Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá, thẩm định giá trong BLTTDS năm 2015

641
Mặc dù, Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015, không quy định cụ thể đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ cũng như định giá tài sản tranh chấp, nhưng tại khoản 2 của Điều này, quy định một trong những nghĩa vụ của đương sự là nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật. Tại Mục 2, Chương IX của Bộ luật này, quy định về các chi phí tố tụng khác, mà theo đó, các chi phí tố tụng khác bao gồm: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí ủy thác tư pháp trong nước; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí giám định; chi phí định giá tài sản; chi phí người làm chứng; chi phí cho người phiên dịch, luật sư; quy định cụ thể về chi phí tố tụng. (từ Điều 151 đến Điều 169 BLTTDS năm 2015).
Tuy pháp luật tố tụng dân sự quy định về nghĩa vụ tạm ứng chi phí, chịu chi phí; xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng khá rõ ràng, nhưng thực tiễn áp dụng cho thấy có bất cập, không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của đương sự, đó là trường hợp, nếu yêu cầu khởi kiện của đương sự được Tòa án chấp nhận một phần, thì chi phí xem xét thẩm định tại chỗ; định giá tài sản trước đó, người khởi kiện đã bỏ ra, họ vẫn phải “gánh chịu” nếu yêu cầu khởi kiện của họ được Tòa án chấp nhận một phần. Mà lẽ ra, họ chỉ phải có nghĩa vụ chịu các khoản chi phí ấy tương đương với phần yêu cầu khởi kiện không được Tòa án chấp nhận, trong trường hợp này cả hai bên đương sự đều phải chịu các khoản chi phí này là mới công bằng. Mặt khác, dù Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ rồi, nhưng đương sự có được quyền đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục xem xét, thẩm định lại không?… Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến những nội dung vướng mắc vừa nêu và đề xuất kiến nghị.
Thứ nhất: Theo quy định tại Điều 101 BLTTDS năm 2015, về xem xét, thẩm định tại chỗ, như sau:
1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiếtThẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.
2. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.
4. Thẩm phán có quyền đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xãCông an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ hỗ trợ trong trường hợp có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ.
Từ quy định trên có thể thấy:
Một là, khi đương sự có đơn yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ, mà nội dung xem xét, thẩm định tại chỗ liên quan đến vụ kiện, thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đó phải tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của đương sự. Do vậy, dù nội dung xem xét, thẩm định tại chỗ đã được Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành trước đó, nhưng đương sự vẫn được quyền đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành xem xét, thẩm định lại.
Xoay quanh vấn đề này, có ý kiến cho rằng, tuy luật không quy định hạn chế quyền đề nghị này của đương sự trong vụ kiện dân sự, nhưng với đề nghị xem xét, thẩm định tại chỗ lại lần thứ hai, chỉ được Tòa án chấp nhận khi có căn cứ cho rằng kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ lần trước đó, về hình thức không thể hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 101 BLTTDS năm 2015, như: Không có chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự trong biên bản, nếu họ có mặt đầy đủ tại buổi xem xét, thẩm định tại chỗ. Ngoài lý do này, Tòa án không thể chấp nhận đề nghị của đương sự về xem xét, thẩm định tại chỗ lại, vì thực tế khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ có nhiều thành phần tham gia, như: Các bên đương sự; đại diện của UBND cấp xã; cán bộ chuyên môn (địa chính, đo đạc,…) và những người khác được Tòa án mời. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng: Luật không hạn chế quyền đề nghị Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ của đương sự là bao nhiêu lần. Hơn nữa, nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thuộc về đương sự, nếu yêu cầu khởi kiện của họ không được Tòa án chấp nhận. Do đó, Tòa án không thể “nại” ra bất kỳ lý do gì để từ chối quyền này của đương sự. Tất nhiên, khi đương sự có đơn đề nghị, nhất là đề nghị xem xét, thẩm định lần thứ hai, nghĩa là, theo họ thực tế kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ mà Tòa án đã thực hiện trước đó, không phản đúng thực tế khách quan, dễ dẫn đến phán quyết của Tòa không bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của họ.
Tác giả đồng tình với ý kiến này, vì thực tế khi tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ nhất là các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, tuy Tòa án có mời đầy đủ các thành phần, nhưng trên thực địa tại nơi xem xét, thẩm định tại chỗ, ngoài Thẩm phán, Thư ký Tòa án ra, còn lại chỉ có các bên đương sự và cán bộ địa chính của cấp xã, hoặc cán bộ đo đạc. Đó là chưa kể, cán bộ địa chính là người vừa mới nhận công tác, tài liệu sổ sách phục vụ công tác chuyên môn không được bàn giao đầy đủ; ngại va chạm, nể nang với một bên tranh chấp là quan chức lãnh đạo ở địa phương hoặc sợ dơ giầy dép, ngại lội mương, lội ruộng… nên tiến hành theo kiểu qua loa, đại khái hoàn toàn thiếu chính xác. Nhằm góp phần hạn chế tình hình khiếu nại, nhất là đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mà một trong những nguyên nhân được đưa ra là kết quả đo đạc, thẩm định thiếu chính xác, không khách quan, Tòa án cấp phúc thẩm cần chấp nhận đề nghị của đương sự xem xét, thẩm định tại chỗ lại.
Hai là: Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 BLTTDS năm 2015: Khi xét thấy cần thiếtThẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗVấn đề đặt ra, cụm từ khi “xét thấy cần thiết được hiểu như thế nào cho đúng? Khi nào, trong những trường hợp nào là thấy cần thiết? Chẳng hạn, quá trình thụ lý giải quyết án, TAND tỉnh B đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của nguyên đơn, nhưng sau đó, xét thấy không thuộc thẩm quyền, nên đã chuyển vụ án cho TAND có thẩm quyền của tỉnh C (theo quy định chuyển vụ án ngoài tỉnh). Vậy, khi thụ lý vụ án này, TAND tỉnh C có tiếp tục sử dụng kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ mà TAND tỉnh B đã thực hiện, hay thuộc trường hợp “cần thiết” phải xem xét, thẩm định tại chỗ lại?
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 156 BLTTDS năm 2015: Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.”. Nếu theo quy định này, sự “xét thấy cần thiết” xem xét, thẩm định tại chỗ có thể chỉ được thực hiện tại giai đoạn xét xử phúc thẩm. Vậy tại sao quá trình giải quyết án, Tòa án có thẩm quyền không “xét thấy cần thiết” và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm? Tuy đó là quyền của đương sự, nhưng không phải mọi đương sự trong vụ án dân sự đều am hiểu mọi quy định của pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng dân sự nói riêng. Có thể do nhận thức pháp luật còn hạn chế của đương sự không biết mình có quyền được đề nghị này hoặc cũng có thể do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể xoay sở ra khoản tiền để tạm nộp cho Tòa án chi phí tố tụng cần thiết đó.Theo tác giả, nhằm tránh tình trạng bản án, quyết định dân sự của Tòa án không “tâm phục, khẩu phục”, bị cấp phúc thẩm sửa, hủy do thiếu thông tin xác đáng từ kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn giải thích quy định thế nào là trường hợp cần thiết để  Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định này trong thực tế được áp dụng.
Ba là: Điều 169 BLTTDS năm 2015 quy định cụ thể về các chi phí tố tụng, mà theo đó, căn cứ vào quy định của Bộ luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịchchi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ ánNgày 30/12/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (viết tắt Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14). Về đối tượng điều chỉnh, tại Điều 2 của Nghị quyết này quy định: “Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến án phí và lệ phí Tòa án.”. Ngoài Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ra, cho đến nay UBTVQH vẫn chưa ban hành nghị quyết nào điều chỉnh về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Trong khi đó, thực tiễn giải quyết án dân sự cho thấy rất cần sự quy định cụ thể của UBTVQH việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Điều 157 BLTTDS năm 2015 quy định nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, như sau: Trường hợp các bên đương sự không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được xác định như sau:
1. Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;
2. Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia;
3. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ;
4. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này thì nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ;
5. Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này thì người yêu cầu xem xét, thẩm định phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Tương tự như vậy, Điều 165 BLTTDS năm 2015, quy định về nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá, như sau: Trường hợp các bên đương sự không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá được xác định như sau:
1. Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;
2. Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia;
3. Trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:
a) Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ;
b) Tòa án trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.
4. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì nguyên đơn phải chịu chi phí định giá tài sản.
Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí định giá tài sản;
5. Các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người yêu cầu định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản;
6. Nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định giá tài sản của đương sự được thực hiện như nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều này.”
Người có yêu cầu thực hiện các công việc tố tụng cần có chi phí thì phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng nếu không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng thì coi như từ bỏ yêu cầu; trách nhiệm của nguyên đơn, người phản tố, người có yêu cầu độc lập theo quy định của pháp luật phải nộp tạm ứng chi phí tố tụng; nếu không nộp thì coi như họ từ bỏ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Không chỉ khoản 1 Điều 156, mà cả khoản 1 Điều 165 BLTTDS năm 2015, đều chỉ dừng lại với quy định: Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí định giá, thẩm định giá nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận. Nghĩa là, yêu cầu của đương sự nếu không được Tòa án chấp nhận toàn bộ, thì đượng sự phải gánh chịu mọi chi phí tố tụng phát sinh (nếu có). Vấn đề đặt ra với trường hợp các bên đương sự không có thoả thuận về nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí định giá, thẩm định giá; pháp luật cũng không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí định giá, thẩm định giá được xác định như thế nào, khi yêu cầu khởi kiện của đương sự được Tòa án chấp nhận một phần. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, do vậy, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ mà nguyên đơn có nghĩa vụ phải chịu theo thực tế Tòa án sơ thẩm đã thanh toán 5.850.000 đồng; chịu chi phí định giá tài sản là 21.750.000 đồng (gồm 01 trang trại nuôi bò có diện tích xây dựng 1.200m2, được xây tường gạch chung quanh, khung sắt, mái tol, nền ciment, trên thửa đất có  diện tích 60.000m2). Sau đó, nguyên đơn kháng cáo, Tòa phúc thẩm chấp nhận đơn đề nghị xem xét, thẩm định tại chỗ lần thứ hai của nguyên đơn. Tổng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ lần này là 7.490.000 đồng. Kết quả xét xử phúc thẩm, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn; sửa bản án sơ thẩm số 126/2016/DS-ST ngày 29/9/2016 của TAND huyện K, theo hướng buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa hai thửa đất liền kề, tháo gỡ các cọc xi măng và lưới B40 phần diện tích 660 m2 và trả lại nguyên trạng diện tích đất đã lấn chiếm cho nguyên đơn là mương ranh giữa 02 thửa đất (dài 300 mét, rộng 2,2 mét) thuộc thửa đất số 10, tờ bản đồ số 16. Do còn đang vướng mắc như đã đề cập từ quy định tại khoản 1 Điều 156 và khoản 1 Điều 165 BLTTDS năm 2015, nên bản án, quyết định của HĐXX phúc thẩm không đề cập đến nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng mà nguyên đơn đã bỏ ra. Theo tác giả, trường hợp cụ thể này nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản phải thuộc về mỗi bên tương ứng với nghĩa vụ của mình mà bản án, quyết định Tòa án đã tuyên, chứ không thể cho rằng, do các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định khác với khoản 1 các điều 156, 165 BLTTDS năm 2015, từ đó, Hội đồng xét xử “lờ” đi phán quyết nghĩa vụ chịu các khoản chi phí tố tụng này. Tuy nhiên, cái khó ở đây không phải Tòa án cấp phúc thẩm không thấy bất cập này, mà vấn đề là ở chỗ pháp luật hiện hành chưa có quy định.
Việc Tòa án không tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của mình, điều này đồng nghĩa với việc nguyên đơn (bên đã tạm ứng và thanh toán xong với Tòa án các khoản chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí định giá) mặc nhiên phải gánh chịu. Thực tế hiện nay, để Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ thì người đề nghị phải tạm ứng trước khoản chi phí và khoản tạm ứng này bao giờ cũng hơn so với số chi phí thực tế. Hay đối với trường hợp phải định giá tài sản, người đề nghị phải nộp mọi chi phí có liên quan cho cơ quan, tổ chức định giá, do vậy, cơ hội nhận lại được khoản tiền mà người đề nghị xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá, thẩm định giá đã bỏ ra trước đó, nếu họ chỉ được Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện như ví dụ trên là rất thấp và hầu như là không thể. Rõ là thiệt thòi quá lớn cho người khởi kiện, thiết nghĩ, pháp luật cần sớm hoàn thiện.
Giải quyết các vụ án dân sự, đặc biệt là các vụ án liên quan tới quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, thì việc xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá đối với tài sản đang tranh chấp là cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án; hồ sơ trích đo địa chính là một chứng cứ quan trọng để Tòa án làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án được chính xác, đúng quy định pháp luật. Việc Tòa án xác định chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tranh chấp và thực hiện việc thu, chi liên quan đến hoạt động tố tụng này là đúng. Đa số các Tòa án đã áp dụng các nguyên tắc chung của BLTTDS quy định về các chi phí tố tụng khác trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ và tính chi phí thực tế linh hoạt tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể giải quyết.
Điều 101, Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là một trong những biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán tiến hành, có thể là theo yêu cầu của đương sự hoặc do Thẩm phán chủ động tiến hành khi xét thấy cần thiết và phải được thực hiện theo trình tự do pháp luật quy định, để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong công tác thẩm định tại chỗ và định giá, các chi phí này do người thua kiện chịu. Do vụ tranh chấp chưa được xét xử, chưa xác định được ai là người thua kiện, pháp luật quy định bên nguyên đơn hoặc người yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ; định giá tài sản. Tuy nhiên, thực hiện quy định này trong thực tế đang gặp không ít vướng mắc.Chẳng hạn, người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng đang gặp nhiều khó khăn sau lũ lụt, hoa màu, ruộng lúa đang đến độ thu hoạch bị thiệt hại gần như toàn bộ hoặc hộ nghèo không có khả năng nộp tạm ứng thì không được xem xét giảm, miễn đối với chi phí tố tụng này không?.
Quá trình Tòa án giải quyết các vụ án có liên quan đến đất đai thì việc đo đạc, thẩm định tại chỗ để xác định được diện tích đất tranh chấp, cây trồng, vật kiến trúc trên đất là bắt buộc, làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật. Để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong công tác thẩm định, định giá, theo quy định tại Điều 104 BLTTDS năm 2015, Hội đồng định giá do Tòa án thành lập. Quy định tại điểm a khoản 4 Điều này,  “…Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá”. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là trường hợp cần thiết, thì chưa có hướng dẫn cụ thể, nên có vụ án Tòa án mời Ủy ban, có vụ án Tòa án không mời Ủy ban và điều này còn liên quan đến việc xác định tính hợp pháp của biên bản định giá khi đánh giá chứng cứ là Biên bản định giá, nên nếu không có chữ ký của đại diện Ủy ban nhân dân trong Biên bản định giá có bị coi là vi phạm thủ tục thu thập chứng cứ không?. Nếu thực hiện, thì khi nào đại diện Ủy ban xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá tài sản. Bên cạnh đó, trường hợp tài sản chung được định giá cùng một thời điểm nhưng ở hai trung tâm định giá khác nhau, có giá khác nhau thì lấy kết quả của trung tâm nào làm căn cứ giải quyết. Trong trường hợp tiến hành định giá lại thì vẫn Hội đồng định giá đó tiến hành định giá hay phải thành lập Hội đồng định giá khác và Hội đồng định giá khác được thành lập ở cấp nào? Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên quá trình thực hiện còn khó khăn, vướng mắc.
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015, mà theo đó, nếu nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự. Từ đó, có thể thấy, nếu nguyên đơn là hộ nghèo hoặc thuộc các đối tượng chính sách (thương binh, người có công cách mạng,…) và không có khả năng nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản thì quyền lợi chính đáng của họ có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Việc Tòa án ấn định cho đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản“là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ” (khoản 1 Điều 155 BLTTDS năm 2015); “tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản là số tiền mà Hội đồng định giá tạm tính để tiến hành việc định giá tài sản theo quyết định của Tòa án” (khoản 1 Điều 163 BLTTDS năm 2015). Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết rõ ràng về trình tự thủ tục thu, chi liên quan đến loại chi phí này và mỗi lần xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản số tiền là bao nhiêu? Căn cứ vào tiêu chí nào để thanh toán khoản chi phí này với đương sự,…Chính vì vậy, thực tế nảy sinh việc ấn định số tiền tạm ứng thường theo ý chủ quan của Tòa án dẫn đến mỗi Tòa án thực hiện mỗi cách khác nhau.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành  văn bản pháp luật quy định đối tượng, điều kiện được giảm, miễn chi phí thẩm định tại chỗ, định giá tài sản; đồng thời quy định trình tự, thủ tục thu chi và số tiền cụ thể cho mỗi lần xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản trong tố tụng dân sự. Theo tác giả, thực tế những khoản chi trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ thường bao gồm những khoản sau:
+Chi phí đo vẽ nhà đất: được tính theo giá của cơ quan có chức năng đo vẽ nhà, đất (có hợp đồng, biên lai thu tiền của những cơ quan này nên việc quyết toán khoản này không có gì vướng mắc). Cán bộ thực hiện đo vẽ không được bồi dưỡng. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, hợp lý với những vụ án mà việc đo vẽ vất vả như: phải đến tận thửa đất ruộng, đất vườn, lội mương, lội ruộng để đo hoặc phải phạt bụi rậm hay phải đi xa, đi lại nhiều lần mới đo vẽ được do đương sự không hợp tác…, một số Thẩm phán đã chi bồi dưỡng cho cán bộ đo vẽ tùy từng trường hợp cụ thể, mức chi khoảng 200.000đ/lượt/người; nhưng cũng có Thẩm phán chỉ chi 50.000đ/lượt/người và chỉ chi trong trường hợp đương sự không hợp tác nên không thực hiện được việc đo vẽ, các trường hợp còn lại không chi;
+Chi phí cho phương tiện đi lại: nếu địa điểm xem xét, thẩm định ở xa thì cho phí được tính theo giá vận chuyển có biên lai; đối với các địa điểm gần, cán bộ Tòa án và thành viên đo vẽ tự túc phương tiện;
+Chi phí cho đại diện UBND cấp xã tham gia xem xét thẩm định, mức chi bồi dưỡng này được các Tòa án áp dụng cũng khác nhau. Thường là việc xem xét, thẩm định tại chỗ được thực hiện trong một ngày, có Tòa án áp đặt mức chi 50.000đ/người (mặc dù không ít Thẩm phán tại chính đơn vị đó thấy đây là điều bất hợp lý muốn chi thêm nhưng không được vì cơ quan đã thống nhất định mức như vậy), có Tòa án chi 100.000đ/người, cũng có Thẩm phán chi 200.000đ/người vì cho rằng Tòa án rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của UBND không chỉ trong hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ, nên cần phải giữ mối quan hệ tốt với cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp địa phương. Mặc dù, đối với phần lớn các vụ án, đại diện UBND có mặt chỉ là thủ tục tố tụng bắt buộc, trên thực tế họ không phải làm gì, nhưng về nguyên tắc, họ đã phải bỏ thời gian tham gia và chịu trách nhiệm trong hoạt động tố tụng của Tòa án nên cần tính toán việc chi bồi dưỡng cho họ hợp lý. Ngoài ra, có những vụ phải xem xét, thẩm định gần cả ngày, địa điểm ở xa, Tòa án phải bố trí ăn trưa cho tất cả những người tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ mà không biết lấy kinh phí từ nguồn nào.

Ths.LS Lê Văn Sua
Văn phòng luật sư Lê Sua

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai