(2)       Đề nghị TAND TP. Hà Nội hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với  đất ở mà ông Dương Văn Đoàn đã được cấp sổ đỏ vào năm 2002, nhưng chị em bà Tân không được bàn bạc thống nhất do ông Đoàn tự ý kê khai chia tài sản một mình mà không có chữ ký của các chị em nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, đây là vụ án dân sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 26  Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015: “Tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy GCNQSDĐ”. Thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 34, Điều 37 Bộ Luật tố tụng dân sự hiện nay.

Qua trao đổi làm việc với các đương sự, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay. Tôi xin trình bày bản luận cứ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

Về quy định của pháp luật

Một là: Theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế hiện nay là 30 năm đối với bất động sản (Điều 623). Như vậy, Ông Dương Văn An mất năm 1971. Bà Đặng Thị Nhâm mất ngày 10/01/2011. Thời hiệu về thừa kế được tính từ khi bà Nhâm mất đến ngày khởi kiện là 07 năm, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật vẫn còn. Do đó, theo quy định tại Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì một người có tài sản mà sau khi chết đi không để lại di chúc định đoạt tài sản đó sẽ phát sinh quyền thừa hưởng di sản thừa kế của những người đó để lại. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ,  cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Căn cứ vào quy định này tại thời điểm ông An, bà Nhâm mất thì gia đình các nguyên đơn có sáu anh chị em ruột là: Dương Thị Thìn, Dương Thị Mùi, Dương Văn Đoàn, Dương Thị Tân, Dương Thị Vân, Dương Thị Chiến thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng thừa kế di sản của bố mẹ.

Hai là: căn cứ vào các tài liệu đã được thu thập, xác minh, thẩm tra cho thấy thửa đất thổ cư là tài sản chung hợp pháp của hai vợ chồng ông Dương Văn An và bà Đặng Thị Nhâm. Điều này phù hợp với các quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình; Điều  219 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định tại thời điểm đó, cụ thể như sau:

– Luật HNGĐ năm 2000 – Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng:

  1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

Bộ Luật Dân sự năm 2005 “Điều 219. Sở hữu chung của vợ chồng: 

“1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.

  1. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
  2. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.”

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên đây là tài sản chung hợp nhất của hai vợ chồng ông An, bà Nhâm được hình thành trong thời kỳ hôn nhân do đã nhận chuyển nhượng lại hợp pháp của bố mẹ là cụ Đặng Văn Giảng và Nguyễn Thị Y. Do đó, theo yêu cầu chia tài sản thừa kế theo pháp luật của các nguyên đơn, khối tài sản chung này sẽ được phân chia theo quyết định của Tòa án. Cụ thể, bản di chúc của bà Đặng Thị Nhâm lập ngày 15/9/2010 chỉ có giá trị pháp lý là quyền định đoạt tài sản của mình cho ông Dương Văn Đoàn có quyền quản lý, sử dụng. Đối với phần tài sản còn lại của ông Dương Văn An sẽ được những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thừa hưởng bao gồm vợ và các con theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ Luật Dân sự năm 2005. Bà Nhâm đã chết nên tài sản được chia đều cho sáu người con đẻ.

Về bản di chúc

Ngày 8/10/2018, chị Vũ Lan Minh và anh Dương Công Mạnh có biên bản giao nhận 01 bản chính “Di chúc” cho TAND TP. Hà Nội. Ngày 29/10/2018 Tòa Hà Nội ra quyết định trưng cầu giám định số 1301/2018/QĐ-TCGĐ tại Phòng giám định kỹ thuật hình sự – Bộ Quốc phòng. Theo đó, Cơ quan này đã ra kết luận giám định số 321/GĐKTHS-P11 ngày 15/11/2018 kết luận:

“Hai (02) dấu vân tay điểm chỉ in dưới mục “Người lập di chúc” tại trang 2 Bản di chúc đề ngày 15/09/2018 đứng tên cụ Đặng Thị Nhâm, sinh năm: 1929; thường trú tại: thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội không rõ đặc điểm chung, các đặc điểm riêng mờ nhòe, không đủ yếu tố giám định truy nguyên đồng nhất”.

Như vậy, dấu vân tay của bà Đặng Thị Nhâm không giám định được trong bản di chúc. Đánh giá về bản di chúc này do phía bị đơn cung cấp, luật sư nhận thấy:

Một là: về nội dung

Trong bản di chúc có nêu: “Nay tôi lập di chúc này để định đoạt tài sản củ tôi như sau: sau khi tôi qua đời, số tài sản tôi được sở hữu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền cấp, tôi để lại toàn bộ cho con trai tôi là anh Dương Văn Đoàn…tôi không để lại di sản thừa kế của tôi cho bất cứ ai khác ngoài anh Dương Văn Đoàn”.

Hai là: về mặt hình thức

Có dấu vân tay của bà Nhâm để lại. Đồng thời, có hai người làm chứng là ông Trần Văn Bằng, Dương Văn Tư.

Ngày 19/10/2018, TAND TP. Hà Nội tiến hành xác minh lấy lời khai của ông Dương Văn Tư có nội dung: “khi cụ Nhâm còn minh mẫn, tỉnh táo có mời tôi đến chứng kiến việc cụ lập di chúc cho ông Đoàn nhà đất. Tôi và ông Trần Văn Bằng được mời đến làm chứng. Tôi xác nhận tôi là người ký vào bản di chúc lập ngày 15/9/2010 của cụ Nhâm”.

Ông Trần Văn Bằng cũng khai nhận trong biên bản ghi lời khai ngày 19/10/2018 của TAND Hà Nội như sau:

“Năm 2010, khi cụ Nhâm còn tỉnh táo, minh mẫn có nhờ tôi và ông Dương Văn Tư (ông Tư là chú ruột ông Đoàn) đến để làm chứng việc cụ Nhâm lập di chúc cho ông Đoàn toàn bộ diện tích đất này”.

Đối chiếu bản di chúc trên với lời khai của các nhân chứng và quy định của pháp luật tại Điều 663 Bộ Luật Dân sự năm 2005, chúng tôi cho rằng đây không phải là bản di chúc chung của vợ chồng ông An, bà Nhâm mà chỉ có giá trị là di chúc riêng của bà Nhâm định đoạt quyền thừa kế tài sản của cá nhân mình cho ông Đoàn.

Mặt khác, căn cứ vào quy định tại Điều 652 quy định về di chúc hợp pháp, thì bản di chúc này phù hợp với Điều 656. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá cho rằng bản di chúc này không tuân thủ về mặt hình thức đó là do dấu vân tay không giám định được nên không có căn cứ khẳng định dấu vân tay trên bản di chúc có phải do của bà Nhâm điểm chỉ hay không. Hơn nữa, lại không có xác nhận của chính quyền địa phương, hay công chứng. Do đó, bản di chúc này xác định có một phần không hợp pháp theo quy định tại khản 4 Điều 667 BLDS 2005 quy định về hiệu lực của di chúc.

Về thửa đất thổ cư

Về chứng cứ chứng minh thửa đất thổ cư trên là của cụ Dương Văn An và bà Đặng Thị Nhâm như sau:

Căn cứ vào các hồ sơ tài liệu mà luật sư đã tiến hành thu thập được và văn bản số 18/UBND – DC ngày 08/01/2018 của UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cùng với biên bản xác minh của TAND Hà Nội như sau:

Theo sổ mục kê năm 1975, thửa đất số 258, diện tích 314 m2, mang tên ông Dương Văn An. Giai đoạn này, cụ Đặng Văn Giảng và Nguyễn Thị Y đã để lại quyền thừa kế, sử dụng đất cho ông An, bà Nhâm nên ông Dương Văn An đứng tên trên các giấy tờ đất đai.

Theo sổ mục kê năm 1987, thửa đất số 437 tờ bản đồ số 08 diện tích 311m2 và thửa số 115 diện tích 275m2 (theo sổ mục kê năm 1994) chính là thửa đất số 115, tờ bản đồ số 31, diện tích 275m2; địa chỉ tại tổ dân phố Cáo Đỉnh I, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội mà hiện nay các nguyên đơn đang khởi kiện chia tài sản thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, thời điểm này, sau khi ông Dương Văn An mất năm 1971, chị em gái bà Dương Thị Tân lấy chồng, bà Nhâm vẫn ở với vợ chồng ông Dương Văn Đoàn. Do đó, các giấy tờ tài liệu liên quan đến đất đai, ông Đoàn đều kê khai đứng tên.

Biên bản ghi lời khai ngày 12/4/2018 – Bl 153 ông Dương Văn Đoàn khai:

“Về nguồn gốc thửa đất số 115, tờ bản đồ số 31, diện tích 275m2; địa chỉ tại tổ dân phố Cáo Đỉnh I, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm là của ông bà ngoại tôi để lại cho mẹ tôi là Đặng Thị Nhâm nhưng sau đó, ông bà ngoại tôi đã lập giấy bán cho bố tôi là Dương Văn An, ông ngoại tôi là Đặng Văn Giảng, bà ngoại tôi là Nguyễn Thị Y. Vì thế trong sổ mục kê và trích lục bản đồ năm 1960 đứng tên chủ sử dụng đất là bố tôi Dương Văn An”.

Bl 151, anh Dương Công Mạnh và chị Nguyễn Thị Bạo là con đẻ của ông Đoàn khai rằng: “Bố tôi trình bày như trên là hoàn toàn đúng sự thật. Hiện nay, tôi cùng vợ con tôi và bố mẹ tôi đang ở trên nhà 05 tầng trên 80 m2 đất tại thửa đất của ông bà nội tôi”.

Ông Dương Văn Tư cũng khẳng định trong lời khai ngày 19/10/2018 như sau:

“Do hay xảy ra tranh chấp giữa ông An và anh rể (chồng bà Ưng) nên cụ Y có bán toàn bộ nhà đất, tài sản và chia cho các con. Ông An phải bỏ tiền ra mua lại đất này vào khoảng năm 1967-1968. Ông An chết năm 1971, không có di chúc để lại. Khi ông An còn sống trong gia đình không thấy nói gì về việc cho ai đất cả”.

Biên bản ghi lời khai ngày 19/10/2018, bà Trần Thị Phượng là con đẻ của bà Đặng Thị Ưng trình bày:

“Tôi cũng xác định ông bà ngoại tôi đã cho vợ chồng bà Nhâm đất này, vọ chồng bà Nhâm ở và sử dụng đến khi chết.Bà Nhâm di chúc lại đất này cho ông Đoàn thì là của ông Đoàn, chúng tôi không tranh chấp gì”.

Qua các chứng cứ tài liệu và những lời khai của các đương sự trên cho thấy: lời khai của họ phù hợp với nhau. Có giá trị chứng minh nguồn gốc mà các nguyên đơn đang khởi kiện chính là tài sản thừa kế hợp pháp của ông Dương Văn An và bà Đặng Thị Nhâm để lại.

Từ những căn cứ nêu trên khẳng đinh đây là tài sản chung hợp pháp của vợ chồng ông An, bà Nhâm đối với thửa đất thổ cư diện tích 275 m2, nhưng theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 22/6/2018 của TAND TP. Hà Nội và sơ đồ thửa đất phục vụ thẩm định tại chỗ của CTCP phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ Hà Nội thì diện tích thực là 265, 4 m2. Đây là kết quả đo đạc thực tế phản ánh hiện trạng và diện tích thửa đất thổ cư là tài sản chia thừa kế. Bởi vậy, tài sản chung vợ chồng ông An, bà Nhâm được tính như sau:

  • 265, 4 m2 : 02 (vợ chồng) = 132,7 m2/1 người.

Do bản di chúc chỉ có giá trị pháp lý là tài sản thừa kế của bà Đặng Thị Nhâm để lại cho ông Dương Văn Đoàn. Vì vậy, tài sản của ông An sẽ chia làm 06 kỷ phần cho 06 người con là: Dương Thị Thìn, Dương Thị Mùi, Dương Văn Đoàn, Dương Thị Tân, Dương Thị Vân, Dương Thị Chiến. Trong đó, ông Đoàn được hưởng thêm 01 kỷ phần do có công sức tôn tạo, tu bổ và đóng thuế đất hàng năm. Cụ thể:

  • 132,5 m2 : 07 kỷ phần = 18,9 m2/1 kỷ phần

Năm chị em nguyên đơn được thừa hưởng như sau:

18,9 m2/1 kỷ phần x 05 người = 94,5 m2 (làm tròn 94 m2)

Về đất nông nghiệp

Căn cứ vào các tài liệu “Trích lục bản đồ” có trong Biên bản hòa giải ngày 06/09/2017 cung cấp cho các đương sự và ban địa chính UBND phường Xuân Đỉnh cung cấp cho luật sư ngày 20/10/2017, cùng với biên bản xác minh ngày 22/6/2018 của TAND TP. Hà Nội cho thấy:

Hộ gia đình ông Dương Văn Đoàn gồm 07 nhân khẩu được cấp đất nông nghiệp theo nghị định 64 vào năm 1999-2000, tiêu chuẩn 340 m2/01 nhân khẩu. Bảy nhân khẩu là: cụ Đặng Thị Nhâm; ông Dương Văn Đoàn; bà Nguyễn Thị Lan; anh Dương Công Mạnh; chị Dương Thị Bạo; chị Dương Thị Hường; chị Dương Thị Phương. Trong đó thửa số 183 diện tích 442 m2 đất nông nghiệp đã bị thu hồi làm dự án mở đúng vào Đại học Mỏ đại chất và đã bồi thường vào năm 2007. Số tiền là 147.893.000 đồng, gia đình ông Đoàn đã nhận. Thửa số 162, 167, 168,196 tờ bản đồ số 9 thuộc khu Bãi Cao; thửa 208 tờ bản đồ số 08, diện tích 198 m2 ở khu Bãi Cà là đất nông nghiệp.

Theo nguyện vọng của chị em bà Dương Thị Tân được được chia phần đất của bà Đặng Thị Nhâm 340 m2 cho sáu người con đề nghị HĐXX chấp thuận. Cụ thể:

340 m2 : 06 (chị em) = 56,5 m2/1 người.

05 chị em bà Tân được hưởng là:

56,5 m2 x 05 = 282 m2

Về yêu cầu hủy GCNQSDĐ của ông Dương Văn Đoàn.

Năm 1999, ông Dương Văn Đoàn đã tự kê khai cấp sổ đỏ và chỉ nộp kèm theo các hóa đơn nộp thuế hàng năm, không tổ chức họp các anh chị em và hỏi ý kiến của bà Đặng Thị Nhâm nên đã được cấp Giấy CNQSDĐ năm 2002. Như vậy, việc ông Đoàn tự ý phân chia quyền sử dụng đất, tự kê khai mà không có sự bàn bạc thống nhất và không có chữ ký của các anh chị em trong hàng thừa kế.

Luật sư đã thu thập được toàn bộ hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Đoàn năm 2002 tại Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm. Trong đó có “Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất” ngày 23/08/1998 thì đúng chỉ có chữ ký của mình ông Đoàn mà không có xác nhận của các chị em. Đặc biệt trong xác nhận của UBND xã Xuân Đỉnh ngày 04/03/2002 có nội dung:

“ông Dương Văn Đoàn là chủ sử dụng thửa đất như trong đơn đã khai, nguồn gốc đất thổ cư, thừa kế năm 1992, sử dụng ổn định, không tranh chấp”

Theo nội dung xác nhận trên của chính quyền địa phương thời điểm đó, chúng tôi nhận thấy năm 2010 bà Đặng Thị Nhâm mới lập di chúc để lại quyền thừa kế tài sản cho ông Đoàn, còn theo ông Dương Văn Tư khai: “khi ông Dương Văn An chết không để lại di chúc và không nói gì việc chia đất đai nhà cửa cho ai”. Điều này, cho thấy UBND xã Xuân Đỉnh xác nhận không đúng, “Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất” và các văn bản khác mà ông Đoàn kê khai với các cơ quan có thẩm quyền làm sổ đỏ là không đúng sự thật. Cho nên, luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các nguyên đơn đối với ông Dương Văn Đoàn.

ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ

Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: việc các nguyên đơn khởi kiện chia tài sản thừa kế theo pháp luật là có căn cứ pháp lý, đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét những nhận định, phân tích trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Chúng tôi đề nghị cụ thể như sau:

1- Đề nghị  HĐXX áp dụng khoản 5 Điều 26, Điều 37 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000; Điều 219 Bộ Luật Dân sự năm 2005; Điều 623, 650; điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ Luật Dân sự năm 2015: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chia tài sản thừa kế theo pháp luật;

2- Đề nghị  HĐXX áp dụng Điều 34 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 Điều 106 Luật đất đai 2013 thu hồi và hủy sổ đỏ của ông Dương Văn Đoàn được UBND huyện Từ Liêm cấp ngày 26/12/2002;

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!

Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai