Chiếm đoạt tiền từ thiện bị xử lý như thế nào?

232

Từ thiện là việc làm tốt đẹp, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh. Tuy nhiên, không ít trường hợp lợi dụng kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt số tiền này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý nghiêm theo quy định.

Hiện nay, theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP, công tác tổ chức vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng tiền, hàng đóng góp trong mỗi cuộc vận động khắc phục hậu quả thiên tai phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Trách nhiệm hành chính

Nếu người kêu gọi quyên góp từ thiện có một trong các hành vi trên thì căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, còn bị tịch thu toàn bộ số tiền đã kêu gọi, quyên góp được.

Trách nhiệm hình sự

Bên cạnh đó, nếu hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, cần xác định “hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện” có trước hay sau việc kêu gọi từ thiện.

– Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối trong trường hợp kêu gọi quyên góp từ thiện có thể là đưa ra thông tin giả để làm cho người khác tin và giao tài sản cho người phạm tội.

Mức phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.

– Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, hành vi làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vạy, mượn, thuê tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối để bỏ trốn hoặc chiếm đoạt tài sản đó.

Trong trường hợp kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, hành vi chiếm đoạt tài sản có thể là hành vi không thực hiện đúng cam kết ban đầu, cũng không trả lại số tiền đã quyên góp bằng các thủ đoạn gian dối như: rút bớt tài sản, giả mạo bằng chứng từ.

Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Dùng tài khoản cá nhân quyên tiền từ thiện: Pháp luật quy định thế nào?

Nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng khi một cá nhân sử dụng tài khoản mình mở tại ngân hàng để huy động tiền từ thiện, thì tài khoản đó dưới góc độ pháp lý vẫn chỉ là một tài khoản tiền gửi cá nhân thông thường.

Do vậy, việc công khai số dư tài khoản, lịch sử hoạt động tiền ra, vào tài khoản thuộc quyền quyết định của cá nhân đó, hoặc người được cá nhân đó ủy quyền.

Luật sư Long khẳng định pháp luật chỉ quy định trong một số trường hợp đặc biệt, các cơ quan nhà nước có quyền can thiệp, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cá nhân.

Tuy nhiên, luật sư Long cũng lưu ý: “Thứ nhất, người dân gửi tiền từ thiện có lý do chính từ sức hút quảng bá lớn của cá nhân nghệ sĩ. Vì lý do này, mặc dù không thiếu những tổ chức từ thiện có hoạt động bài bản, nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiền theo lời kêu gọi từ nghệ sĩ.

Thứ hai, nếu các nghệ sĩ đã chấp nhận làm thiện nguyện, dùng ảnh hưởng của mình để huy động tiền thì cũng phải chấp nhận cơ chế quản lý công khai hoạt động tài khoản sao cho minh bạch.

Từ hai khía cạnh nêu trên cho thấy nếu có dư luận nghi ngờ mà nghệ sĩ nào đó không chịu minh bạch số tiền huy động, chi ra từ thiện thì các cơ quan thanh tra, điều tra cần vào cuộc xác minh theo tính chất vụ việc.

Một mặt trả lại sự ngay thẳng trong sạch cho các nghệ sĩ, mặt khác là để ngăn chặn và trừng trị việc lừa dối chiếm đoạt tiền từ thiện của cộng đồng nếu có”.

Quyên tiền vào tài khoản cá nhân là trái pháp luật

Theo pháp luật hiện hành, cá nhân muốn vận động, tiếp nhận tiền từ thiện thì phải lập quỹ hợp pháp.

Điều đó có nghĩa việc các nghệ sĩ chưa lập quỹ hợp pháp mà dùng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện là trái pháp luật. Thủ tục thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội được thực hiện theo quy định tại 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng thực tế như một thông lệ và truyền thống tốt đẹp của người Việt, khi xảy ra thiên tai các cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ luôn nhiệt tình kêu gọi ủng hộ người dân gặp khó khăn.

Hành động này nặng về tình người, tương thân tương ái và thực hiện trong hoàn cảnh cấp bách, nên cơ quan thực thi pháp luật chưa quan tâm và mặc nhiên để nó tồn tại, thiếu kiểm soát. Từ đó, đã có không ít vụ lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân bị cơ quan chức năng xử lý.

“Với cách dùng tài khoản cá nhân để huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ hiện nay lộ ra sự khó kiểm soát về tính minh bạch, khách quan.

Có người huy động được số tiền rất lớn đến hàng trăm tỉ đồng, số tiền này nếu không được công khai, minh bạch và kiểm soát thì nguy cơ bị lợi dụng không phải là không có.

Một tài khoản vừa thu chi cho mục đích cá nhân, vừa làm từ thiện trong một thời gian dài thì rất khó chứng minh tính minh bạch”, luật sư Long nhấn mạnh.

Ăn chặn tiền từ thiện, bị xử lý hình sự

Đối với tình huống mà dư luận đang rất quan tâm là huy động được nhiều nhưng công bố ít, một thẩm phán đang làm việc tại TAND TP.HCM cho rằng người làm từ thiện phải minh bạch tài khoản, thông báo số dư thu chi hằng ngày trong thời gian làm từ thiện và báo cáo kết quả tổng kết sau khi kết thúc hoạt động từ thiện, chứ không phải đợi khi dư luận lên tiếng thì mới báo cáo, công khai.

Người làm từ thiện không thể lập luận rằng làm từ thiện là vì cái tâm nên không dám gian lận, cái tâm phải xuất phát từ minh bạch thì mới đáng tin.

“Ở góc độ pháp luật, hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện có dính dáng đến vụ lợi cá nhân là vi phạm pháp luật, nếu chứng minh được khoản tiền từ thiện bị dùng trái mục đích, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015”, vị này nói.

Theo đó, những nhà hảo tâm đã có đóng góp từ lời kêu gọi của các nghệ sĩ, nếu có chứng cứ chứng minh họ không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi thì cần làm đơn tố giác tội phạm gửi đến các cơ quan chức năng để được xem xét.

Từ đó, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu ngân hàng và những người liên quan cung cấp dòng tiền trong tài khoản từ thiện để điều tra. Trong trường hợp không có người tố giác, nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ quan điều tra tự mình phát hiện có dấu hiệu trục lợi hoạt động từ thiện, họ cũng có quyền điều tra theo quy định.

Ngoài ra, nếu có nghi ngờ người làm từ thiện, dưới danh nghĩa là “nhà hảo tâm” dùng tiền từ các hoạt động thu nhập bất hợp pháp như một hình thức để rửa tiền, thì cơ quan điều tra cũng có thể điều tra độc lập.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai